Xích Tử
Ngày 30/3/2013, ông Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị, Ban CHTƯ
Đảng cộng sản Việt Nam ký ban hành quyết định số 181-QĐ/TW về xử lý kỷ
luật đảng viên vi phạm.
Phải cố gắng đọc hết, nhưng đọc xong thì oải. Trước hết là cái chuyện
chữ nghĩa có tính thủ tục. Ký hiệu của văn kiện vẫn dùng phần chữ
QĐ/TW; trong đó chữ W được hiểu là Ư. Hiện nay, trong các văn bản do
đảng ban hành, hai con chữ W và Ư được dùng xen kẽ, song song; chẳng
hạn, khi thể hiện tên của tổ chức Ban chấp hành trung ương theo hình
thức viết tắt thì người ta viết BCHTƯ. Việc dùng con chữ W để thay thế
cho Ư không biết có từ lúc nào và để làm gì. Chữ Quốc ngữ vốn gốc latinh
không có ký tự này; về sau, chữ Pháp cũng vậy. Khi chữ Quốc ngữ được sử
dụng trong giải mã điện tín như telegraph, telex từ các hệ tín hiệu mật
mã khác, người ta dùng một số con chữ để thay thế cho các dấu thanh của
âm tiết và dấu phụ của nguyên âm; trong đó chữ W thay thế cho các dấu
phụ trong chữ Ơ, Ư. Không biết có phải nguồn gốc của chữ W trong ký hiệu
văn bản của đảng xuất phát từ đó không. Song dù gì, như đã nói, chữ
Việt đang được dùng để dạy tiếng Việt dạy cho học sinh trong nhà trường
Việt Nam không có chữ W; vậy thì đảng dùng nó để làm gì ? Hay đó cũng là
thể hiện đỉnh cao trí tuệ? Có điều, con chữ này có vẻ không đậm đà bản
sắc dân tộc, dù tương đối, theo nghĩa nó không được dùng để ghi một âm
nào của tiếng Việt.
Cũng chuyện chữ nghĩa, trích yếu kèm tên loại văn bản được diễn đạt
“xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Lạ thật, đảng viên có vi phạm thì mới
xử lý chứ; không lẽ lại có xử lý kỷ luật đảng viên không vi phạm nữa
sao. Nếu bỏ đi từ đảng viên, sự diễn đạt vẫn đủ ý. Tình trạng thừa từ
kiểu “Từ lúc tôi mặc cái áo mới may để đi đám cưới đứng đây đến giờ
không thấy con lợn nào chạy qua” đó không nên có ở tầm trí tuệ của cấp
ban hành văn bản như vậy.
Nhưng oải và lo sợ thật sự vì nội dung văn kiện. Toàn bộ nội dung
điều chỉnh của việc “xử lý đảng viên vi phạm” được trình bày trên 35
trang giấy A4, 36 điều; trong đó có 28 lĩnh vực vi phạm. Mỗi lĩnh vực có
3 mức xử lý: khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức và khai trừ. Mỗi mức
lại có đối tượng gồm nhiều hành vi khác nhau; tổng cộng có đến 342 hành
vi, hơn cả Bộ Luật hình sự với 267 điều về các tội phạm . Thực sự là một
thiên la địa võng. Đọc xong, thấy hoang mang vô cùng. Với cái lưới 342
mắc đó, người ngoài khó vào, còn bên trong thì như trong một lỗ đen, vì
nếu xét thực tế hành vi, tư tưởng của đảng viên, tất cả đều có vi phạm ở
từng lĩnh vực và mức độ khác nhau; còn nếu không phát hiện được tình
trạng này, có nghĩa là mọi công cụ phát hiện các thuộc tính tiêu cực của
đối tượng bị vô hiệu hóa hoặc tự vô hiệu hóa; thông tin về thuộc tính
của đối tượng biến mất. Đối với người đang quyết tâm “phấn đấu” vào
đảng, thì phải dám chắc rằng mình, suốt đời, sẽ không phạm vào 342 cái
mắc ấy; còn là đảng viên chính thức, cứ tự nhìn trung thực đi, ít nhất
phải bị một lần kỷ luật khiển trách. Một đảng viên, được giả định là
không bao giờ vi phạm/bi kỷ luật, tổng hợp 342 cái không vi phạm ấy lại,
đảng viên ấy sẽ chỉ còn là một cục thịt. Khó thật, khổ thật.
Phật giáo có năm giới; Thiên chúa giáo có mười điều răn. Ấy vậy mà
suốt hơn 25 thế kỷ, tu vẫn chưa đạt. Làm người cộng sản Việt Nam trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế,
quan hệ đa phương; một số đảng viên lại học tập, công tác ở nước ngoài,
trong đó có một số nước chứa chấp lực lượng thù địch, với 342 điều phải
tránh, cộng với 19 điều cấm, 4 lời thề, biết làm sao đây hỡi trời ?
