Vũ văn Lộc
* Chuyện ông Dương Văn Minh.
* Chuyện ông Dương Văn Minh.
Tại
sao ông lại ra nhận trách nhiệm vào 2 ngày sau cùng. Chuyện gì sẽ xẩy
ra nếu tướng Minh cũng theo đoàn tầu hải quân VNCH tách bến Sài Gòn ra
đi đêm 29 tháng 4-1975. Nhưng ông quyết định ở lại chỉ để lãnh đòn thù
trước mặt và sự sỉ nhục của bạn sau lưng. Theo lịch sử Pháp trong đệ nhị
thế chiến thống chế Petain cam chịu nhục để làm bại tướng cứu Paris
khỏi cơn binh lửa để 4 năm sau thủ đô chào đón De Gaule trở về trong
vinh quang. Bây giờ gần 40 năm qua người cứu Sài Gòn không còn nữa mà
sao chưa thấy ai đóng vai De Gaule trở lại thủ đô.
Lời nói đầu: Từ suốt 38 năm qua, cứ đến 30 tháng 4 là mọi người đều
nhắc đến câu chuyện tướng Dương Văn Minh đầu hàng với biết bao nhiêu là
oán trách.
Riêng chúng tôi vẫn giữ trong lòng những suy nghĩ khác. Bây giờ sống
trong thế giới tự do xin cho chúng tôi được giãi bày quan điểm khác biệt
với quý vị. Từ năm 2000, nhiều hồ sơ về chiến tranh Việt Nam đã được
giải mật. Các tin tức đã cho thấy dù quyết tâm chiến đấu ngay từ đầu năm
1975 và không có các quyết định chiến lược sai lầm thì số phận miền Nam
cũng phải được giải quyết trong thời hạn một năm.
Tiếp theo với chiến lược sai lầm trong 55 ngày cuối cùng làm mất vùng
1 và vùng 2 với hai quân đoàn và tất cả lực lượng Tổng Trừ Bị, miền Nam
chắc chắn không thể nào gượng lại được nữa.
Vào ngày 28 tháng 4-1975, khi Cộng quân đã đến ngưỡng cửa Sài Gòn,
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn bất cứ một nguồn tiếp liệu dự
trữ nào tại thủ đô. Hai tổng kho vĩ đại là Đà Nẵng và Long Bình có khả
năng cho 90 ngày tiếp liệu đã nằm trong vùng địch. Kho bom đại vĩ đại
nhất Đông Nam Á ở Thành Tuy Hạ lửa bốc cháy lưng trời. Nếu tiếp tục
chiến đấu, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sẽ chỉ còn trên tay các vũ khí
nhẹ làm thành các ổ kháng cự nhỏ và sẽ bị tiêu diệt trong thời gian
ngắn. Nếu nỗ lực lập được phòng tuyến vòng đai xa lộ cho thủ đô thì Sài
Gòn sẽ chịu trận mưa pháo như An Lộc. Trong mùa hè năm 72, thị trấn An
Lộc chịu pháo 10 ngàn trái một ngày. Trong khi đó năm 75, Bắc quân đưa
19 sư đoàn với 1,000 chiến xa và đại pháo hướng về Sài Gòn. Tất cả các
đơn vị trừ bị của Hà Nội đều tung vào Nam. Trận địa pháo vào Sài Gòn sẽ
ác liệt hơn nhiều vì đông dân và không có công sự phòng thủ. Đau thương
hơn cả là địch sẽ xử dụng tối đa chiến xa và đại pháo của chính chúng
ta
Vào những ngày cuối tháng tư 75 cấp chỉ huy cộng sản ăn bom B52 suốt
cuộc trường chinh sẽ rất hả hê vui mừng được bắn phá thủ đô miền Nam trả
thù, để tiến vào như đạo quân chiến thắng thực sự thay vì đem quân vào
một thành phố bỏ ngỏ.
Miền Tây của tướng Nguyễn Khoa Nam tuy chưa nao núng nhưng thực sự
chỉ là vấn đề thời gian. Hình thức chiến tranh mà miền Nam tùy thuộc
suốt 20 năm không phải dễ dàng biến thành đạo quân cách mạng đánh du
kích chống cộng sản xâm lược.
Đó là hoàn cảnh của ngày 28 tháng 4-1975 khi ông Dương Văn Minh lên
làm tổng thống. Dù muốn hay không, số phận nghiệt ngã của lịch sử đã
dành cho ông vai trò chấm dứt cả hai nền Cộng Hòa Việt Nam. Đệ nhất và
đệ nhị. Năm 1963 ông được đưa lên làm đảo chính chấm dứt nền đệ nhất
Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm. 10 năm sau đến lượt đệ nhị Cộng
Hòa cáo chung khi ông Minh được đưa ra cúi đầu trước lịch sử.
Nhờ ông Minh người Mỹ có thể ra đi trong trật tự và kéo theo 130,000 dân di tản đợt đầu.
