Bùi Tín
Dư luận trong ngoài nước đang xôn xao bàn tán về lá Thư ngỏ của 61 đảng viên CS,
phần lớn là trí thức cấp cao từng đảm nhận những chức vụ quan trọng như
giáo sư, viện sỹ, chuyên gia, cố vấn trong bộ máy đảng và nhà nước.
Thật ra từ năm 2010, trước Đại hội đảng thứ XI, theo yêu cầu của Bộ
Chính trị mời toàn đảng và toàn dân góp ý vào các văn kiện dự thảo,
nhiều trí thức đã mạnh dạn và chân thành góp ý, nhưng lãnh đạo đã có
thái độ cực kỳ ngạo mạn, gần như không hề tiếp nhận một ý kiến phản biện
nào, dù cho đó là ý kiến sáng suốt, tỉnh táo, có cơ sở lý luận vững
chắc, thực tiễn rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
Đó là những ý kiến của Giáo sư Trần Phương và ông Vũ Khoan, từng là
phó thủ tướng: của các Giáo sư Đào Xuân Sâm, Đào Công Tiến, Phan Văn
Tiệm, Nguyễn Mại, Võ Đại Lược; của nguyên Đại sứ Nguyễn Trung; của các
chuyên gia Vũ Quốc Tuấn, Trần Đình Thiên, Việt Phương, Lê Đăng Doanh;
của các nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nữ chuyên gia ngân hàng
Dương Thu Hương; của cựu trưởng Ban Bảo vệ chính trị trung ương đảng
Nguyễn Đình Hương.…. Đó là mới chỉ kể những người tiêu biểu nhất, trong
đó không ít người tôi từng quen biết, từng trao đổi ý kiến từ khi còn ở
trong nước.
Tôi rất hiểu tâm trạng của những trí thức có trình độ, có tâm huyết
như thế, và tôi cũng hiểu sự chán nản, bực bội, có khi phẫn nộ của anh
chị em khi thấy lãnh đạo vẫn cứ một mực ù lỳ, giáo điều, ôm chặt chủ
nghĩa Mác-Lênin đã thất bại hiển nhiên, «kiên trì» chế độ độc quyền đảng
trị mục nát, duy trì chế độ sở hữu toàn dân về ruộng đất kỳ quặc, thực
hiện chính sách phi lý hèn với bọn bành trướng, ác với dân.
Ông Nguyễn Trung đã sốt ruột sau khi viết nhiều luận văn rất dài,
viết cả vở kịch «Lũ» để cảnh báo về tình hình cực kỳ nghiêm trọng, nay
lại cảnh báo khẩn cấp về «thảm họa Đen» đang gõ cửa nước ta (có thể đọc
trên mạng Thời đại mới), nhưng vẫn chỉ là công cốc, thật đau lòng, khốn
khổ về tinh thần cho người có tâm có tầm như thế.
Chẳng lẽ hàng ngũ trí thức VN đành chịu bó tay, theo lập luận rằng Bộ
Chính trị kêu gọi góp ý, mỗi người đã chân thành tích cực góp ý, thế là
hoàn thành nhiệm vụ, xong việc, còn lại là trách nhiệm của họ, của lãnh
đạo? Nghĩ như thế có ổn không?
Tôi nghĩ có một hàng rào tâm lý ngăn cản đội ngũ trí thức nước ta dấn
thân mạnh mẽ hơn nữa cho quê hương đất nước và nhân dân thân yêu của
mình. Một hàng rào có hại, nguy hiểm. Đó là khái niệm phong kiến về lòng
trung thành. Trung thành với đảng CS, với chế độ độc đảng, vì sau khi
vào đảng, anh chị em thường nghĩ và gọi là «đảng ta», «chế độ ta», trung
thành với lá cờ Tổ quốc, lá cờ đảng được coi là «những lá cờ của ta»,
ta từng mang xương máu ra để bảo vệ kia mà. Trung thành với lý tưởng xã
hội chủ nghĩa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với điều lệ đảng, với hiến
pháp của đất nước, trung thành với đường lối, chính sách, luật pháp của
đảng và nhà nước ta. Tất cả đều thiêng liêng, đặt trên bàn thờ để cúng
bái, không ai được coi thường, xúc phạm. Đạo đức xã hội phong kiến kiểu
Khổng giáo cho rằng không trung thành là xấu xa, đáng tủi hổ, là phản
bội, là nhục nhã, phải bị lên án, bị trừng phạt. Người quân tử phải
trung với nhà vua, làm điều phải, vâng lời cha mẹ, thầy giáo, không được
làm trái.
