Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Nhìn lại Cải cách Ruộng đất

Nguyễn Điền
Đầu tháng 9 vừa qua, Bảo tàng lịch sử quốc gia ở Hà Nội mở cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946-1957”. Cuộc triển lãm đã gây ra nhiều tranh cãi và đã đóng cửa chỉ sau 4 ngày.
Triển lãm này đã khơi dậy một giai đoạn lịch sử kinh hoàng ở nông thôn miền Bắc 60 năm trước tưởng như đã bị quên lãng.
Xuất bản phẩm của ĐCSVN luôn ca ngợi CCRĐ là đã đạt thắng lợi “to lớn, căn bản, có tính chất chiến lược” với những kết quả: “đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến,... hoàn toàn giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến có từ hàng nghìn năm ở nước ta, đưa giai cấp nông dân ở miền Bắc lên địa vị thật sự làm chủ nông thôn”. [Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương: 50 năm hoạt động của ĐCSVN. HN, Nxb Sự Thật, 1979; tt 131-132].
Trang mạng của ĐCSVN viết:

Việc thực hiện từng bước chính sách ruộng đất của Đảng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến đầu nǎm 1953 đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc về sở hữu ruộng đất và quan hệ giai cấp ở nông thôn. Tuy vậy, chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến chưa bị thủ tiêu, khẩu hiệu Người cày có ruộng chưa được giải quyết cǎn bản, giai cấp địa chủ vẫn tồn tại. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Đảng ta tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất, hoàn thành nhiệm vụ chống phong kiến... Tháng 11-1953, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 5 quyết định cải cách ruộng đất, đề ra chủ trương, biện pháp tiến hành cải cách ruộng đất... Cải cách ruộng đất được thực hiện ngay trong lúc cuộc kháng chiến đang trên thế đi tới thắng lợi. Đó là một chủ trương đúng đắn của Đảng, đã kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Thành quả của nó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoà bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn mới, Đảng tiếp tục đẩy mạnh cải cách ruộng đất, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tạo điều kiện cho việc khôi phục và phát triển kinh tế để củng cố miền Bắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Kết quả đã phát động quần chúng giảm tô trong tám đợt bao gồm 1875 xã với 1.106.955 hécta ruộng đất, tiến hành cải cách ruộng đất trong 5 đợt bao gồm 3653 xã (toàn bộ vùng đồng bằng và trung du miền Bắc), đã chia 810.000 hécta ruộng đất cho hơn 2 triệu hộ nông dân, tức 72,8% tổng số hộ nông dân ở miền Bắc... Như vậy, thực hiện cải cách ruộng đất, đã xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất và bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến, xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, bước đầu thực hiện dân chủ hoá về mặt kinh tế đối với nông dân – cơ sở của dân chủ về mặt chính trị ở nông thôn.” [Kinh nghiệm giải quyết vấn đề ruộng đất trong cách mạng Việt Nam.]
Tài liệu này cũng công nhận:
Trong khi tiến hành cải cách ruộng đất, bên cạnh những thắng lợi cǎn bản, Đảng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo thực hiện mà sau một thời gian mới phát hiện được. Do chủ quan, giáo điều, không xuất phát đầy đủ từ thực tiễn nước ta, nên không thấy rõ được những thay đổi quan trọng về sở hữu ruộng đất ở nông thôn Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là trong 9 nǎm kháng chiến. Từ đó, trong chỉ đạo tiến hành cải cách ruộng đất đã cường điệu tính chất đấu tranh giai cấp ở nông thôn, dẫn đến mở rộng quá mức đối tượng đấu tranh, gây ra tình trạng đánh nhầm vào nội bộ nông dân, nhất là trung nông lớp trên. Trong chỉnh đốn tổ chức, đã nhận định sai về tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, cho là bị địch lũng đoạn. Từ đó, trong chỉnh đốn Đảng đã dẫn đến việc xử lý oan những cán bộ, đảng viên tốt. Sai lầm này đã gây ra một số tổn thất cho Đảng. Việc tổ chức ra một hệ thống tổ chức chỉ đạo cải cách ruộng đất từ Trung ương đến cơ sở tách rời sự chỉ đạo và kiểm soát của các cấp uỷ đảng ở khu, tỉnh, huyện; hệ thống này được giao quyền hạn quá rộng, dẫn đến mệnh lệnh, độc đoán, hạ thấp vai trò lãnh đạo của các cấp bộ đảng, nhiều cán bộ theo đuôi quần chúng, theo lập trường tư tưởng của giai cấp nông dân để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội nông thôn. Hội nghị lần thứ 10 (khoá II) của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai tự phê bình và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Thái độ chân thành của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ, mặc dù có khó khǎn nhưng chỉ sau hai nǎm việc sửa sai đã hoàn thành, uy tín của Đảng được nâng cao.
