Thanh Niên - Trong
bài Rửa vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên số 114 ra ngày 24.4,
tác giả Nguyên Hằng đã dẫn số liệu về lượng nhập khẩu vàng nữ trang và
vàng thỏi trong năm 2011 và 2012 từ nguồn báo cáo của Hiệp hội Vàng thế
giới. Tuy nhiên, do dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên phóng
viên đã nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong
nước. Cụ thể, theo Hiệp hội Vàng thế giới thì nhu cầu giao dịch vàng nữ
trang của Việt Nam trong năm 2011- 2012 là 25,5 tấn, trị giá 1,3 tỉ USD.
Tuy nhiên tác giả bài viết đã hiểu không chính xác nên cho rằng đây là
số vàng nhập khẩu, dẫn tới các phân tích và kết luận sau đó rằng đã có
nhập lậu 25,5 tấn vàng nữ trang vào thị trường nội địa trong 2 năm 2011-
2012. Các phân tích sau đó về việc liệu có tình trạng vàng lậu lợi dụng
cơ chế tạm nhập- tái xuất để hợp pháp hóa cũng không chính xác. Báo
Thanh Niên trân trọng cáo lỗi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng bạn
đọc.
*
Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật
Ngày 24.4.2013 Báo Thanh Niên có đăng bài báo Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế ? (sau đây gọi tắt là “Bài báo”).
Bài báo dẫn số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của
Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đưa ra nhận định
“hàng tỉ USD nhập lậu vàng” và “các chính sách xuất - nhập và cuộc
chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã
có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã
tràn vào Việt Nam” và “hợp pháp hóa vàng lậu”. Về các nội dung của bài
báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ra thông cáo báo chí, có ý kiến
chính thức như sau:
1. Về số liệu vàng nhập lậu:
Theo thông tin chính thức trên trang tin điện tử của Hội đồng Vàng thế
giới, hằng năm, Hội đồng Vàng thế giới tổ chức các cuộc khảo sát tại các
quốc gia để gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để
trao đổi, đưa ra các nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia. Trên cơ
sở đó, Hội đồng đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu
dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu vàng đầu
tư. Như vậy, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo
thường niên của Hội đồng Vàng thế giới là con số dự tính nhu cầu vàng
của Việt Nam; hoàn toàn không phải là số liệu về số lượng vàng nhập khẩu
hằng năm của Việt Nam.
Do vậy, việc bài báo sử dụng số liệu về nhu cầu vàng năm 2011, 2012 của
người tiêu dùng Việt Nam do Hội đồng Vàng thế giới ước tính để cho rằng
đây là số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là sự nhầm lẫn nghiêm trọng,
làm sai lệch bản chất của số liệu trích dẫn.
Theo NHNN Việt Nam, từ cách hiểu sai lệch như trên, tác giả bài báo đã
suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của nhà nước về quản
lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế,
chính sách của Chính phủ, NHNN, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ
trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng,
chống buôn lậu của các cơ quan nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định không hạn chế lưu thông
các thương hiệu vàng miếng khác SJC - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
2. Về chủ trương tạm xuất, tái nhập:
NHNN từng giải thích, làm rõ nhiều lần trên các phương tiện thông tin
đại chúng, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ về
quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhà nước công nhận quyền nắm giữ,
mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không
có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng
miếng khác SJC. Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có
quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang
vàng miếng SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang
vàng miếng SJC của người dân, TCTD và doanh nghiệp, NHNN đã ban hành quy
định chặt chẽ để thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác
sang vàng miếng SJC. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển
đổi, NHNN đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái
nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng
khối lượng nhập khẩu. Việc thực hiện chủ trương này này nhằm đẩy nhanh
tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng
quy định của pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.
Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu
thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của
người dân đang gửi tại TCTD. Quy trình tạm xuất, tái nhập được NHNN tổ
chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất
khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31.03.2013. Do vậy,
việc bài báo cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp
hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách
của nhà nước.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, NHNN đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp
thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn vàng bán
can thiệp của NHNN là dự trữ ngoại hối nhà nước, không liên quan đến
vàng tạm xuất, tái nhập. Do vậy, việc bài báo cố tình suy diễn cho rằng
nguồn vàng NHNN bán can thiệp là vàng tạm xuất, tái nhập là hoàn toàn
không chính xác, không có căn cứ.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước
đã thực hiện công tác quản lý thị trường vàng theo đúng các quy định
của pháp luật.