Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Hai vụ nghi can treo cổ tự tử tại công an, chân vẫn chạm đất !?

Luật sư T.A.M
Khi tôi mới viết bài kể về chuyện người dân, nghi phạm chết trong khi tạm giam tạm giữ mà Dân Luận vừa đăng thì ở Việt Nam lại xảy ra hai vụ “tự tử” trong nhà tạm giữ của công an bằng cách treo cổ nhưng… chân vẫn chạm đất!
Theo báo Đất Việt, thông tin từ công an xã Nam Sơn (huyện An Dương, TP Hải Phòng): Khi đối tượng Nguyễn Tùng Lâm đang thực hiện hành vi trộm xe đạp điện của một hộ dân thì cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên địa bàn xã phối hợp với bà con trong khu vực bắt quả tang. Sau đó Lâm được đưa về công an xã Nam Sơn để chờ chuyển lên huyện tiếp tục điều tra. Nhưng trong thời gian này đối tượng Lâm đã bất ngờ treo cổ tự tử bằng thắt lưng trong khi chân vẫn chạm đất, chết trong tư thế rất lạ.
Căn phòng đối tượng Nguyễn Tùng Lâm tự tử. Ảnh báo Đất Việt.
Theo Đại tá Trần Quang Hợp – Trưởng Công an huyện An Dương, cho phóng viên báo Đất Việt biết thì, sau khi tiếp nhận đối tượng, công an xã đã làm theo đúng các quy định của pháp luật, ghi lời khai bản tường trình. Giám định tài sản trộm cắp ở mức độ nào để xử lý. Ông Hợp nói rõ hơn rằng: “Ở trụ sở công an xã không có phòng giam giữ nên đã để Lâm ở phòng văn hóa của UBND xã Nam Sơn. Khi đưa đối tượng lên mọi cái vẫn bình thường, anh em còn đi mua chanh muối về cho Lâm. Cả đêm không có vấn đề gì bất thường, Lâm thi thoảng còn xin nước uống. Nhưng đến sáng sớm ngày 1/11, người trực đi qua thì thấy Lâm im lìm trong tư thế treo cổ bằng thắt lưng, chân vẫn chạm đất và treo ở độ cao thấp. Ngay lập tức có người đến tháo dây thắt lưng ở cổ Lâm nhưng không cứu được”.

