Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Từ văn hóa sách nhiễu đến văn hóa làm ngơ

Nguyễn Duy Vinh
Văn hóa là văn hóa của một nhóm người, một chủng tộc hay một dân tộc, là cách sống của họ, là cách ăn, cách mặc, cách đi đứng nằm ngồi và cách họ đối xử với nhau cũng như cách họ tôn trọng và trân quý (hay không tôn trọng và trân quý) môi trường trong đó họ sống.
Lâu đời cách sống này ăn vào tủy, vào máu, vào dòng chảy huyết thống cha truyền con nối. Hai chữ văn hóa nói lên tính cách đặc thù của một dân tộc. Khi văn hóa đó trở thành thói quen, thành truyền thống, thì chúng ta dùng chữ “tập quán”. Tỉ dụ chúng ta có thể nói “tập quán văn hóa lễ hội ở Việt Nam”. Theo Wikipedia tiếng Việt, đây là cách định nghĩa văn hóa theo UNESCO [1] mà tôi thấy đầy đủ nhất:
“Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thứcxúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn họcnghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”
Khi cách hành xử theo văn hóa một nước trở thành dã man đối với nhận thức tiến bộ của nhân loại về quyền làm người hay quyền sống của muôn loài, cách hành xử văn hóa đó sẽ bị lên án và sẽ bị gọi là “man rợ” theo cách gọi mới đây của nhà nước Canada.

