Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Câu chuyện về hai thành phố ở Việt Nam

Elisabeth Rosen
Athena chuyển ngữ và giới thiệu
Sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh và Hà Nội liên quan đến một cuộc tranh đấu lớn hơn ở Việt Nam: cuộc tranh đấu giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Trong lần đầu tiên thăm thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thuận Uyên đã có ý định chuyển đến đó sống. Đối với một người được đào tạo về quản lý nghệ thuật ở Anh, cả bố mẹ, ông bà và các cụ đều lớn lên ở Hà Nội, thì thành phố phía Nam này là một lựa chọn dễ dàng hơn so với cuộc sống ở thủ đô.
“Mọi thứ đều rất quy củ. Nó không hề hỗn độn. Tôi không cần phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiền nong,” Uyên kể với tôi. “Nhưng sau khi tôi tìm hiểu và đi sâu hơn về khung cảnh nghệ thuật ở Hà Nội, thì tôi đã quyết định ở lại.”
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm thương mại của Việt Nam từ những năm 1800, khi bến cảng do người Pháp xây dựng biến nơi đây thành trung tâm thương mại của cả khu vực. Trong vài năm gần đây, mức tăng trưởng GDP và môi trường thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài đã thuyết phục được nhiều người tin rằng thành phố này chính là một bài học về sự thành công của Việt Nam. Một bài báo mới đây trên tờ Bloomberg đã tiết lộ rằng thành phố Hồ Chí Minh đã “vượt mặt” Hà Nội về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhưng nhiều người ở miền bắc cho rằng thủ đô nghìn năm này, nơi các cơ sở thương mại và chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nước ngoài vẫn chật vật khi xâm nhập và nạn quan liêu nhà nước rất khó phá bỏ, vẫn còn có một tinh thần đặc trưng để nuôi dưỡng tính sáng tạo.
“Tôi thấy rằng Hà Nội có gu thẩm mỹ cao hơn. Bạn có thể kinh doanh thông qua việc phát triển một sản phẩm địa phương theo cách riêng của bạn thay vì bán qua các thương hiệu lớn cùng ngành,” Dan Dockery, đồng sở hữu quán bar CAMA và nhà hàng Highway 4 cho biết. “Bạn có thể đánh giá sự thiếu vắng các chuỗi cửa hàng phương Tây ở Hà Nội là bảo thủ và chậm tiến, nhưng ngược ngược lại, bạn có thể nhìn nó theo cách tích cực hơn. Chúng tôi có loại cà phê chất lượng. Tại sao lại phải cần đến thương hiệu nước ngoài với chất lượng thấp hơn nhưng giá lại đắt gấp ba?”
Đối với người ngoài, sự khách biệt giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể xem như sự tương phản giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, với thành phố phía Nam phát triển hơn về kinh tế đương nhiên sẽ cởi mở hơn với các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng thực sự, câu chuyện về hai thành phố ở Việt Nam – giống như sự khác biệt về tuổi tác giữa hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải hay Kyoto và Tokyo – có nhiều thứ đáng để bàn về lịch sử và văn hóa hơn là ý thức hệ. Người Hà Nội không phủ nhận sự thành công về kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Điều họ không đồng ý là sự thành công ấy không cần thiết và hấp dẫn, hoặc những dạng thức thành công ấy khiến cho thành phố trở nên lôi cuốn. “Sài Gòn có chút gì đó giống Bangkok,” Bùi Minh Nguyệt, chủ cửa hàng chuyên về nghệ thuật, có gia đình đã sống vài thế hệ ở Hà Nội nói. “Nó không thực sự là Việt Nam.”
Người Hà Nội “gốc” như Minh Nguyệt cực kỳ tự hào về văn hóa lịch sử lâu đời của thành phố. Hà Nội đã giữ danh hiệu là trung tâm văn hóa của cả nước kể từ thế kỷ thứ 11, khi những vị quan đầu tiên học tập tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngày nay, cộng đồng sáng tạo của thành phố vẫn luôn phát triển, đặc biệt là về nghệ thuật. Giải thích cho lý do vì sao ở lại Hà Nội, Uyên nói với tôi rằng: “Năng lực sáng tạo ở Hà Nội có nhiều hơn.”
