Nguyễn Thành Công, cựu chiến binh QĐND Việt Nam
(Nhân đọc bài Trách nhiệm với non sông của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, tôi viết thư này muốn trao đổi, tâm sự với các bạn chống cộng quá khích, nếu bạn không phải là những người chống cộng quá khích thì không nên đọc).
Tôi sinh trưởng ở một tỉnh miền Bắc, vào quân đội, ra chiến trường
nhưng không tham gia đơn vị chiến đấu mà ở đơn vị hậu cần. Vì vậy tôi
chưa hề bắn súng vào bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong một đợt ném bom của
không quân Mỹ tôi bị thương, không nặng lắm, được đi điều trị, khi trở
lại đơn vị thì miền Nam đã giải phóng. Tóm lại, cuộc sống của tôi cũng
bình thường như nhiều người khác. Vào mấy năm gần đây, gia đình tôi nằm
trong diện phải giải phóng mặt bằng. Nói thế chắc các bạn biết rồi. Tôi
gia nhập vào nhóm những người được gọi là dân oan, thường xuyên đến
trước cổng cơ quan nhà nước đòi giải quyết quyền lợi mà chưa biết đến
bao giờ mới xong.
Ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, tôi làm quen với nhiều người dân oan
khác, tìm hiểu hoàn cảnh của họ. Hóa ra không phải chỉ có gia đình tôi,
quê tôi đang bị nhà nước cướp đất mà khắp nơi trong nước đang diễn ra
tình trạng cướp đất, ngày càng tàn khốc, ngày càng trắng trợn. Tôi cùng
với nhân dân bị oan khuất bắt đầu đấu tranh, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn
hoạn nạn. Thế rồi những người bạn dân oan của tôi hướng dẫn tôi sử dụng
mạng vi tính. Cả một chân trời thông tin ào đến với tôi. Từ mạng, tôi
biết có nhiều người đang đấu tranh đòi quyền dân chủ, tự do cho đất
nước. Cuộc đấu tranh của dân oan được các bạn ở hải ngoại ủng hộ trên
mạng. Quả thật chúng tôi rất mừng. Tôi còn biết thêm nhiều bạn trước đây
đã vượt biển, chịu bao sóng gió, nguy hiểm để đến được một nước nào đó.
Đến nay những người ấy đếu thành đạt, sống ở nước ngoài mà vẫn đau đáu
nhìn về quê hương. Nhiều bạn lên tiếng đòi dân chủ cho nhân dân, tự do
cho tổ quốc. Tuy nhiên, đọc thông tin trên mạng có một số bạn, nhiều
người gọi là "chống cộng quá khích" tôi rất lấy làm tiếc. Tôi nghĩ tâm
nguyện của các bạn chống cộng quá khích chỉ muốn mang lại những điều tốt
đẹp cho đất nước chứ không hề định cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân.
Nhưng các bạn nóng lòng sốt ruột, đặt ra những yêu cầu "quá khích", nếu
ai không đồng ý thì các bạn tập trung "ném đá" dữ dội, vô hình trung
làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu
tranh.
Có một lần vào Huế, tôi nói chuyện với một người lái xe ôm. Tôi hỏi:
Trước năm 75 anh làm nghề gì? Trả lời: Tôi đi lính ngụy! Tôi nói: Anh
không nên nói thế, phải nói là gia nhập quân lực Việt Nam cộng hòa oai
hùng. Oai hùng chứ không anh hùng. Một quân đội vứt súng chạy như vịt
thì không thể gọi là anh hùng, tuy trong đó cũng có những người đáng gọi
là anh hùng. Mà tại sao các anh lại vứt súng bỏ chạy thế? Trả lời: Vì
chỉ huy chạy hết rồi còn đâu! Tôi nói: Không nói thế được đâu, nếu chỉ
huy chạy thì sao anh không lên nắm quyền chỉ huy để tiếp tục chiến đấu?
Phải xử bắn tại chỗ những tên chỉ huy hèn nhát, rồi vừa chiến đấu vừa
binh vận, thuyết phục chúng tôi trở về bảo vệ đồng bào miền Nam mới phải
chứ? Đến đây thì người cựu binh quân lực Việt Nam cộng hòa im bặt,
không trả lời được nữa. Tôi hỏi tiếp: Anh có là sĩ quan không? Trả lời:
Sĩ quan cấp thấp. Lại hỏi: Thế tại sao năm 75 anh không rút súng tự xử
để bảo vệ lý tưởng? Lại im lặng.