Và từ đó lịch sử mở tiếp các trang mới đầy đau thương cho đến gần 40
năm sau. Trải qua 20 năm dài với thuyền nhân trên bể khổ để rồi gần 1
triệu dân được định cư. Trải qua những năm dài với tù đày lao cải, trên
400 ngàn HO và gia đình đã định cư. Các đợt thuyền nhân và HO kéo theo
đoàn tụ ODP, con lai để rồi chúng ta có 1 triệu 700 ngàn trên miền đất
hứa Hiệp Chủng Quốc. Ta vui mừng trở thành công dân của chính quốc gia
đã phản bội chúng ta trong chiến tranh Việt Nam.
Nếu chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện nay, chúng ta không thể
nguyền rủa ông Dương Văn Minh. Nếu chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện
nay, chúng ta cũng phải trút oán hờn vào nơi khác. Niên trưởng Dương Văn
Minh với công việc làm tổng thống miền Nam trong hai ngày cuối cùng chỉ
là ông tướng trên bàn cờ thảm bại đóng vai tốt đen, làm con chốt thí.
Dứt khoát là ông đã cứu Sài Gòn với hàng chục ngàn cái chết hoàn toàn vô
ích trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Trong niềm cảm
thông sâu xa với vai trò bẽ bàng đau khổ của niên trưởng Dương Văn Minh
tôi xin viết bài này gửi ông một vòng hoa tưởng niệm. Bài viết khi ông
chết năm 2001, phổ biến năm 2005 và được bổ túc lại vào dịp 38 năm của
ngày 30 tháng 4 oan trái.
* * *
Trong số các niên trưởng quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh
là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy
nhiên, thực ra nguyên nhân đã đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng,
tôi viết bài này cho đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận, ông
cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi
ông qua đời. Đây không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà
là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho vị niên trưởng đã ra đi lần cuối
tháng 8-2001.
Bao năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá
nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ
riêng tư và qua người con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như
sau: "Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người
khác thì tôi càng không muốn."” Ông đã nhận chức tổng thống VNCH trong
hai ngày cuối cùng, cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn
không nắm vững tình thế. Các giới chức hải quân VNCH trước khi lên đường
có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.
Tướng Minh quyết định ở lại và dự trù chỉ gửi vợ con ra đi. Nhưng bà
Dương Văn Minh cũng nhất định ở lại với chồng và chỉ có gia đình con gái
và con rể đi vào giờ chót. Ông Minh cho biết là cộng sản đã phối trí
pháo chung quanh để khai hỏa đồng loạt dằn mặt Sài Gòn. Ông ở lại và
chấp nhận tất cả mọi hậu quả.
Ông cũng cho biết, qua lời đại tá Nguyễn Hồng Đài là người Mỹ đã yêu
cầu chính phủ của ông ra thông cáo mời họ ra đi. Việc này vị thủ tướng
của ông tổng thống Dương Văn Minh là luật sư Vũ Văn Mẫu đã chính thức
lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn.
Tuy nhiên, phải thành thật mà ghi lại rằng, đây vẫn còn là bí ẩn của
lịch sử. Mỹ yêu cầu Việt Nam mời họ đi hay là quyết định đơn phương của
nội các Dương Văn Minh. Nhưng rõ ràng là, dù có mời đi hay giữ lại thì
người Mỹ cũng ra đi.
Sau khi đầu hàng, ông ở nhà chờ cộng sản kêu đi học tập. Một năm sau,
có người xưng là thủ trưởng đem đến một thùng sách nói là để giúp ông
học tập tại nhà. Tướng Minh nói: "Tôi không có lòng dạ nào mà học tập,
cũng chẳng thấy có gì cần học tập, xin anh cứ đem về." Thùng sách nằm
tại phòng khách. Bốn tháng sau, thủ trưởng đến khảo sát kết quả nhưng
thấy ông bị bệnh nên đã đem sách về. Khi bị đau nặng chính phủ Hà Nội đề
nghị ông đi Nga, hoặc là đi Đông Đức để chữa bệnh nhưng ông từ chối.
Gia đình ông yêu cầu cho đi Pháp nhưng cứ chờ đợi mãi. Sau cùng được
biết trước một ngày. Sáng hôm sau có xe chở ra phi trường Tân Sơn Nhất,
đến cửa phi cơ mới thấy vé máy bay và thông hành. Viên phi công người
Pháp đã được lệnh chờ và dành chỗ cho 2 người khách đặc biệt, lúc đó mới
biết đó là ông bà cựu tổng thống Dương Văn Minh. Sau hết, từ lâu đã
muốn đưa lên một ý kiến riêng tư về hoàn cảnh đại tướng Dương Văn Minh,
tuy nhiên tôi không muốn mở ra một cuộc tranh luận mới. Vì vậy nên ý
kiến của chúng tôi nếu không được chấp nhận, xin quý độc giả vui lòng
lượng thứ.
( Vũ văn Lộc )
Nguồn Facebook nhà văn Thụy Vy