Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Tiêu Phong và A Châu định đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa...

SGĐT: Bài này được một blogger đăng tải khoảng một tuần sau vụ 'giàn khoan HY 981', nay có một blogger khác bảo là nó có tính thời sự và... văn chương!, xin đăng lại cho các bạn đọc thư giãn.
---------
Nguồn: Sưu tầm trên mạng.

Mới đây, một buổi chiều, mình đi uống cà phê, gặp một sinh viên. Cậu ta kể cho mình câu chuyện dưới đây.

Cậu sinh viên nhắc đến đoạn nói về Kiều Phong, lúc y quay lại chùa Thiếu Lâm để tìm hiểu về thân thế của mình và vụ án ‘Nhạn Môn Quan’ ba mươi năm về trước... Tại Tàng Kinh Các, y gặp A Châu (cải trang thành nhà sư để đánh cắp Dịch cân kinh), nàng đã bị trúng một chưởng của Phương trượng chùa Thiếu Lâm, đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Là người có tình có nghĩa, mặc dù biết đến Tụ Hiền Trang là đi vào chỗ chết, Kiều Phong vẫn đưa A Châu đến đó để nhờ Tiết Thần Y chữa trị. Tại đó, rất nhiều cao thủ võ lâm bao vây đánh một mình y (vì họ xem y là ‘con chó Khiết Đan’ - kẻ thù của người Tống), y bị thương rất nặng, may nhờ một đại cao thủ cứu thoát, còn số phận của A Châu chết sống thế nào thì y không rõ.
Kiều Phong chữa lành vết thương, đến Nhạn Môn Quan tìm lại dấu tích cũ của vụ án, tại đây y mới biết mình chính là người Khiết Đan (người Liêu), họ Tiêu, tên là Tiêu Phong, do được thụ hưởng nền giáo dục của người Tống, xem người Khiết Đan như là 'chó', nên y thấy vô cùng tủi nhục, đau khổ và tuyệt vọng... 
Không ngờ A Châu đã được chữa lành bệnh và đến đấy chờ đợi y năm ngày đêm rồi, nàng như một ‘thiên thần bé nhỏ’, có một trái tim nhân đạo và thánh thiện vô bờ bến, xem người Khiết Đan cũng như người Tống, đặc biệt là nàng đã đem lòng ngưỡng mộ y như là một vị anh hùng cái thế và đã thầm... yêu y. Vì cảm động với tấm thịnh tình cao độ cùa A Châu, vị anh hùng ‘Bắc Kiều Phong’ đã sa lưới tình.
Sau này, Mã phu nhân dùng kế hiểm để mượn tay Tiêu Phong giết Đoàn Chính Thuần - kẻ tình hận của mụ. Vì trúng kế, Tiêu Phong tưởng Đoàn Chính Thuần là tên ‘Thủ lĩnh đại ca’ cầm đầu các cao thủ giết cha mẹ y ở Nhạn Môn Quan, nên y đã dùng ‘Giáng long thập bát chưởng’ đánh chết Đoàn Chính Thuần, không ngờ Đoàn Chính Thuần là do A Châu cải trang để chịu chết thế cho cha. Tiêu Phong vô cùng đau khổ và hối hận: y đã lỡ tay đánh chết người yêu nhất trên thế gian của mình là A Châu.
Chuyện rất dài… Cuối cùng, sau khi ngăn được cuộc chiến tranh và đem lại hòa bình cho 2 dân tộc Liêu - Tống, vì không được bên Tống chấp nhận (y là người Liêu), còn vua Liêu lại xem y là kẻ phản bội, Tiêu Phong không còn có sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải tự vẫn để đạt được ‘khát vọng của tự do’.