Tuy nhiên, những tài liệu này không viết gì về những biện pháp tàn bạo gây kinh hoàng trong nông thôn, những giết chóc, nhục hình, những oan khốc mà cuộc CCRĐ gây ra và hậu quả của nó trong xã hội.
Bài này tìm hiểu nguyên nhân cuộc CCRĐ, trình tự của nó và nhận xét của một số chứng nhân đương thời.

Vai trò của Stalin

Trong 3 năm đầu kháng chiến chống Pháp, chính phủ Hồ Chí Minh ở Việt Bắc bị bao vây và cô lập với thế giới đến khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (1/10/1949). Lần đầu tiên lãnh thổ kháng chiến tiếp giáp một biên giới bạn. Tìm được sự ủng hộ ngoại giao và chi viện quân sự cũng như kinh tế cho VNDCCH là tối cần thiết.
Đầu 1950 HCM lên đường đi Bắc Kinh gặp Lưu Thiếu Kì, rồi đến Moscow gặp Stalin và Mao Trạch Đông (Mao lúc đó đang thăm Liên Xô).
Lúc đó Stalin là lãnh tụ đầy quyền uy, khét tiếng tàn ác trong gần 30 nắm quyền, đứng đầu phe cộng sản, được người CS tôn sùng, còn HCM, tuy là chủ tịch một nước và lãnh đạo chiến tranh chống đế quốc Pháp, nhưng lãnh thổ bị chiếm đóng một phần và chính phủ phải lánh trong rừng. Thêm nữa, trong thập kỉ 1930 Nguyễn Ái Quốc bị Quốc tế CS (Comintern) coi là hữu khuynh, bị thất thế phải “ nằm co ” ở Moscow nhiều năm trong khi QTCS đưa “ con cưng ” của họ như Trần Phú, Lê Hồng Phong về VN lãnh đạo ĐCSĐD. Với Stalin, HCM còn một “ tội ” nặng nữa là đã “ giải tán ” ĐCSĐD năm 1945, tuy thật ra ĐCS vẫn nắm mọi địa vị chỉ huy trong mặt trận Việt Minh, chính phủ và quân đội. Điều kiện để được Stalin (và cả Mao nữa) ủng hộ và chi viện là HCM phải chứng minh mình là cộng sản “ thứ thiệt ”, tức là phải phát động đấu tranh giai cấp. Trong một nước mà nông dân là đại đa số thì nghĩa là phải làm “ cách mạng thổ địa ”.
Tháng 4/1950, HCM về Việt Bắc làm việc với Ban thường vụ trung ương ĐCS. Võ Nguyên Giáp kể lại:
Bác nói với chúng tôi:
Liên Xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình: Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là ghế của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào? . Tới đây chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung Quốc hứa sẽ giúp ta kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất ”. [Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây. HN, Nxb Quân đội nhân dân, 1995; tr. 412]
Trong cuộc hội đàm tay ba giữa Stalin, Mao và HCM, Stalin cũng khoán cho TQ nhiệm vụ chi viện cho VN và LX chỉ tiếp tế cho VN những gì Tàu không có. Hàng tiếp tế của LX vận chuyển qua TQ. Mao cũng nói là sẽ giúp VN những gì VN cần mà TQ có. [William J Duiker: Ho Chi Minh. New York: Hyperion, 2000; tr. 422]
Để chứng tỏ VNDCCH thật sự là do một đảng CS lãnh đạo, ĐCSĐD chính thức ra mặt công khai năm 1951 dưới tên mới là Đảng Lao Động.