Tôi hỏi tiếp: Các anh có biết vì sao mình thua không? Trả lời: Vì các
anh giỏi hơn! Tôi nói: Không phải, anh nhầm lớn, chúng tôi không giỏi
hơn các anh. Tôi là một cựu chiến binh miền Bắc, được đảng và nhà nước
đào tạo, giáo dục, khi vào miền Nam tôi thấy trình độ chung của chúng
tôi kém các anh nhiều. Các anh có học hơn, sống với nhau có tình, ứng xử
rất có văn hóa. Chẳng hạn khi vào thành phố hỏi đường, anh em miền Nam
chỉ đường nhiệt tình, vui vẻ, dễ mến, mặc dù lúc đầu chúng tôi khó chịu
vì có anh để tóc dài. Lại trả lời: Vì bên giải phóng được viện trợ nhiều
súng đạn hơn! Tôi nói: Anh lại nhầm, lúc ở chiến trường chúng tôi không
nhiều súng đạn hơn các anh. Lại trả lời: Vì miền Nam bị Mỹ bỏ rơi, còn
miền Bắc được Liên Xô, Trung Cộng chi viện. Tôi nói: Anh vẫn nhầm, thế
anh có biết năm 1972 tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, báo Nhân dân
ở Hà Nội đăng bài xã luận cho rằng bị phản bội không? Năm 1972 Trung
cộng bắt tay với Mỹ, bỏ rơi Việt Nam. Nói bị bỏ rơi thì chính miền Bắc
mới là người bị bỏ rơi. Tôi nói thêm: Khi QĐND Việt Nam tiến đến Xuân
Lộc, anh có biết là các chiến sĩ quân lực VNCH đã chiến đấu kiên cường
tới mức QĐND VN phải né tránh đi vòng đường khác không? Điều đó nói lên
rằng một bộ phận quân lực VNCH (đáng tiếc cho các bạn, chỉ có một bộ
phận chứ không phải là toàn quân) đã chiến đấu xứng đáng là người lính
trên chiến trường. Nếu toàn thể quân lực VNCH chiến đấu như thế thì hôm
nay các bạn không phải hối hận, những người như chúng tôi không phải lấy
làm tiếc cho các bạn, cũng là cho chính chúng tôi. Tổ quốc Việt Nam
cũng khác chứ không phải như hôm nay!
Nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao quân lực VNCH lại thua trận và sụp đổ
hoàn toàn được nhỉ? Khi người Mỹ rút quân, đã để lại cho miền Nam một số
lượng vũ khí khổng lồ, rất hiện đại. Chẳng hạn, theo đài Sài Gòn lúc
ấy, không quân VNCH đúng thứ ba trên thế giới về số lượng. QĐND VN không
được viện trợ khẩn cấp, chỉ dùng những thứ đã được viện trợ từ trước,
tức là không hơn gì về vũ khí. Ngày hôm nay rất nhiều bạn cựu chiến binh
quân lực VNCH đổ lỗi cho việc thiếu vũ khí, rồi bị Mỹ bỏ rơi... tôi
thấy không thuyết phục. Nếu không chỉ đúng nguyên nhân của thất bại thì các bạn không rút được kinh nghiệm và sẽ lại tiếp tục thất bại thôi.
Vậy vì sao quân lực VNCH thất bại, nói rộng hơn vì sao chính quyền VNCH thất bại?
Chính quyền VNCH thất bại vì thiếu yếu tố căn bản quyết định sự tồn
tại của nó, cũng là yếu tố quyết định thắng bại của mọi cuộc chiến
tranh: yếu tố nhân dân. Bây giờ các bạn thử nhìn lại cuộc chiến từ đầu.
Vừa lên làm tổng thống VNCH ông Ngô Đình Diệm đã hô hào "Bắc tiến".
Thậm chí nhà thơ Vũ Hoàng Chương còn làm thơ cổ vũ: Hẹn một ngày mai về
cố đô / Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ... Sau đó ông Diệm tung nhiều toán
gián điệp biệt kích ra miền Bắc nhằm gây dựng lực lượng. Nhưng tất cả
các toán gián điệp biệt kích đều bị bắt, không một toán nào đứng chân
trên miền Bắc được. Thậm chí công an miền Bắc còn lập chuyên án, tổ chức
bắt giữ các toán mới thâm nhập để thụ vũ khí, vật dụng...Ngược lại,
nhiều tốp cán bộ miền Bắc trở vào Nam, xây dựng các khu căn cứ để nhận
vũ khí từ ngoài Bắc chuyển vào, phát động chiến tranh du kích. Tại sao
Tổng thống Ngô Đình Diệm thất bại trong việc thâm nhập miền Bắc mà Chủ
tịch Hồ Chí Minh lại thắng lợi trong việc cử cán bộ thâm nhập miền Nam.
