Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Nhân dân bỏ ruộng là do chính sách nhà nước độc quyền mua lúa gạo giá rẻ

Luật sư T.A.M
Mặc dù ở Tây Nguyên đại đa phần đất đai là đồi, núi, thế nhưng cả tỉnh Đăk Nông quê tôi cũng có hơn 10 ngàn héc-ta ruộng, song nhiều năm qua gần như người nông dân đã bỏ ruộng hoặc trồng lúa chỉ đủ ăn còn lại để hoang hóa vì đất đã được xem là ruộng rồi thì không thể trồng các loại cây công nghiệp khác vì mùa mưa nước úng ngập. Dân di cư tự do đến các thành phố tìm việc làm, tạo nên những vấn đề xã hội phức tạp cả ở nông thôn và thành thị.
Có những người mặc dù không “ly hương” nhưng cũng “ly nông”, bỏ ruộng. Mặc dù nhiều khu vực có vị trí khá thuận lợi, nằm ngay trục giao thông chính rất thuận tiện cho việc đi lại, chuyên chở, nhưng rất nhiều thửa ruộng nhiều năm qua không được cày bừa để cấy lúa, trồng rau màu.
Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng trên là do thu nhập từ canh tác nông nghiệp của nông dân quá ít ỏi so với thu nhập của những người ra thành phố kiếm sống. Theo ước tính, nếu được mùa, mỗi sào ruộng (1000m2) sau khi trừ chi phí cũng chỉ được lãi năm trăm ngàn đồng/5 tháng cày, cấy, gặt là nhiều. Trong khi đó, nếu như lên thành phố tìm việc làm, hoặc chuyển sang nghề khác, cũng có thể mang lại thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Trong khi thu nhập đã thấp, thì một hạt thóc hiện nay còn phải “cõng” tới hàng chục loại phí. Nào là phí sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, phí nước tưới, phí quản lý trạm thủy lợi, phí trạm điện tưới… càng nhiều ruộng thì càng phải đóng góp nhiều hơn. Mặt khác, giá cả nông sản không ổn định, cho nên người nông dân không còn thiết tha đầu tư vào chính mảnh ruộng của mình.

Những năm trước đây, mỗi nhà có nửa hec-ta ruộng có thể góp phần giải quyết lương thực cho sáu, bảy miệng ăn trong gia đình trong một vụ, nhưng hiện nay thì không được như vậy, chi phí cho làm mỗi sào lúa ở địa phương ngày một cao. Mỗi hec-ta lúa bao gồm: Giống, phân bón các loại, thuốc trừ sâu, tiền cày bừa đất, công cấy, làm cỏ, chăn bón, tiền máy thu hoạch... khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi hec-ta lúa năng suất đạt 5 tấn chỉ bán được 30 triệu đồng tiền lua, chưa kể các khoản phí cho địa phương nhà nước. Rồi việc mất mùa, tình trạng lúa cấy nhưng không có hạt, thuốc trừ sâu, phân bón kém chất lượng... liên tục xảy ra, nếu không may gặp mưa bão, hạn hán, chim chuột phá hoại mùa màng… thì “trắng tay”.
Ở nông thôn quê tôi hiện nay, lực lượng lao động chủ yếu là người trung niên có độ tuổi 50-60, chứ thanh niên trong độ tuổi lao động chính phần lớn đã rời khỏi quê hương đi tìm việc ở đô thị hoặc làm trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Bài toán chuyển dịch tìm các loại cây có hiệu quả kinh tế đã được đặt ra từ lâu, nhưng với thực trạng về cơ cấu lao động cũng như thị trường tiêu thụ như hiện nay, việc tìm được lời giải lại không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều mô hình cây trồng mới khi đưa vào sản xuất cũng chỉ được một đến hai vụ, khi nhân ra diện rộng lại thất bại do không tìm được thị trường tiêu thụ.
Nông dân bỏ ruộng đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Nếu để xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng ồ ạt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp và an sinh xã hội. Khi bỏ đi tư liệu sản xuất, người nông dân sẽ di cư tự do ra thành phố kiếm việc làm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc làm không phải dễ tìm, vì vậy mà những tệ nạn, ảnh hưởng trật tự xã hội do dân nông thôn ra thành phố gây ra không phải là ít.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng còn cho thấy những chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam có dấu hiệu xa rời thực tiễn. Nhà nước độc quyền ép dân thu mua gạo với giá rẻ để xuất khẩu giá cao làm cho nông dân không có lãi là nguyên nhân chính khiến người trồng lúa không có lãi.
LUẬT SƯ T.A.M

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"