Tháng 10/1952 HCM qua Bắc Kinh đến Moscow dự Đại hội 19 ĐCSLX. Trong thư gửi Stalin ngày 31/10/1952 HCM viết:
Tôi xin gửi tới đồng chí bản dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam. Bản dự thảo Cương lĩnh này do tôi soạn với sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường. Xin đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.” [xuandienhannom.blogspot.co.uk/2014/09/lan-au-cong-bo-2-buc-thu-cua-ong-ho-chi.html]
Năm tháng sau (3/1953), Stalin chết. Trong buổi truy điệu Stalin ở Việt Bắc, HCM tỏ ra đau xót cực độ. Có mặt trong buổi lễ, Trần Đĩnh kể:
Trước mặt tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nuớc mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động. Xong truy điệu, Cụ lập cập đứng lên về gian phòng dành riêng cho Cụ ở đằng sau hội trường… Quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ở trên ghế bên cạnh. Tôi cầm lấy nó đi men hiên đất cao hẹp rẽ vào phòng Cụ. Dạ, thưa Bác, Bác để quên ạ! ”. Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để cho mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai...” [Trần Đĩnh: Đèn cù. e-book, 2014; tr. 72]
Thấy mức độ HCM sùng bái Stalin như thế, ta có thể chắc chắn rằng chỉ thị của họ Xít về “cách mạng thổ địa” được HCM và đảng Lao Động tuân theo như một mệnh lệnh.

Vai trò của Trung Hoa CS

Trong thư gửi Stalin, HCM cho biết bản dự thảo Cương lĩnh Cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động “ do tôi soạn với sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường ”. Lúc đó Lưu Thiếu Kỳ là Phó chủ tịch TQ còn Vương Giá Tường là Đại sứ TQ ở LX.
Sau hội đàm tay ba Stalin-Mao-HCM năm 1950 mà Stalin khoán cho Tàu trách nhiệm chính chi viện cho VN, Tàu đã đổ vào Việt Bắc võ khí, lương thực và cố vấn quân sự và chính trị. Tố Hữu kể:
Các đồng chí Trung Quốc đã kịp thời tiếp tế cho ta lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và cử sang ta khá nhiều cán bộ quân sự và chính trị… Núi rừng Việt Bắc chứng kiến một quang cảnh tấp nập chưa từng có của những đoàn ngựa, la thồ lúc lắc gạo mì, lương khô, cả cá, muối, đường và những đoàn xe vận tải chở đầy vũ khí. Các cán bộ quân sự và chính trị TQ trong bộ quân phục kaki vàng nhạt và mũ lưỡi trai có ngôi sao đỏ. Người thì cưỡi ngựa, người thì ngồi trên xe vận tải, có người đi bộ mang cả quang gánh, nồi niêu… Chúng ta coi các đồng chí cũng như anh em một nhà. Trong hoàn cảnh gian khổ của kháng chiến, các bạn chia sẻ khó khăn với ta, thật là quí báu.” [Tố Hữu: Nhớ lại một thời. HN: Nxb Hội nhà văn, 2000; tt 263-264]
Cán bộ chính trị Tàu làm cố vấn cho Trung ương đảng Lao Động về công tác tuyên truyền và tổ chức. Làm việc với Tổng bí thư Trường Chinh, cố vấn Tàu phát biểu:
Chúng tôi căn cứ vào kinh nghiệm TQ và kết hợp phần nào với thực tiễn ở VN... Có lẽ trong Đảng của các đồng chí còn bị tư tưởng địa chủ phong kiến thống trị. Ở TQ cũng đã từng diễn ra tình hình này... nhất là ở nông thôn và các cấp lãnh đạo, mà cán bộ phần lớn xuất thân từ giai cấp địa chủ hoặc con em của họ. Tuy họ đã vào Đảng và làm công chức của Nhà nước, danh nghĩa là đảng viên cộng sản, nhưng tình cảm thường nghiêng về địa chủ, không hiểu thấu nỗi khổ của bần cố nông, thậm chí còn coi địa chủ là tốt, là có công vì đã nuôi nông dân và thậm chí có đóng góp cho kháng chiến. Cho nên chúng tôi đặt vấn đề: ai nuôi ai? ai thống trị ai? ai bóc lột ai? Tư tưởng này nếu nằm ở trong đầu óc của cán bộ lãnh đạo thì rất nguy hiểm. Cho nên theo chúng tôi, ý kiến sơ bộ là: phải kiên quyết chống tư tưởng địa chủ, bóc trần bộ mặt thật của địa chủ, phát động đảng viên và quần chúng đấu tranh, đánh gục chúng về mặt tư tưởng, tịch thu ruộng đất của chúng mà chia cho bần cố nông. Có như vậy mới tăng thêm tinh thần và lực lượng để đánh bọn xâm lược Pháp.” [Tố Hữu: sđd; tt 267-268]