Cậu sinh viên kể tiếp: 
Sau khi chết, vì Tiêu Phong là bậc anh hùng khí khái vào bậc nhất của Trung Quốc, còn A Châu có tâm hồn như một ‘thiên sứ’, nên linh hồn của Tiêu Phong và A Châu được ‘thượng đế’ cho ở một ‘vườn địa đàng’ tuyệt đẹp ở Trung Quốc. 
Ở đó lâu ngày chán quá, lại nghe nói là ở Việt Nam có hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, hai vợ chồng bèn hội ý và quyết định đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa một chuyến, bằng đường bộ.
Muốn đi đến Trường Sa và Hoàng Sa thì hai người phải tìm xem bản đồ chỉ rõ vị trí chính xác của 2 hòn đảo đó.
* Người đầu tiên y gặp là Nguyễn Huệ. Vì Nguyễn Huệ cùng đẳng cấp ‘Thiên-Long’ với Tiêu Phong, hơn nữa ông lại thích uống rượu, nên hai người thường gặp nhau, chén thù chén tạc. 
Được biết Nguyễn Huệ rất rành về Trường Sa và Hoàng Sa, Tiêu Phong bèn hỏi:
- Nghe nói trước đây các hạ là ‘ông chủ’ của Trường Sa và Hoàng Sa?
Nguyễn Huệ đáp :
- À, sự thực là như thế này, theo tại hạ được biết, từ năm 1686, họ Nguyễn đã đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), và đầu tiên trong khu vực, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thành lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải để ‘buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến’ ở vùng quần đảo xa giữa biển Đông... 
Sau đó, với tư cách là chủ nhân của các vùng đảo, quần đảo giữa biển Đông, triều đình Tây Sơn tiếp tục phát triển các đội trên, cải tạo các ‘di thuyền’ cao hơn và to hơn thuyền Trung Hoa, trên có đặt nhiều súng... Mỗi năm, từ tháng hai, hai đội có 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa để ‘thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật’, đến tháng tám mới trở về và nộp cho triều đình Phú Xuân. Thời đó, triều đình Gia Khánh, Trung Quốc, đang bận việc dẹp loạn ở phía Tây nên không thể quan tâm đến vùng biển Đông...
Tiêu Phong lại hỏi :
- Thế rồi sao nữa?
Nguyễn Huệ trả lời :
- Sau khi tại hạ và Ngọc Hân công chúa rời cõi trần, tại hạ được biết  ‘năm 1834 dưới triều Minh Mạng đã có bản đồ vẽ rất cụ thể, có biểu thị của dải Vạn Lý ở Trường Sa ngoài Biển Đông’. 'Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương I. Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính quyền Bảo Đại. Bảo Đại cho sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên'...
Không ngờ Mộ Dung Phục nay lại chuyển thế đầu thai, làm lớn, rồi có tham vọng làm bá chủ biển Đông, chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974, rồi mấy năm gần đây, hắn tự đưa ra khái niệm ảo ‘đường lưỡi bò’ gì gì đó, rồi lấy bản đồ Trung Quốc ra, thêm 2 cái ‘hột đậu xanh’ ở phía dưới, ghi là Tây Sa và Nam Sa, rồi ầm ỉ thông qua Đại hội các tay chân của hắn. Tại hạ vô cùng ngạc nhiên…
* Sau đó, để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, Tiêu Phong bèn từ biệt Nguyễn Huệ, rồi cắp tay A Châu và trổ khinh công thượng thừa đi gặp Chu Nguyên Chương - đại diện cho nhà Minh.
Tiêu Phong hỏi :
- Chẳng hay các hạ có biết gì về Trường Sa và Hoàng Sa không?
Chu Nguyên Chương trước kia là thuộc hạ của Trương giáo chủ Ma giáo, vốn là người xuất thân từ miền đất Hoài Bắc hạn hán liên miên, lại giả làm nhà sư ‘ăn thịt bò’ ở chùa Hoàng Giác, tính tình không úp úp mở mở, bèn lập tức trả lời:
- Chuyện này đến bố tại hạ cũng không biết, làm sao mà tại hạ biết được.
* Không nản lòng, Tiêu Phong tiếp tục đi Bắc Kinh tìm Khang Hy, Ung Chính, rồi Càn Long, mấy vị ‘nhất đẳng tông sư’ này khôn lắm, biết không trả lời câu hỏi của Tiêu Phong được, nên ở lì trong thư phòng, cáo ốm không ra gặp, y bèn quay ra, thình lình gặp Từ Hi Thái hậu ở Ngọ môn.
Tiêu Phong hỏi :
- Sư thái có biết gì về Trường Sa và Hoàng Sa không?
Từ Hi Thái hậu đáp :
- Trời, thời ta, Trung Quốc bị bại trong 2 cuộc chiến tranh nha phiến (1840-1843 và 1856-1860), rồi lủng củng nội bộ 20 năm trong 'cuộc vận động tự cường', lại tiếp tục bị bại trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894), sau đó Bát quốc liên quân gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và đế quốc Áo-Hung xúm nhau đánh Trung Quốc (1901), bọn Anh lại đốt phá Di Hòa Viên của ta, ta chạy đến Tây An còn chưa kịp, ở đó mà nói chuyện Hoàng Sa, Trường Sa!
May thay, lúc đó Phổ Nghi hoàng đế đứng bên cạnh, vì còn trẻ, tính tình thành thật, Phổ Nghi nói :
- Lúc tiểu điệt mới có 6 tuổi đã bị buộc phải thoái vị, rồi làm vua bù nhìn cho Nhật (1933-1945), Nhật gọi dân ta là 'Đông Á bệnh phu', chiếm một nửa Trung Quốc, nên tiểu điệt có biết gì đâu về Trường Sa và Hoàng Sa mà nói. Thôi, để tiểu điệt vào thư khố lục bản đồ lập thời nhà Thanh ra xem đã nhé.
Tiêu Phong chờ không lâu thì Phổ Nghi đã đem tấm bản đồ ra, nó có tên là ‘Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ’ được chuẩn bị tư liệu từ thời vua Khang Hy, ‘vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây’, xuất bản năm 1904.
Tiêu Phong nhìn đi nhìn lại mấy lần mà chả thấy trong bản đồ có vẽ 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đâu cả, sợ mắt mình kèm nhèm, y bèn bảo: 
- A  Châu ơi, muội dòm kỹ cái bản đồ này có hai cái ‘hột đậu xanh’ mà Mộ Dung Phục đã nói không?
A Châu nhìn kỹ từ trên xuống dưới rồi nói:
- Tiêu lang à, cực nam của bản đồ này chỉ có đảo Hải Nam, làm gì có cái gì là Tây Sa và Nam Sa đâu!!!

