Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Đảng và cha và con và thánh thần

Tiếu Khách
Dân Luận: Xin có lời xin lỗi trước những độc giả theo đạo Thiên chúa giáo, đoạn đầu của bài viết này có thể khiến các bạn mếch lòng.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là một kiểu giật title. Trong ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, không có lắm chữ “và” ở cùng một câu như thế. Có nhiều cách gieo câu uyển chuyển khúc chiết hơn. Nhưng trong ngôn ngữ cổ, khi các giáo sỹ phương Tây dịch kinh thánh ra tiếng Việt, thì có nguyên văn câu “nhân danh cha và con và thánh thần”. Đến nay, người ta vẫn nói y nguyên như thế, theo cái kiểu tôn trọng kinh điển, mặc dù kinh thánh theo lối dịch cổ đọc lên nghe rất lủng củng, rối rắm và tối nghĩa.
Hồi còn đi học, một hôm tổ giao cho tôi chuẩn bị đề tài để tham gia thuyết trình trong buổi Seminar của khóa. Cái vụ nói trước đám đông thì tôi vốn có chút ít khả năng, và tôi chọn một đề tài ngắn về tôn giáo, rồi bỏ thì giờ lên thư viện kiếm tìm tài liệu để soạn bài. Những người lên bục trước tôi đều bám sát, thậm chí là đọc tài liệu chuẩn bị sẵn. Còn tôi thì đã hình thành ý tưởng và bố cục, nội dung từ trước nên chỉ cầm theo một tờ giấy A4 ghi chi chít số liệu và mốc thời gian dữ kiện. Chỉ khoảng 2 phút, tôi đã làm cho cả hội trường phải ngồi yên lặng vì cách mở và tiếp cận vấn đề theo kiểu không giống ai. Và cả các thầy cũng phải ngạc nhiên khi nghe tôi dẫn giải rằng Thiên chúa giáo có nguồn gốc từ phù thủy. Từ những nghi thức như ăn bánh thánh, dụng nước thánh, làm dấu thánh, cầu nguyện (một hình thức niệm chú), đến việc rửa tội, thờ linh vật (thánh giá) đều mang đậm dấu ấn của những trò phù thủy xa xưa. Cả việc làm phép hay sự phục sinh của Jesus cũng liên quan đến “giả kim thuật” của các thuật sỹ cổ đại. Nhiều bạn học há hốc mồm, còn mấy người theo đạo thì tái mặt, lầm lỳ. Và xin được nói thêm là ngành học của tôi chẳng liên quan mấy đến lĩnh vực này.
Điều đương nhiên là chúa giáo ra đời sau thời phù thủy nên không tránh khỏi những ảnh hưởng và kế thừa. Những dấu ấn cổ đại ấy vẫn còn giữ lại tàn tích đến thời hiện đại này. Thế mới biết, chúa giáo kéo người ta tụt hậu đến mức nào, khi những tục cổ vẫn lảng vảng chung quanh các thành tựu hiện đại.

Nhưng Đảng thì có liên quan gì ở đây?
Có đấy. Đảng ở đây không phải là một đảng nào khác mà chính là đảng vĩ đại. Giờ tôi xin “phản động” đôi chút:
Ngay từ những câu khẩu hiệu dạng như “quang vinh muôn năm”, rõ ràng vẫn mang âm hưởng của thời phong kiến, khi mà người ta tung hô “thánh thượng vạn tuế”, hay giống như câu “thiên thu trường trị” trong Tiếu ngạo giang hồ của quái kiệt Kim Dung. Từ đó đẻ ra việc loạn khẩu hiệu, đi đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu và khẩu hiệu, mà trong đó nhiều câu ngu ngốc đến khó tả. Thỉnh thoảng người ta vẫn chụp ảnh đưa lên mạng đấy thôi. Mà thiết nghĩ, nếu cắt giảm đi đa số những khẩu hiệu các loại, dành tiền dùng vào việc khác thì có lợi hơn nhiều, vì chẳng ai sống và làm việc theo khẩu hiệu cả.