Nhà nước Canada đang sửa soạn biểu quyết thông qua những sửa đổi về đạo luật hình sự Canada theo đó nhà nước Canada sẽ có quyền trục xuất những di dân với tính cách thường trú (immigrant) mới đến Canada và chưa được vào quốc tịch nếu những người này tiếp tục thực hành tập quán văn hóa man rợ (pratique culturelle barbare) mang đến từ xứ sở nguyên quán nơi họ sinh sống trước khi nhập cư vào Canada. Tuy cách dùng chữ “tập quán văn hóa man rợ” này của đảng cầm quyền đang còn được tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng ở Canada, luật mới này ([15]) hiện nay chú trọng nhất đến chuyện đa thê (nhiều vợ) và chuyện ép duyên gả vợ gả chồng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Đạo luật đề nghị sửa đổi cũng nói đến những việc phạm pháp có tính cách bạo cường (crimes violentes) như những vụ giết người vì danh dự (tạm dịch từ chữ “honor killings”) của một vài cộng đồng di dân tại Canada ([13], [14]).
Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cộng đồng di dân tại Canada trong đó có cộng đồng Việt Nam tuy việc sửa đổi đạo luật hình sự này không nhắm thẳng vào cộng đồng Việt Nam. Cũng may là những tiếng xấu về mặt hình sự của cộng đồng người Việt tại Canada mà chúng tôi thường hay nghe nói đến là việc trồng “cỏ” và việc buôn bán ma túy, hay những vụ trộm cắp tại các khu buôn bán thương mại công cộng, không liên quan đến việc du nhập văn hóa lâu đời của dân tộc ta để có thể bị gọi là “văn hóa man rợ”. Tuy nhiên việc sửa đổi luật mới với ba chữ “pratique culturelle barbare” làm tôi liên tưởng đến những hành vi đối xử dã man của công an Việt Nam hiện nay.
Những đối xử này thuộc về một thứ văn hóa mới, tạm gọi là văn hóa sách nhiễu. Văn hóa này không phải là văn hóa chung của người Việt Nam và may quá nó cũng chưa trở thành tập quán của người Việt. Tuy nhiên nếu tiếp tục lâu ngày, dần dà nó có thể trở thành tập quán vì những hình ảnh bạo cường hằng ngày đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêm nhiễm đầu độc tâm thức những thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên trong chế độ hiện tại. Và hầu như đa số những nước độc tài trên thế giới đều dùng những phương pháp đàn áp tương tự để “giữ ổn định” quốc gia và để dễ dàng “cai trị” dân. Lấy ví dụ xứ Tunisie, nơi tôi đã có dịp sống ở đó vài năm, ông Ben Ali (cựu tổng thống xứ này nay đã bị hạ bệ) đã áp dụng những chính sách đàn áp, sách nhiễu và tra tấn vô cùng tàn ác. Những thí dụ về cách hành xử man rợ cũng có thể tìm thấy ở những nước đã hoặc đang theo chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc, Bắc Hàn và Cam Bốt hoặc những nước trước kia theo chủ nghĩa cộng sản và nay đã rời bỏ chủ nghĩa này như Nga Xô. Nào là cảnh quân đội đàn áp bắn giết cả ngàn sinh viên và những người biểu tình ở Thiên Ân Môn năm nào. Nào là những cảnh thủ tiêu những nhà chính trị đối lập không gớm tay dưới thời Stalin ở Nga. Nào là cảnh giết người đồng loại ghê rợn xảy ra dưới thời còn Pol Pot ở Cam Bốt…
Văn hóa sách nhiễu của công an Việt Nam cũng như văn hóa làm ngơ của nhà nước Việt Nam đang được diễn ra dưới nhiều hình thức:
1. Từ hình thức dùng mắm tôm trong văn hóa đàn áp cho đến cách dùng côn đồ hành hung người dân:
Trong quá khứ tôi có viết một bài nói về cách dùng mắm tôm [2] và côn đồ của công an Việt Nam để giải tán đám đông tụ họp. Hiện nay công an Việt Nam đã leo thang lên một nấc mới. Họ dùng côn đồ tấn công, hành hung và gây thương tích cho những nhà kêu gọi tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ trong nước [3, 4]. Vụ ký giả Trương Minh Đức bị đánh gần đây nhất là một ví dụ điển hình trong rất nhiều ví dụ có thể tìm thấy nhan nhản trên các báo on-line về văn hóa đàn áp man rợ đang được nhà nước Việt Nam tiếp tục thực thi [5, 6]. Mới đây nhất, công an Việt Nam tiếp tục sử dụng côn đồ tấn công những người theo đạo Mennonite [7]. Cách đây hai hôm lại có tin động trời, công an dùng côn đồ hành hung ông Tổng Lãnh Sự Pháp Emmanuel Ly Batallan tại thành phố Sài Gòn (mời các bạn đọc bài này [ 8]).
Một bản lên tiếng về các vụ bạo hành đã được gửi đến toàn thể đồng bào trong và ngoài nước cũng như đến quốc hội và bộ công an Việt Nam và tất cả các chính phủ dân chủ trên thế giới, lên tiếng thông báo cho cả thế giới biết về “những đột nhiên bùng phát nhiều hành vi đối xử tàn ác, nhiều hành động tra tấn dã man, hạ nhục nhân phẩm giáng xuống những công dân vô tội do chính lực lượng an ninh thực hiện” [9]. Đây là một tiếng kêu cứu thống thiết của những người dân hiền lành vô tội trước những cách cai trị hà khắc của nhà nước Việt Nam và tôi mong rằng tất cả người Việt trong nước và nhất là hải ngoại chúng ta tiếp tục hưởng ứng lời kêu cứu này bằng mọi cách thông báo với những dân biểu cũng như qua báo chí truyền thông nơi chỗ mình đang ở về sự lên tiếng thống khổ này. Cách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam đang gây ra rất nhiều khổ đau cho người dân trong nước.
image001_4.jpg
2. Nhà nước tiếp tục làm ngơ trước những kiến nghị đúng đắn của người dân:
Trong một bài tôi viết và đăng trên Dân Luận trước đây, tôi đã đề cập đến sự làm ngơ và “giả câm giả điếc” này của nhà nước Việt Nam trước những khó khăn của người dân [10]. Hiện nay nhà cầm quyền và quốc hội Việt Nam tiếp tục coi thường những nguyện vọng chính đáng của người dân. Cách cai trị độc đoán này cho thấy nhà nước vẫn ù lì hành xử theo ý đảng gây ra rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.
3. Xã hội ngày càng nhiễu nhương và bất an:
Nhà nước làm ngơ và bó tay trước những hành vi đầy bạo lực xảy ra thường xuyên dưới mái nhà trường cũng như trong xã hội. Cảnh nữ học sinh đánh “hội đồng” một em học sinh như hình dưới đây dẫn chứng là một trong muôn ngàn ví dụ cho thấy xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày càng ít nhân văn nếu không muốn nói là nhiễu nhương và bất an. Cảnh sát và công an không làm tròn trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân [12].
image002_1.jpg
4. Nhà nước cai trị thiếu nghiêm túc để những nhóm lợi ích hoành hành gây thất thoát lớn về tài sản quốc gia và sức khỏe người dân:
Một ví dụ cụ thể của sự thất bại nặng nề trong việc phát triển đô thị thiếu tầm nhìn và vô kỷ luật là việc ngập lụt nặng nề sau mỗi cơn mưa lớn tại các thành phố như Hà Nội và Sài Gòn [12]. Ngập nước, giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường làm cuộc sống người dân trong những thành phố lớn ngày càng vất vả, đó là chưa kể những bệnh tật sinh ra ngày càng nhiều vì ô nhiễm môi trường. Trung tâm điều hành chống ngập thành phố ở Sài Gòn gần đây đã lên tiếng yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân thành phố điều tra các công trình xây cất lấn chiếm kênh rạch và bít sạch rất nhiều tuyến cống, hầm ga và cửa xả. Các chuyên gia hiện nay đang đặt kỳ vọng vào các cơ quan chức năng để giải quyết sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước thành phố. Các quy hoạch thiết kế cống rãnh tiêu thoát nước (như quy luật 752 và quy luật 1547 của nhà nước CHXHCNVN) được coi như lỗi thời và không phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu. Bề mặt đô thị ngày càng bị bê tông hóa vì lòng tham (thi nhau phát triển đô thị bừa bãi vì chỉ mong lấn chiếm để làm giàu). Các nhà chuyên gia trong nước lên tiếng là cần ít nhất 9 tỉ đô la US mới mong khắc phục được nạn úng lụt hiện nay tại thành phố Sài Gòn và tình trạng ngập lụt sẽ còn kéo dài thường xuyên trong những năm sắp tới. Hình dưới đây cho thấy cảnh tượng ngập lụt tại thành phố Sài Gòn năm 2014. Việc ngập lụt nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ đưa đến những hậu quả lâu dài không tốt về kinh tế cũng như về sức khỏe của người dân. Tình cảnh người dân nằm trong cảnh trên đe (nước tắc nghẽn) dưới búa (mưa ngày càng to) thật đáng thương.
image003_3.jpg

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé, cuối mùa mưa 2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"