Tuân theo chỉ giáo của các cố vấn Tàu, năm 1952 ĐLĐ mở cuộc chỉnh huấn để giáo dục và uốn nắn tư tướng cán bộ đảng viên qua học tập, phê bình và tự phê bình. Tố Hữu, Trưởng ban tuyên truyền và thành viên ban lãnh đạo chỉnh huấn, kể lại:
Lúc bấy giờ các lớp chỉnh huấn đều cùng một cách trang trí rất lạ...: ở phòng nào trên tường cũng căng vải đen với chữ nền trắng: Nâng cao lập trường giai cấp vô sản, quét sạch tư tưởng địa chủ, đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn
Trong các lớp chỉnh huấn có một không khí không bình thường là mặt ai cũng có vẻ đăm chiêu, thậm chí lo sợ khi nghe nói phải kiểm điểm thành khẩn , không được giấu diếm ý nghĩ và hành vi của mình. Không như thế thì không xứng đáng là đảng viên.
Tóm lại, ai cũng phải nhận ít nhiều mình có tư tưởng địa chủ hoặc ảnh hưởng tư tưởng tư sản thì cuộc kiểm điểm mới gọi là thành khẩn và mới được thông qua.” [Tố Hữu: sđd; tr. 272]
Trần Đĩnh nhận xét về chỉnh huấn:
Mục đích sâu xa là xây dựng lập trường giai cấp, đề cao công nhân, bần cố nông, hạ uy thế chính trị và tư tưởng của trí thức và các giai tầng không lao động chân tay khác. Sau đó, bắt đầu triệt để chỉnh đốn tổ chức, theo phương châm mạnh mẽ đề bạt công nông, gạt bỏ các thành phần không trong sạch.”
Tố Hữu yêu cầu học viên rất ngặt. Hễ là con em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành khẩn tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng hạn đồng tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột nông dân... Thứ hai, phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tộí ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị phá sản ”, học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình.” [Trần Đĩnh: sđd; tr. 70, 73-74]

Thực hiện cải cách ruộng đất

Cuộc chỉnh huấn đã “tẩy uế” hàng ngũ ĐLĐ để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình cải cách ruộng đất.
Ban chỉ đạo CCRĐ được chỉ định:
Trưởng ban chỉ đạo: Trường Chinh (Tổng Bí thư đảng)
Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thái Nguyên: Hoàng Quốc Việt (Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng)
Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Lê Văn Lương (Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng)
Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch: Hồ Viết Thắng (Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng)
Ngày 4/5/1953 Bộ Chính trị ĐLĐ ra chỉ thị về mấy vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng, trong đó có nói rõ là “ sẽ phải xử tử một số địa chủ phản động hoặc gian ác...Tỉ số những tên bị xử tử, về nguyên tắc định là một phần nghìn so với toàn nhân số vùng tự do.” Chỉ thị cũng nói thêm là “ không phải bất cứ xã nào phát động cũng sẽ xử bọn phản động và gian ác theo tỉ số đó...Có xã xử ba, bốn người, có xã chỉ xử một người hoặc không xử người nào... Không phải ta tiếc rẻ không xử những phần tử đáng tội. Nhưng số người bị xử không nên quá nhiều; nếu quá nhiều thì khó giành được sự đồng tình của công chúng.” Thêm nữa: “ Việc xử phải nhằm trừng trị những tên phản động đầu sỏ nhất, có nhiều tội ác nhất, đã can phạm giết hại nhân dân, phá hoại cách mạng và nhân dân oán ghét nhất.”