Đấy là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác tốt yếu tố nhân dân. Đất nước
nào thì nhân dân cũng là tập thể có nhiều thành phần. Có bộ phận nhân
dân luôn ủng hộ chính quyền, có bộ phận khác thì chống chính quyền, và
có bộ phận chỉ biết làm ăn, không tham gia vào các phong trào chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã khai thác sự ủng hộ của bộ
phận nhân dân ủng hộ ông ngay tại miền Nam, vì vậy tạo dựng được các căn
cứ để chuyển quân từ Bắc vào Nam tiến công đánh đổ chính quyền VNCH.
Vào đầu năm 1975 QĐND VN có thể đưa xe tăng tiến vào các thành phố lớn ở
miền Nam. Thế xăng ở đâu để cấp cho xe tăng? Các bạn cứ hình dung công
binh miền Bắc đã lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu vào sâu trong đất miền
Nam, áp sát ngay các thành phố. Vì sao công binh miền Bắc làm được điều
đó? Vẫn là yếu tố nhân dân. Không có nhân dân, QĐND VN không đủ hậu cần
cho cuộc tiến công, đương nhiên sẽ không có cái ngày 30/4/1975. Suôt cả
cuộc chiến, quân lực VNCH có thể tấn công vào Căm-pu-chia, sang Lào
nhưng chưa bao giờ tấn công ra miền Bắc. Vì sao vậy? Nếu tiến công ra
Bắc để ngăn chặn chiến tranh từ gốc của nó thì sao? Các tướng lĩnh quân
lực VNCH cho rằng quân miền Bắc xuất phát từ Căm-pu-chia tiến vào miền
Nam nên tấn công sang để ngăn chặn từ xa, thế thì tại sao không tấn công
tận gốc là miền Bắc? Lý do đơn giản vì nếu đổ quân ra Bắc thì chắc chắn
thất bại. Kinh nghiệm cho thấy ngay việc tung các toán gián điệp biệt
kích ra cũng không thành công, lấy cơ sở nào để nói tiến ra Bắc thắng
lợi. Chúng ta lại thấy yếu tố nhân dân quyết định thắng bại trong cuộc
chiến. Tôi có thể nói thêm: Tháng 4/1975, khi quân giải phóng tiến vào,
người dân ở thành phố miền Trung bỏ chạy về phía Nam. Nếu giả định không
phải là quân giải phóng tiến vào Nam mà là quân lực VNCH tiến ra Bắc
thi cái gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn nhân dân miền Bắc sẽ tiến hành chiến
tranh du kích tại những vùng quân lực VNCH chiếm được. Nhân dân sẽ không
bỏ chạy đâu, đó chính là nét khác biệt với tình hình ở miền Nam.
Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cộng sản bắt đầu thực hiện các chính
sách cải tạo xã hội. Bản chất các chính sách này là sai, không phù hợp
với tiến trình phát triển của nhân loại. Nền kinh tế xuống dốc làm nhân
dân cả nước sống trong đau khổ triền miên. Chính sách đổi mới nửa vời
tuy có làm đời sống thay đổi chút ít nhựng Việt Nam vẫn ngày càng tụt
hậu so với các nước láng giềng. Đến lúc toàn khối XHCN Đông Âu sụp đổ
thì đảng cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa chính trị, bí bách phải bám vào
Trung Quốc. Đây là chỉ dấu cho chúng ta biết các nhóm lợi ích điều khiển
đảng cộng sản đã tách khỏi nhân dân. Kể từ đó các nhóm lợi ích giành
giật nhau quyền lãnh đạo, chà đạp lên toàn thể nhân dân, vơ vét biến của
chung thành của riêng nhóm lợi ích. Biểu hiện bề mặt của chuyện này là
các chính sách cướp đất, rửa vàng... Nhóm lợi ích đã trở thành giặc nội
xâm tàn bạo nhất trong lịch sử 4000 năm dựng nước của dân tộc ta. Có áp
bức thì có đấu tranh. Nhân dân bị áp bức nhiều tỉnh thành đấu tranh, nổi
bật nhất là chống cướp đất. Cuộc đấu tranh của nhân dân, đặc biệt là
dân oan toàn quốc đã và đang thức tỉnh ngay cả những đảng viên cộng sản
lão thành, có nhiều năm cống hiến cho đảng. Đây là cuộc đấu tranh mà một
bên là các nhóm lợi ích trong đảng cộng sản Việt Nam, một bên là toàn
thể nhân dân Việt Nam, trong đó có cả các đảng viên trung kiên của đảng.
