Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Vỉa hè, bến tàu ở Châu Âu.

Người Buôn Gió
Lúc trên tàu, có ba cậu người Đông Nam Âu thì phải, mặt mũi cũng rất bặm trợn đứng giữa chỗ khoang trống cửa ra vào. Mình đi vào thấy các cậu nhìn rất kỹ. Lúc mình lướt mắt qua, kiểu soi mói của các cậu ấy biến mất. Thay vào đó là cái nháy mắt.

 Quá chán, sao các cậu ấy lại nháy mắt với mình chứ. May là không ai nhìn thấy.

Lần trước cũng đi qua chỗ hay có trò móc túi, mấy cậu làm ăn ở đấy thấy mình cũng nháy mắt cười. Làm cậu em đi cùng mình ngạc nhiên hỏi sao anh lại quen bọn đấy.

Đm, điên thật, mình đã gặp bao giờ đâu mà quen. Nhưng phải nói mấy bọn móc túi, bán heroin, xin đểu ở bên này thấy mình hay nháy mắt như chào đồng đội. Từ Pháp hay Vác Xa Va đến Berlin đều hay gặp cảnh thế.

Lúc nhìn thấy ba cậu Đông Nam Âu kia, mình cố làm vẻ lơ đãng, mệt mỏi như sau một ngày đi làm về. Thế nào các cậu ấy vẫn nháy mắt chào một cái khi ánh mắt mình gặp các cậu ấy. Tàu vừa đến bến Bernau có ba cậu nháo nhác vội vàng đi theo mấy người xuống, mình biết các cậu ấy đã săn được con mồi. Các cậu ấy sẽ ra tay lúc mới bước ra khỏi cửa tàu hay lúc đi lên bậc thang.  Sở dĩ vì lúc xuống tàu nhanh chóng cho người khác lên, sự đụng chạm chen lấn ít bị để ý vì vội vàng. Còn lúc ở cầu thang bước lên, cơ thể chuyển động không như đi bộ, lúc đó túi xách ở trạng thái dao động theo nhịp bước chân lên xuống gập gềnh, người có túi dễ mất cảm giác khi ai động vào túi.


 Một lần đứng cùng ông anh ở bến tàu chờ người đến đón, mình đi vệ sinh bảo anh ấy trông đồ. Ông anh ở châu Âu này cũng đã mấy chục năm. Khi mình đi rồi quay đầu lại nhìn cái kiểu ông ấy đứng, chán quá lại phải quay lại bảo anh đứng thế này thì mất đồ luôn. Ông anh ngạc nhiên bảo làm sao mà nó lấy được, mình đừng khoảng trống thế này cơ mà.

 Mình phải vẽ tình huống, hỏi ví dụ có một người phụ nữ bế đứa trẻ đi ngang qua mặt anh, chẳng may đánh rơi gì đó, anh có nhặt hộ không.

Ông anh gật đầu. Mình hỏi tiếp, thế khi nhặt đưa, người phụ nữ cảm ơn, bỗng anh thấy bên trái có bóng đàn ông thoáng qua, anh có giật mình nhìn thằng đó xem nó có lấy túi của mình hay anh nhìn đống túi xem mất gì không.? Thường phản xạ anh sẽ nhìn thằng đó xem nó có cầm của mình cái gì không, trước khi anh quay lại nhìn đống hành lý xem mất gì không. Như thế anh sẽ mất hai khoảnh khắc, khoảnh khắc thứ nhất là nhặt hộ người phụ nữ, khoảng khắc thứ hai là anh nhìn thằng kia xem nó lấy gì. Khoảng khắc thứ ba anh sẽ quay lại xem đống đồ còn không. Khi thấy mất anh sẽ nhao ra chặn một kẻ khả nghi ở đằng sau đang giấu gì trong vạt áo, đó là khoảnh khắc phí phạm nhất vì sau vài phút giằng co nó sẽ thò ra chai rượu hay cái gì đó không phải của anh. Lúc này đồ của anh đã đi rất xa.

Ông anh ngán ngẩm lắc đầu, như thế thì mình chịu thật. Chả lẽ nó lại đi đến mấy người sao, như thế thì mình làm cách nào tránh.

