Dân Làm Báo
Vào 2 giờ trưa thứ Sáu ngày 31 tháng 10, 2014 giờ Nam California, một
buổi Hội luận Truyền thông với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã được
Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do và đài truyền hình SBTN thực hiện tại thành phố
Garden Grove, Nam California.
Mở đầu chương trình, anh Điếu Cày đã gởi lời tâm tình đến đồng
hương, đồng nghiệp và bạn bè trong nước. Anh đã kết thúc bằng lời cám ơn
và lời cam kết:
"Có thật nhiều điều để nói, để tâm sự, để chia sẻ cho một người
tù mà 6 năm rưỡi qua đã rất thèm khát tự do. Tôi chỉ xin phép được nhân
dịp này cám ơn gia đình, bạn bè trong nước cũng như đồng bào hải ngoại
đã thương mến và tranh đấu không ngừng nghĩ cho tự do của tôi và của bạn
bè tôi. Tôi tâm niệm rằng không một lời cám ơn nào, một thái độ đền bù
nào có thể tương xứng với những gì mà quý vị đã dành cho tôi hơn là sự
dấn thân và đóng góp của cá nhân mình cho mục tiêu chung của tất cả
chúng ta; đó là tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Đó cũng là
lời cam kết của tôi gửi đến tất cả..."
Xin xem nguyên bài phát biểu của blogger Điếu Cày: Tâm tình của Điếu Cày tại Hội luận Truyền thông - Nam California
Điếu Cày với bài phát biểu (ảnh Danlambao)
Trong phần hội luận khi được hỏi sau hơn 1 tuần đến Hoa Kỳ thì cảm tưởng của anh ra sao. Anh đã trả lời:
Tôi đã được đưa thẳng từ nhà tù đến Hoa Kỳ, vì vậy tôi có những
cảm nhận khác với những người được tự do đến xứ sở này. Thành phố rộng
lớn với hạ tầng giao thông hiện đại, được quy hoạch rất tốt và khí hậu
thì ấm áp như ở Sài Gòn...
Nhưng kể từ nay tôi có thể tự do vào mạng internet mà không bị
ngăn chận, gọi điện thoại mà không sợ bị nghe lén, máy computer của anh
không bị nguy cơ an ninh ập vào nhà lấy đi bất cứ lúc nào và mỗi bước
chân anh đi trên đường không còn những cái đuôi an ninh cộng sản theo
dõi...
Trong tuần đầu đến Hoa Kỳ tôi và các bạn trong CLBNBTD đã có
nhiều cuộc tiếp xúc với các cơ quan truyền thông Việt ngữ và các hãng
thông tấn quốc tế để tìm kiếm sự liên kết, hỗ trợ nhằm thúc đẩy quyền tự
do báo chí, tự do biểu đạt tại Việt Nam; tìm kiếm sự giúp đỡ để giải
cứu các tù nhân lương tâm và cải thiện nhân quyền trong các nhà tù cộng
sản.
Ban tổ chức giới thiệu Điếu Cày (ảnh Danlambao)
Khi được hỏi về dự định tương lai anh sẽ ở đâu, anh cho biết:
Khi mới sang thì con gái tôi tôi về Canada để săn sóc. Nhưng khi
đón nhận những chân tình và hỗ trợ của anh em truyền thông tại đây tôi
đã quyết định ở lại Cali để sát cánh cùng đồng bào đấu tranh cho tự do
dân chủ tại VN.
Về hướng hoạt động tương lai:
Thứ nhất là sẽ phát triển CLBNBTD để gia tăng góp phần tranh đấu
cho tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam. CLBNBTD đã bị đàn áp
khốc liệt, 3 thành viên bị kết án, gia đình bị xách nhiễu. Do đó, việc
đầu tiên khi ra tù là tôi nỗ lực kết nối anh em trong nước và kết hợp
với anh em truyền thông nước ngoài...
Thứ hai là tôi sẽ tranh đấu cho tự do của các tù nhân lương tâm, cho những cây bút độc lập...
Song song với 2 hướng hoạt động chính yếu ấy anh cho biết sẽ nỗ
lực để kết nối truyền thông trong và ngoài, đặc biệt là với SBTN và anh
em truyền thông hải ngoại. Việc kết nối sẽ tạo nên sự cân bằng truyền
thông, bà con trong ngoài chuyển tải thông tin, hàn gắn, xoá đi những
khác biệt.
Về nhu cầu kết nối trong ngoài, khi được hỏi có còn lửa hay không để kết nối... anh Điếu Cày đã chia sẻ:
Tôi xin đưa ra một thí dụ đã xảy ra về sức mạnh của sự kết nối.
Khi ở trong tù chúng tôi bị cai tù đàn áp, nhưng chúng tôi đã tìm cách
đưa thông tin ra ngoài qua thân nhân và từ đó kết nối với truyền thông
hải ngoại... Đó là câu chuyện kết nối truyền thông, cả hệ thống truyền
thông bên ngoài ủng hộ chúng tôi.
Từ đó cũng qua truyền thông chúng tôi kết nối với phong trào dân
chủ trong nước, với các tổ chức nhân quyền quốc tế và với cộng đồng hải
ngoại. Tất cả đã tạo sự quan tâm, dẫn đến anh Trúc Hồ có nguồn cảm hứng
để sáng tác Triệu Con Tim Một Tiếng Nói. Trong 1 xã hội CS độc tài về
truyền thông, nó như một nhà tù, thì khi chúng ta kết nối để phá vỡ
thông tin và sẽ tác động đến tư duy xã hội.
