Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Nghịch lý nhân sự (II)

Nguyễn Thị Từ Huy
Xin nhắc lại câu hỏi ở cuối phần trước của bài này:
Trường hợp ông Nguyễn Sự rất hiếm hoi, vậy có nghĩa là việc ông được lựa chọn không đại diện cho cách lựa chọn người để kết nạp đảng viên và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp?
Câu trả lời có thể gây ngạc nhiên: kể cả trong bối cảnh mua bán chức quyền hiện nay, đảng vẫn tìm đến những người có năng lực và đạo đức để mời họ vào đảng, với điều kiện là những người đó không biểu hiện các quan điểm khác với quan điểm của đảng. Dĩ nhiên, với đối tượng này đảng bị từ chối nhiều, nhưng cũng không ít người nhận lời.
Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, dù không phải là tất cả thì có một bộ phận đảng viên là những người có năng lực, có trình độ, được đào tạo, hoặc nói theo cách mà họ tự nhìn nhận về mình: họ là những người xuất sắc. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho những ai đang nhìn thấy đảng viên như những người yếu kém về năng lực quản lý; nhưng những điều tiếp theo đây sẽ có tác dụng làm giảm sự ngạc nhiên. Những suy nghĩ trong bài này chỉ giới hạn ở bộ phận đảng viên có năng lực.

Vấn đề sẽ là: vì sao những người được lựa chọn vốn là những người xuất sắc mà kết quả công việc của họ lại có thể khiến cho họ bị đánh giá là kém cỏi trong việc điều hành, quản lý, và vì thế phải chịu trách nhiệm lịch sử trước sự suy thoái của dân tộc? Tại sao họ lại cùng nhau đưa cả đất nước vào tình trạng chung thảm hại hiện tại?
Dưới đây là một lý giải, dĩ nhiên chỉ mang tính phiến diện.
Đảng vẫn tìm đến những người có năng lực và đạo đức để mời họ vào đảng, NHƯNG với các điều kiện của đảng: phải tham gia một khóa học « cảm tình đảng », sau khi kết thúc khóa học này phải viết một bài thu hoạch và chính dựa trên bài thu hoạch này mà đảng sẽ quyết định có kết nạp hay không. Ngay từ bước đầu tiên của lớp « cảm tình đảng » này người đảng viên tương lai đã buộc phải lựa chọn giữ lại « năng lực » nào cho mình và phải đánh mất những năng lực nào của mình. Còn muốn làm lãnh đạo, phải học một khóa ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Và từ lúc đó, mọi nguyên tắc đạo đức không còn quan trọng nữa trước sự trung thành đối với đảng. Trước sự đồng hóa của đảng, trước cám dỗ về lợi ích vật chất có được nhờ đảng, bao nhiêu đảng viên giữ được bản lĩnh của mình như ông Nguyễn Sự ? Đã có nhiều bài trên báo chính thống nói thẳng rằng ông Nguyễn Sự là trường hợp hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo hiện thời. Vả chăng, một mình ông Nguyễn Sự cũng không thể cải thiện guồng máy chung của đảng; tâm huyết của ông, bản lĩnh của ông, đạo đức của ông cũng không ngăn cản được các cán bộ ngay trong thành phố Hội An của ông tham nhũng, vi phạm pháp luật, nghĩa là tha hóa và làm hại người khác, làm hại lợi ích chung để củng cố lợi ích riêng : tại thời điểm này đang diễn ra vụ việc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Hội An bị thụ án vì lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tham khảo thêm thông tin cụ thể: "Tạm giam Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP.Hội An").
Trở lại với thực tế của guồng máy đảng để thấy rằng: không ít người có năng lực nhận lời vào đảng. Họ có lý do để tự nhận rằng họ là những người xuất sắc, họ có lý do để nói rằng đảng cũng muốn tập hợp những người xuất sắc vào hàng ngũ của đảng. Nhưng điều mà có lẽ họ không nhận thấy, đó là sự xuất sắc của họ đã mất đi cùng với các lợi ích mà họ nhận được từ đảng.
Hoặc, cũng có thể nhìn theo cách khác: họ đã không dùng sự xuất sắc để phát triển các năng lực của chính họ, và phát triển cộng đồng chung. Trái lại sự xuất sắc của họ chỉ dùng vào việc phát triển lợi ích vật chất cho cá nhân họ và bảo vệ lợi ích của đảng và bảo vệ sự tồn tại vững chắc cho đảng, bởi lợi ích của đảng cũng là lợi ích của chính họ (cần xác định lại điều này: đảng chính là các đảng viên).
Đáng nói hơn, họ dùng sự xuất sắc của họ để làm lụn bại khả năng trí tuệ của những người khác, bằng cách tạo ra những môi trường trong đó năng lực trí tuệ không thể phát triển được, bởi đó là những môi trường nơi tự do bị bóp nghẹt, nơi các điều kiện sống và điều kiện làm việc bị bóp nghẹt. Không phải là họ không hiểu, trái lại họ hiểu rất rõ nhưng chủ động tạo ra môi trường như vậy nhằm hủy diệt các nguồn lực trí tuệ của quốc gia chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ lợi ích vật chất của họ, với cái giá là năng lực trí tuệ của chính họ cũng cùn mòn đi, tiêu biến đi. Cần hiểu rằng giờ đây, ý thức hệ thuở ban đầu hoàn toàn không còn nữa khi mà bản thân người lãnh đạo cao nhất của đảng thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội là một thứ ảo vọng mà đến « cuối thế kỷ » này cũng chưa thể thấy mặt mũi nó ra sao. Lý tưởng đã hoàn toàn biến mất, cái còn lại chỉ là sức mạnh quái đản của lợi ích vật chất trong một xã hội tiêu thụ.
