Đoàn Thanh Liêm
Cách nay không lâu vào giữa năm 2012, tôi có viết một bài với nhan
đề là “Xã hội Dân sự: Đó chính là sự Sáng tạo” (The Civil Society: It’s
Innovation, it’s Creativity). Nay thì tôi xin khai triển thêm về một đặc
tính khác nữa của XHDS - đó là sự Hy sinh Dũng cảm của khá nhiều thành
viên trong khu vực thứ ba này của cái Không gian Xã hội do tập thể con
người sinh sống hợp quần chung với nhau trong xã hội mà tạo lập ra (The
Social Space). Và tôi xin được đặt cho bài viết này cái nhan đề là: “Xã
hội Dân sự: Đó chính là Sự Hy sinh Dũng cảm” (The Civil Society: It’s
Sacrifice & Courage).
Như ta đã biết: XHDS đóng cả hai vai trò, đó là làm Đối tác và làm
Đối trọng (Counterpart/Counterbalance) đối với Chính quyền Nhà nước –
cũng như đối với khu vực Thị trường Kinh doanh của các công ty, xí
nghiệp (the Marketplace). Làm Đối tác qua những việc nhân đạo từ thiện
hay giáo dục văn hóa v.v… Còn làm Đối trọng qua việc tranh đấu cho Công
bằng Xã hội, bảo vệ Nhân phẩm, Nhân quyền, cổ võ Tự do Dân chủ v.v…
Trong bài này, ta sẽ tập trung vào vai trò làm Đối trọng của XHDS –
thông qua một số nhân vật tiêu biểu với tấm gương hy sinh dũng cảm thật
cao quý cho lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội. Điển hình như một số nhân
vật sau đây.
1 – Nhà ái quốc Phan Chu Trinh vào đầu thế kỷ XX
Vào đầu thế kỷ XX, nước Việt Nam chúng ta còn bị người Pháp chiếm
đóng. Các nhà ái quốc tìm mọi cách để đánh đuổi bọn thực dân hầu dành
lại chủ quyền độc lập tự trị của Dân tộc. Một số người thì chủ trương
phải dùng biện pháp tranh đấu võ trang như Phan Bội Châu, Nguyễn Thái
Học… Nhưng Phan Chu Trinh, thì lại chủ trương nên dùng phương pháp bất
bạo động để đạt tới sự thành công chắc chắn hơn. Cụ kêu gọi phải đồng
thời tiến hành cùng một lúc cả ba công việc, đó là : Nâng cao Dân trí,
Chấn hưng Dân khí và Cải tiến Dân sinh. Chủ trương này đòi hỏi sự kiên
trì, chấp nhận nhiều hy sinh gian khổ - chứ không thể nôn nóng vội vã mà
thành công dễ dàng được.
Vào đầu thế kỷ XXI lúc này, ta thấy chủ trương tranh đấu bất bạo động
như cụ Phan Chu Trinh đề ra, thì vẫn có giá trị đối với công cuộc giải
phóng đất nước thóat khỏi tệ nạn độc tài chuyên chế cực kỳ tàn bạo thâm
độc của đảng cộng sản. Và sau khi chấm dứt được chế độ độc tài này rồi,
thì việc xây dựng tái thiết lại quê hương đất nước lại còn khó khăn phức
tạp hơn nữa, chứ đó không phải là điều đơn giản dễ dàng chút nào như
người chủ quan thường coi nhẹ mọi vấn đề trong xã hội.
Hiện nay, có đến 4.5 triệu người Việt định cư sinh sống tại nhiều
quốc gia và lãnh thổ khắp thế giới. Những người sống tại các quốc gia
dân chủ tiến bộ như Nhật Bản, Đại Hàn hay các nước Âu Mỹ - thì đều chứng
kiến rõ ràng cái nền nếp dân chủ thịnh vượng tại những nơi đó. Và tình
trạng này là do họ có trình độ dân trí cao, nền kinh tế thịnh vượng và
trật tự xã hội ổn định – rõ ràng là họ đã thực hiện được cả ba mặt phát
triển về Dân trí, Dân khí và Dân sinh - như cụ Phan Chu Trinh đã nêu ra
trước kia, mà vừa được ghi lại ở trên.
2 – Mục sư Dietrich Bonhoeffer trước chế độ Đức Quốc Xã Hitler
Tuy là một vị Mục sư và nhà Thần học uyên bác, Dietrich Bonhoeffer
lại vẫn tham gia vào âm mưu lật đổ chế độ độc tài Đức Quốc xã do Hitler
chủ trương. Công việc không thành, nên ông cùng nhiều nhân vật đồng chí
hướng khác đã bị Hitler ra tay sát hại. Bonhoeffer bị giết chết bằng
cách treo cổ vào đầu tháng 4 năm 1945 – chỉ mấy tuần lễ trước khi chế độ
Hitler bị sụp đổ với sự kết thúc thế chiến ở Âu châu vào tháng 5.
Ít lâu sau khi Bonhoeffer mất, các bạn hữu mới thu thập được các thư
từ và bài viết của ông để phổ biến cho công chúng qua những cuốn như
“Letters from Prison”, “The Cost of Discipleship” (Thư từ trại tù, Cái
giá mà người môn đệ phải trả)…Nhiều người đã rất khâm phục trước sự
khẳng khái dũng cảm của Bonhoeffer vì đã hy sinh chính mạng sống của
mình để cứu thóat dân tộc Đức khỏi ách độc tài chuyên chế Hitler. Câu
nói bất hủ của ông đã làm bao nhiêu người cảm động : “Không có loại Ân
sủng Rẻ tiền. Ân sủng thì lúc nào cũng Đắt giá.” (Tiếng Anh : There is
No Cheap Grace. The Grace is all the time Costly).