Mình phải giải thích, trộm cắp ở đâu cũng thế thôi. Bọn móc túi bên này thường dân Đông Nam Âu, so với Đông Nam Á là Việt Nam thì chả tài hơn được. Cái đầu tiên cần tránh nhất là thế trân,  như ngày xưa người ta đánh trận họ nhìn khe núi, cánh rừng họ phải sợ có phục binh. Đi tàu điện thì tránh đứng hay ngồi gần cửa, có đi ra thì đi sau cùng. Nhìn thấy một tốp lên mà trông lanh lẹn, quần áo, giầy tất gọn nhẹ mà có vẻ cùng nhóm thì phải tránh. Đặc điểm nữa của bọn nó là luôn phải đảo mắt nhìn để quan sát con mồi, nên thấy mấy thằng nào mắt nó liếc nhìn khắp nơi thì cứ tránh nó ra. Trong trường hợp này, tay nhặt hộ đồ nhưng mắt phải ngoái lại nhìn đồ ngay.

 Dân trộm cắp nơi công cộng ở Tây Âu đa phần là dân của các nước Đông Nam Âu, những vùng đất thuộc CNXH khi trước. Đại khái là nhóm di dân, chứ người bản địa có thể họ bẩn thỉu, say xỉn nằm vạ vật xin tiền, chứ không mấy ai đi ăn cắp. Mà họ xin tiền cũng rất lịch sự, họ để một cái cốc nhựa và ngồi im. Có lúc họ còn đọc sách hay vuốt ve con chó của mình bên cạnh. Hay có thể họ chọn khoảng trống nào đó đánh đàn, ca hát. Người bản địa không bao giờ thấy lên tàu điện thổi điệu kèn ầm ĩ chừng 30 giây rồi đi xin tiền như những nhóm di dân từ Đông Nam Âu kéo sang. Người bản địa chơi nhạc xin tiền, họ chơi một cách bài bản, đầy đủ một bản nhạc nổi tiếng hay quen thuộc đến nốt nhạc cuối cùng. Sau đó gật đầu chào người đi qua trước khi bắt đầu chơi bản khác, họ không cầm mũ hay cốc lên để đi quanh xin tiền.

Ngày nào cũng đi tàu như vậy, thấy đủ hạng người, đủ thứ dân. Hôm nay thấy một cậu ngồi duỗi thẳng chân, chắc do đi bộ mệt. Làm một người đi qua vấp vào. Người duỗi chân chửi.

- Đm mẹ mày đi không có mắt à.?

Người bị vấp chửi lại.

- Đm mẹ mày đã sai lại còn chửi người ta, ai cho mày duỗi chân ra đường đi.

Người duỗi chân đứng dậy chửi.

- A , đcm mày thích chết à, bố mày duỗi chân mày phải nhìn chứ, mày thích chết không?

Người bị vấp lao tới luôn tóm ngực người kia.

- Bố mày thích chết đấy con à, mày làm được gì.?

Hai người đấm nhau mấy cái, một người rút dao ra xiên cho người kia một nhát, máu phun phè phè. Mọi người trên tàu quay mặt đi, mình thấy có cô gái còn níu người bạn trai đi cùng ngay từ lúc hai người mới chửi nhau, cô ấy nói.

- Kệ bọn nó, can làm gì.

Người bị đâm nằm chỏng queo, máu chảy lênh láng. Kẻ đâm người đi mất,  bấy giờ mới có tiếng xôn xao , thằng này chết rồi, máu ra thế kia cơ mà. Người khác phụ hoạ, đâm đúng động mạch phải ra đến lít rưỡi máu ý nhở. Một bà trung niên thì thầm với bà bạn, thằng này chắc 30 tuổi, hôm nay cứ làm con 30, 31, 32 xem sao.

Tàu lắc một cái, mình bừng tỉnh. Thấy người duỗi chân đứng dậy xin lỗi người bị vấp, anh ta thanh minh mình nghe loáng thoáng viel zu Fuss , arbeite, uhr bis, vor gì gì đó đoán là anh ấy nói mình đi làm , đi bộ, nhiều giờ, mệt quá vô ý. Còn người bị vấp cũng xin lỗi anh ta, cậu ấy bảo vì chậm mất hẹn gì đó lên vội. Cả hai cười xoà vỗ vai nhau.

Hoá ra trộm cắp có thể còn giống nhau, nhưng những va chạm thế này thì ở đây không giống như ở Việt Nam. Mình nhiều khi cứ nghĩ theo phản xạ thói quen ở nhà, cái gì cũng nghĩ nó giống nhau.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"