Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

trăm năm văn học tự do: văn học miền nam hay “văn học đô thị miền nam 1954-1975”?

Theo Da Màu
VHMN cover
Hình bìa tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta, bao gồm các nhà văn tiêu biểu của Việt Nam Cộng Hòa (nxb Sóng: 1973)


VHDTMN - Cover
Hình bìa quyển Lý Luận – Phê Bình Văn Học ở Đô Thị Miền Nam 1954-1975 (nxb Hội Nhà Văn: 2009)
Sau 1975, những nhóm chữ như "Văn học Đô thị Miền Nam 1954-1975" –thay cho Văn học Miền Nam– và "vùng giải phóng Miền Nam" , "vùng tạm chiếm" –thay cho Việt Nam Cộng hòa (tức là Miền Nam, nơi có nền Văn học Miền Nam)– bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong các công trình khảo cứu của những học giả hay trong lãnh vực giáo dục bởi những người có trách nhiệm huấn luyện và đào tạo những học giả tương lai. Đây là vài thí dụ tiêu biểu:
  • “[...]Còn nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng thì cho rằng: Không nên phân biệt văn học nông thôn, thành thị hay công nhân mà gọi chung là văn học Việt Nam[...]Khi nói về “văn học đô thị” nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng nói thêm: “Văn học đô thị là từ chỉ văn học ở lãnh thổ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn tồn tại trong các đô thị, chúng ta gọi là văn học đô thị của miền Nam trước đây”….” (Ngân Hà, "Văn học đô thị- Mảnh đất bị bỏ hoang," Ngày 7.5.2009, Nguồn: Văn học quê nhà http://www.thotre.com/luutru/index.php?menu=detail&mid=3&nid=2313
(Giáo sư Bùi Việt Thắng từng giữ chức Phó trưởng bộ môn Văn học Việt Nam Hiện đại, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)
  • “Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Và văn học cũng bị phân chia: một nền văn học cách mạng ở miền Bắc và ở các vùng giải phóng của miền Nam, và một nền văn học ở vùng tạm bị chiếm miền Nam. Tất nhiên, sự phân chia này chỉ là tương đối, trên thực tế ta có thể nói tới một “dòng văn học tiến bộ” trong vùng bị chiếm ở miền Nam…." (Nguyễn Văn Dân, "Dấu ấn phương tây trong văn học Việt Nam hiện đại – vài nhận xét tổng quan,” Nguồn: Tạp chí Văn Học 2-1997, http://www.viet-studies.info/NguyenVanDan_DauAnPhuongTay.htm)
  • “Đầu năm 2013, đúng 80 năm thành lập tổ chức văn học Tự lực văn đoàn và công bố bài Tình già của Phan Khôi mở ra Phong trào thơ mới (1932), NXB Thanh niên cho ra mắt tập nghiên cứu phê bình Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Sách do PGS. Trần Hữu Tá, PGS Nguyễn Thành Thi, PGS Đoàn Lê Giang chủ biên. Đây là công trình hợp tác giữa giữa Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, Trường Đại học sư phạm, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), tạp chí Thế giới Mới…." (http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/)
(Trích Mục lục)
45. Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đến tiểu thuyết ở đô thị Nam Bộ 1945-1954 – Nguyễn Thị Phương Thuý
46. Tự lực văn đoàn với lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 – Trần Hoài Anh…
Chương 4: THƠ MỚI VÀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TRONG NHÀ TRƯỜNG
47. Văn chương Tự lực văn đoàn trong đời sống văn học và giáo dục đô thị miền Nam 1954-1975 – Lê Ngọc Thuý
  • 2. Giai đoạn 1954-1975: đất nước chia đôi, văn học tồn tại hợp thức dưới hai chính thể nhà nước thuộc hai khối đối địch nhau. Văn học miền Bắc (và vùng giải phóng miền Nam) vừa kế thừa lớp người cầm bút trong kháng chiến chống Pháp vừa có thêm nhiều lực lượng trẻ góp mặt, mục tiêu quán xuyến là xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống Mỹ ngụy. Văn học miền Nam không chỉ là lực lượng tại chỗ về sau ngày càng đông đảo, mà còn được bổ sung từ Hà Nội và các vùng kháng chiến hồi cư, không chủ trương định hướng sáng tác, thả lỏng cho mọi sự sáng tạo tự do, vì thế nhiều khuynh hướng đối lập cùng song song tồn tại, có chống cộng và hòa giảitâm lý chiến và phản chiến, lại có cả văn chương đứng ngoài chính trị… 
    3. Giai đoạn từ sau 1975: đất nước thu về một mối tạo điều kiện cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mở rộng thành văn học cả nước, cất tiếng ca tưng bừng "Việt Nam – Hồ Chí Minh" của người chiến thắng, đưa lên "tượng đài" hình ảnh người anh hùng đánh Mỹ, và từng bước dõi theo tư thế của con người ấy trong cuộc sống hòa bình. Trong khi đó, ở nhiều nước có cộng đồng người Việt di tản, một dòng văn học hải ngoại ra đời, buổi đầu cũng do lực lượng văn nghệ sĩ cũ ở miền Nam đóng vai trò chính, vừa bàng hoàng phẫn hận trước bi kịch đổ vỡ của những con người ở phía bên kia cuộc chiến, vừa dày vò trong nghịch cảnh lưu vong : phải trải qua muôn nghìn khổ ải để tìm đất hứa, bơ vơ nơi xứ lạ, nỗ lực hội nhập để sống còn nhưng vẫn không quên khẳng định "căn cước" của chính mình… Cách phân chia này tưởng cũng dễ được nhiều người thừa nhận…."(Nguyễn Huệ Chi, Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học nhìn từ điểm đầu thế kỷ XXI, Phần II-Có hay không một thời kỳ Văn học Cận đại, http://chimviet.free.fr/dantochoc/chung/nhcl052.htm)