Tiêu Phong vốn là người quang minh chính đại, nghĩa khí ngút trời xanh, yêu hòa bình, ghét bành trướng xâm lược, luôn hành hiệp trượng nghĩa, bênh vực kẻ yếu…, được giới anh hùng võ lâm thiên hạ ở Trung Quốc xem y như là thần tượng, không ngờ y lại phát hiện ra Mộ Dung Phục chơi một chiêu thức ‘tà mị’ rất khó chịu, điều này hoàn toàn không hợp với bản chất của y - một vị anh hùng được mệnh danh là ‘Bắc Kiều Phong’. 
Đến đây, Tiêu Phong nản lòng thật sự, y thở dài bảo:
- A Châu ơi, hai đứa mình ‘đi lạc’ rồi, thôi, về lại Trung Quốc muội nhé, đừng đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa nữa muội à, Mộ Dung Phục thâm lắm, huynh không thích hành vi của y, huynh mất hứng rồi.
Thế là Tiêu Phong và A Châu không có ‘tham vọng’ đi thăm Trường Sa và Hoàng Sa nữa, họ quay về ‘vườn địa đàng’ ở Trung Quốc, tận hưởng tình khúc âm dương và sống một cuộc đời bình dị và an nhàn ở đấy mãi mãi./.

(HẾT)
---------
Các nguồn tham khảo chính:
-Từ Hi thái hậu: http://vi.wikipedia.org/wiki/Từ_Hi_Thái_Hậu
-Nhà Thanh: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_Thanh
-Chiến tranh Trung-Nhật: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chiến_tranh_Trung_Nhật
-‘Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ’: http://www.procul.org/blog/2012/07/25/hoang-trieu-truc-tinh-dia-du-toan-do/, và Google - phần Images
-'Thiên long bát bộ' và 'Ỷ thiên đồ long ký' - Kim Dung.
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"