Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Nợ công đi đâu ?

Nguời Buôn Gió


Chuyện thế này, nhà thờ Thái Hà bị chính quyền Hà Nội lấy đất để làm vườn hoa. Nhân dân thủ đô và nhân dân quanh khu vườn hoa hưởng ứng, đồng tình vì việc đó có lợi cho nhân dân chung.

Quy hoạch ví dụ một vùng có100 ngàn dân chẳng hạn, phải có từng này đất xây trừơng học, từng này đất xây công viên. Chính quyền lấy đất nhà thờ xây vườn hoa, trường học. Thế còn chỗ đất để quy hoạch xây trường học, công viên kia sẽ đi đâu.?

 Sẽ xây siêu thị , khu chung cư.

Người dân chỉ thấy việc lấy đất nhà thờ xây công viên, họ hài lòng việc đó. Chả ai tìm hiểu rằng chỗ đất đáng ra phải xây công viên kia đi đâu.

Tương tự như thế, lẽ ra tiền thu thuế, bán tài nguyên phải được dùng vào xây dựng cơ bản phát triển, thiếu thì vay thêm. Nhưng nhà nước cứ đi vay rồi dùng tiền vay để đầu tư vào các công trình. Dân chúng thấy nhà nước vay tiền về để xây dựng các công trình cơ bản cũng thấy hợp lý.

Người ta bắn pháo hoa đại lễ, làm đại lễ nghìn năm Thăng Long, xây đền đài, xây nhà thờ lãnh tụ, lãnh đạo...họ nói tiền đó là từng này % ngân sách địa phương, ngần kia là xã hội hoá. Như thế chứng tỏ địa phương có ngân sách dư, xã hội dư tiền để làm những việc như vậy. Tại sao không huy động chỗ đó ra để làm việc thiết thực hơn là xây đường sá, cầu cống, công trình cơ bản.? khi thừa thì hẵng đi làm những việc như bắn pháo hoa, tổ chức đại lễ, xây nhà thờ lãnh tụ, lãnh đạo, trụ sở hoành tráng.

Kinh tế đất nước cũng chả có gì khó hiểu, như nhà bạn thôi. Bạn vay tiền hoàn toàn để xây nhà mới to đẹp. Trong khi đó bạn chi những khoản tiền lớn để tổ chức dạ hội, sinh nhật đi hầu đồng, mua sắm đồ trang trí đắt tiền, trả cho người giúp việc, lái xe....bạn lý giải với mọi người là tiền này bạn kiếm được thì bạn tiêu. Như thế chả mấy chốc bạn cắm sổ đỏ cho ngân hàng, rồi ăn chơi đến ngày ngân hàng tịch thu, xiết nhà. Trường hợp này hẳn các bạn chả lạ lẫm gì, cứ nhìn quanh rồi biết.

Các cụ dạy '' buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện ''. Ngày xưa các cụ xây cái nhà, tự đóng gạch, chắt chiu tiền kiếm được mua từng cây gỗ, đống đá để nung vôi...rồi có đủ vật liệu, đủ tiền trả công mới xây nhà. Nhà xây xong rồi không nợ nần, tiền kiếm được thêm thì lại dành mua đồ đạc, dư đồ đạc rồi thì mới tính chuyện ăn chơi.

Tôi tin 90 % các bạn đọc bài này, khi đang ở nhà của bố mẹ, ông bà để lại. Bạn không phải trả khoản nợ nào do bố mẹ , ông bà bạn mua đất, xây nhà đã để lại cho bạn phải trả tiếp.

Tại sao một truyền thống hàng ngàn năm của ông cha như thế, Đảng và Chính Phủ không tiếp thu mà lại đi vay ồ ạt về xây dựng rùm beng, để rồi đến mức nợ trầm trọng, lãi mẹ đẻ lãi con.