[http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=7&leader_topic=81&id=BT245033033]
Tháng 5/1953 cuộc đấu tố đầu tiên đã thực hiện ở thí điểm Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Năm là địa chủ đầu tiên bị đem ra “ xử tội ”. Bà đã hoạt động tích cực và đóng góp tài sản đáng kể cho kháng chiến, có con là chính Uỷ (hay trung đoàn trưởng) trung đoàn pháo binh. “ Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép, người phụ nữ mới 47 tuổi (1906-1953) này đã bị đem ra xử bắn và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động long trời lở đất ...” [Dương Trung Quốc: Viết nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ. Lao Động cuối tuần, 22/07/2012] Nếu căn cứ vào chỉ thị trên thì bà Năm không thể là đối tượng phải bị xử bắn. Nhưng, theo Wikipedia, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại ”. Hồ Chí Minh ban chỉ đạo CCRĐ đã im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc. [Wikipedia: Nguyễn Thị Năm]
Nếu HCM và Ban chỉ đạo CCRĐ có do dự nhưng vẫn tuân theo ý kiến của cố vấn Tàu thì quả thật là các cố vấn này đã có vai trò quyết định ngay trong lãnh đạo cao nhất của ĐLĐVN.
Có những ý kiến khác nhau về sự dính líu của HCM vào vụ xử bà Năm. Theo Trần Đĩnh thì “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt ”. Và Trần Đĩnh cũng viết là bài báo “Địa chủ ác ghê” kí tên C.B. là của HCM. [Trần Đĩnh: sđd; tr. 82, 83]. Bài này đăng trên báo Nhân Dân 21/7/1953 là để bào chữa cho hành động bất nhân và tàn ác đối với một người có công với kháng chiến nhưng không phải là để kích động nông dân đấu tố bà Năm vì bà đã bị đấu tố trước đó 2 tháng và đã bị bắn ngày 9/7/1953.
Sáu tháng sau đợt thí điểm ở Thái Nguyên, đường lối, chính sách CCRĐ mới được chính thức công bố trong báo cáo của Tổng bí thư Trường Chinh tại Hội nghị toàn quốc ĐLĐ tháng 11/1953. Văn bản dài và chi tiết này giải thích tại sao phải thực hiện CCRĐ trong thời kì kháng chiến, phải xóa bỏ quyền đế quốc và phong kiến chiếm hữu ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân, và phải phóng tay phát động quần chúng đế thực hiện CCRĐ. CCRĐ cũng có mục đích củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của ĐLĐ ở nông thôn.
Báo cáo khẳng định là vì kháng chiến chủ yếu phải dựa vào quần chúng mà tuyệt đại đa số là nông dân nên phải CCRĐ, chia ruộng đất của địa chủ cho nông dân và xây dựng ưu thế chính trị ở nông thôn cho nông dân. Cuộc chiến tranh chống Pháp càng ác liệt thì giai cấp địa chủ phong kiến càng phản động, câu kết với đế quốc chống lại kháng chiến. Vì địa chủ phong kiến phản động là tay sai của thực dân đế quốc nên phải CCRĐ, đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, trấn áp bọn phản cách mạng.
Báo cáo nói rõ là phải chỉnh đốn chi bộ ĐLĐ ở nông thôn vì chính quyền cấp dưới, nhất là cấp xã, nhiều nơi bị địa chủ cường hào lợi dụng, quan hệ giữa đảng và quần chúng chưa được chặt chẽ. Vì vậy phải thanh trừ những phần tử thuộc giai cấp bóc lột ra khỏi chi bộ. Sau CCRĐ, không kết nạp người thuộc giai cấp bóc lột vào đảng nữa mà cần kết nạp một số bần cố nông tích cực, đưa vào chi Uỷ một số người tích cực nhất thuộc thành phần bần cố nông. [Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân VN. HN: Sự thật, 1975; tr. 307-402]
Chỉ nửa tháng sau báo cáo của Trường Chinh, Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội thông qua ngày 4/12/1953, chủ yếu lập lại những điểm chính của bản báo cáo.
