Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Một kỷ niệm Ba Lan

Hà Thanh Hiển (Tác giả gửi Blog Hahien)
Dịch-vụ-gửi-hàng-đi-Ba-Lan-1 
Cách đây 23 năm tôi có cả một mùa Hè cộng thêm nửa mùa Thu ở thủ đô Vac sa va – tên nguyên gốc Ba Lan có các phụ âm W,S,Z,R sắp đặt thế nào cho đến tận bây giờ tôi cũng không thể viết ra chính xác.
Thời gian không dài nhưng với riêng tôi, nó như một cuốn phim đầy ấn tượng, thỉnh thoảng được mang ra chiếu lại đoạn nọ đoạn kia trong mơ, những giấc mơ thực đến mức một buổi sớm gần đây tôi choàng thức dậy vội tìm các thứ để kịp ra… chợ giời Cung Văn hóa Thủ đô Ba Lan ở…Sài Gòn.
Những kỷ niệm đặc biệt ngày ấy của tôi với Anh chị Hai và hai cháu gái yêu quý của tôi tại Ba Lan, chú ủy quyền cho các cháu giành thời gian viết lại.
Những biến động xã hội của Việt Nam tràn sang Đông Âu ngày ấy và dội trở lại ra sao, xin mời mọi người tìm xem bộ phim truyền hình nhiều tập “Hai phía chân trời” dựa trên Tiểu thuyết “Máu của tuyết” của tác giả Trần Hoài Văn. Với tác phẩm này tôi như thấp thoáng gặp lại mình, anh chị mình và các cháu mình.
Những biến cố chính trị lớn lao của thế giới ngày ấy sẽ được các sử gia ghi lại. Riêng tôi, một anh lính thợ Việt Nam đi làm thuê đã từ Thủ đô của Cách mạng nhung Tiệp Khắc sang Thủ đô quê hương của Công đoàn Đoàn kết kiếm sống và tại đó, một buổi sáng mùa Thu 1991 được ti vi loan báo: tất cả cư dân ở trong nhà, đảo chính ở Liên Xô.

Gia đình Anh chị Hai tôi và các con gái giờ đã thêm thế hệ thứ 3, các cháu ngoại cùng nói tiếng Việt và tiếng Ba Lan, thỉnh thoảng có e.mail thăm hỏi, một vài năm một lần gặp mặt. Các chiến hữu, bạn bè của tôi thì ít gặp hơn nhưng vẫn biết tin nhau qua alo. Riêng chỉ có một thằng rất thân với tôi mùa Hè ấy sau đó hoàn toàn biệt tích khiến tôi thương nhớ vô cùng. Thằng bạn này đến với tôi ở chợ giời Cung Văn hóa Vac sa va qua một gã Digan vừa ôm nó vừa ngắm một chiếc mũ lưới tôi bán mà không có tiền mua. Ok, tao cho mày cái mũ, mày cho tao thằng này. Ok, đó là một thằng Tây đực còn bé con, mặt ngầu, đi bằng 4 chân, mõm to và vuông, lông đen pha nâu, vỗ đít thử kêu cái oẳng.
Trở lại trước đó một chút. Năm ấy Anh Hai còn đang đi dạy học thuê ở Angie, các cháu gái còn ở Hà Nội, tôi từ Praha sang ở với chị Hai tại phố Bagno thủ đô Vac sa va cùng nhóm sinh viên Hà Nội học xong không về, lại còn đón bạn từ Nga sang cùng ở lại mà tôi còn nhớ tên: Đoàn, Khoa,Văn… toàn những thằng đẹp giai, tài giỏi và lém lỉnh. Riêng Trần Hoài Văn từ Nga sang, học văn nhưng lại giỏi võ. Văn đã một lần phân công tôi  làm mồi nhử để gài bẫy đánh trả đũa bọn lưu manh người Bun trước đó đã đánh bị thương và cướp sạch cả vốn lẫn lời đi chợ của một bác đồng hương Hà Nội…
Tiếp nối chuyện thằng bạn Tây bốn chân. Nó ở chung phòng với tôi, cả ngày bị nhốt ở trong ăn đồ khô, chiều đợi tôi về, dắt xuống đất cho đi ỉa và đi siêu thị mua thức ăn nấu nướng cho cả đội. Chị Hai tôi rất quý thằng này nhưng hay la nó vì thỉnh thoảng lại thấy mùi gì kinh lắm lẫn trong đống hàng áo gió, khăn, mũ, kimono…khiến tôi lại phải đi tìm hót.
Có lần vào một siêu thị nhỏ, nó xổng ra chui vào các giá, tủ bày hàng làm rơi đổ tứ tung các thứ. Tôi càng đuổi, nó càng phấn khích như được chơi ú òa. Một cô bán hàng rất trẻ, dịu dàng gọi nó (tất nhiên là bằng tiếng của nước nó), thế là nó vẫy đuôi lon ton chui ra chạy lại, đồ háu gái! Cô ấy bế nó, nâng lên, lấy tay vỗ vào má, chu môi hôn vào mõm thằng mất dạy rồi mỉm cười trả lại cho tôi. Tôi vừa điên vừa ghen, không kiềm chế được phết cho cu cậu một cái hết sức, oẳng! Một bà khách hàng tóc bạc tròn mắt nhìn rồi vẫy tôi lại nghiêm giọng nói rất to và rất dài, tôi không rõ nhưng hiểu bởi điệu bộ đưa tay lên ngang cổ, dọa sẽ gọi cảnh sát.
Đầu mùa Thu, Chị Hai tôi đi đón Anh Hai từ Châu Phi bay về Vacsava, thằng nhóc bốn chân được Chị bắt tắm sạch sẽ cho theo ra sân bay. Tôi phải ở nhà dọn dẹp, chờ. Gặp lại Anh Hai, tôi rất vui, nhưng cũng buồn ngay vì thằng nhóc bốn chân không thấy đâu nữa. Chị Hai bảo “quay đi quay lại chẳng thấy nó đâu”. Viết đến đây tôi muốn hỏi “Anh Hai đã biết mặt nó chưa, nếu chưa tức là nó chạy mất trước khi tàu bay đáp xuống, còn rồi tức là nó chạy mất lúc hai ông bà đang bỏ nó đấy ôm hôn nhau, nhỉ ”.
Xa nó, đến tận bây giờ tôi vẫn thương nhớ. Buồn, nhưng sau đó cũng nguôi dần vì biết chắc rằng ở cái nơi mà “cẩu quyền” được trân trọng không kém gì “nhân quyền” thì thằng bé chắc không bị “riềng mẻ”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"