Theo báo cáo của Công an xã Nam Sơn: Vào hồi 10h30 ngày 31/10/2014, người dân thôn Quỳnh Ông Nguyễn Xuân Chiến, Trưởng công an xã Nam Sơn thanh minh: “Sau khi tiếp nhận đương sự từ CSGT và nhân dân trong khu vực, vào hồi 10h30 ngày 31/10/2014, chúng tôi đã làm đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Theo quy trình, chúng tôi sẽ phải bàn giao đối tượng sớm cho Công an huyện An Dương xử lý. Nhưng chúng tôi phải đợi kết quả giám định tài sản bị trộm cắp, làm báo cáo lên huyện, hồ sơ và xin giám định kết quả tài sản. Khi xin được chữ ký của trưởng công an huyện, bên tài chính lại nghỉ nên chúng tôi không hoàn thành được thủ tục giao đối tượng cho Công an huyện An Dương. Chúng tôi phải mượn phòng văn hóa xã của UBND xã để chuyển đối tượng vào đó. 19h tối 31/10/2014, anh em Công an xã đến trực rất đông. Chúng tôi phân công người trực rất đàng hoàng, cả một đêm không vấn đề gì. Ca trực cuối cùng là 6h sáng ngày 1/11, tất cả công an viên yên tâm vì sắp hoàn thành nhiệm vụ thì xảy ra chuyện. Anh em lúc đó cũng mệt mỏi nên đi vệ sinh, bỏ đối tượng lại trong vòng một mình, mọi việc chỉ diễn ra từ 10 đến 15 phút các công an viên quay vào thì thấy đối tượng dùng thắt lưng treo cổ ở vị trí cửa sổ của phòng văn hóa. Việc treo cổ khá thấp, chân vẫn chạm đất, công an viên hô hoán mọi người khẩn trương tháo dây, đỡ đối tượng xuống. Lúc đó tôi chạy vào, bấm mạch cho đối tượng thấy mạch vẫn còn phập phồng. Chúng tôi làm những động tác sơ cứu, một nhóm anh em khác gọi y tá trực ở trạm xá. Chúng tôi cùng nhau làm cấp cứu tại chỗ cho đối tượng. Tôi có yêu cầu y tá tiêm một mũi hỗ trợ tim và gọi xe taxi đưa đối tượng đến bệnh viện đa khoa An Dương. Các bác sỹ làm công tác cấp cứu cho đối tượng khoảng 30’ rồi báo lại với chúng tôi là không cứu được đối tượng. Sự việc quá bất ngờ, nằm ngoài tất cả những suy nghĩ của chúng tôi”.
Cả hai ông là Trưởng Công an huyện và xã thanh minh như vậy, nhưng dân họ thấy lạ ở chỗ: Thứ nhất là công an xã không được giữ người qua đêm nếu bắt quả tang nghi phạm trong giờ hành chính. Công an xã Nam sơn tiếp nhận nghi can lúc 10 giờ 30 phút, thì ít nhất chiều cùng ngày đã phải giao cho công an huyện. Thứ hai ông trưởng công an xã nói “chúng tôi phải đợi kết quả giám định tài sản bị trộm cắp”, việc này công an xã không có quyền. Thứ ba, công an xã giam giữ nghi can qua đêm là trái luật và việc bàn giao đối tượng cho công an huyện thì chẳng liên quan gì đến vấn đề tài chính mà ông trưởng công an xã lại bảo “bên tài chính lại nghỉ nên chúng tôi không hoàn thành được thủ tục giao đối tượng cho Công an huyện An Dương” (?). Điều đặc biệt là nghi phạm chết bằng cách treo cổ nhưng chân vẫn còn chạm đất là điều vô cùng kỳ lạ!?
Thêm một trường hợp nữa là, cách đó 3 ngày, tại tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra việc tương tự là ông Nguyễn Văn Hạ (47 tuổi, trú khu phố 2, phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận) bỗng nhiên treo cổ chết trong trụ sở công an phường Tân An.
Khoảng 7h sáng 28/10, bà Sen vợ ông Hạ, được bà Bùi Thị Hiệp, tổ trưởng tổ tự quản tổ 4, khu phố 2, báo tin ông Hạ đã treo cổ chết ở công an phường. Chị Nguyễn Thị Diễm (21 tuổi, con ông Hạ) nói: “Lúc tôi lên thì thấy bố chết trong tư thế đứng treo cổ vào song cửa sắt, sợi dây treo cổ là sợi dây rút quần nhỏ”. Chiều 30/10, Thượng tá Phan Tá Hùng, Phó Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Thuận đã thông tin về vụ việc. Theo phía công an, sau khi ông Hạ thừa nhận hành vi đốt xe và đánh vợ, công an phường Tân An đã ra quyết định tạm giữ hành chính đối với ông Hạ để tiếp tục điều tra. Đến 6h10' ngày 28/10, khi cán bộ mở cửa để dọn dẹp, phát hiện ông Hạ đã treo cổ tự tử bằng một dải dây rút quần (quần xà lỏn), được dùng làm giẻ lau ở phòng tạm giữ. Kết quả khám nghiệm cho thấy ông Hạ sử dụng dây rút quần treo lên cửa sổ để tự tử. Khám nghiệm tử thi không có dấu vết tác động cơ học nào khác. Về động cơ để ông Hùng tự tử, phía công an vẫn chưa xác định được là do đâu.
Dân đọc báo biết được những vụ chết trong tay công an chỉ biết lắc đầu ngao ngán, bởi họ biết những vụ “tự tử” này sẽ chẳng bao giờ được minh bạch.
LUẬT SƯ T.A.M

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"