  • Văn học các đô thị Miền Nam 1954-1975 (Một môn học được dậy tại Đại học Đà Lạt-2 tín chỉ) Dành cho Sinh viên năm 3&4-Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo biên soạn
"Trường Đại học Đà Lạt là một trường công lập được thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27 tháng 10 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  trên cơ sở Viện Đại học Đà Lạt, một trường tư thục thành lập trước 1975 và bắt đầu đào tạo đại học từ niên khóa 1958 – 1959. Tính từ thời điểm 1958 đến nay, Trường Đại học Đà Lạt đã trải qua chặng đường 55 năm hình thành…" (http://www.dlu.edu.vn/introduce.aspx?orgId=1&aboutid=12)
  • “[...]Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 phát triển trong bối cảnh chiến tranh và chia cách ấy. Tiếng nói và sự hoài niệm của những nhà văn gốc Bắc xa quê, dĩ nhiên góp phần đáng kể trong việc thể hiện hình ảnh Hà Nội; nhưng quan trọng hơn, đó còn là sự đồng vọng của cả dân tộc, đất nước hướng về cội nguồn[...]Như vậy, Hà Nội là một địa chỉ có thực đồng thời là một không gian – bối cảnh nghệ thuật được nhiều tác phẩm văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 quan tâm đến. Hình ảnh chung nhất của Hà Nội qua các truyện ngắn, truyện dài và tùy bút là:Hà Nội đẹp vì Hà Nội là thủ đô, là thành phố lớn, là nơi hội tụ thu hút nhiều người, là nơi tỏa sáng vì sự sang trọng, giàu có của nó[...]Ngoài cảnh đẹp và những đặc tính của một thành phố lớn, một thủ đô lâu đời; Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 được nhấn mạnh ở chiều sâu văn hóa[...]Viết và kể chân thực về Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 vừa là tình cảm chủ quan của con người đối với quê hương, bản quán; vừa như qui luật khách quan của đời sống văn học: xu hướng bù trừ, cân bằng với cái đã mất. Hà Nội không mất, nhưng sự cách biệt với Hà Nội có thể khiến cho việc ngóng trông, đồng vọng trở nên tha thiết hơn. Đây cũng là điểm giống nhau hay là sự tiếp nối giữa giai đoạn văn học trước 1975 với tình hình sáng tác của người Việt ở hải ngoại sau 1975. [...]Nhiều truyện và tiểu thuyết tiếng Việt ra đời ở nước ngoài được xem như những dòng hoài niệm về quê hương, xứ sở. Xét ở phương diện văn hóa, đó cũng là cách ứng xử của nhà văn với giá trị văn hóa truyền thống. Vậy nên, hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 ngoài giá trị văn chương, còn là một giá trị văn hóa…." (Nguyễn Thị Thu Trang, "Hình ảnh Thăng Long-Hà nội trong văn xuôi đô thị Miền Nam Giai đoạn 1945-1975,” Ngày 24 .9. 2010, http://vanhoanghean.com.vn/
Giáo sư Nguyễn Thị Thu Trang hiện là "giảng viên chính, Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Phú Yên" và " vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý thuyết và Lịch sử văn học … với đề tài “Con người và những giá trị văn hóa truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975” … tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh." (19/10/2008, http://www.baophuyen.com.vn/79/30220/nha-giao-nguyen-thi-thu-trang-bao-ve-xuat-sac- luan-an-tien-si-ngu-van.html)
Đọc những thí dụ dẫn chứng, nhất là thí dụ của Giáo sư Nguyễn Thị Thu Trang thì người đọc đương nhiên nhận ra cái vói tay hơi dài từ Hà nội ra Sài gòn, nay còn muốn vói qua đại dương với cái kiểu viết lách “Nhiều truyện và tiểu thuyết tiếng Việt ra đời ở nước ngoài được xem như những dòng hoài niệm về quê hương, xứ sở. Xét ở phương diện văn hóa, đó cũng là cách ứng xử của nhà văn với giá trị văn hóa truyền thống. Vậy nên, hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 ngoài giá trị văn chương, còn là một giá trị văn hóa."
Nguyễn Thị Thu Trang khi viết những dòng này hẳn chưa bao giờ được biết tới "slogan" Chúng ta đi mang theo quê hương của đợt di cư lần thứ nhất 1954 rồi di tản lần thứ hai 1975. Bà hẳn cũng chưa được đọc bài viết phũ phàng về Hà Nội của Mai Thảo, một người Bắc di cư vào Nam, (và lời tôn vinh Sài gòn là thủ đô văn hóa của ông trong một bài khác):
-" [...] Kẻ thù không sợ chúng ta ở xa hay về gần. Điều nó sợ là ở xa hay gần mỗi chúng ta vẫn cứ là một khối sống rực rỡ. Cho nên đi hay ở đã không thành vấn đề. Đi không phài là tỵ nạn là mất gốc. Những cái mà tôi, mà anh, những người Hà Nội hiến dâng, góp phần vào cho sự sống ở Sài gòn, ở khắp nơi hôm nay mới chính là Hà nội, cái phần tinh hoa, cái phần quý giá nhất của Hà nội. Chúng ta đi mang theo quê hương, chúng ta đi mang theo Hà Nội là vì thế. Mà cũng chính là trong lối sống mà chúng ta đang chiến đấu, đang bảo vệ cho Hà nội, để vẫn là những người Hà nội. " (Mai Thảo, “Quê hương trong trí nhớ," Sáng Tạo, tháng 10.1958, trang 19-24-Tài liệu của Viên Linh)
Hay lời xác quyết của Tam Lang, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan và Đinh Hùng, những người chủ trương nhật báo Tự Do (1954-1955) , rằng Hà Nội là "một chế độ mà điều kiện tồn tại là sự thủ tiêu hoàn toàn nhân tính của con người”:
-"[...]Giờ này, liễu ven hồ Hoàn Kiếm đang đợi gió Đông để lên tơ. Nhưng mành tơ  liễu quá lơ thơ chưa buông kín nổi tâm tư của người đất Bắc trăm mối vò nhầu. 