Chúng ta cần đoàn kết toàn bộ những người yêu nước, yêu nhân dân, không
kể đến quá khứ của họ. Những đảng viên "trung kiên", "chân chính" của
đảng cộng sản, nếu đứng về phía nhân dân thì cần được hoan nghênh, ủng
hộ. Không nên đề ra những yêu cầu quá khích cho bất cứ ai, nhằm đoàn kết
rộng rãi nhất với mọi người. Chúng ta đấu tranh không phải để "xả giận"
cho thất bại trước đây, không phải để "trả thù" kẻ áp bức chúng ta, cho
dù những kẻ áp bức ấy thực sự mất hết tính người. Chúng ta đấu tranh
nhằm xây dựng một xã hội dân sự trên nước Việt Nam này, ở đó ai cũng
được tự do, bình đẳng trước pháp luật, được quyền sống và mưu cầu hạnh
phúc.
Tôi có lúc đã ngưỡng mộ, thán phục một số người chống cộng như Nguyễn
Khoa Nam, Lý Tống... Nghe tin Lý Tống cưỡi lên máy bay, rải truyền đơn
giữa Sài Gòn tôi hết sức thán phục. Đấy là hành động anh hùng giữa đời
thường. Nhưng khi nghe chuyện Lý Tống xả thuốc mê vào ca sĩ Việt cộng
trên sân khấu thì hình ảnh Lý Tống đã chết trong tôi. Lý Tống anh hùng
đã trở thành Lý Tống côn đồ, vô văn hóa. Người ta không thể chống bọn vô
văn hóa bằng hành động vô văn hóa, thiểu năng trí tuệ. Nhiều trang mạng
ở nước ngoài dùng những từ ngữ như "bưng bô cộng sản" tự làm xấu đi
hình ảnh những anh hùng chống cộng trong mắt tôi (ăn nói kiểu gì mà...
mất vệ sinh thế?). Vậy thật ra các bạn là ai? Các bạn là những người anh
hùng lỡ vận muốn cứu nhân dân đang chìm trong ách thống trị tàn bạo của
nhóm lợi ích trong đảng cộng sản hay các bạn chỉ là đám đầu gấu bị mất
quyền lợi muốn chiếm lại vị trí ăn trên ngồi trốc trước kia? Các cụ ta
dạy: Người thanh ăn nói cũng thanh, các bạn hãy tỏ ra là những
người hơn hẳn về văn hóa, có đũng khí, thông minh nhưng chưa gặp vận.
Bây giờ là lúc vận nước đang đến, các bạn hãy dùng kinh nghiệm, khả năng
của mình để giúp nhân dân vượt qua cơn bĩ cực, tên tuổi các bạn sẽ được
người sau mãi mãi nhớ đến, biết ơn.
Tôi nhớ đến đêm 23/4/2012. Đấy là đêm mà nhiều anh em chúng tôi đã
đến cánh đồng huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng nhân dân đốt lửa chờ đám
giặc nội xâm đến cướp đất. Có người ở ngay trên cánh đồng với nhân dân,
có nhóm "phục kích" ở xã bên, nếu giặc nội xâm cướp đất ban đêm thì sẽ
chi viện nhân dân bằng đòn đánh úp từ phía sau lưng chúng. Chúng tôi là
cựu chiến binh, có người là biệt động mà. Rồi chúng tôi bàn đi bàn lại:
Có dùng vũ khí chống cưỡng chế hay không? Vì là các cựu chiến binh, nếu
cần vũ khí thì chúng tôi sẽ có vũ khí. Nếu dùng vũ khí nghĩa là có người
chết, nghĩa là sẽ có đàn áp khốc liệt, phần thiệt sẽ thuộc về nhân dân.
Đến tận lúc trời mờ sáng mới đi đến quyết định: Đấu tranh hợp pháp, bảo
toàn sinh mạng cho cả hai bên, bên bị cưỡng chế và bên đi cưỡng chế.
Cần phải tận dụng tất cả tiếng nói của nhân dân, của các đảng viên cộng
sản còn lương tri để chặn bàn tay tội ác của nhóm lợi ích tại Văn Giang.
Để xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, chúng ta phải học theo cụ
Nguyễn Trãi: Dùng đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Đất nước đang trong những năm tháng khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ
nhiều phía, và tôi tin các bạn là những người đại nghĩa, chí nhân, sẽ có
phương thức hiệu quả giúp nhân dân trong lúc khó khăn này.