Tranh ghép của Libera
Cách đây không lâu trên mạng facebook có người đưa một bức tranh ghép
của một nghệ sĩ Ba Lan tên là Libera, tác giả này đã “cải biên” bức ảnh
nổi tiếng của Nick Út từng đoạt giải Pulitzer, chụp bé gái Phan Thị Kim
Phúc đang bị bom napalm đốt cháy năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
Blogger này có lẽ vì sợ độc giả không hiểu nên đã giải thích rằng tuy
bức ảnh gốc mô tả nỗi đau của chiến tranh Việt Nam nhưng hiện nay cuộc
chiến ấy đã đi vào dĩ vãng, Việt Nam đã có hòa bình, và đang xây dựng
đất nước, nên người nghệ sĩ Ba Lan này đã nảy ra sáng kiến sửa chữa các
nạn nhân trong ảnh gốc thành những nhân vật sexy, tươi cười, vui đùa
trong xã hội mới (mời xem ảnh). Bên dưới tác phẩm ấy, nhiều bạn đọc cũng
đã viết những comments với ý kiến tương tự.
Mới đây, một blogger khác cũng đã đề nghị gọi ngày 30/4/75 là ”ngày Hòa Bình”.
Ảnh gốc của Nick Út
CÓ PHẢI VIỆT NAM ĐANG SỐNG TRONG HÒA BÌNH?
Tôi đã sống ở Việt Nam trong ngày 30/4/1975, nhưng tôi không thấy hòa
bình đâu cả. Rồi những tháng năm kế tiếp, và cả đến bây giờ, xã hội
Việt Nam không có giây phút nào hòa bình.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Ngày 30/4/75 có một triệu người vui nhưng cũng có một triệu người buồn”.
Tuy con số “một triệu” chỉ là con số biểu kiến, nhưng vì sao lại có “một triệu người buồn” ấy?
Vì thực tế Việt Nam chưa có hòa bình.
Ngày 30/4/75 mở đầu cho những đợt học tập cải tạo rộng lớn, đều khắp
trên cả nước. Đó là những trại giam khổng lồ, là những trung tâm thù
hận, là chốn lưu đày của những người Việt Nam được gọi là “ngụy quân,
ngụy quyền”. Tiếp theo là phong trào vượt biên của hàng triệu người chạy
trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển. Bị bắt, bị tù, bị tống tiền, bị hải
tặc trấn lột, cưỡng hiếp, rồi nào là bão tố, biển động, tan xác trên
biển, vùi thây trong bụng cá.
Trên đất liền thì đưa dân thành phố đi kinh tế mới, cải tạo công
thương nghiệp, đánh tư sản, đổi tiền. Tiếp đến là Pol Pot tràn qua biên
giới Tây Nam giết người cướp của, xác chết người Việt Nam bị vứt xuống
sông, nghẽn cả dòng chảy. Kế đến là chiến tranh biên giới phía Bắc vì
Đặng Tiểu Bình muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Những trận đánh ấy vô cùng ác liệt, thương vong bởi bom mìn (nhất là
mìn) lớn đến nỗi có người nói tổng số sĩ quan từ cấp úy trở lên đã chết
trong hai cuộc chiến này không thua kém cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Trên các mặt trận văn học, nghệ thuật, âm nhạc… cũng đã diễn ra những
cuộc chiến tranh âm ỉ nhưng không kém phần gay cấn (mời đọc Hồi Ký của
nhạc sĩ Tô Hải, hồi ký Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải…).
Lắng dịu được ít lâu thì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ông vua “đổi mới”
Nguyễn Văn Linh xoay 180 độ. Việt Nam ôm chầm lấy Trung Quốc hun chùn
chụt.
Tuy nhiên, nhờ “đổi mới tư duy” nhờ “kinh tế thị trường” Việt Nam bắt đầu biết làm ăn, biết bắt tay kinh doanh cùng tư bản.
Thế là lại đẻ ra cuộc chiến tranh mới: vay vốn WB, vốn IMF, vốn ODA…
rồi bán tài nguyên thiên nhiên, vừa trả nợ vừa chia chác, đẻ ra nạn tham
nhũng, tràn lan như cỏ trên thảo nguyên.
Từ đó mọc ra những tư sản đỏ.
Tư sản ngoại bang giao cấu với tư sản đỏ đẻ ra chiến tranh giành đất
đai, cưỡng đoạt đất dân nghèo để bán cho các nhà đầu tư, các nhà tài
phiệt khổng lồ.
Chiến tranh giành đất dân nghèo đã nổ ra khắp cả nước. Đó là trận Mậu
Thân của thời đại mới. Một cuộc tổng tiến công và nổi dậy của NÔNG DÂN
Miền Nam anh hùng chống lại bọn chủ đầu tư tài phiệt nước ngoài cướp đất
dưới sự hỗ trợ của chánh quyền. Trong các cuộc chiến tranh ấy không
phải là không có đổ máu và người chết mặc dù người nông dân chỉ dùng
gạch đá, tay không, tiếng la khóc và thậm chí tự lột quần áo mình để
ngăn những người “thi hành công vụ”.
Mãi cho tới khi Đoàn Văn Vươn xuất hiện thì mới có tiếng nổ. Tuy chỉ
là những tiếng nổ của vũ khí tự chế bằng pháo hoa rất thô sơ nhưng đã
gây tiếng vang rất lớn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Thế mà sau khi
tòa xử Đoàn Văn Vươn 5 năm tù, mặt trận Tiên Lãng lại bùng nổ.
Ngày nào trong hiến pháp còn ghi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do
nhà nước làm đại diện và chủ động quyết định” thì chiến tranh giành đất
sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Đó sẽ là cuộc chiến tranh bất tận.
Dường như tôi chưa nhắc đến cuộc chiến giữa nhà nước Việt Nam và
những người đòi nhân quyền, đòi dân chủ. Các nhà tù sẽ còn mở cửa đón
các tù binh chiến tranh thời đại Internet.
Và Việt Nam sẽ không bao giờ có hòa bình.
Vì thế tôi muốn mời tác giả Libera của Ba Lan đến Việt Nam để đi thực
tế các chiến trường đang nóng bỏng trên đất nước tôi. Và để tự tay ông
xé bức tranh ghép nổi tiếng của ông, vứt vào sọt rác.
Tại sao phải làm vậy?
Vì nếu nó không phản ánh đúng thực tế Việt Nam hiện nay thì bức tranh
ấy chỉ mang ý nghĩa phỉ báng nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh mà
thôi.
ĐÀO HIẾU