Người ta giải thích, muốn làm ăn thì phải đi vay. Ừ thì tất nhiên, muốn làm ăn thì phải đi vay. Nhưng làm ăn chắc chắn có lãi, có khoản trả, tính toán cân đối được thì mới đi vay. Giờ thì chúng ta thử điểm xem công ty quốc doanh nào làm ăn có lãi.? Tập đoàn nhà nước nào làm ăn có lãi? Hay toàn lỗ vốn đến nỗi phải sát nhập, tái cơ cấu loạn xà ngầu để lần mối nợ từ nguyên nhân nào cũng chả biết.

 Nhưng chuyện thế này mới hay,trong khi nhà nước làm ăn thua lỗ. Nhưng Việt Nam có nhiều đại gia phất lên nhanh chóng, trong vài năm bỗng có hàng ngàn tỷ. Như Hà Văn Thắm, Nguyễn Thanh Phượng, Dũng Lò Vôi Bầu Kiên, Vượng Vincom.....chả mấy ai để ý đến chuyện ngược đời này. Có phải những đại gia này giàu nhanh chóng là do tiền kiếm được từ những hợp đồng xuất khẩu không.? Ví dụ họ mở nhà máy, thuê công nhân, gia công mặt hàng xuất khẩu. Bán 10 mà trừ tri phí có 2, lãi 8 mới giàu nhanh thế. Nhưng nếu họ làm ăn thế thì lại quá mừng, 8 đồng lãi sẽ bị truy thu 27% gì đó thu nhập. Đất nước lại có nguồn thu lớn từ các doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài thì lại không đến nỗi.

Ngặt cái nhìn chỉ thấy họ sát nhập, đầu tư đất đai, lên sàn chứng khoán, rồi quanh đi quẩn lại giữa mối bòng bong các đại gia với nhau, họ bỗng sau vài năm có số vốn gấp mấy chục lần ban đầu. Nước người ta xuất khẩu công nghệ cao, bán một cái iPhone có tí vật liệu mạch điện tử, ít nhôm, ít đồng mà giá đến cả ngàn đô, nước chúng ta xuất khẩu nông nghệp, con cá, con tôm, hàng may mặc giày da...è cổ ra làm. Sao mà các doanh nghiệp tư nhân của chúng ta như Nguyễn Thanh Phương, Hà Văn Thắm, Bầu Kiên, Phạm Nhật Vượng bỗng có số lời mấy trăm phần trăm một năm. Để chỉ sau vài năm thành lập số vốn đã gấp mầy chục lần ban đầu. 

 Chả lẽ doanh nhân của ta giỏi hơn cả Bin Gết.?

Cứ nhìn cán cân thương mại xuất khẩu và những mặt hàng xuất khẩu thì rõ các doanh nghiệp tư và công của chúng ta có lời khủng khiếp đến thế hay không.?

Rõ ràng các đại gia của chúng ta kiếm lời từ trong nước. Mà cũng rõ ràng là nước ta vay nợ nước ngoài rất nhiều, thu phí, thuế của dân cũng rất nhiều.

 Tôi thấy quốc hội họp, tranh cãi nợ công, bới móc chuyện này, chuyện kia, loay hoay tìm lối đi, trách cứ nhau không có năng lực...rất chi là vớ vẩn.

 Sao không lôi các thiên tài như Nguyễn Thanh Phương, Phạm Nhật Vượng, Hà Văn Thắm, Huỳnh Phi Dũng, Xuân Trường, Xuân Thanh...gì đó ra mà chỉ định làm thủ tướng, bộ trưởng thương mại, kinh tế, công nghiệp, tài chính...có phải lại hiệu quả ngay không. Chỉ một năm là họ sẽ cho đất nước phát triển , dù bằng 1 phần 10 tốc độ phát triển của công ty họ thôi. Thế là cũng chả phải lo gì cả.

Thánh Gióng đầy ra đó, cứ đi lo chuyện vặt vãnh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"