Các đợt cải cách từ 1954 đến 1956 ở miền Bắc vĩ tuyến 17 bao gồm gần 3000 xã trong 18 tỉnh từ Thái Nguyên đến Vĩnh Linh.
Những đội cải cách đã tác oai tác quái ở nông thôn, phóng tay phát động bần cố nông. Phóng tay có nghĩa là không kiềm chế, không hạn chế. Ngay Tố Hữu cũng phải thừa nhận:
Không thể kể hết những cảnh tượng bi thảm mà những người bị qui oan là địa chủ, ác bá (thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được phát động ”. ” [Tố Hữu: sđd ; tr. 277-278]
Trần Huy Liệu, phụ trách kiểm tra trong đoàn chỉ đạo công tác ruộng đất tại Việt Bắc năm 1953, đã viết sau khi dự một buổi đấu tố ở thí điểm Thái Nguyên:
Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, những người ngồi gần lối y vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu
Sau khi chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được tội trạng của B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra từ 11 giờ đến 4 giở rưỡi chiều. Mỗi khi tội nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng thét từ xung quanh lại vang lên: Quỳ cao lên! . Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọi một báng súng mỗi khi thấy phạm nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân… Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên, người ta đã đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu, người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài… Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: một anh, cứ cách năm, mười phút lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc đấu tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm nay, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ cao và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ đấu lựcbằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân.” [Trần Chiến: Trần Huy Liệu - Cõi người. HN: Nxb Kim Đồng, 2009; chương 20]
Nguyễn Đăng Mạnh, thành viên một đội cải cách năm 1955, viết trong hồi ký:
Cải cách ruộng đất đúng là một sai lầm nghiêm trọng. Bắt oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế: 5 %! Làm sao mà Quốc dân đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn. Quốc dân đảng là đảng chính thống, đảng cầm quyền ở Trung Quốc hàng bao nhiêu năm mới có lắm quốc dân đảng như thế chứ. Thực ra trước khi sửa sai, chúng tôi cũng có ngờ ngợ thế nào ấy. Bởi vì thấy nhiều địa chủ chẳng giầu có gì lắm. Và họ cũng lao động ra trò, cũng biết đi cày đi cấy. Con cái hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi từng được giao triệu tập con cái địa chủ lại để giáo dục, tôi thấy như thế. Bây giờ sửa sai, thấy sai lầm của cải cách ruộng đất là chuyện dĩ nhiên và rất dễ hiểu. Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế, sai từ đường lối chính sách đến các biện pháp cụ thể. Phát động quần chúng, mà quần chúng sợ đội quá sợ cọp, làm sao dám nói trái ý đội. Tôi lúc đó chỉ là một thằng thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vậy mà đi lại trong làng, có những cụ già râu dài, chắp tay vái lạy đội ạ! . Một chính sách lớn như thế, liên quan đến sinh mạng hàng vạn dân mà giao phó cho những cốt cán dốt nát thực hiện. Cán bộ đội cũng thế, trong đội tôi có một anh tên là Khả mù chữ. Mù chữ mà giảng chính sách và vận dụng chính sách – một chính sách rất lớn và rất phức tạp – vào việc bắt người, bắn người, tịch< thu tài sản của người! Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tầu đối với Việt Nam về chính trị và văn hoá.” [Nguyễn Đăng Mạnh: Hồi ký. HN, 2008; tr. 41-42]

Sửa sai

Cuộc cải cách ruộng đất đã gây chấn động lớn trong xã hội miền Bắc, ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ HCM, rất bất lợi trong những năm đầu đất nước VN chia đôi. Cấp lãnh đạo ĐLĐ buộc phải chấp nhận sai lầm và phải tiến hành sửa sai.
Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương ĐLĐ lần thứ 10, tháng 10-1956 đã xác nhận: “Tư tưởng thành phần chủ nghĩa trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc và không chịu điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp… Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa.” [Wikipedia: Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam]
Đây là lần đầu tiên ĐLĐ thú nhận về ảnh hưởng tai hại của cố vấn Tàu. Đúng là nghe bợm mất bò / nghe bạn mất vợ nằm co một mình ”!
