Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Vì sao Bản Kết luận Điều tra của Bộ Công an không liên quan tới trang Ba Sàm?

Ngọc thu
Đọc Bản Kết luận Điều tra về cái gọi là “Vụ án Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…”, có thể thấy không có chỗ nào đề cập đến cụm từ "Ba Sàm" hay "blog Ba Sàm". Rất nhiều người thắc mắc điều này, mình chỉ xin nêu những nhận định chủ quan của riêng mình.
1- Không muốn đụng trực tiếp tới trang blog luôn chống lại sự bá quyền của Trung Quốc.
Như mọi người đều biết, trang Ba Sàm nổi tiếng với việc chống lại sự bành trướng của bá quyền Trung Quốc qua các bài đăng, cũng như trong mục điểm tin hàng ngày. Ở phần điểm tin hàng ngày, từ nhiều năm qua trang Ba Sàm luôn đưa mục Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa - Quan hệ Việt-Trung lên đầu bản tin, với mục đích cung cấp thông tin cho độc giả có cái nhìn rõ hơn về sự bành trướng của Trung Quốc. Qua đó, nhằm cảnh giác người dân Việt Nam về cái họa mất nước gần kề.

Dư luận cho rằng việc bắt người sáng lập trang Ba Sàm là anh Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy vào đúng thời điểm Trung Quốc mang giàn khoan 981 vào Biển Đông thăm dò dầu khí, nhằm mục đích dập tắt tiếng nói chống lại sự bá quyền của Trung Quốc. Và đây có thể là lý do mà những người chủ trương tạo ra cái gọi là "Vụ án Nguyễn Hữu Vinh..." muốn tránh, nên bản kết luận điều tra không thấy có chỗ nào nhắc tới "Ba Sàm".
2- Cần cải thiện quan hệ với Mỹ, không muốn đụng tới "thế lực thù địch"
Mình là người điều hành trang Ba Sàm trong thời gian qua và là người ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nếu cái gọi là "Vụ án Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn..." có liên quan tới trang Ba Sàm thì phải triệu tập người điều hành trang Ba Sàm, là "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án". Có nghĩa là họ phải triệu tập mình về VN để điều tra và xét xử "vụ án" này.
Nếu mình không chịu về theo lệnh triệu tập, họ có thể yêu cầu Mỹ dẫn độ mình về nước. Yêu cầu Mỹ dẫn độ công dân Mỹ về Việt Nam chỉ vì viết blog, quả là chuyện không tưởng. Hơn nữa, cho dù có thể làm được điều này, liệu nhà cầm quyền có muốn thực hiện điều đó hay không, trong lúc họ muốn cải thiện hồ sơ nhân quyền, muốn chứng minh với Mỹ là "Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền" để đàm phán TPP và mua vũ khí của Mỹ?
3- Không thể chứng minh những người bị bắt liên quan tới trang Ba Sàm
Hơn 3 năm qua, kể từ khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 hồi cuối tháng 5/2011, rồi sau đó blog Ba Sàm bị hack thành công lần thứ hai vào ngày 9/6/2011, trang Ba Sàm liên tục bị đánh phá. Ở trong nước gần như không thể login được vì thường xuyên bị chặn, giống như những người tranh đấu bị "người lạ" khóa trái cửa, nhìn thấy nhà mình mà không thể vào được.
Sau lần thứ 3 bị hack thành công vào ngày 8/3/2013, mình đã làm thêm 2 website (basam.info và basamnews.info) phòng hờ, để lúc bị phá cái này thì còn cái kia, và phải đóng cái blog (anhbasam.wordpress.com) vì chưa có thời gian khôi phục hết tất cả các dữ liệu đã bị hack mất. Hai website mới này sau khi đưa lên mạng không được bao lâu, đã phải chịu nhiều đợt tấn công khá nặng nề.
Có những hôm bị tấn công liên tục, server phải shut down, ở nước ngoài mình cũng không login được, nói chi tới người trong nước. Sau đó mình đã phải làm vội cho xong cái blog để đưa lên mạng trở lại, có chỗ để đăng bài, điểm tin trong khi 2 website tạm thời bị đánh sập. Cho nên, có muốn chứng 2 người bị bắt liên quan tới trang Ba Sàm cũng không thể nào chứng minh được vì có log vào được đâu mà đăng bài hay điểm tin?
Trên đây chỉ là nhận định của mình về việc vì sao Cơ quan An ninh Điều tra không đưa "trang Ba Sàm" vào bản Kết luận Điều tra. Nhận định trên có thể đúng, mà cũng có thể sai. Nhưng chắc chắn rằng, chuyện không đưa trang Ba Sàm vào Bản Kết luận Điều tra là có tính toán cẩn trọng của những người chủ trương tạo ra "vụ án" này.
Ngọc Thu

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"