Luật sư T.A.M
Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén, ở xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân
Minh, Hàm Tân, Bình Thuận bị bắt tạm giam vì bị nghi là thủ phạm giết
bà Lê Thị Bông ở), đêm 23/4/1998. Trong tù, ông Nén (khai rằng) nhận tội
giết bà Bông do bị bức cung, nhục hình; rồi khai đã cùng gia đình vợ
giết bà Dương Thị Mỹ ở cùng thôn, đêm 18/5/1993. Từ lời khai này, cơ
quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết,
khởi tố 9 người trong đại gia đình vợ ông Nén. Vụ án đó đã đi vào lịch
sử tư pháp Việt Nam với tên gọi “Vụ án vườn điều”.
Ngày 31/8/2000, xét xử sơ thẩm vụ án bà Bông, TAND tỉnh Bình Thuận
nhận định bị cáo Huỳnh Văn Nén đã có công khai báo "Vụ án vườn điều",
nên tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội giết người, không kết
án tử hình. Ngay sau đó, một LS nhận bào chữa cho các bị cáo trong “Vụ
án vườn điều”, đã gửi đơn tới các cơ quan pháp luật Trung ương và tỉnh
Bình Thuận, nêu một chứng cớ vô cùng quan trọng là việc anh Nguyễn Phúc
Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt, người cùng xã, giết bà Bông.
Ngày 29/9/2000 UBND xã Tân Minh có báo cáo về tố cáo của Nguyễn Phúc
Thành, LS này đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao
kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ bà Bông, để hủy án điều tra lại từ
đầu.
Mặc dù vụ án đã được luật sư cảnh báo là oan sai từ năm 2000, song đề
nghị đó không được chấp thuận. Đêm 24/2/2001, bị cáo Nguyễn Thị Nhung,
chị ruột vợ ông Nén, (một trong 9 bị cáo “vụ án vườn điều” bị bắt) bị
chết do bệnh nặng. Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm
“Vụ án vườn điều", tuyên án phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội
“giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó ông Nén bị phạt 6 năm tù. Tháng
12/2005, các bị cáo trong “Vụ án vườn điều” đã được đình chỉ điều tra,
trả tự do, các cơ quan pháp luật phải xin lỗi công khai và bồi thường
oan sai cho họ, trừ ông Nén vẫn bị giam tới nay đã tròn 14 năm.
Mãi đến ngày 24/10/2014, viện trưởng VKSND Tối cao đã ký kháng nghị
giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén, vì bản án sơ thẩm căn cứ vào các dấu
chân để lại hiện trường, kết quả so sánh kích thước dấu chân nhưng không
tiến hành xác định được sự đồng nhất giữa dấu chân để lại hiện trường
và dấu chân của Nén (như so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân,
so sánh về diện tích, khoảng cách các mu bàn chân, so sánh về các vân
trong lòng bàn chân…). Thế nhưng án sơ thẩm lại giải thích “do có nhiều
yếu tố tác động nên kích thước có thể bị sai lệch” để xác định đó là dấu
chân của Nén. Viện trưởng VKSND tối cao nhận định việc giải thích này
là không có cơ sở khoa học, cụ thể, các lời khai nhận tội ban đầu của
Nén đều không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các
lời khai nhận tội sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn
với lời khai của một số nhân chứng như về cách thực hiện hành vi giết bà
Bông. Ban đầu, Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén khai vòng dây
qua cổ từ phía sau siết cổ bà Bông. Có lời khai Nén vòng dây qua cổ rồi
giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà
Bông. Nén khai nhiều về việc giết bà Bông ở nhà dưới nhưng tại lời khai
ban đầu lại khai giết bà Bông ở nhà trên nhưng không phủ mền lên xác bà
Bông sau khi giết, nhưng khi phát hiện thì xác bà Bông được phủ mền. Nén
khai sau khi gây án không tắt đèn trong nhà nhưng con gái của nạn nhân
khai về nhà thấy đèn tắt nên mở. Nén khai không lục lọi đồ vật trong nhà
bà Bông nhưng khi con gái nạn nhân về thấy trong nhà có xáo trộn ở các
vị trí, nệm giường của chị bị kéo lệch, cửa tủ giường bị mở…
Về khoảng thời gian sau khi giết bà Bông thì Nén đi đâu, làm gì vẫn
chưa được làm rõ. Về dấu vết trên cơ thể người bị hại, CQĐT chưa làm rõ
được cơ chế hình thành vết thương. Đáng chú ý bản án sơ thẩm mô tả khi
Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ trong khi cáo trạng lại thể hiện
khi Nén vào nhà bà Bông đang giũ giường ngủ.