Xuân có sang mà hoa không tươi

Hoa ngoài trời không tươi mà hoa trong lòng người thật đã héo đi từ khi còn là nụ. Nỗi uất hận của người miền Bắc hiện quằn quại dưới một chế độ mà điều kiện tồn tại là sự thủ tiêu hoàn toàn nhân tính của con người–nỗi uất hận đó làm chén rượu mừng xuân của người Việt Miền Nam có nâng lên cũng không cạn nổi[...] Nỗi băn khoăn của người ngày nay cũng tương tự nỗi băn khoăn của thế hệ trước, khác một điều là những hiện tại phải được đặt trên một bình diện rộng lớn hơn nhiều, bởi phức tạp hơn, bởi vô cùng hiểm nghèo. Thế hệ trước thu gọn băn khoăn của mình trong hai chữ Độc Lập. Thế hệ ngày nay còn phải chiếu rọi băn khoăn lên thêm một chiều nữa: Tự Do. Thế hệ trước chỉ cần nhắm vào người dân Việt. Thế hệ của lũ chúng ta còn nhắm tới ý nghĩa của Con Người. Xuân năm Mùi vì thế được mệnh danh là XUÂN TỰ DO." (Mặc Đỗ-đại diện Nhóm chủ trương Tự Do, "XUÂN TỰ DO", trang 1, Nhật báo Tự Do, Năm 1955, Sài gòn. Tranh bìa của Phạm Tăng)
Trong mắt nhiều nhà cầm bút Việt Nam, Hà nội chỉ còn là một phần đất không có tự do (nhóm Quan Điểm) một xác chết trên đất hương hỏa (Mai Thảo), hay những vụ hành hạ chôn sống địa chủ (Quách Thoại). Cái "hoài niệm về quê hương, xứ sở" mà Nguyễn Thị Thu Trang nói đến là cái hoài niệm của một hay nhiều thành phố tự do đã mất, không phải cái -bây-giờ, cái Hà Nội không còn giọng Hà Nội, cái thủ đô của cả nước mà cho đến nay chưa có một nhà xuất bản tư nhân chính thức nào được phép hoạt động, cái phần đất "Mấy lầnđất nước đứng lên/Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm" (Xuân Sách, "Nguyên Ngọc", Chân dung các nhà văn) mà mãi tới bây giờ những "anh hùng văn nghệ" như (Đại tá) nhà văn Nguyên Ngọc mới lóp ngóp đứng lên lo lập Văn đoàn độc lập sau bao năm im lặng hoàn toàn khi văn nghệ sĩ Miền Nam như Văn Quang, Tạ Tỵ, Tô Thùy Yên vv… bị giam trong tù. Rồi giải nghĩa làm sao về việc các nhà văn Miền Nam kỳ cựu như Bình-nguyên Lộc cũng ra đi nốt?! Đó, đó mới là những cái mà nhà giáo dục và đồng nghiệp của bà Thu Trang cùng các học giả và lý luận phê bình xuất thân từ Miền Bắc cần nên biết tới. Vì nghiên cứu là gì nếu không đủ kiến thức và bản lãnh đến nỗi lại bỏ sức ra góp công cho một lịch sử nhân tạo?
Trong hai mươi năm mà Việt Nam Cộng hòa tồn tại, nó có duy nhất một nền Văn học Miền Nam với Sài gòn là thủ đô nơi sinh hoạt báo chí và các tạp chí văn học lừng danh của nó mà các tác giả xuất hiện chính thức trên Sáng tạo, Tư tưởng, Giữ thơm quê mẹ, Nghệ thuật, Văn, Khởi Hành, Bách khoa, Trình Bầy, Thời Tập v.v. mà bất kể là các tác giả xuất hiện trên những tạp chí đó sống ở đâu hay hành nghề gì. Có thể đặt vấn đề ngược lại rằng, tại Miền Bắc, không ai lại đặt vấn đề là các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, các nhà phê bình như Lại Nguyên Ân hay Vương Trí Nhàn hoặc các sử gia như Dương Trung Quốc sống ở đâu, hành nghề gì, bài gửi đến đóng dấu bưu điện ở "đô thị" nào. Người đọc chỉ cần biết đó là những tay viết có nghề có uy tín mà bài viết nay xuất hiện trên những tạp chí số một ở (thủ đô) Hà Nội. Cũng không ai bắt độc giả của các ông xòe giấy chứng minh họ cư ngụ tại nông thôn hay thành thị.
Như thế, nếu đặt dấu hỏi rằng một tác giả Miền Nam — miễn có xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ hay/và có xuất bản– sống ở đâu, hành nghề nào, ka-ki hay không ka-ki, mặc mini hay midi, tại sao sáng tác hay dịch thuật, nhịp sáng tác mạnh hay chậm, sáng tác được bao nhiêu bài trong năm, sáng tác về đề tài chiến trường hay phòng trà gái nhẩy, sáng tác xong có gửi lên báo đặng "khoe" với mỹ nhân (như trường hợp họa sĩ CHÓE) hay làm biếng dúi vào một góc tủ, có biết uống rượu đế hay chỉ biết nhậu Coca Cola, sành thuốc lá Ba con năm hay mê Bastos. Hoặc đặt vấn đề cho độc giả của các tác giả Miền Nam là sống ở đâu thành thị hay nông thôn, hành nghề nào, ka-ki hay không ka-ki, mặc mini hay midi, ưa đọc bà Tùng Long ở hậu phương hay mê thơ Tô Thùy Yên nơi tiền tuyến, tại sao thích sáng tác thay vì dịch thuật vv. và vv. với Văn học Miền Nam 1954-1975 thì quả có phải là phi văn …học và đầy tính chính trị không? "
"Đầy tính chính trị" vì như thế, thêm vấn đề là một số nhà văn "giải phóng Miền Nam" mà hồi đó không có độc giả ở các đô thị Miền Nam, lại chỉ có độc giả là cây cối trong …rừng Xà-Nu thì các bạn Miền Bắc tính sao cho ổn thỏa?! Lấy thí dụ điển hình là nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977). Ông sinh quán Biên Hòa, tập kết ra Bắc năm 1953, từng giữ chức Tư lệnh Khu bộ VII (1948 – 1953), và trở về Miền Nam năm 1965 tham dự cuộc đánh chiếm Miền Nam. Ông là người nổi tiếng với hai câu thơ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng long" và qua đời với chức "Hàm thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp". Nhưng ông không thuộc Văn học Miền Nam vì cái quy luật rất đơn giản này: tác phẩm của ông khi đó và độc giả của ông không xuất hiện tại Miền Nam 1954-1975. Cho nên, nếu áp dụng quy luật đơn giản mà rõ ràng ấy–tác giả thì phải có độc giả cho đàng hoàng và lập văn nghiệp bằng tác phẩm ít nhất cũng đã được xuất bản công khai hay sáng tác xuất hiện trên các tạp chí xuất bản chính thức tại một nơi nào đó– thì những vấn đề đưa ra như tác giả ở đâu, độc giả ở đâu vv …lập tức bị triệt tiêu ngay.