Về nguồn tin Điếu Cày không nhận lá cờ vàng và từ chối đứng vào hàng
ngũ của cộng đồng người Việt tự do hải ngoại. Điếu Cày cho biết:
Đây là một chủ đề nhạy cảm, nhiều người muốn biết quan điểm của
tôi. Việc tôi không nhận lá cờ thì sự thật đã rõ, nhiều người đã thấy
khi xem clip.
Trước tiên chúng ta phải thấy rằng lá cờ chỉ là biểu tượng. Chúng
ta đấu tranh là vì mục tiêu tự do, dân chủ cho đất nước, không phải vì
biểu tượng một lá cờ. Bởi vì biểu tượng thì có thể thay đổi, nhưng mục
tiêu đấu tranh thì không bao giờ thay đổi. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ đã có từ
thời nhà Nguyễn, là cờ của tổ quốc, đại diện cho tự do dân chủ. Lá cờ đỏ
sao vàng là biểu tượng của một thể chế độc tài, áp bức. Chính chế độ
độc tài đó đã cắt đi tiếng nói của người VN. Do đó, đối với tôi, bất kỳ
biểu tượng nào tượng trưng cho tự do dân chủ tôi đều trân trọng và hãnh
diện đứng dưới nó.
Không riêng gì cá nhân chúng tôi mà tất cả chúng ta, trong nhu
cầu kết nối để tạo sức mạnh tổng hợp, hãy cùng nhau đứng dưới ngọn cờ tự
do dân chủ để xoá bỏ độc tài, áp bức và bất công. Chúng ta có thể khác
nhau về phương thức nhưng mục tiêu chỉ có một. Đó là đem lại tự do, dân
chủ trên đất nước Việt Nam. Khi chúng ta đoàn kết và chọn ra biểu tượng
chung và nếu 90 triệu người dân đồng ý về biểu tượng chung đó thì tất cả
cùng đứng chung dưới biểu tượng chung ấy...
Trình bày về sự hình thành của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do được xem là
thành phần tiên phong của phong trào dân báo. Anh Điếu Cày kể lại:
Năm 2007 VN chỉ có 6 triệu trang blog, trong số 20 triệu người sử
dụng internet. Ngày hôm nay, đã có 25 triệu trang blog, với hơn 30
triệu người sử dụng internet. Chỉ cần 1/100 trong số 25 triệu trang blog
hoạt động như một tờ báo nhỏ, chúng ta đã có 250 nghìn tờ báo. Đủ sức
để tạo sự cân bằng với truyền thông một chiều và mị dân của nhà cầm
quyền.
Từ ý tưởng đó đã dẫn đến ý định tập hợp những nhà báo công dân. Ở
đâu cũng có người dân, với điện thoại nhỏ bé có thể ghi sự kiện. Thế là
CLBNBTD ra đời và đã cắm một điểm mốc cho sự phát triển của dân báo.
Về tình hình báo lề dân hiện nay so với 6 năm trước:
Với số lượng người sử dụng blog, 25 triệu người sử dụng FB, chúng
ta có 250 ngàn tờ báo nhỏ rồi, đã cân bằng với hệ thống truyền thông
nhà nước vốn là việc rất quan trọng. Trên 250 ngàn tờ báo nhỏ sẽ có sức
mạnh ngang bằng với truyền thông của đảng CSVN. Ở trong tù tôi luôn luôn
theo dõi chúng công nghệ truyền thông và tôi rất phấn khởi. Cứ thêm một
kết nối là chúng ta phát triển và chúng tôi rất vui mừng.
Một thí dụ là như trang DLB là 1 tờ báo mạng nổi lên và có sức
mạnh, trong vòng 4 năm anh em CLBNBTD vẫn tiếp tục hoạt động và phát
triển để Danlambao hiện đã có gần 200 triệu lượt truy cập, 33 triệu
người vào xem trong đó 3/4 là bạn đọc trong nước. Đây là 1 việc rất là
quan trọng. Vì thế, tôi muốn tạo ra kết nối trong ngoài để gia tăng sức
mạnh truyền thông nhiều hơn nữa.
Khi được hỏi về những dự định cho tự do của blogger Tạ Phong Tần, anh Điếu Cày đã trình bày:
Điều mà tôi cảm thấy mất mát lớn lao nhất của CLBNBTD là khi nghe
tin bác Đặng Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, một thành viên chủ
chốt của CLBNBTD, đã tự thiêu để phản đối chế độ đối xử hà khắc của nhà
tù cộng sản đối với các con của mình, trong đó có tôi và blogger Tạ
Phong Tần.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, tôi và các thành viên
CLBNBTD đã tiếp xúc được với các tổ chức truyền thông, chính giới để kêu
gọi, để mở những chiến dịch truyền thông tranh đấu cho tự do của Tạ
Phong Tần. Cụ thể chúng tôi đã kết nối với SBTN để thực hiện một chiến
dịch rộng lớn cho tự do của Tạ Phong Tần. Và tôi mong muốn mọi người
cùng tham gia, là điều mà tôi muốn gửi gắm. Hôm qua các thành viên
CLBNBTD đã tiếp xúc với nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để có sự hỗ trợ
Ngày hôm qua, các thành viên CLBNBTD cũng đã tiếp xúc với nhân
viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ để tìm kiếm sự hỗ trợ cho sự tranh đấu của
người Việt cho những tù nhân lương tâm trong nước. Đây cũng chính là
trách nhiệm mà anh em trong tù đã ủy thác cho chúng tôi.
(Tiếp tục cập nhật)