Lúc này xã hội ta cần truyền đạt, cổ xúy một thái độ tiến bộ. Đó là
coi đảng, nhà nước, học thuyết, đường lối, lý luận, điều lệ, hiến pháp…
tất cả chỉ là công cụ, là phương tiện để con người, xã hội sử dụng trong
sự nghiệp phát triển nhằm mưu cầu hạnh phúc chung. Tất cả những công
cụ, phương tiện ấy đều không có gì là thiêng liêng, vĩnh cửu, đều có thể
sửa chữa, thay đổi, thay thế tùy theo điều kiện cụ thể. Như cái cày cái
bừa của nông dân, cái búa cái kìm của người thợ, cái kim của cô thợ
may, cái bút của anh sinh viên. Không thể giữ thái độ cổ hủ, cố định,
đình trệ, rất phản khoa học, trái tự nhiên.
Nếu có chăng điều thiêng liêng thì đó là yêu nước thật lòng, thương
dân thật lòng, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ lãnh
hải của quê hương, làm điều thiện tránh điều ác, tránh lòng tham, không
đi ngược lại lương tâm, không làm trái điều mình tin là lẽ phải, phải có
dũng khí, không làm theo điều gì sai lầm có hại cho nhân dân đất nước.
Chủ nghĩa Mác-Lênin áp dụng ở Liên Xô, Đông Âu đã thất bại hiển
nhiên, bị gạt bỏ dứt khoát vậy còn tiếc rẻ làm gì? Chủ nghĩa xã hội thực
tiễn đã phá sản triệt để trong hơn 10 nước; ở VN Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng khẳng định đến cuối thế kỷ này cũng sẽ chưa thấy mặt mũi nó ra
sao, vậy thì giữ nó làm gì? Chủ nghĩa cộng sản còn xa vời hơn, chưa thấy
hình dáng nó ra sao, huống gì các ông CS hiện nay toàn là tư sản lớn
nhỏ cả, vậy thì chủ nghĩa CS đã trở thành vô nghĩa, ôm nó mãi làm gì?
Các ông Mác-Lênin chẳng có gì là thiêng liêng mà lại còn có hại, thì còn
có lý gì để còn luyến tiếc, để ghi mãi trong cương lĩnh, điều lệ đảng?
Hơn 20 năm trước toàn thế giới có trên 100 đảng và nhóm CS, nay tuyệt
đại đa số đã giải thể, đã chết, gần như tuyệt chủng, vậy giữ mãi cái
danh hiệu CS cô độc, bị lịch sử thải loại không thương tiếc, cho vào bảo
tàng rồi, không dám bỏ sang một bên để mang tên mới liệu có còn khôn
ngoan?
Khi hàng vạn trí thức CS đã nhận rõ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đem ra
áp dụng đã tàn phá đất nước, chủ nghĩa xã hội thực tiễn đã là tai họa
hiển nhiên cần dứt khoát từ bỏ nhưng lãnh đạo không chịu nghe theo lẽ
phải, vậy thì các anh chị em đó còn có lý do gì để tiếp tục giữ niềm tin
tuyệt đối trung thành với đảng? Như thế là đã tự mình mâu thuẫn với
chính mình, phản bội lại trí tuệ và lương tâm của chính mình, không nhất
quán với bản thân mình, vậy có còn là trí thức chân chính lương thiện
hay không? Họ đã ngụy biện, lấy sự trung thành với đảng, với lãnh tụ,
với học thuyết, với cương lĩnh để che dấu thái độ ươn hèn, thỏa hiệp với
sai lầm và còn trên thực tế đồng lõa với tội ác.
Tôi còn nhớ trước Đại hội XI của đảng CS, Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ yêu cầu
đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin để trở về với dân tộc, nếu không ông sẽ
công khai đốt thẻ đảng vì đảng không còn là đảng của ông và của nhân dân
nữa. Ông đã làm đúng như thế, và ông cùng một số đảng viên CS phản tỉnh
đã vĩnh biệt đảng CS đang nghĩ đến việc chung sức lập một tổ chức chính
trị mới để phục vụ nhân dân, dân tộc, hợp với thời đại mới. Đây là một
suy nghĩ đáng quý.