Trong khi thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển không gian nghệ thuật, với các buổi biểu diễn hào nhoáng và những nghệ sị được định hướng theo thị trường tương phản rõ nét với một Hà Nội có nhiều sáng tạo mang tính thử nghiệm hơn. “Người Sài Gòn có xu hướng thích kiểu nghệ thuật ưa nhìn và dễ-hấp-thụ,” nghệ sĩ Thảo Nguyên ở thành phố Hồ Chí Minh giải thích. “Nghệ thuật ở Hà Nội có thể nghiêm khắc và trừu tượng hơn.”
Sự lưu luyến của người Hà Nội với thành phố dường như đi ngược lại với lập luận kinh tế.
“Rất nhiều người Hà Nội sẽ thừa nhận rằng cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh có phần thoải mái hơn, với mức thu nhập tương đối cao và giá cả sinh hoạt thấp hơn. Nhưng họ vẫn ở Hà Nội vì tâm hồn của nơi đây. Ở đây có nguồn năng lượng phần nào bắt nguồn từ sự lựa chọn đặt giá trị tinh thần lên trên của cải vật chất,” Mathias Rossignol, đồng sở hữu quán cà phê và không gian nghệ thuật Ham Hanh ở Hà Nội, giải thích.
Ham Hanh đã trở thành một phần của dự án The Onion Cellar, một cộng đồng văn hóa thay thế chuyên tổ chức các buổi chiếu phim, hòa nhạc và các sự kiện khác. Đồng sáng lập Onion Cellar Trần Hùng chia sẻ “đối với phần lớn người Việt Nam,” sự khác biệt giữa hai thành phố là điều “rõ ràng”: “Sài Gòn mạng về thương mại hơn trong khi Hà Nội lại sáng tạo hơn.”
Sự phân biệt thẳng thừng của Trần Hùng đã nhấn mạnh thêm niền tin của người Hà Nội rằng thành công về thương mại và sáng tạo là bù trừ lẫn nhau.
“Các đặc tính thương mại rõ ràng là phát triển hơn của miền Nam. Trong một số trường hợp, sự bảo toàn nghệ thuật ở Hà Nội lại đang chống lại chính thành phố Hà Nội. Để giữa được bản sắc riêng của mình, Hà Nội gần như phải cự tuyệt các khái niệm về kinh doanh và nghệ thuật có thể song hành,” nhà thiết kế, nghệ sĩ Dorian Gibb, một trong những người sáng lập không gian làm việc sáng tạo Work Room Four.
Bill Nguyen, đồng sáng lập của Manzi, một quán café nổi tiếng với không gian nghệ thuật, so sánh không gian nghệ thuật “quá phát triển” ở phía Nam với một Hà Nội “có phần khiêm tốn hơn” về văn hóa. “Mọi thứ dường như quá an toàn bởi vì nó quá vững chãi và bị thể chế hóa. Điều đó khiến cho trí tưởng tượng không còn chỗ đứng nữa.” Bill chia sẻ. “Ít nhất thì ở đây vẫn còn không gian để thử nghiệm.”
Tuy nhiên, Nguyen cũng chỉ ra rằng sự thiếu hụt tư duy về kinh doanh cũng có nhược điểm của nó.
“Những người bạn từ Sài Gòn nói rằng những con người sáng tạo ở Hà Nội không biết làm thế nào để kiếm tiền bằng chính năng lực sáng tạo của họ,” anh nói.
Khoảng trống giữa các thành tựu sáng tạo của Hà Nội và sự thành công về thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh đều phổ biến trong tất cả các ngành văn hóa của Việt Nam. Rất nhiều bộ phim Việt Nam trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế được dựng tại Hà Nội, như phim “Đập Cánh Giữa Không Trung”, đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim Venice (Ý) vào tháng Chín vừa qua với hạng mục đạo diễn mới xuất sắc nhất, và phim “Bi, Đừng Sợ!” đã giành chiến thắng tại liên hoan phim ở Cannes (Pháp) và Stockholm (Thụy Điển) vào năm 2010. Tuy nhiên các rạp chiếu phim trong nước đang bị chi phối bởi phim hành động Hollywood cũng như thể loại phim hài tình cảm được sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Ở miền Nam, họ muốn làm ra các phim mà người Việt Nam sẽ trả tiền để xem. Tôi không cho rằng tất cả phim ở miền Bắc đều mang lại lợi nhuận. Thực tế cho thấy, phần lớn phim của miền bắc hiếm khi được trình chiếu tại các rạp chiếu phim,” Gerry Herman, giám đốc rạp chiếu phim Hà Nội chia sẻ.
