Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Xin đừng đổ cho dân kém “giác ngộ”!

Hà Hiển
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người dân có trách nhiệm với chất lượng của Quốc hội. (Theo BBC)
Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến do BBC tổ chức hôm 06/11/2014, khi được hỏi vì sao “chúng ta lại có một Quốc hội mà người dân không hài lòng như vậy”, GS Nguyễn Minh Thuyết, cựu ĐBQH đã lý giải bằng một một ví dụ: “… bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người, lấy 3 người, ông cũng tìm bằng được cho đủ ba người, mặc dù ông chẳng biết mặt ba người ấy, ông chẳng biết tài của ba người ấy, thì sẽ bầu vào những đại biểu kiểu như ấy thôi.”
Mình hoàn toàn đồng ý rằng nếu chẳng biết mặt cũng chẳng biết tài của các ứng cử viên thì việc bầu ra các đại biểu “kiểu như ấy” là điều dễ hiểu.
Nhưng câu này của ông Thuyết thì mình nhất quyết không đồng ý:
“Theo tôi vấn đề là giác ngộ của người dân. Người dân bây giờ mà một người lại đi bỏ phiếu, cầm cả một nắm phiếu bầu thay cho cả nhà, thì lấy đâu ra chính xác.” –
Với câu này, ông Thuyết đã đổ cái “tội” chẳng biết mặt cũng chẳng biết tài của các ứng cử viên có nguyên nhân từ vấn đề “giác ngộ của người dân”.

Thế thì người dân phải “giác ngộ” thế nào khi buộc phải thụ động chấp nhận chuyện “người ta bảo đưa 5 người lấy 3”? Giả sử trong 3 người mà dân buộc phải bầu ấy có một ông bị bệnh tâm thần thì trước khi đổ tội cho dân kém “giác ngộ” vì đã bầu phải ông tâm thần ấy thì phải quy trách nhiệm cho “người ta” nào đó đã “đưa” một ông tâm thần vào cái danh sách “5 người” ấy chứ! Việc GS Thuyết chỉ trích người dân mà không chỉ đích danh “người ta” ấy là ai để quy trách nhiệm là thiếu công bằng!
Lại nữa, nếu có người dân nào “giác ngộ” cao cố tìm hiểu xem cái mặt và cái tài của 5 ông ấy thế nào thì chắc không khó lắm để biết mặt, còn tài thì làm sao mà biết? Đọc tiểu sử thì ông nào cũng thành tích đầy mình, không giáo sư, thạc sĩ thì cũng giám đốc doanh nghiệp, chức tước, danh hiệu các kiểu. Có ông nào xuất hiện để trực tiếp nói chuyện với cử tri, đưa ra các chương trình hành động hoặc 5 ông ấy đứng ra đấu khẩu “tay bo” trước dân để dân đánh giá ông nào thì thông tuệ, ông nào“mông muội” (chữ của nghị Phước). Nếu không được như thế thì có gì để đảm bảo rằng việc từng người đi bầu trực tiếp sẽ “chính xác” hơn việc “một người lại đi bỏ phiếu, cầm cả một nắm phiếu bầu thay cho cả nhà” như ông Thuyết đã nêu?
Buồn quá! Dân ta có thời được “người ta” đưa lên mây xanh, là “tinh hoa nhân loại” hay “lương tâm thời đại” gì đó, còn bây giờ lúc thì lại bị “người ta” hạ thấp là “dân trí kém” nên không thích hợp với các chuẩn mực văn minh dân chủ thông thường ở các xứ khác, hôm nọ thì có ông nhà thơ của nhà nước đổ cho là “tự ti”, hôm nay thì có ông cựu dân biểu đổ cho là kém “giác ngộ”. Thật tội nghiêp, người dân đã phải gắng chịu nhiều khó khăn, vất vả lắm rồi mà sao bây giờ trăm thứ tội cứ đều đổ lên đầu họ cả như thế này!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"