Theo đó, viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án của
TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo hướng hủy
phần tội danh giết người và cướp tài sản đối với Huỳnh Văn Nén, giao hồ
sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung, bởi qua nghiên cứu
thấy rằng vụ án thiếu cơ sở khoa học, thiếu chứng cứ nhưng tòa vẫn kết
tội và xử chung thân bị cáo.
Lật lại hồ sơ, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung
thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc
nhẫn một chỉ vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố
vụ án và cử điều tra viên Cao Văn Hùng tiến hành điều tra.
Thời điểm trên người nào ở xã Tân Minh cũng đều biết Huỳnh Văn Nén là
kẻ tưng tửng, suốt ngày lê la ngoài chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền
cơm rượu. Sau vụ án mạng nói trên xảy ra, trong khi cơ quan điều tra
(CQĐT) chưa tìm ra hung thủ, rượu vô Nén thường vỗ ngực cho rằng chính
mình là người đã giết bà Bông. Không ngờ lời nói đùa của kẻ say xỉn lại
trở thành “manh mối” quan trọng để người ta vin vào và “nhanh chóng phá
án”.
Gần một tháng sau ngày nạn nhân bị giết, ông Nén bị khởi tố, bắt
giam. Sau này tại tòa, ông Nén khai rằng điều tra viên Cao Văn Hùng đã
đánh đập, mớm cung, ép cung nhiều ngày liền để buộc Nén nhận tội. Sau
khi ông Nén nhận giết bà Bông, điều tra viên Cao Văn Hùng thừa thắng
xông lên, tiếp tục buộc Nén phải khai nhận đã cùng với gia đình bên vợ
giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” đã xảy ra năm năm
trước đó.
Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, do tính “tưng
tửng”, Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết
người trong vụ án “vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia
đình gồm chín người và cả Nén bị truy tố và kết án. Tại thời điểm vừa
phá xong hai vụ án, điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng về
thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng.
Sau này, cả chín người này đều được minh oan, riêng Nén đang phải
ngồi tù trong vụ án bà Bông thì chẳng ai đoái hoài gì đến chuyện xin
lỗi, bồi thường. Ông Nén còn là người từng bị oan trong vụ án “vườn
điều” vụ án oan kinh điển nổi tiếng cả nước, từng được viết thành sách
nhưng ông chưa được minh oan. Với kháng nghị này có khả năng ông sẽ được
minh oan và là người độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị
kết án oan đến hai lần, trong hai vụ án khác nhau.
Ngay sau khi Viện trưởng viện kiểm sát tối cao kháng án, LS Trần Vũ
Hải, Đoàn Luật sư Hà nội đã phải thốt lên :“Có thể nói, các thành viên
Hội đồng xét xử đã có bản án bỏ túi, bất kể cáo trạng mới cũ, bất kể Bộ
luật Tố tụng hình sự quy định, không được sử dụng lời khai của bị cáo
làm chứng cứ duy nhất buộc tội. Tôi thấy một số cán bộ các cơ quan tố
tụng tỉnh Bình Thuận đã làm việc rất cẩu thả, coi thường số phận những
công dân…”.
Xin được lấy lời LS Hải để kết thúc bài viết này.
LUẬT SƯ T.A.M