Ở trường hợp các "tác giả" lạ hoắc mà sau 1975 người ta mới được có dịp biết đến thì rất khó thuyết phục rằng họ thuộc Văn học Miền Nam dù là trong "rừng". Đó chỉ là cái vỏ đem các tác giả vô danh này lên ngang hàng với một loạt tác giả, học giả hay chủ bút hoặc thư ký tòa soạn lẫy lừng của Miền Nam bằng cách phát minh ra một vùng văn học là vùng "Văn học đô thị Miền Nam 1954-1975". Người Cộng sản rất muốn đẩy hàng loạt tác giả, học giả hay chủ bút hoặc thư ký tòa soạn lẫy lừng này vào một khu vực rất nhỏ hẹp đó, nhất là các tác giả di cư đã đóng góp rất lớn vào sự đa dạng của Văn học Miền Nam ngay khi nó khởi hành, để ăn khớp với lịch sử do họ viết, rằng họ mới là người kiểm soát được hầu như 90 phần trăm của Việt Nam Cộng hòa. Nhóm tác giả di cư này còn là cái nhắm đặc biệt của người Cộng sản Việt Nam: họ đã di cư, nghĩa là họ chứng tỏ sự chống Cộng bằng hành động rất cụ thể. Hơn thế nữa, họ còn giúp làm vững Văn học Miền Nam bằng cách sáng lập, điều hành hay giữ trách nhiệm chủ nhiệm, chủ bút hoặc thư ký tòa soạn nhiều tạp chí văn học để giúp một phần trong việc cộng thêm điều kiện cho các thế hệ nhà văn trẻ tiến lên, lập thành một nền văn học phong phú và khởi sắc đến nỗi nay, sau khi Việt nam Cộng hòa và Văn học Miền Nam đã mất, chính người Cộng sản đã phải nghiên cứu về nó. Những nhà văn di cư này đã làm để chống Cộng sản, để tạ ơn phần đất đã cho họ một chỗ dung thân và để tạ lòng tri kỷ mà không bao giờ có thể ngờ được rằng–60 năm sau khi người Cộng sản chiếm Miền Bắc rồi tiến chiếm Miền Nam 20 năm sau–những Tự do (thời Mặc Đỗ), những Sáng Tạo, những Thế kỷ 20, những Nghệ Thuật, những Văn, những Khởi Hành (Bộ cũ) vv nay tồn tại như những vì sao tỏa sáng mãi mãi trong một bầu trời Văn học Miền Nam tự do lấp lánh.
Cho nên, nhóm chữ "văn học đô thị Miền Nam 1954-1975" trong văn sử của người Cộng sản luôn luôn phải đi đôi với "vùng bị tạm chiếm" trong lịch sử của người Cộng sản để dựng lại tử thi Mặt trận Giải phóng Miền Nam mà chính người Cộng sản đã an táng cái chết không ma chay của nó ngay sau 1975. Cho tới nay, khỏi cần dẫn chứng, ai cũng biết Mặt trận Giải phóng chỉ là một bức bình phong hữu danh vô thực để binh sĩ Miền Bắc có lý do có mặt ở Miền Nam. Chưa bao giờ người Cộng sản chiếm được vùng nào của Việt Nam Cộng hòa, chưa bao giờ họ trương được lá cờ của họ tại bất cứ nơi đâu. Khi người nằm vùng của họ bị bắt thì chính Văn bút Việt Nam, một tổ chức hợp pháp thuộc Việt Nam Cộng hòa, xin cho ra khỏi tù. Những nhóm như Trình Bầy vẫn được cho xuất bản, không phải vì chính phủ Việt Nam Cộng hòa không đủ sức bắt-họ-bỏ-bót, mà vì họ được tự do, được chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho phép có những hành động thiên tả.
Đó là điều rất quan trọng cần được lưu ý khi so sánh giữa chế độ tự do trong Nam và độc tài ngoài Bắc. Chính vì thế, chính vì sự tự do đó mà nay rất nhiều nhà nghiên cứu hay nhà văn sinh trưởng hoàn toàn trong chế độ độc tài Cộng sản không cách nào hiểu được các nhà văn theo cộng sản "yêu nước cách mạng" trong chiến tranh 1954-1975 lại được sống và chống chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngay tại Sài gòn mà hầu như không hề hấn gì, nghĩa là không riêng Trình Bầy mà bất cứ tác giả nào cũng không cần tốn một viên đạn mà vẫn có thể đứng giữa thủ đô Sài gòn đăng bài của tác giả ngoại quốc chống chính phủ Hoa Kỳ và bất đồng ý kiến với chính phủ Việt Nam cộng hòa, một chính phủ của một quốc gia tự do. Cho nên, không bao giờ có một nền Văn học Đô thị Miền Nam1954-1975 nào hết mà chỉ có Văn học Miền Nam của Việt Nam Cộng hòa.
Riêng trong vấn đề này, người viết nghĩ không có gì hay hơn là phỏng vấn các nhà văn Miền Nam–đối tượng nghiên cứu– xem ý kiến của họ ra sao. Để mở đầu, người viết sẽ phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Viên Linh. Xin xem phần Phụ lục dưới bài viết.
****************************************************************************
Phụ lục
Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Viên Linh–hai người cầm bút trong Văn học Miền Nam 1954-1975– về nhóm chữ "Văn học đô thị Miền Nam" xuất hiện trong sách giáo khoa và tiều luận nghiên cứu sau 1975 tại Việt Nam
***
Phụ lục 1-Phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến
Nguyễn Tà Cúc: Ra đi sau 1975, anh là một trong những nhà văn kỳ cựu, từng hoạt đông mạnh mẽ trong ngành báo chí ấn loát, lại từng là Phó chủ tịch của Văn Bút Việt Nam. Vậy xin anh chia sẻ suy nghĩ của anh về mấy chữ "văn học đô thị Miền Nam"?
