5xu
Dùng bản đồ quân sự thời chiến tranh Nam Bắc 1967-1975 để đọc các sách về các chiến dịch của… Quang Trung ở Đàng Trong thấy rất thích. Nói cách khác, đọc sách về các chiến dịch quân sự ở Đàng Trong của Quang Trung, ta nên dùng bản đồ quân sự của chiến tranh Việt Nam, sẽ thấy rất dễ hiểu.
Đọc các chiến dịch của Quang Trung và của các tướng bên phe Nguyễn
Anh ở Gia Định, rồi đọc về chiến tranh Việt nam giai đoạn 1967-1975, rồi
xem bản đồ (giờ trên internet có rất nhiều), lờ mờ nhận ra: Miền Nam
(nam trung bộ đổ vào) rất dễ đánh, dễ chiếm và đồng nghĩa là rất khó
giữ. Quang Trung cũng thấy vậy nên không cố công mà giữ. Tất nhiên vì
không bỏ công ra giữ nên Đàng Trong trở thành bàn đạp để Nguyễn Ánh lập
quốc (và tất nhiên sau khi Quang Trung chết).
Cũng có thể lờ mờ nhận ra một điều nữa: vai trò của Cambodia rất
quan trọng. Bình định được nước láng giếng này thì an toàn từ Cao nguyên
đến vùng biển Hà Tiên, tức là một không gian cực kỳ lớn. Đồng thời ổn
định được quan hệ kiểu viễn giao với Thailand và Myanmar. Cho nên việc
Việt Nam qua Cambodia xử lý Khmer Rouge có tác hại (khốc liệt) trong
ngắn hạn, nhưng có lợi ích trong dài hạn. Đây cũng có thể là lý do mà Ngô Đình Nhu
quyết lật đổ chỉnh quyền ở Cambodia bằng đảo chính mà thất bại nặng, để
lại một đống tai họa góp phần đưa quân đội VNCH sau này của tổng thống
Thiệu vào thế yếu. Mặc dù nhìn trên bản đồ, thấy quân đội VNCH bố trí
phòng ngự đẹp ra phết, Quang Trung còn sống chắc cũng chỉ nghĩ đến thế
là cùng. Nhưng mất Cambodia, và quân đội đánh đấm và phối hợp kém, rồi
Mỹ ký Paris, thì ở cái vùng dễ chiếm khó giữ này, thua mới là đúng.
Một điều lờ mờ nữa, là không chỉ quân sự mà chính trị ở Miền Nam
cũng cho thấy lãnh đạo quốc gia thì tiên quyết là phải an toàn về mặt
chính trị. Bất cứ nguy hiểm chính trị nào đều có thể dẫn đến hỏng việc
lớn. Mà nguy hiểm chính trị có thể đến từ những ngóc ngách bất ngờ. Ở
ngoài bắc, vì nhiều lý do (gần ngàn năm Tàu thuộc, rồi gần ngàn năm chịu
ảnh hưởng bảo hộ của Tàu, mãi cho đến hiệp ước Thiên Tân do Pháp ký với
nhà Thanh năm 1995 mới chấm dứt), lại có chính quyền hiện đại do Liên
Xô đào tạo bài bản, nên chính trị rất chặt chẽ, kém tiến hóa. Còn ở miền
nam, suốt từ thời Dương Ngạn Địch đến thời Nguyễn Văn Thiệu, chính trị
lỏng lẻo và sôi động hơn. Thời đệ nhị cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu thậm
chí khá là cởi mở với tự do đại học và hoạt động hạ viện, báo chí. Các
nhân vật nổi bật ở miền nam, kể từ thời Pháp thuộc, hầu hết đều chuyên
nghiệp hơn hẳn các đối thủ về chính trị, và nhờ đỏ an toàn hơn hẳn trong
việc leo cao trong hệ thống.
