Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Vụ án ‘Cống Rộc’ sẽ thông hay sẽ tắc?

Bùi Tín (viết cho VoA)


Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, đứng trước đống đổ nát của căn nhà bị chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang phá hủy, ngày 4/2/2012.
Theo quyết định của chính quyền trong nước, vụ án «Cống Rộc», Tiên Lãng, Hải Phòng, sẽ được xét xử tại trụ sở Tòa án Nhân dân Hải Phòng từ sáng thứ ba 2 tháng 4 đến chiều thứ tư 10 tháng 4, 2013.
Đây là vụ án lớn được dư luận trong nước rất quan tâm theo dõi từ 15 tháng nay, và cũng đựơc dư luận thế giới chờ đợi, để có thể đánh giá và kết luận rằng chính quyền trong nước hiện đi theo con đường nào - con đường dân chủ pháp quyền mà họ vẫn rêu rao, hay theo con đường độc đoán đảng trị mà họ vẫn một mực thực hiện. Đây cũng là một trắc nghiệm lý thú xem nhóm lãnh đạo Cộng sản có thật tâm xây dựng một hiến pháp của dân, do dân, vì dân, hay một hiến pháp do của đảng, vì đảng, và do đảng trong những việc làm của họ.

Thoạt tiên đã có vài dấu hiệu đáng chú ý, tuy chưa phải thật đáng mừng. Đó là việc tòa án Hải Phòng báo tin sẽ xử sơ thẩm vụ án ‘Cống Rộc’ trong 2 đợt, đợt đầu trong 4 ngày, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 4, xử 4 nghi phạm giết người thi hành công vụ là các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ; đợt hai trong 3 ngày nữa, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 4, xử 2 bị can Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương về tội chống người thi hành công vụ. Mới xuất hiện tên của phó viện trưởng kiểm sát Hải Phòng Bùi Đăng Dung.
Do kéo dài trong 7 ngày, nên có thể không xảy ra chuyện lặp lại các phiên tòa chớp nhoáng, chỉ trong 1 hay 2 buổi, không có phiên tòa bỏ túi - mức án đã định sẵn trong túi áo chủ tọa - không có tranh cãi thật sự, không có nghị án, đối thoại, hỏi và trả lời giữa chủ tọa, bị cáo, luật sư, công tố viên và nhân chứng,
Qyết định về phiên tòa nói rõ đây là phiên tòa công khai, để nhân dân có thể vào dự hoặc đứng quanh tòa án theo dõi qua đài truyền thanh và truyền hình. Mong rằng tòa án sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân, không hạn chế người vào dự hay tụ tập quanh tòa, không cho nhân viên công an chiếm chỗ ngồi, không cho đảng viên hay người được thuê vào dự, như trong 2 vụ xử Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Cù Huy Hà Vũ trước kia.
Một điều đáng chú ý nữa là 6 bị cáo sẽ được 10 luật sư có trình độ và công tâm bảo vệ, các luật sư đã thu thập được khá nhiều chứng cứ vững chắc, nhằm chứng minh rằng cuộc cưỡng chế là sai lầm, phi pháp, rằng việc dùng bộ đội cũng là sai nguyên tắc và phạm luật, rằng việc phá tài sản riêng của công dân ở ngoài khu vững cưỡng chế là sai lầm và phạm pháp, phải bị truy tố và trừng phạt…
Các luật sư cũng nêu rõ tội danh «giết người» cũng không thỏa đáng, vì giết người mà không có ai chết, chỉ vài người bị thương nhẹ, vì bị cáo dùng vũ khí thô sơ tự tạo là để tự vệ, do bị hiếp đáp quá đáng, chỉ nhằm gây tiếng nổ, với đạn hoa cải chỉ để ngăn chặn những hành động phi lý và phi pháp.
Hội đồng xét xử cần tìm hiểu thêm trước khi tuyên án vì sao ông Đoàn Văn Vươn lại được khá đông đảo nhân dân, nông dân, trí thức quý mến – ông chưa từng phạm pháp, còn có công khai phá ao đầm, lấn biển, được coi là anh hùng trong lao động, anh hùng trong lấn biển, khai thác đầm ao, anh hùng trong bảo vệ đất đai đồng ruộng, anh hùng trong bảo vệ công lý, chống trả cường quyền phi pháp.
«Chúng tôi là Đoàn Văn Vươn», là khẩu hiệu phổ biến trên nhiều trang blog.Bốn anh em nhà họ Đoàn bị tạm giam 15 tháng, hơn 450 ngày đêm, là nhiều quá rồi. Nhà cửa riêng của gia đình bị thiêu hủy là quá tàn ác rồi.
Cô Phạm Thị Báu, còn gọi là cô Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý, đã có câu nói xúc động lòng người: «Chúng tôi vui lòng chịu thiệt trong vụ án này để hy vọng từ nay bà con nông dân ta không còn bị thiệt thòi đau khổ vì bị hà hiếp dập vùi nữa». Một câu nói đơn giản, chân thành, đi vào lòng người , đầy tính nhân bản, đối lập hẳn với một số quan chức của Hải Phòng, Tiên Lãng, vừa tham nhũng vừa độc ác, là những thủ phạm thật sự trong vụ án «Cống Rộc» đã được đưa ra ánh sáng công luận từ hơn một năm nay rồi. Tòa án có dám nói đến họ không?
Không phải ngẫu nhiên mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải công nhận rằng vụ cưỡng chế «Cống Rộc» vừa trái pháp luật, vừa trái đạo lý. Còn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng phải lên tiếng nhận xét rằng việc Hải Phòng dùng quân đội tham gia vụ cưỡng chế «Cống Rộc» là vô nguyên tắc, là tuyệt đối phi pháp.
Ai sẽ là chánh án, chủ tọa Hội đồng xét xử ? Ai sẽ là công tố viên? Những ai sẽ là thẩm phán của phiên tòa 7 ngày xử án tới? Các luật sư sẽ cãi ra sao? Sáu bị can sẽ nói những gì? Báo lề phải và lề trái, các blog tự do tha hồ bàn tán, phỏng vấn, thu lượm dư luận, tranh luận tìm ra lẽ phải và công lý. Bài học rút ra sẽ không ít, sẽ rất sôi nổi, lý thú.
Trên tất cả sẽ là một vụ xử án về bản chất của chính quyền đương đại, của nền tư pháp đương đại, để dư luận trong và ngoài nước có thể kết luận chính quyền này, nền tư pháp này là của dân, do dân, vì dân, hay vẫn cứ là do đảng CS, vì đảng CS và của đảng CS. Vụ án «Cống Rộc» sẽ thông suốt, công bằng, thỏa đáng hay sẽ tắc tỵ?
Mọi sự sẽ rõ ràng minh bạch. Không thể cứ ỡm ờ mãi, nói một đằng làm một nẻo, nói là chính quyền nhân dân, tòa án nhân dân, nhưng khi hành động thì lại là đảng CS ngồi trên đầu dân, dùng tòa án luật pháp để trị tội những công dân ưu tú, lương thiện, được nhân dân quý trọng như những anh hùng của chính mình.
Bùi Tín (nguồn VoA)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"