Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Chống tham nhũng như Việt Nam dân còn khổ dài dài

Luật sư T.A.M
Trước đây, tham nhũng ở Việt nam chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang tất cả các lĩnh vực; thậm trí lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh… cũng đầy rẫy tham nhũng.
Tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi. Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ” thì xảy ra ở cấp xã, phường; tham nhũng “trung trung” ở cấp huyện; còn người dân hay nghi can đi hối lộ cho cấp tỉnh nếu không “đậm” sẽ không bao giờ “được việc”.

Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của Tổ chức minh bạch thế giới liên tục đánh giá Việt Nam có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng. Thế nhưng trong Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 gửi Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết “đây là kết luận không khách quan, thiếu trung thực, mang tính phiến diện, chưa nói đúng”. Song bản báo cáo này lại cho biết, từ đầu năm đến nay đã Chính phủ đã có gần 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng...
Rồi phía công an báo cáo cho biết, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án với 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. Số thiệt hại được xác định trên 6.700 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng.
Đọc báo cáo của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, nhìn vào những con số trên rất nhiều đại biểu Quốc hội… phát hoảng và không tin chút nào về “báo cáo không trung thực”, bởi từ đầu năm 2014 đến nay mới tròn 10 tháng mà có đến những 198.000 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành. Tức là quãng 20.000 cuộc thanh, kiểm tra mỗi tháng và cũng tức là mỗi ngày có khoảng... 700 cuộc thanh, kiểm tra tính cả thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ. Đại biểu hỏi nhau sao thanh, kiểm tra lắm vậy kìa? Chắc ban Thanh tra Chính phủ phải có hàng mấy sư đoàn cán bộ, nhân viên mới Thanh tra được “kỳ tích” như vậy và tham nhũng phải “đông như quân nguyên” và “nhiều như lá rừng” thì mới cần lắm thanh tra, kiểm tra đến thế?
Phản bác lại, không ít đại biểu thẳng thắn trên nghị trường rằng “Tổ chức minh bạch thế giới đánh giá về tình hình tham nhũng ở Việt Nam còn thấp bởi thực trạng tham nhũng ở Việt Nam đang… rất, rất và rất nghiêm trọng chứ không chỉ “rất nghiêm trọng” như họ biết!?. Con số mà báo cáo của tổng Thanh tra là bằng chứng, 10 tháng năm 2014 phát hiện 32.000 tỉ đồng vi phạm, theo dư luận thì từ xưa đến nay việc phát hiện ra tham nhũng thường chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” nhưng cứ tính theo con số này đã thấy… đau tim rồi, vì 32 ngàn tỉ đồng/10 tháng tức là mỗi tháng 3.000 tỉ và mỗi ngày là… 100 tỉ đồng bị tham nhũng “cuỗm”.
Vấn đề nổi cộm khiến nhiều người bất bình hiện nay là luật pháp rất nhung nhương đối với tội tham nhũng. Người ta nói tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ, nhưng trong những năm dài của thời kỳ xây dựng đất nước, đã có bao nhiêu “quan” tham nhũng tỉnh bơ nghỉ hưu về vườn mà chẳng ai đụng tới. Trên thực tế, “quốc nạn” tham nhũng vẫn hàng ngày, hàng giờ làm phương hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ và dân tộc.
Chống tham nhũng như ở Việt Nam… dân còn khổ dài dài bởi họ phải nai lưng ra làm trả nợ cho tham nhũng!
Luật sư T.A.M

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"