Các bước sửa sai được tiến hành:
Ngày 18 tháng 8 năm 1956, HCM gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm và cho biết Trung ương đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm.
Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến 24/9/1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, và thi hành biện pháp kỷ luật đối với Ban lãnh đạo chương trình Cải cách Ruộng đất như sau: ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư đảng, nhưng vẫn là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, xuống Uỷ viên Trung ương và Lê Văn Lương ra khỏi Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng xuống Uỷ viên dự khuyết TW, và ông Hồ Viết Thắng bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào sai lầm chương trình Cải cách Ruộng đất, thay mặt chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố. [Wikipedia: Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam]
Võ Nguyên Giáp được cử ra trước công chúng thay mặt ĐLĐ và chính phủ vì ông mang hào quang chiến thắng Điện Biên và không trực tiếp liên can đến cuộc CCRĐ.
Ngày 30 tháng 10 năm 1956, GS Nguyễn Mạnh Tường đọc một bài diễn văn nẩy lửa tại Hội nghị Mặt trận Tổ Quốc, phê phán và truy nguyên các sai lầm trong CCRĐ, từ đó chỉ ra những thiếu sót của ĐLĐ và góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của đảng:
Khi trong Cải cách Ruộng đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải cách Ruộng đất này chỉ là những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên… một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của Đảng Lao Động
Về nguyên tắc, ta tán thành chủ trương Cải cách Ruộng đất.
Nông dân ta trong bao nghìn năm đã khổ cực dưới chế độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ bóc lột thực dân. Đồng bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế con người. Ta cần khôi phục khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh thần chủ nhân ông trên đất nước. Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng của họ để họ nhận được phân minh kẻ thù của họ, để họ vùng dậy nắm lấy quyền thế ở nông thôn.
Nhưng từ đây trở đi, ta thấy khởi phát các sai lầm. Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai hoạ làm ta đau khổ hiện thời.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan . Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không? Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó, không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.
Làm thế nào thực hiện được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng nghìn năm lịch sử thế giới cho ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch mà đánh, không đánh tràn lan, không đánh người vô tội.
Nguyễn Mạnh Tường chỉ ra các nguyên nhân sai lầm chính của lãnh đạo:
Quan điểm ta-địch, thù-bạn mơ hồ: “ Còn gì đau đớn hơn là câu ta được nghe ta đánh cả ta nữa . Nếu như vậy thì ta cần phải nhận rằng ta không phân biệt được bạn và thù. Ta đọc lại các bài gần đây đăng trong báo Nhân Dân của các đồng chí bị xử trí oan, hoặc các đồng chí ấy nói, hoặc không nói, nhưng ta đều hiểu các đồng chí ấy nghi ngờ những người kết án các đồng chí, không phân biệt được bạn và thù. Vì vậy nên đánh cả bạn, giết cả bạn.
Tôi thấy đây là một điều cực kỳ quan trọng. Nguyên do ở đâu? Phải chăng ở một tinh thần cảnh giác quá cao đến nỗi mù quáng, ở một tả khuynh mà ta thường mắc trong giai đoạn ấu trĩ của cách mạng? Đây không phải là nơi và lúc mà ta cần phân tích sâu sắc điều ấy. Chủ yếu là ta nhận thấy rằng một nguyên nhân sai lầm là ở trong quan điểm thù bạn rất mơ hồ.
Bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý: “ Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luậtPháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp. Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa.”
Bất chấp chuyên môn: “ Các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Nhưng nếu các vị ấy tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn và cho phép các nhà chuyên môn đề đạt ý kiến thì các nhà chuyên môn cũng sẽ yêu cầu các nhà chính trị nên chú ý đến pháp luật, và dùng pháp luật phục vụ cách mạng.
