Tôi định sẽ không viết về anh Điếu Cầy, vì trên các trang báo điện tử
lề trái đã có rất nhiều các bài viết về sự kiện anh được đưa thẳng từ
nhà tù ra sân bay Nội Bài, bay thẳng sang Los Angeles Hoa Kỳ. Nhưng hình
ảnh anh mặc chiếc áo phông, đi đôi dép lê tổ ong, bước xuống sân bay
trong tiết trời cuối thu se lạnh của nam California, rồi tấm hình anh
ngồi cô đơn trong căn phòng, tháo gỡ những đường chỉ trong chiếc áo mà
anh đã khâu thêm vào, để cất giấu những lá thư của những người bạn tù…
đã khiến tôi rất xúc động. Tôi không thể không viết những suy nghĩ về
anh, về những kẻ đã dùng mọi thủ đoạn xấu xa để bắt anh đầu hàng nhận
tội, nhưng chúng đã thất bại, đã lại một lần nữa phạm tội ác đối với
anh.
Điếu Cầy được ra khỏi nhà tù cộng sản, chấm dứt những ngày phải sống trong các „trại súc vật” như anh đã kể. Xin chúc mừng anh!
Khi Điếu Cầy đã ở trên đất Mỹ, ngày 23-10-2014, trong cuộc họp báo,
phát ngôn viên Phạm Thu Hằng của bộ ngại giao Việt Nam đã nói :”Nhà nuớc
Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với
Nguyễn Văn Hải và cho phép Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ vì lý do nhân
đạo.”
Khi nghe tuyên bố trên đây, chắc những người có mặt trong cuộc họp
báo này đều bấm bụng cười thầm, vì ai cũng biết chính quyền Việt Nam đã
hành xử vô nhân đạo, vu cáo để cầm tù, đầy đọa Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải
qua 11 nhà tù, từ Nam ra Bắc trong 6 năm 6 tháng 2 ngày, nay bỗng dưng
lại trở nên nhân đạo để anh xuất cảnh đi Mỹ.
„Cho phép Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ”, cụm từ nghe thật nhẹ nhàng
lịch sự. Nhưng sự thật là Điếu Cầy đã bị áp tải ra thẳng sân bay và đưa
lên máy bay với đôi dép lê và quần áo anh vẫn thường mặc trong tù. Anh
không được gọi điện về cho vợ con, bè bạn, anh không được nhìn thấy quê
hương đất nước mà anh yêu tha thiết, đất nước mà anh đã dấn thân đấu
tranh vì nó, anh sẽ phải xa cách nó hàng vạn dặm mà không biết ngày trở
về. Anh đã bị trục xuất một cách thô bạo ra khỏi quê hương bản quán của
mình.
Trên thế giới văn minh ngày nay, còn bao nhiêu quốc gia mà chính
quyền trục xuất công dân của mình ra khỏi quê hương của họ như Điếu Cầy?
Chỉ những thể chế không có luân thường đạo lý mới hành xử như vậy.
Chúng ta đều biết, dối trá là bản chất của các chế độ cộng sản. Sự
dối trá của các chế độ này thường được che đậy bằng những màn kịch vụng
về , với những lí do rất „nhân đạo”, rất „Người”, nhưng chỉ những kẻ quá
vô liêm sỉ mới nói dối với những người, mà người ta đều biết mình nói
dối. Ngoài bệnh dối trá, những người lãnh đạo của chế độ độc tài Cộng
Sản Việt Nam còn coi thường những bài học lịch sử. Hẳn họ chưa quên, chế
độ cộng sản Xô Viết trước đây, cha đẻ của chế độ cộng sản Việt Nam, để
duy trì thể chế của mình, đã tước quốc tịch và trục xuất nhiều công dân
Xô Viết là những nhà đối lập như nhà văn Aleksand Solzenixin, tác giả
của „Quần Đảo Ngục Tù”, nhà thơ Losif Brodsk giải thưởng Nobel văn học
1987, nhà văn đối kháng Andrei Amalrik … nhưng cũng không cứu vãn được
chế độ cộng sản Xô Viết, nó đã bị sụp đổ như người khổng lồ bằng đất
sét. Phải chăng những người cộng sản Việt Nam muốn đi theo vết xe đổ của
những người cộng sản Xô Viết?
Tôi đã đọc một vài bài của báo chí lề trái có ý trách cứ Mỹ đã chưa
đủ cứng rắn, chưa có chính sách hợp lý đối với chính quyền cộng sản Việt
Nam trong trường hợp anh Điếu Cầy. Nhưng liệu người Mỹ có thể làm gì
hơn với một chính quyền, lấy sự tù tội hay tự do của công dân nước mình
ra để mặc cả, trao đổi lấy những lợi ích kinh tế, để duy trì sự cai trị
độc tài. Chúng ta thật hổ thẹn đã không làm được gì để những người đồng
hương vô tội phải tù đầy, phải nhờ cậy vào sự can thiệp của quốc gia
giầu lòng nhân ái, luôn giúp đỡ những người đấu tranh cho tự do dân chủ
trong các quốc gia còn chế độ độc tài.
Điếu Cầy đã bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày ngày anh không còn phải
đối mặt với những tên cai tù , những tên tù chỉ điểm luôn tìm cách vu
cáo, đưa anh vào phòng giam „kỷ luật”, cùm kẹp và đầy đọa anh. Anh không
còn phải đối đầu với bộ máy an ninh khổng lồ, với những thủ đọan côn đồ
muốn bẻ gẫy, đè bẹp ý chí của anh. Anh không phải tuyệt thưc để phản
đối chế độ lao tù, để những tù nhân được tù như những con người. Giờ đây
trên vai anh gánh nặng những nỗi thống khổ, những ủy thác, những hy
vọng…của những người bạn tù, những người cùng chung lý tưởng với anh,
những tù nhân chính trị như Trương Duy Nhất, Tạ Phong Tần,Trần Huỳnh Duy
Thức, Phạm Xuân Diệu….Anh phải thay họ tố cáo với thế giới về chế độ
nhà tù tồi tệ đối với tù nhân nói chung và tù nhân lương tâm, tù nhân
chính tri nói riêng. Anh sẽ viết những gì đã trải qua trong 11 nhà tù
trong hơn 6 năm để phơi bầy cho thế giới biết sự dối trá, độc ác của chế
độ độc tài bạo ngược, trà đạp lên con người. Sau hơn 6 năm bị cách ly
với gia đình, xã hội, nay anh bắt đầu một cuộc sống của đời thường, với
những lo toan hàng ngày về ăn ở về gia đình …, trong một cộng đồng với
đa số là nạn nhân của chính quyền cộng sản sau 30-04-1975, nhưng còn
nhiều khác biệt.
Điếu cầy là một con người của hành động như anh đã tự nói về mình.
Anh là người tù lương tâm kiên cường, đáng khâm phục nhất của Việt Nam
ngày nay. Đáng khâm phục vì ngay trong thân phận tù đầy, anh cũng không
khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ lý
tưởng mà mình đã theo đuổi – đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ.
Tôi tin rằng lý tưởng đó đã và sẽ vẫn cháy trong tâm hồn anh, dẫn dắt
anh đi tiếp trên con đường tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ,
một Việt Nam thật sự của cả 90 triệu người Việt Nam.
Warszawa 27-10-2014
© Đàn Chim Việt