Nhật Tiến: Tôi đã trả lời về mấy chữ này trong 2 lá thư gửi Nhà Thơ Hoàng Hưng , là người đã mời tôi tham dự đề án thực hiện mục “ Văn Học Đô Thị Miền Nam ”. Vì nội dung có tính cách hệ trọng có thể sẽ lôi cuốn sự quan tâm của rất nhiều người, nên thay vì nói vắn tắt để trả lời Tà Cúc, tôi xin công bố rộng rãi quan điểm của tôi về vấn đề này qua những đoạn quan trọng trong hai lá thư mà tôi đã phúc đáp lời mời kể trên. Trong lá thư thứ nhất, tôi khẳng định chỉ có "Văn học Miền Nam" của quốc gia Việt Nam Cộng hòa chứ không bao giờ có thứ "văn học đô thị" nào hết. Lá thư thứ nhất (1) có đoạn như sau :
" -T/g Anh Hoàng Hưng,
Tôi đã nhận được email của anh gửi, mà nội dung là thư mời đóng góp ý kiến và bài vở cho một mục có tên là “VH Đô Thị Miền Nam 1954-1975” sẽ được thực hiện trên trang blog vandoanviet.blogspot.com thuộc website vanviet.info của Văn đoàn Độc lập VN mà trong đó anh là một thành viên chính.
Thưa anh, Thế nào là “Văn Học Đô Thị Miền Nam ” ?
Cái từ ngữ này khiến tôi không khỏi nhớ đến guồng máy tuyên truyền của miền Bắc ở vào thời kỳ cuộc chiến VN chưa chấm dứt. Họ đã gọi các sinh hoạt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là “ trên các tỉnh và Đô thị Miền Nam”, với ý nghĩa là "bọn Mỹ Ngụy chỉ co cụm trong các thành phố và không thể lui tới các các Nông thôn ở miền Nam, vì tất cả đã đồng loạt nổi dậy và đã đứng dưới ngọn cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam". Về mặt sách lược tuyên truyền trong cuộc chiến, luận điệu gian dối, hàm hồ ấy có thể hiểu được.
Nhưng nay chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm rồi, cái từ ngữ “Đô thị Miền Nam” tưởng đã bị chôn vùi theo các thứ rác rưởi lùm loạp của một giai đoạn trong lịch sử, ai ngờ bây giờ nó lại được lôi ra dùng lại, không phải do từ các bàn tay phù thủy tuyên truyền thực hiện, mà là do chính các nhà văn đã từng mạnh mẽ lên tiếng : ‘mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.’ (trích bản Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam) [...]
Dĩ nhiên là bao giờ tôi cũng hết lòng mong mỏi quý anh luôn có được toàn quyền tự do trong các sinh hoạt văn hóa, nhất là trong lãnh vực sáng tác. Tuy nhiên điều đó cũng không thể buộc lòng chúng tôi cứ phải chạy theo mọi lời kêu gọi nhân danh tự do văn hóa. Qua cái từ ngữ được quý anh sử dụng ‘Văn Học Đô thị Miền Nam’, chúng tôi như đã bị đánh thức dậy bởi cái mùi vị khinh bỉ, miệt thị, kể cả những hận thù do chính rất nhiều thành phần có tính cách văn hóa đến từ miền Bắc mang lại. Và trên danh nghĩa của ‘những tên tội đồ mang cái án tay sai của Mỹ Ngụy’, chúng tôi đã bị phân biệt đối xử trong ròng rã bao nhiêu năm trời, ngay sau cuộc chiến. Nhắc lại chuyện này không phải tôi cố khơi lại những hận thù.
Nhưng tôi phải khẳng định rằng không bao giờ chúng tôi thuộc vào hàng ngũ của cái gọi là “Văn Học Đô Thị Miền Nam ”. Trong suốt chiều dài của hơn 20 năm lịch sử VN (1954-1975), nước VN bị chia cắt thành 2 quốc gia hoàn toàn khác biệt : Ở miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và ở miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm mọi đất đai kể cả nông thôn lẫn thành thị, trải dài từ Sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu và các vùng núi non lẫn hải đảo. Trong suốt thời gian ấy, chúng tôi, các học giả, các vị trí thức, các Thầy Cô Giáo và các văn nghệ sĩ….đã góp công tạo dựng một nền văn hóa của miền Nam trong đó có bộ phận văn học vẫn thường được gọi là ‘Văn Học Miền Nam 1954-1975′. Không bao giờ tồn tại cái gọi là ‘Văn Học Đô Thị Miền Nam’, (mà) chỉ có ‘toàn bộ ngành sáng tác văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa trên khắp lãnh thổ, từ nông thôn tới đô thị’ mà thôi. Vậy xin minh xác để mọi người cùng rõ." (Nhà văn Nhật Tiến phúc đáp nhà thơ Hoàng Hưng nhân được mời tham dự "Mục Văn Học Đô Thị Miền Nam", Thư thứ nhất, Tháng 7, 2014).
Nguyễn Tà Cúc: Như vậy còn những tác giả thuộc …Mặt trận giải phóng mà sau này mới thấy xuất đầu lộ diện, trớ trêu thay, lại xuất đầu lộ diện ngay khi Hà nội tước vũ khí và cho Mặt trận Giài phóng Miền Nam về vườn?