Rồi những quy định, nghi thức trong đảng cũng có nhiều điều học theo… thiên chúa. Người được kết nạp đảng, trong nghi lễ có đọc lời thề đảng viên (thường là nội dung điều 2 trong điều lệ), vẫn phảng phất cái gì đó của lời thề trong giáo đường, kiểu như “con xin hứa”. Tất nhiên, nhiều kẻ đọc lên lời thề có vẻ thiêng liêng như thế, nhưng trong bụng lại mở cờ rằng đường hoạn lộ mình đang được rộng mở. Họ sẽ bổ sung vào đội quân có tên gọi là “bộ phận không nhỏ”.
Trong kỷ luật, đảng đề cao việc “phê bình và tự phê bình”. Phê bình thì người ta không dám, còn tự phê bình thì chẳng ai muốn. Và ai đã từng tham gia một buổi họp kiểm điểm định kỳ của một chi bộ theo cái kiểu cá nhân đọc bản kiểm điểm, chi bộ góp ý rồi bí thư kết luận thì phải thấy rằng nó na ná như việc xưng tội trong nhà thờ. Và cũng giống như linh mục sẽ giữ kín tội lỗi của người xưng tội (nguyên tắc là thế), thì chẳng có trường hợp đảng viên sai phạm nào bị kỷ luật từ những buổi kiểm điểm phê bình như thế. Có chăng là khi “cơ quan chức năng” vào cuộc kia, mới lòi ra những con chuột.
Rồi việc cấp trên cử người đi tuyên truyền, nói chuyện hay báo cáo nghị quyết này nọ vẫn y hệt như kiểu người ta đi giảng đạo. Và trong những buổi tuyên truyền như thế, người nghe thường nói chuyện riêng hoặc ngủ gục, chả có mấy tác dụng. Ấy là chưa nói đến tính hiệu quả của các nghị quyết, đề ra chẳng thực hiện được cũng chả chết ai.
Ngay cả những điều đảng viên không được làm cũng chỉ là một thể loại điều răn. Cơ chế và chế tài không đủ để buộc người ta tuân thủ, nên nó vô tình trở thành một loại khẩu hiệu. Ngay trong các quan đảng cao cấp, có nhiều vị có dấu hiệu vi phạm rõ ràng mà chẳng có ai làm gì được.
Rồi việc nhiều đảng viên thơ ngây răm rắp tuân theo cấp trên một cách cứng nhắc, mù quáng; tin tưởng tuyệt đối vào các nghị quyết thần thánh và cho rằng lãnh đạo luôn đúng và bất khả xâm phạm thì cũng giống hệt như sự cuồng tín của giáo dân với ông cha, ông chúa của họ.
Còn nhiều nhiều lắm, nhưng chỉ sơ sơ dẫn chứng như thế, quý vị đã thấy tôi phản động chưa? Rõ ràng, đảng ta vẫn còn phong kiến, vẫn còn “duy tâm” lắm, chưa thể văn minh được.
Vậy thì làm thế nào? Theo thiển ý cá nhân, đảng không thể tồn tại và phát triển bằng những tín điều, giáo điều như thế. Đảng phải có “Luật về Đảng” với những chế tài nghiêm minh cùng cơ chế hữu hiệu để đảm bảo thực thi nó. Luật ấy phải phù hợp với hiến pháp và hài hòa với pháp luật nhà nước. Phải đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu, kể cả trong đảng và trong nhân dân, mới mong đẩy lùi cái xấu, xây dựng cái tốt, làm lành mạnh hóa xã hội để đất nước đi lên. Nói một cách khác, đảng phải thực sự tiên tiến, khoa học trong lý luận và hành động. Và với vai trò là đội tiên phong, thì đảng luôn phải gương mẫu làm trước bằng thực tiễn chứ không phải lý thuyết suông.
Nhưng, còn lâu lắm và khó lắm. Người ta vẫn hát bài này của ông Phạm Tuyên: “…đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao…”
Kinh thế cơ chứ!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"