Nhưng tiếc thay, trong 10 năm vừa qua, ta thấy một tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng ta đến nỗi hai chữ lập trường làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu được dùng một hình ảnh duy tâm , tôi ví lập trường như cái oan hồn ngày đêm theo đuổi kẻ nào đã hãm hại người chủ của nó. Có một điều lạ, là các anh em công nông, các vị lãnh tụ không bao giờ nói đến lập trường trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, các cán bộ và đảng viên tiểu tư sản không lo ngại gì bằng sự mất lập trường. Vì vậy, để nhớ đến nó, mở miệng ra là nêu lập trường rồi. Đó là tinh thần tự ti của một giai cấp mất khí thế, quên rằng mình đứng trong hàng ngũ cách mạng. Dù sao, ở Việt Nam chúng ta cũng đã xẩy ra những sự việc như sau đây, ta cần ghi nhớ để con cháu ta cười muôn thuở: khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: Có lập trường không? Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì mất lập trường . Để nó chết mới chứng minh mình có lập trường giai cấp (hiện tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra).
Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý.” [nguyen-manh-tuong: sđd]
Sau cùng ông đề nghị phương hướng sửa chữa các sai lầm, chủ yếu là phải xây dựng một chế độ pháp trị chân chính và một chế độ dân chủ thật sự:
Đảng Lao Động và chính phủ có nhận thấy cần thiết, trong chính sách sửa chữa các sai lầm trong Cải cách, phải tăng cường chế độ pháp trị của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh đạo, sự nhận thức về vấn đề pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi pháp luật như một bà con nghèo . Chữ tăng cường là một chứng minh. Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có. Đó là một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi trình bày ý kiến về chế độ pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính. Theo ý tôi, thì vấn đề không phải là tăng cường mà là xây dựng.
Thế nào là một chế độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa… trong giai đoạn hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên cấp lãnh đạo, ý kiến về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng…yêu cầu thiết tha nhất hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình. Theo ý tôi, để thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng ấy, chỉ cần ba giải pháp.
Một chế độ báo cáo của cán bộ... Phải đặt các cán bộ có nhiệm vụ báo cáo trước trách nhiệm của họ. Một báo cáo không phản ảnh trung thành sự thực với các khía cạnh của nó, với các ưu và khuyết điểm của nó, rất tai hại. Cấp lãnh đạo cần đề cao cảnh giác với các con số thống kê, các động cơ bất chính của cán bộ muốn thi đua thành tích, vừa mị dưới, vừa lừa trên, do đó đưa ra một hình ảnh quá hẹp của thực tế.
Một chế độ cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao Động như một cây rất to, lá ruờm rà che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình… Từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là dây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn.
Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo, các Uỷ viên Mặt trận không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần thiết phải cho phép quần chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người lo ngại rằng tự do ngôn luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng một cách bừa bãi. Về điều này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát từ động cơ nào? Nếu là động cơ tốt — nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách mạng gây ra — ta hoan nghênh. Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể dân chủ muốn sử dụng tự do nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật. Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta không có quyền kêu ca gì, trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô trách nhiệm, ta đã có tòa án để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ.” [nguyen-manh-tuong: sđd]
Vì bài này, ông bị sa thải khỏi đại học và không được hành nghề luật sư nữa.

Kết luận

Tuy mục đích của CCRĐ được rêu rao là “người cày có ruộng”, chỉ 2 năm sau ĐLĐ chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp bằng hình thức hợp tác xã. Ruộng đất tập thể hoá được đặt dưới sự quản lý và sử dụng của ban quản trị hợp tác xã, chủ yếu được chọn từ những thành phần bần cố nông. Nông dân đã mất quyền làm chủ sử dụng ruộng đất. Tập thể hoá biến nông dân từ người làm chủ ruộng đất trở thành người làm công cho ban quản trị hợp tác xã. Kể từ Hiến pháp 1980 đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Người dân có thể được cấp quyền sử dụng đất. Những năm gần đây phong trào dân oan đã nổi lên ở nhiều nơi phản đối những vụ cưỡng chế thu hồi đất.
Gần 60 năm sau, những ý kiến và đề xuất của GS Nguyễn Mạnh Tường vẫn còn nguyên giá trị. Đảng CSVN vẫn thấy xung quanh là những thế lực thù địch, là sự đe doạ của diễn biến hòa bình, vẫn bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý. Nước VN vẫn chưa có một chế độ pháp trị chân chính và một chế độ dân chủ thật sự.
Nguyễn Điền

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"