Nhật Tiến: Trong thư phúc đáp thứ hai (2), tôi có nhắc đến "cái bộ phận ở rừng" này đấy chứ. Ai bây giờ cũng biết chủ trương chiếu cố miền Nam đã được Đảng CS đề ra trong Đại Hội III, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960. Trên website của Đảng, có ghi rõ rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã họp ở Thủ đô Hà Nội để quyết định " đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông-Nam Á và thế giới…" Thế nên, đây cũng là một phần câu trả lời của tôi:
-"[...] Trong cuộc chiến, cả một guồng máy tuyên truyền của CS ở miền Bắc đã được vận dụng tối đa, kể cả những tác phẩm văn nghệ bao gồm truyện ngắn, truyện dài, phóng sự, hồi ký …viết về cuộc “nổi dậy của nhân dân miền Nam” để chống Mỹ cứu Nước, nhưng nội dung đầy dẫy những sự kiện bịa đặt, dối trá….nhằm kích động căm thù để xô đẩy thanh niên nam nữ miền Bắc nhắm mắt lao vào cuộc chiến. Thật quá thảm và cũng quá đau thương cho cả một giai đoạn lịch sử đất nước do chính sách ngu dân của Đảng CSVN mà chứa đầy rẫy những điều dối trá, xuyên tạc. Nhiệm vụ duy trì VHMN tất nhiên ai đứng ra đảm trách cũng đều đáng trân quý, nhưng với điều kiện là phải trung thực, không còn vấn vương những lập trường, tư tưởng vốn chỉ là sản phẩm tuyên truyền nhất thời do nhu cầu chiếu cố miền Nam của chế độ miền Bắc. Và như thế, cái nhu cầu “phải nhắc đến văn hóa ở rừng” –như nhà văn Hoàng Hưng đã viết trong thư trao đổi ngày 9 tháng 7-2014: “Vậy chắc chắn phải bàn lại về cái tên, tuy sẽ phải nghĩ kỹ, vì nếu để tên VHMN thì sẽ nói sao về cái bộ phận "ở rừng"? “– thì theo sự suy nghĩ của tôi, đã không thích hợp mà còn tạo cơ hội gây ra nhiều cuộc tranh cãi gây tổn thương đến nhiều người như lòng tự trọng bị chà đạp, dĩ vãng đau thương vừa nguôi ngoai phần nào đã lại bị đem ra xỉ nhục khiến cho những nỗi đau trong quá khứ bật trỗi dậy, tất cả sẽ trở thành một trở ngại lớn đối với mục tiêu cao quý mà quý vị đã trưng ra trong Bản Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam…." (Nhà văn Nhật Tiến phúc đáp nhà thơ Hoàng Hưng nhân được mời tham dự "Mục Văn Học Đô Thị Miền Nam", Thư thứ hai, Tháng 7, 2014)
Nguyễn Tà Cúc: Như thế, Hoàng Hưng cũng là …biết điều đấy. Chúng ta nên ghi nhận thiện chí của họ. Theo Tà Cúc thì họ nên cẩn thận là phải. Một điều vẫn ám ảnh Tà Cúc từ ngay khi viết về Văn học Miền Nam là: liệu tài liệu hay/và nhân chứng mình có đủ hay đáng để mình tin cậy? Sau nữa, Tà Cúc vẫn bị ràng buộc bởi một suy nghĩ khác và suy nghĩ này thì hoàn toàn có tính tình cảm, không có tính khoa học mà Tà Cúc sẽ là người đầu tiên thú nhận: làm cách nào mà một người không sống ở thời đó, lại có thể lột tả được hết ý tình nghĩa là những rung động, những nhịp tơ cảm xúc của một thời một nơi mà mình không thể trải nghiệm được? Hầu như chỉ có người đã sống trong thời đó qua tình cảnh đó mới có thể chuyển hóa được những nhịp tơ ấy. Làm sao Tà Cúc lại có thể có được cái cảm xúc uất nghẹn của những nhà văn Miền Bắc phải đi bán máu để sống? Làm sao Tà Cúc có thể có cùng cái tần số quyết liệt khi nhà văn Miền Nam Đỗ Phương Khanh đứng bật dậy, chỉ vào mặt Mai Quốc Liên mà phản ứng khi hắn chê Miền Nam không có văn học hay văn hóa? Những bằng cớ trên giấy , bằng chữ nghĩa vv không cách nào có sức sống đặc biệt ấy. Cho nên, không riêng gì Hoàng Hưng và văn đoàn này, sự nghiên cứu văn học của một thời đã qua mà nhân chứng lại không còn nhiều là một thách đố lớn. Làm sao đương đầu với sự thách đố đó: cẩn trọng, cẩn trọng và cẩn trọng.
Nhật Tiến: Tà Cúc vừa nói “ Hầu như chỉ có người đã sống trong thời đó qua tình cảnh đó mới có thể chuyển hóa được những nhịp tơ ấy.”. Tôi thấy nhận xét này rất đúng và chỉ những người rất thấu hiểu và biết cảm thông sâu xa nỗi niềm của người trong cuộc thì mới đặt ra vấn đề “ cẩn trọng…cẩn trọng…cẩn trọng”. Trong vụ này, tôi cũng nghĩ là ban đầu, nhóm chủ trương thực hiện mục “Văn Học Đô Thị Miền nam” chỉ thiếu cẩn trọng mà thôi, bởi họ chưa bao giờ kinh qua những đớn đau, tủi nhục, mất mát cả tài sản lẫn sinh mạng mà “phe thắng cuộc” đã trút lên đầu chúng ta trong nhiều năm ròng rã. Nếu biết cẩn trọng hơn thì cái từ “Văn học Đô thị” đã chẳng bao giờ có thể được đưa lên bản văn mời gọi văn nghệ sĩ Miền Nam tham gia. Cho đến nay, cái mục ấy đã xuất hiện trên trang web Văn Việt.inform rồi, và cái tên đã được sửa lại là : “Văn Học Miền Nam” kèm lời giải thích ở phía dưới bài giới thiệu là : Văn học miền Nam 1954-1975 (tức nền văn học trong lãnh thổ thuộc Cộng hoà Việt Nam), hẳn với ngụ ý là Miền Nam, ngoài lãnh thổ VNCH (không phải "Cộng Hòa Việt Nam" như họ viết) hẳn còn có một phần đất khác, tức bộ phận “Rừng” chứ còn cái gì vào đây nữa. Nhưng thôi, vấn đề từ ngữ sử dụng ta cũng đã bàn kỹ rồi. Bây giờ chỉ còn chờ xem nội dung của cái mục này ngoài các tác giả miền Nam ra, có còn bài vở nào xuất hiện mà lại mang nội dung chống Mỹ cứu Nước, và miệt thị toàn bộ dân chúng miền Nam là bọn Ngụy bán Nước hay không. Chừng đó ta hãy bàn tiếp !
Nguyễn Tà Cúc: Đúng thế. Thời gian sẽ phơi bày mọi sự. Xin mượn lời của William Carlos Williams để cảm ơn anh đã trả lời Tà Cúc: "Thời gian là cơn lốc mà tất cả chúng ta đều lạc lối trong đó. Chỉ có ngay trong những nếp cuộn xoáy của chính cơn lốc đó, chúng ta mới tìm nổi phương hướng (thoát ra) cho chúng ta."
* Chú thích của người phỏng vấn:
A) Để độc giả tiện theo dõi những phát biểu của nhà văn Nhật Tiến liên quan đến Văn đoàn độc lập và Văn Việt, chúng tôi xin trích lại một vài đoạn trong hai lá thư email mà nhà thơ Hoàng Hưng trao đổi với nhà văn Nhật Tiến về những vấn đề này cho rộng đường dư luận.