Nguyễn Văn Thiệu là ví dụ hết sức gần. Là con một người chăn bò,
nhưng Thiệu học hành tốt và chăm chỉ giúp mẹ bán hàng. Đi lên bằng con
đường binh nghiệp, rồi lên đỉnh cao quyền lực nhờ các cuộc đảo chính
quan sự. Ngay sau khi lên chức, tổng thống Thiệu nhận thấy việc củng cố
quyền lực không chỉ đơn giản là xây dựng vây cánh trung thành mà còn cần
hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Người Mỹ đã giúp Thiệu đối phó với
các phe đối lập bằng các hoạt động chính trị – dân sự, nhất là họ giúp
Thiệu các hoạt động dân sự – chính trị để Thiệu đắc cử tổng thống lần
hai hợp pháp (nhờ đó tiếp tục được giới chính trị Mỹ ủng hộ). Thiệu chỉ
ra các đòn đánh quyết liệt, sử dụng an ninh, vào những năm cuối của cuộc
chiến. Sau đổi mới, chính trị ở Việt Nam đã lỏng ra, dù nhiều lần bị
xiết. Chính trị lỏng ra là rất tốt về mặt xã hội, lại cũng rất tốt ở chỗ
các chính trị gia buộc phải chuyên nghiệp và khôn ngoan hơn trong môi
trường cạnh tranh chính trị ngày một khắc nghiệt hơn.
Mà chính trị thực sự khắc nghiệt. Trong sách mà tác giả là các cựu
nhân viên CIA hoạt động ở Đông Dương, họ luôn cho rằng Lào là một nước
dễ chịu, nhưng có một điều người Lào hận thù nhau liên miên vì những lý
do người nước ngoài không thể hiểu được. Người Việt Nam không khác lắm.
Người ngoại quốc nhìn vào cũng sẽ thấy người Việt sẵn sàng giảng hòa với
các kẻ thù của mình, từ Tàu đến Nhật, Pháp đến Mỹ, kể cả những nước mà
người Việt gọi là chư hầu tàn ác như Úc, Đại Hàn, nay họ cũng giảng hòa.
Nhưng người Việt không giảng hòa được với người Việt các bên có xung
đột, hoặc đã từng xung đột, về quyền lực và chính trị. Cờ vàng và cờ đỏ
sau nửa thế kỷ vẫn có thể cắn nhau đến chết. Ngày xưa: Nguyễn Ánh lên
ngôi là trả thù Quang Trung (dù đã chết) rất tàn nhẫn, phi nhân tính;
Minh Mạng lên ngôi là trả thù Lê Văn Duyệt; đảo chính lật được tổng
thống Diệm, anh em tổng thống đã đầu hàng, vẫn giết rất tàn bạo và phi
pháp.
Ngày nay người ta chỉ còn giết sinh mạng chính trị của nhau chứ
không còn giết người đoạt mạng như ngày xưa, nhưng về cơ bản các giá trị
phương tây như vị tha, bác ái, đối thoại, hòa giải vẫn chỉ là hình thức
ở Việt Nam. Đã động đến chính trị và quyền lực ở Việt Nam thì cuộc chơi
chắc chắn chỉ có một mất một còn.
Sự sống còn của sinh mạng chính trị, không chỉ nằm ở chỗ bảo vệ an
toàn sinh mạng chính trị của lãnh đạo hay nhóm lãnh đạo, mà còn ở an
toàn địa lý và thể chế. Hai anh em tổng thống Diệm cực cao thủ về kỹ
năng chính trị, lại có cả lực lượng đặc biệt do ông Nhu nhờ Mỹ đào tạo
để làm cặp song kiếm bảo vệ tổng thống theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng,
nhưng việc để mất kiểm soát Cambodia và vùng nông thôn rộng lớn chính
là những vết nứt lớn dẫn đến sự sụp đổ của nền đệ nhất cộng hòa. Ngô
Đình Nhu luôn cho rằng còn miền nam thì còn Việt Nam. Mất miền nam thì
Việt Nam, trước hết là miền bắc, sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Biết thế
nhưng không làm được đến cùng, chính miền nam lại lung lay quá dữ dội và
ông Nhu đã phải trả giá.