Tôi tha thiết mong mỏi những đảng viên lâu năm tôi từng quen biết,
từng trân trọng, như Giáo sư Trần Phương, nhà chính trị-ngoại giao Vũ
Khoan, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, anh Vũ Quốc Tuấn, Luật sư Trần Quốc
Thuận, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cô Nguyễn Thanh Bình, con gái của tướng
Vĩnh, nữ giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Toản, vợ cố Trung tướng Cao Văn Khánh,
Giáo sư Hoàng Tụy - xin tất cả các bạn quý mến khác nữa, hãy dấn bước
thêm, theo hướng đoạn tuyệt với những gì các bạn đã cho là sai lầm, hư
hỏng, nguy hiểm cho đất nước cho đồng bào, dứt tình triệt để với bọn
bành trướng khi dã tâm của chúng đã mười phân rõ mười. Xin các bạn hãy
nhất loạt từ bỏ những công cụ cực kỳ tệ hại kéo dài, đã gây biết bao
thảm họa, để cùng nhau tạo nên công cụ mới, lý luận mới, đường lối đối
nội đối ngoại mới, bạn bè mới, liên minh mới phục vụ cho phát triển và
phồn vinh của Tổ quốc, cho đồng bào đang trông đợi ở chúng ta.
Rất mong tất cả các bạn có thái độ phản biện quyết liệt hơn nữa với
những văn kiện dự thảo cho Đại hội đảng lần thứ XII sắp đến, không thể
tiếp tục chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa CS
mơ hồ ảo ảnh, nền chuyên chính độc đảng tệ hại… Chỉ cần có thái độ dứt
bỏ những công cụ cũ kỹ, lạc hậu có hại ấy, và lựa chọn thay thế bằng
những dụng cụ hiện đại, tiên tiến, có ích. Còn cách dứt bỏ thì tùy, như
thẻ đảng viên có thể cất vào ngăn kéo, cho một mồi lửa, vứt vào thùng
rác, đào sâu chôn chặt vào quá khứ hay lịch sự trao lại cho Ban Tổ chức
của đảng, bắt tay từ biệt các đồng chí cũ, nhẹ nhàng đoạn tuyệt với danh
nghĩa đảng viên, mang danh nghĩa mới là người công dân dân chủ.
Mong các bạn quý hãy bước thêm một bước tới trước, chung sức tạo nên
một tổ chức mới, một công cụ mới, từ trí tuệ tinh thông, từ tâm huyết
nồng nhiệt để xây dựng đất nước hưng thịnh, phồn vinh, thành quả phát
triển được chia chung cho toàn xã hội.
Xin nhớ biết bao nhà lãnh đạo từng gắn bó với lý luận Mác-Lênin, với
học thuyết cộng sản cuối cùng đã ngay thật thốt ra là đảng CS theo
chuyên chính vô sản không thể đổi mới, không thể cải tạo, không thể hoàn
lương, nó đã hư hỏng từ gốc đến ngọn. Nó còn ngày nào là gây hại, làm
mất thời gian là của quý nhất của nhân dân, của dân tộc ngày ấy.
Vậy thì mọi đảng viên CS còn có lương tri, còn được lòng yêu nước
thương dân mách bảo, hãy làm một cử chỉ nhân đạo, cho đảng CS một ân huệ
là góp phần kết thúc sự tồn tại tệ hại của nó, tiễn đưa nó vào viện bảo
tàng. Nó không còn có chút gì là thiêng liêng, cao quý, không mảy may
có ích.
Rồi các bạn sẽ thấy, cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng, đáng sống hơn
trước, cảm thấy gần với nhân dân, đồng bào, có ích cho cuộc đời này rất
nhiều. Dù cho có bị chụp mũ, bị đánh hội đồng là «phản bội», «theo chân
bọn phản động», «tay sai cho đế quốc» cũng không hề hấn gì khi lương
tâm trong sáng, luôn thật lòng yêu nước thương dân.
Trên đây là những lời tâm huyết của một người do hoàn cảnh địa
lý-chính trị-xã hội đã ở trong đảng CS hơn 42 năm (từ tháng 3/1946 đến
tháng 9/1990), đã từ biệt đảng 25 năm nay, tuy được đảng CS đào tạo, sử
dụng nhưng không thể không chia tay với một công cụ chính trị nguy hại
cho dân cho nước, và từ đó cảm thấy có ích cho cuộc đời, thật sự cảm
thấy hạnh phúc tự hào hơn bao giờ hết.
Bùi Tín, bài đã đăng trên VoA