Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Chống tham nhũng ở Việt Nam... "Tít mù nó chạy vòng quanh"

Luật sư T.A.M
10552662_1494264907487003_464959574134918216_n.jpg
Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây đưa tin, Tổng Bí thư Đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, đã có buổi tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà nội) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13. Về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta xác định tham nhũng là giặc nội xâm, là mặt trận hết sức nóng bỏng phải đấu tranh lâu dài. Các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng phải gương mẫu, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.
Cái câu mà ông Tổng bí thư nhận định “Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng” cho thấy không còn chỗ nào không có tham nhũng. Sự giàu có của quan chức, đặc biệt là các “quan thanh tra Chính phủ” mà báo chí đã đề cập và Ban Kiểm tra Trung ương đã phải vào cuộc nhưng lâu quá rồi chẳng thấy có kết quả gì khiến cho người dân không còn biết tin vào ai.
Thời gian qua các vụ án kinh tế ở Việt Nam phần lớn liên quan đến công chức, viên chức, đặc biệt là các quan chức cấp tỉnh, cấp Bộ. Cả hai vụ “đại án” đã xử (Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng) đều liên quan đến những khoản tiền lớn, đến những người giàu, thậm chí là rất giàu.

Trên thực tế, ở Việt Nam nếu chỉ nhìn vào thang lương theo quy định thì chắc chắn không có bất kỳ quan chức nào có thể giàu, đồng lương chỉ đảm bảo cho quan chức có cuộc sống trung bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đại bộ phận quan chức đều có khối tài sản lớn, thậm chí là rất lớn. Những ngôi biệt thự hoành tráng, hàng trăm hec-ta đất trồng cây công nghiệp xuất khẩu, thậm trí đến con cháu họ đi mẫu giáo cũng mỗi bước là lên xe con…, vậy tiền ở đâu ra?
Và thực tế rất khó minh định là việc công khai các tài sản vô hình, cụ thể là các mối quan hệ. Không thiếu trường hợp, một cuộc điện thoại có thể mang lại nhiều tỷ cho nhà đầu tư, đương nhiên chuyện “lại quả” cho các quan chức là không cần bàn luận. Nếu không có các mối quan hệ, Dương Chí Dũng không thể biết bị khởi tố mà bỏ trốn. Các mối quan hệ tuy vô hình nhưng mang lại tài sản hữu hình cho quan chức một khối kếch xù. Người dân không mong muốn một xã hội chia rẽ kiểu Thái Lan hoặc Ukraina, nhưng cũng không ai mong muốn một đất nước cứ nhìn thấy quan chức là thấy sự giàu có mà không biết họ giàu bằng cách nào.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi đọc báo cáo thấy nói nhiều tiến bộ, nhưng khi nghe, xem thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia. Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy này, chạy kia...”.
Thế nhưng ông Chủ tịch chỉ nói thôi chứ không hề ra tay, bởi với một ban phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu, với một Ban nội chính TƯ mà nhiệm vụ cũng bao hàm chuyện chống tham nhũng, rồi hàng loạt cơ quan thanh tra, kiểm toán… tham nhũng nhưng câu hỏi “vì sao tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi?” thì không ai trả lời được!
Đơn cử, trong phiên trả lời chất vấn mới đây tại kỳ họp Quốc hội, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin khối tài sản của ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã nghỉ hưu) nói rằng :”Ông Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2006 – 2011, hiện nay nghỉ hưu sinh hoạt Đảng tại tỉnh Bến Tre. Khi có thông tin về tài sản của ông Truyền, Thanh tra Chính phủ đã chủ động trao đổi với tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình về tài sản này. Thế nhưng đồng chí Truyền là cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Ban Bí thư quản lý cho nên Ban Bí thư chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc”. Ông Tranh nói vậy rõ ràng Tổng Thanh tra Chính phủ đùn đẩy trách nhiệm!
Tham nhũng ở Việt nam đến người dân ngu dốt nhất cũng nhìn thấy, thế nhưng việc chống tham nhũng Đảng nói, Chính phủ hô hào ra rả, các bộ, các ngành nhiệt liệt hưởng ứng, song rốt cuộc… “tít mù nó chạy vòng quanh”.
Luật sư T.A.M

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"