Điều mà lĩnh vực điện ảnh thực sự cần, Herman nói, chính là “điểm trung gian” có thể kết hợp giữa khát vọng nghệ thuật của Hà Nội với sự nhạy bén về thương mại của thành phố phương Nam – một điều mà bạn có thể nói với toàn thể nền văn hóa ở Việt Nam.
“Phần lớn nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào việc gia công phần mềm và làm nhái hàng. Đó là kiểu quy mô không hề chắc chắn và không thể tồn tại phát triển lâu dài,” chủ cửa hàng Ham Hanh Rossignol giải thích. “Không có một ý tưởng nào thực sự mới mẻ có thể sinh ra trong môi trường thiếu vắng sự sáng tạo và độc đáo.”
Tuy nhiên số lượng người tiên phong trong các lĩnh vực ở Hà Nội ngày tăng, họ có thể kết hợp sự sáng tạo và truyền thống với bí quyết kinh doanh, giống như nhà thiết kế Vũ Thảo, người dành giải thưởng Doanh nhân trẻ sáng tạo do Hội đồng Anh tổ chức vào tháng trước. Các thiết kế của cô, được sản xuất dưới nhãn hiệu Kilomet 109, lấy cảm hứng từ các bộ trang phục thủ công đầy màu sắc của các dân tộc thiểu số trong những ngôi làng ở phía Bắc.
“Thực sự thì Sài Gòn thú vị hơn. Con người ở đó rất dễ hợp tác và cũng cởi mở hơn, tương tự với các cơ quan chức năng. Nhưng khi công ty của tôi mở rộng phát triển ở tầm quốc tế, thì điều khiến công việc của tôi thuận lợi lại là những điều từ phía Bắc,” Thảo chia sẻ.
Nhiều nghệ sĩ sáng tạo mới nổi của thành phố rất quyết tâm trong cả kết nối địa phương lẫn không thương mại hóa. Năm ngoái, một nhóm nhạc sĩ và DJ Hà Nội đã khởi xướng Quest, một lễ hội âm nhạc mà không cần nhà tài trợ. Thay vì mời các công ty quảng cáo quốc tế, lễ hội tập trung chủ yếu vào những tài năng ở tại Hà Nội; vé được bán hết ngay trong tuần. Nhà đồng tổ chức Luke Poulson, người dạy tiếng Anh và làm DJ ngoài giờ, chỉ ra sự khác biệt rõ nét giữa “buổi tối thử nghiệm” của Hà Nội với “câu lạc bộ đêm sôi động” ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Thực tế là chúng ta có thể lập nên một không gian cho toàn bộ lễ hội bằng cách để phần lớn người Hà Nội cho những người khác thấy thành phố này sáng tạo đến mức nào,” Poulson nói.
Một ví dụ tương tự như thế chính là Zone 9, không gian sáng tạo trong khu phức hợp dược phẩm đã manh nha một kỷ nguyên mới cho nền nghệ thuật khi mở cửa vào năm 2013. Mặc dù Zone 9 đã đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn thiêu rụi một quán bar đang xây dựng thì vẫn có rất nhiều cửa hàng đang buôn bán tại đó mở cửa trở lại, bao gồm cả Work Room Four.
Việc lập ra Quest và Zone 9 cho chúng ta một gợi ý rằng sự thành công của một thành phố không nằm ở các tòa nhà cao tầng hay sự đầu tư nước ngoài – dường như có điều gì đó luôn bị bỏ qua khi họ thực hiện xây dựng khu đô thị siêu cường hiện đại của châu Á.
“Lợi ích của sự sáng tạo và nghệ thuật không dính dáng tới tiền bạc,” John Kis, chủ quán cà phê Hanoi Social Club cho biết. “Một thành phố mà không có các màn trình diễn nghệ thuật hay âm nhạc hoặc phòng trưng bày thì không phải là thành phố mà tôi muốn sống.”
Elisabeth Rosen là phóng viên thường trú tại Hà Nội.
Nguồn: Vietnam's tale of two cities, The Diplomat.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"