1) Đoạn dưới đây trích trong email thứ nhất của Hoàng Hưng gửi Nhật Tiến, đề ngày 9.7. 2014. mời tham dự mục V(ăn) H(ọc) Đô thị Miền Nam:
- “[...] Đầu tháng 3, em đã cùng với 1 số bạn văn trong, ngoài nước lập ra Văn đoàn Độc lập VN và mời anh Nguyên Ngọc làm trưởng ban (mới chỉ gọi là Ban Vận động) và lập website vanviet.info, mới lập thêm blogvandoanviet.blogspot.com….Văn Việt quyết định mở mục VH Đô thị Miền Nam 1954-1975, sưu tầm những bài nghiên cứu và tác phẩm quan trọng nhất để giới thiệu tương đối hệ thống cho bạn đọc (tất nhiên chủ yếu là trong nước…" (Hoàng Hưng)
Kèm với email này, nhà thơ Hoàng Hưng cũng gửi theo bản văn kêu gọi thực hiện: “Văn Việt mở mục :Văn học đô thị miền Nam 1954-1975” lúc ấy chưa công khai phổ biến rộng rãi.
2)  Sau khi nhận "Thư thứ nhất" của Nhật Tiến–tỏ sự bất đồng ý kiến– vào ngày 9.7.2014, Hoàng Hưng đã đáp lại trong email thứ hai, gửi đi cùng ngày, trong thư có đoạn :
- “[...]Vậy chắc chắn phải bàn lại về cái tên, tuy sẽ phải nghĩ kỹ, vì nếu để tên VHMN thì sẽ nói sao về cái bộ phận "ở rừng"? ..v.v… Tuy nhiên, em tin là sẽ tìm ra tên thích hợp để phục vụ đúng mục tiêu của tủ sách là giới thiệu những tinh hoa của nền văn học của VN Cộng hoà (nói chính xác chắc phải là thế), khẳng định giá trị và những đóng góp của nó cho VH VN hiện đại…” (Hoàng Hưng)
Đoạn văn trên chính là lý do để Nhật Tiến viết thêm  “Thư thứ hai” mà ông có nhắc đến trong bài phỏng vấn.
Độc giả nào muốn đọc nguyên văn hai lá thư của nhà văn Nhật Tiến phúc đáp nhà thơ Hoàng Hưng và bản "Văn Việt quyết định mở mục VH Đô thị Miền Nam 1954-1975" có thể vào xem tại: "Có Hay Không Có Một Nền Văn Học Đô Thị Miền Nam???" (Nhật Tiến, http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/2014/07/14/co-hay-khong-mot-nen-van-hoc-do-thi-mien-nam-nhat-tien/)
B- Người viết cần nói rõ, rằng nay Văn Việt đã hủy bỏ nhóm chữ "đô thị miền Nam 1954-1975" (trong "Văn học đô thị miền Nam 1954-1975") và thay vào bằng "Văn học Miền Nam". Dù vậy, sự thay đổi này không đơn giản (và tốt đẹp?) như vậy. Văn đoàn độc lập Việt Nam -Văn Việt đã thay nhóm chữ "Văn học đô thị miền Nam 1954-1975" bằng một tên mới nhưng KÈM thêm một định nghĩa xem ra không cần thiết lại có thể gây hiểu lầm:
-"Văn học miền Nam 1954-1975 (tức nền văn học trong lãnh thổ thuộc Cộng hoà Việt Nam)…" (http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-viet-mo-muc-van-hoc-mien-nam-1954-1975/)
Trước hết, không có "Cộng hòa Việt Nam" mà chỉ có "Việt Nam Cộng hòa" (tức Miền Nam). Sau nữa, ba chữ "trong lãnh thổ" này hình như thừa đấy. Người viết thành thực hy vọng những nhà văn đầy thiện chí của Văn đoàn độc lập KHÔNG dùng cái chữ "lãnh thổ" ở cái nghĩa của Bùi Việt Thắng mà người viết đã có dịp trích dẫn trong bài: "Văn học đô thị là từ chỉ văn học ở lãnh thổ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn tồn tại trong các đô thị, chúng ta gọi là văn học đô thị của miền Nam trước đây…" (Bùi Việt Thắng, sđd) ./. [NTC]
***************
Phụ lục 2-Phỏng vấn Nhà thơ Viên Linh
Nguyễn Tà Cúc: Là một nhà văn Miền Nam, không những thế còn nên được coi là một nhà văn duy nhất có kinh nghiệm và kiến thức bao quát cả về khía cạnh văn chương lẫn khía cạnh mỹ thuật trong trình bày in ấn –vì từng là Thư ký Tòa soạn, Chủ nhiệm&Chủ bút của những tạp chí văn học danh tiếng nhất của Miền Nam, đảm nhiệm luôn phần trình bày cho các tạp chí đó, lại sinh hoạt trong nhà in riêng–, anh nghĩ sao về mấy chữ "văn học đô thị miền Nam 1954-1975" này?
Viên Linh: Trước năm 1975, thời còn chiến tranh quốc cộng, cũng là thịnh thời của chiến tranh lạnh, cộng sản và những kẻ ăn theo tả phái gọi chính quyền miền Nam là chính quyền Sài Gòn, tên một thành phố, thay cho tên một quốc gia – vốn được hình thành theo một tiến trình dân chủ mẫu mực thế giới – là có thăm dò dân ý, để thành lập quốc hội lập hiến, soạn ra Hiến pháp, sau khi có Hiến pháp mới tiến tới bàu cử các cơ chế Quốc Gia, Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, và tuyệt diệu thay, có Đệ tứ quyền: miền Nam có tới vài chục tờ nhật báo, cả trăm tờ tạp chí và các loại báo định kỳ khác, và được khoảng 100 quốc gia trên thế giới công nhận, trao đổi đại sứ. Nhưng cộng sản chỉ gọi đó là chính quyền của một thành phố: “chính quyền Sài Gòn.”
Viết văn làm báo từ những ngày dựng nước Cộng Hòa 1954, tôi đã may mắn được sống và được tiếp tay xây dựng nền Cộng Hòa ấy, mặc dầu sau này thăng trầm xen kẽ, nhưng khi nền hành chánh quân sự hay cơ quan quản trị của nó đổ vỡ, tinh thần của nó, tinh hoa của nó, văn hóa của nó, văn học nghệ thuật của nó, thần thức của nó nói chung, tồn tại, và vượt cả không gian vượt các quốc độ, nó tồn tại cho tới bây giờ trong lòng người Việt ở khắp nơi, và hiện diện tới cả lớp trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh, sau 1975 nữa.