Quay lại với các bản đồ. Sử dụng bản đồ chiến dịch Đông dương của Đế
Quốc Nhật Bản (1940-1945) để đọc lại chiến dịch Phá Tống của Lý Thường
Kiệt sẽ thấy rất rõ nhận định của Ngô Đình Nhu về tham vọng của Tàu
khống chế Bắc Việt bởi đó là lối thoát duy nhất của Tàu ra biển. Tất
nhiên, khi nói đến lối thoát tức là hiểu Tàu đang bị Trung Hoa (nay là
Đài Loan) và Nhật Bản, cả hai có Mỹ đằng sau, o ép không cho hít thở khí
giời.
Cũng dùng bản đồ này để xem tiếp chiến dịch Bình Chiêm của Lý Thánh
Tông bằng hải quân, cũng như cách quân Chiêm đi đường biển ra đánh Thăng
Long (cuối Trần), sẽ thấy nếu Tàu bình định được đến vĩ tuyến 17, thì
lời của của nói Mao với Lê Duẩn về tham vọng mang người Tàu tràn xuống
Đông Nam Á, là rất khả thi. Cũng đừng quên những người Hoa phản Thanh đi
xuống Đàng Trong cũng đi theo tuyến đường biển này.
Chính quân Nhật, năm 1940 đã phải khống chế Bắc Kỳ, cắt đứt đường
vận tải vũ khí và nhiên liệu từ cảng Hải Phòng theo đường sắt đi qua Côn
Minh của Trung Hoa (Tưởng), sử dụng sân bay Gia Lâm cho không quân Nhật
ném bom được chặn tiếp vận của Mỹ từ Myamar qua Côn Minh. Cảng Hải
Phòng cũng là cảng chuyển tiếp lục quân Nhật. Sau đó, sau khi khống chế
Nam Kỳ, chỉ trong vài năm ngắn ngủi đây Nhật tấn công và chiếm đóng bằng
hết các nước (lúc đó là thuộc địa của phương tây) mà nay là lãnh thổ
Đông Nam Á: Cambodia, Philippines, Malaysia, Singapore, Myanmar,
Thailand và Indonesia. Sân bay Sài Gòn và cảnh Cam Ranh là hai căn cứ
quân sự quan trọng nhất của Nhật để đánh chiếm các nước nói trên. Đông
Dương quan trọng như vậy nên người Nhật là người hiểu Việt Nam nhất, là dấu ấn của họ để lại trên đất nước này ngày càng rõ.
Cho nên ván cờ giờ không còn là ta đánh Mỹ (ở miền nam) là đánh cho
Liên Xô, Trung Quốc, mà bây giờ giữ được biển Đông là giữ được an ninh
cho cả Đông Nam Á. Gần đây, sau khi Nhật tỏ rõ thiện cảm với Việt Nam
trong việc chống Tàu, Việt Nam lập tức xích lại gần Ấn Độ, đây có thể sẽ
là cú xoay trục từ Tung sang Hoành làm Trung Quốc phải thu nhỏ dã tâm
bành trướng lại. Tất nhiên, việc củng cố an toàn địa lý sẽ dẫn đến an
toàn chính trị, một sự an toàn ở đẳng cấp quốc tế mà các đối thủ chính
trị tầm nội địa rất khó triệt hạ.
Trên đây nhắc đến nhiều thứ lờ mờ. Nhưng có một điều chắc chắn:
Nguyễn Huệ bỏ Gia Định lại cho Nguyễn Lữ, nên ngày nay chúng ta có nước
Việt Nam. Ấy là nhờ Nguyễn Ánh lấy Gia Định làm bàn đạp mà thống nhất
sơn hà. Sau người Nhật cũng lấy Sài Gòn làm bàn đạp mà chiếm được cả
Đông Nam Á.