Điều này góp phần lý giải vì sao Việt Nam càng ngày càng sa sút trên nhiều phương diện, nhưng sự tồn tại của đảng không hề bị đe dọa. Các đảng viên xuất sắc đã dùng sự xuất sắc của họ để làm cho đất nước suy vong, làm băng hoại môi trường học thuật, làm cho trí tuệ của người dân sa sút, và để củng cố sức mạnh của đảng.
Chúng ta thấy rằng các giải pháp được lựa chọn để giải quyết các vấn đề của đất nước này hầu như luôn là những giải pháp đảm bảo cho quyền lợi vật chất của người có quyền quyết định, và quyền lợi của họ lại đi ngược với quyền lợi chung. Do đó mới có chuyện hết công ty này đến công ty kia thua lỗ đến trăm nghìn tỷ này đến trăm nghìn tỉ khác, công ty thua lỗ nhưng các cá nhân lãnh đạo công ty thì được lợi. Do đó mới có chuyện hàng bao nhiêu đại học không đủ tiêu chuẩn vẫn cứ được thành lập, đại học sa sút nhưng những người ký quyết định lập trường thì có lợi. Rồi hàng bao nhiêu dự án thua lỗ trên đất nước này, dự án thì lỗ nhưng người ký quyết định dự án thì lãi. Logic là như vậy, ai cũng có thể tìm thấy vô vàn dẫn chứng cho cái logic này.
Hãy xem xét một lĩnh vực cụ thể là giáo dục. Giám đốc của các đại học quốc gia, hiệu trưởng của các trường đại học, họ có kém không? Không, không thể nói rằng tất cả họ đều kém cỏi. Trái lại, đa số họ đều là những người có năng lực. Nhưng tại sao giáo dục lại thảm hại đến như vậy, đến mức chính họ là những người đầu tiên gửi con cái đi học nước ngoài ? Bởi lẽ họ đã không dùng trí tuệ của họ, sự xuất sắc của họ để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và hiệu quả, vì chính điều đó làm tổn hại đến đảng của họ, tức là làm tổn hại đến quyền lực và lợi ích vật chất của họ. Trường học càng thối nát, càng trì trệ, giáo viên càng lạc hậu, càng phục tùng, học sinh/ sinh viên càng kém hiệu biết, càng ngoan ngoãn thụ động, thì lợi nhuận của họ càng lớn, quyền lực của họ càng ổn định. Từ đó, phần nào có thể thấy động cơ làm việc của họ là gì, và ý nghĩa của đời sống đối với họ là gì...
Hoặc nhìn sang một lĩnh vực khác mà đại diện là Vinashin và Vinalines. Không thể nói các lãnh đạo của Vinashin và Vinalines là những người kém cỏi. Các công ty này thua lỗ không phải vì năng lực quản lý của người lãnh đạo kém, mà là vì « năng lực » quản lý được dùng cho việc phát triển túi tiền cá nhân nhờ vào sự thua lỗ của công ty.
Câu hỏi là: tại sao các đảng viên « xuất sắc » của Việt Nam không làm lợi cho mình dựa trên sự phát triển của đơn vị, dựa trên sự lớn mạnh của công ty, mà lại làm lợi cho mình dựa trên sự phá sản của công ty? Tại sao mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung lại được họ xây dựng thành một mối quan hệ mâu thuẫn, lợi ích riêng hủy hoại lợi ích chung? Tại sao họ không đặt hai loại lợi ích này trong một mối quan hệ tương hỗ, cả hai cùng phát triển?
Mong muốn các đảng viên (đặc biệt là các đảng viên cao cấp) biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của đảng và lợi ích cá nhân phải chăng chỉ là một mong muốn huyễn tưởng? Nó tạo ra một viễn cảnh cũng mang tính chất ảo như cái viễn cảnh chủ nghĩa xã hội mà thôi. Không cần đảng đặt quyền lợi của dân tộc cao hơn quyền lợi riêng của đảng, chỉ cần các đảng viên đặt quyền lợi dân tộc ngang bằng quyền lợi riêng của mình, thì có lẽ Việt Nam đã có một hình ảnh khá hơn rất nhiều hình ảnh mà ngày nay chúng ta đang có.
Liệu các đảng viên, nhất là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo cao cấp (cũng như mọi người nói chung trong xã hội hiện thời) có thể xoay chuyển tí ti não bộ của mình để điều chỉnh tí ti chiều hướng suy nghĩ : gắn lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc, và không để cho hai loại lợi ích này trở thành đối nghịch, không để cho lợi ích cá nhân đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Chỉ cần một tí ti xoay chuyển đó thôi, vận mệnh của xứ sở này sẽ khác nhiều lắm.
Xin nhắc lại, câu hỏi của tôi là: giữa hai giải pháp, 1) vừa làm lợi cho bản thân vừa làm lợi cho đất nước và dân tộc, 2) làm lợi cho bản thân và làm hại đất nước và cộng đồng, tại sao các đảng viên xuất sắc của Việt Nam lại chọn giải pháp 2, nên khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng bi đát hiện nay? Nghịch lý là các đảng viên càng « xuất sắc » thì đất nước càng thê thảm.
Một câu hỏi khác, không phải là không liên quan đến câu hỏi trên đây: tại sao cùng một mô hình chế độ chính trị độc tài cộng sản, nhưng đảng cộng sản Trung Quốc, với những vấn nạn mà nó tạo ra vẫn có thể đưa Trung Quốc trở thành một sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học; trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam cùng các đảng viên của mình lại đẩy Việt Nam vào tình trạng lạc hậu, nghèo đói, chậm tiến, suy thoái gần như toàn diện, không có một thành tựu nào đáng kể, và đang lệ thuộc càng ngày càng sâu sắc vào Trung Quốc???
Paris, 30/10/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"