Không những tồn tại, những thứ đó còn thăng hoa, đã khiến kẻ thù của nó phải tâm phục, là phục nhưng không nói ra, và khẩu phục, là phục tới lúc không nói ra thì không chịu nổi, cho nên “nhạc vàng” ngày xưa nay cũng là nhạc của những kẻ đỏ lòng, “văn chương đồi trụy Sài Gòn” dạo trước từ nhiều năm qua là “sách miền Nam, truyện miền Nam, thơ văn miền Nam.” Rõ ràng là “mảng văn học miền Nam,” trước thì người ta đi thuê về đọc lén, xem lén, cho đến bây giờ nó được in ấn lan tràn, có tên nhà xuất bản vào loại quan nha ở ngoài bìa, và dù chữ nghĩa thô sơ, vụng về, thế nào người ta cũng phải viết cho được một lời tựa in ở đầu sách, ké vào đó cho nó có văn hóa một tí.
Khi cộng sản gọi tên một nước là tên một thành phố, thì các thứ liên hệ của nó chỉ được phép dùng trong biện chứng của họ, trong ý nghĩa như văn học của toàn miền Nam trở thành văn học đô thị, như nhà văn Sài Gòn trở thành nhà văn thành phố. Họ còn hàm ý rằng chính quyền Sài Gòn là chỉ quanh quẩn trong đô thị đó thôi, còn ở bên ngoài, ở nông thôn, là do họ kiểm soát. Cộng sản vốn từng đánh lừa khắp nơi bằng những danh từ được dùng theo tính chiến lược giai đoạn, trong khi người dân bản xứ biết rõ họ kiểm soát nông thôn như thế nào, bằng cái gì.
Có ai tự hỏi nông thôn họ kiểm soát có bao nhiêu trường đại học, có bao nhiêu cơ quan ngôn luận, có bao nhiêu cơ chế phục vụ người dân như bệnh viện, thư viện, có bao nhiêu tiện ích công cộng phục vụ dân chúng? Không có gì hết, số không. Nói kiểm soát được nông thôn, trong đối nghĩa với đô thị, là ra cái điều họ có đa số, thực tế là láo khoét. Kiểm soát ấy chỉ là thủ tiêu và ám sát và tống tiền, và thu thuế không có biên nhận. Văn học đô thị mà sao các tạp chí chuyên biệt như Sáng Tạo, Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, và các tạp chí ở giữa đô thị như Thời Nay, Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn, … hàng tuần hay hàng tháng in ra cả chục ngàn số. Về tiểu thuyết, sách của Bình Nguyên Lộc, Linh Bảo, Lê Xuyên, Duyên Anh, Mai Thảo, Nguyễn Thị Thụy Vũ, … in tới bốn hay sáu ngàn số, các tác giả khác thông thường cũng in hai ba ngàn cuốn, trong khi sách báo hiện nay, dù in ở Hà Nội đi nữa, nhiều khi cũng chỉ in 500 cuốn? Không lẽ nước của chính quyền Sài Gòn và văn chương đô thị Sài Gòn lớn hơn nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam? Trong khi dân số trước 1975 chỉ khoảng vài chục triệu, và dân số bây giờ là gần một trăm triệu?
Rành rành là trên thực tế không bao giờ có văn chương đô thị, cũng như không bao giờ có chính quyền Sài Gòn, đó chỉ là hai trong rất nhiều nhóm chữ, rất nhiều mệnh đề đẻ ra từ chiến tranh lạnh, tức là những chữ có tính giả trá, đánh lừa đám đông vốn có thứ hiệu ứng lười biếng của loài cừu, có thói quen bắt chước và ăn theo, thực tế chỉ có nền văn học dân tộc không đứt đoạn từ những Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Vĩnh qua Tự Lực Văn Đoàn, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng và cũng truyền thống ấy vào miền Nam với Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, hợp với Đông Hồ, Tam Ích, Bình Nguyên Lộc, Tùng Long, hình thành Văn Học Miền Nam … và về mặt nhà nước, hợp pháp chỉ có chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Ở trong nước cũng thế, có một lớp những con tu hú đẻ nhờ, hay là được cho đẻ nhờ, được ở miễn phí hay được khen đẹp mã miễn phí – lại có bài đăng trên những tờ báo mới ra, báo giai đoạn, hay báo dùng lại tên của một hai tờ báo vốn là của sinh viên học sinh Miền Nam trước 75 — đóng vai người xưa bạn cũ cùng làng cùng ngõ: nhìn cho kỹ và nghĩ cho sâu, đang có một vận động hỏa mù khác, lần này là do những con tu hú kia, những nhà văn nhà thơ tài tử kia nhiếp vai đóng tuồng. Họ đang khôi phục lại sự phân ly, đang len lỏi để chia rẽ. Những gì đang xảy ra ở đây, bây giờ, vốn đã xảy ra thời 54, 75, trong giai đoạn giao thời và chuyển tiếp. Cộng sản chỉ có một mục đích, dù đổi màu như con tắc kè, là phải nắm được chính quyền, dù phải đổi tên chính quyền ấy, từ Lao động tới Xã hội chủ nghĩa, họ sắp phải bỏ mấy chữ Xã hội đi, họ sẽ có một tên khác, cuộc vận động thay màu đổi sắc đã bắt đầu.
Vốn có tập quán ghi nhận để tìm hiểu, tôi luôn luôn đọc cho mình nghe một câu thơ của tác giả đã sinh ra con hổ trong vườn bách thú, để quan sát, tự hỏi, và định vị trong cuộc sống, đặng khỏi sa vào cạm bẫy của con người: “Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?” Nếu không biết rõ mình, và nếu không biết cái gì đang thay đổi xung quanh, thì vào trong chuồng làm con cọp nhớ rừng là phải thôi. Hay từ đó suy ra, trong các giống chim, có loài chim tu hú tuy đẹp mã, văn vẻ, nhưng phải cái giống đi đẻ nhờ, vốn lười biếng đã không chịu xây tổ như các giống chim khác, không tự mình xây dựng mà cứ mượn danh, cuối cùng thì sẽ được gì nhỉ? Chắc chắn là các tổ trưởng sẽ ăn trứng của chúng, và đuổi chúng đi như đuổi hủi.
Nguyễn Tà CúcCảm ơn anh đã cho ý kiến như một nhân chứng của Việt Nam Cộng Hòa và Văn học Miền Nam 1954-1975.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"