Cũng với tinh thần hy sinh kiên trì đó, Mục sư Martin Luther King đã
suốt bao nhiêu năm dấn thân tranh đấu bất bạo động cho sự Bình đẳng và
Phẩm giá của người da màu trên đất Mỹ và cuối cùng ông đã bị một kẻ
cuồng tín sát hại vào năm 1968. Mục sư King ở Mỹ cũng như Thánh Gandhi ở
Ấn Độ được cả thế giới kính nể khâm phục vì chủ trương tranh đấu bất
bạo động cho Nhân quyền và Dân quyền.
Cũng xin ghi thêm tấm gương hy sinh của Linh mục Maximilian Kolbe
người Ba Lan. Ông đã tự nguyện chết thay thế cho một người Ba Lan khác
bị quân Đức quốc xã dự định hạ sát để trừng phạt trả đũa cho vụ mấy tù
nhân đã trốn thóat khỏi nhà tù khét tiếng tàn bạo Auschwitz. Hay trường
hợp của Nữ tu Teresa ở Calcutta Ấn Độ là người đã hy sinh suốt cuộc đời
để phục vụ tầng lớp người nghèo khổ nhất trong xã hội.
Đó là những nhân vật tiêu biểu sáng giá nhất của XHDS trong thời đại ngày nay của chúng ta vậy.
3 – Luật sư Ralph Nader và công cuộc bảo vệ người tiêu thụ ở Mỹ
Ralph Nader sinh năm 1934 trong một gia đình là người di dân từ nước
Lebanon. Ông vẫn nói tiếng Arab thành thạo và sinh họat trong Giáo hội
Chính thống giáo. Từ 50 năm nay, ông nổi tiếng là người họat động xã hội
kiên trì năng nổ – điển hình là đã dấn thân hết mình cho công cuộc bênh
vực giới tiêu thụ, bảo vệ môi sinh, cổ võ cho một chính quyền dân chủ
đích thực.
Tuy là một luật sư với nhiều triển vọng tươi sáng trong nghề, Ralph
Nader lại không lập gia đình - mà để dành tòan thời gian và năng lực để
bảo vệ người tiêu thụ trước sự khai thác tai hại của giới doanh nghiệp
quá tham lam, chỉ biết làm giàu bằng mọi giá – bất kể đến sự thiệt thòi
của đại đa số người tiêu thụ ở nước Mỹ. Năm 1965, ông cho xuất bản cuốn
sách có nhan đề “Unsafe at Any Speed” để tố cáo sự thiếu an tòan của các
nhà sản xuất xe hơi – đặc biệt là lọai xe Chevrolet Corvair của hãng
sản xuất nổi tiếng General Motors.
Vào năm 1999, cuốn sách này được xếp hạng thứ 38 trong số 100 cuốn
sách hàng đầu về báo chí của thế kỷ XX. Cuốn sách này đã gây chấn động
lớn trong dư luận khắp nước Mỹ - đến độ Quốc Hội Mỹ đã phải thông qua
một Đạo luật về An tòan Giao thông lấy tên là “National Traffic and
Motor Vehicle Safety Act”.
Ông còn rất tích cực trong việc bảo vệ môi sinh – cụ thể là chống lại
việc sử dụng năng lượng hạt nhân và chống lại tình trạng các cơ sở kỹ
nghệ gây ô nhiễm cho các con sông ở Mỹ.
Ralph Nader tham gia tích cực trong rất nhiều tổ chức bất vụ lợi và
đặc biệt tổ chức Public Citizen do ông sáng lập hiện có đến trên 255,000
đòan viên tham gia nhằm bảo vệ giới tiêu thụ cũng như cảnh giác giới
doanh nghiệp và cả chính quyền Mỹ trước những vụ vi phạm quyền lợi chính
đáng của người dân.
Từ hai chục năm nay, nhiều lần Ralph Nader lại còn đệ đơn ứng cử chức
vụ Tổng thống Mỹ với tư cách là một ứng cử viên độc lập. Dĩ nhiên là
ông không thể nào có hy vọng thắng cử, vì đó là việc dành riêng cho hai
Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng ông vẫn cứ theo đuổi việc ứng cử này –
chủ yếu là đánh động lương tâm của người dân nước Mỹ trước sự lũng đọan
của những nhóm quyền lợi cấu kết với chính quyền để thao túng sinh họat
chính trị kinh tế và xã hội của đất nước.
4 – Để tóm lược lại
Trên đây là mấy trường hợp điển hình về các nhân vật trong khu vực
XHDS mà đã hy sinh suốt cuộc đời của mình để mưu cầu hạnh phúc cho nhân
quần xã hội. Có người còn hiến dâng cả mạng sống của mình như Mục sư
Dietrich Bonhoeffer ở Đức, Linh mục Maximilian Kolbe ở Ba Lan – hay như
Luật sư Ralph Nader đã lựa chọn sống độc thân để dành trọn thời gian
tranh đấu cho lý tưởng nhân đạo và công bằng xã hội.
Tất cả các vị đó đều có dũng cảm đứng lên phê phán, thách thức
(challenge) đối với chính quyền Nhà nước hay giới Tài phiệt – để nhằm
bênh vực cho Lẽ phải, cho Quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân.
Họ đã hiên ngang thẳng thắn đại diện cho XHDS mà đứng ra đóng vai trò
“Làm Đối trọng” đối với Nhà nước và giới Doanh nghiệp. Đó là tính cách
cao quý của người sĩ phu quân tử mà cha ông ta từ ngày xa xưa đã đề cao
trong khẩu hiệu “Uy vũ bất năng khuất” vậy./
Newark Delaware, ngày 20 tháng Tư 2013
Đoàn Thanh Liêm
Đoàn Thanh Liêm