Ở trên là những nhận thức về cái khó xét từ góc độ một chủ thể/cá thể
đảng viên, với tư cách là người chấp hành, nhằm làm thế nào để không bị
xử lý kỷ luật, tức là không vi phạm 1 trong 342 hành vi qui định. Nhưng
cũng theo qui định ấy, trách nhiệm chấp hành không vi phạm và trách
nhiệm/quyền xét kỷ luật người vi phạm là phân bổ đồng đều ở mọi cá thể
đảng viên, không ai được vi phạm và ai cũng được xét kỷ luật đảng viên
khác. Vậy khi tất cả đều vi phạm, ở bất kỳ một lĩnh vực hành vi nào đấy,
thì ai sẽ xét ai ? Trong thực tế, có lúc cá nhân sai, tập thể đúng và
có lúc ngược lại; có lúc cấp dưới đúng, cấp trên sai và có lúc ngược
lại; có lúc quá khứ đúng, hiện tại sai, tương lai lại đúng và có lúc
ngược lại; làm thế nào để xét trong mỗi trường hợp như vậy ? Liệu ủy ban
kiểm tra các cấp có là luôn luôn đúng không ? Đó là những cái khó thứ
hai.
Khó nhất vẫn là những nội dung qui định không thực tế, diễn đạt tù mù
hoặc không nhất quán trong văn bản, thể hiện hầu như ở tất cả các lĩnh
vực hành vi vi phạm. Chỉ đơn cử mấy chỗ :
- Ở điều 6, vi phạm về quan điểm chính trị và lịch sử chính trị, tại khoản 1, qui định kỷ luật khiển trách đối với hành vi “bị
người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu
trữ, tán phát... thông tin... có nội dung trái với quan điểm của Đảng,
pháp luật của Nhà nước”. Qui định này chắc chắn là không thể thực thi được vì:
+ Hiện nay chưa có sự phân loại và công khai tất cả các thông tin,
tài liệu, hiện vật có nội dung nói trên của cơ quan có trách nhiệm, chức
năng và thẩm quyền chuyên môn của đảng, nhà nước.
+ Giả định có một thông tin, tài liệu, hiện vật nào đó được truyền
đạt trong nội bộ là vi phạm thi hầu như trong điều kiện hiện nay, mọi
đảng viên có khả năng truy cập thông tin hoặc được nhận báo cáo thông
tin phục vụ công tác lãnh đạo, tuyên giáo, nghiên cứu giảng dạy, báo
chí... đều có lưu trữ trong hồ sơ riêng. Nếu qui định xử lý kỷ luật là
“bình đẳng” thì sẽ xử không xuể và không phù hợp cho từng mục đích lưu
trữ này.
+ “Quan điểm của đảng” là một khái niệm không chu diên. Chẳng hạn,
một tài liệu ca ngợi triều Nguyễn hiện nay được xem là phù hợp hay trái
với quan điểm của đảng? Hay quan điểm đầy đủ, trọn vẹn nhất của đảng đối
với Trung Quốc hiện nay là thế nào khi công bố cho đảng viên từ ủy viên
trung ương đến đảng viên thường ở nông thôn, các bản làng dân tộc ít
người, đảng viên người gốc Hoa?
+ Tại sao đảng lại xem những đảng viên trung kiên đã thề dưới cờ của
mình như những thụ thể tiềm năng, dễ bị xúi giục, lôi kéo, mua chuộc như
vậy trong mức độ khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức ở loại hành vi vi
phạm này? Thế nào là phụ họa, a dua (ngay cả từ “a dua”, cũng không nên
đưa vào văn kiện, giống như trong nghị quyết trung ương 4 vì không phù
hợp văn phong chính luận)?
- Ở điều 30, khoản 1, khiển trách, qui định “để bố, mẹ, vợ (chồng),
con cùng sống trong gia đình sử dụng, sản xuất, tràng trữ, mua bán, vận
chuyển ma túy hoặc tàng trữ, lưu hành, mua bán, vận chuyển văn hóa phẩm
có nội dung cấm, độc hại mà không báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền” nhưng đến khoản 2, cảnh cáo hoặc cách chức lại qui định “Tàng
trữ, lưu hành, vận chuyển văn hóa phẩm có nội dung độc hại”. Cái khó
hiểu, khó áp dụng ở đây là định nghĩa về văn hóa phẩm độc hại (cũng chưa
có phân loại và công bố như trên) và việc loại trừ văn hóa phẩm “cấm” ở
khoản 2 nói trên.
- Điều 33, về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, qui định kỷ luật
khiển trách đối với đảng viên vi phạm “Đốt đồ mã với số lượng lớn”: Lớn
là bao nhiêu? Khối lượng, loại hay giá trị bằng tiền của đồ mã?
V.v... và v.v...
Một điều oái ăm nữa là văn bản, trong từng điều của nó, có nhiều
trường hợp cách gọi tên hành vi không rõ nghĩa, không nói rõ các dấu
hiệu cấu thành hành vi, qui trình xác định nhận diện hành vi và cơ chế
xét xử lý kỷ luật. Đây là cách đánh đố trong kỹ thuật lập qui; phần còn
lại dành cho ủy ban kiểm tra giải quyết.
Trong hoang mang của cõi kỷ luật mênh mông đó, cũng tin rằng với kinh
nghiệm và năng lực thiên tài, đảng sẽ thực hiện thành công qui định 181
như kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 4 vừa rồi. Nhưng khi thành
công thì đảng sẽ không còn đảng viên hoặc đảng viên bình thường nữa. Gã
nào không u đầu thì sẽ mẻ trán, đi đứng xiêu vẹo hết. Vì như đã qui định
sẽ hồi tố trong điều 1, Tổng bí thư sẽ là người phải nhận kỷ luật đầu
tiên, ít nhất là với phát biểu sau nghị quyết trung ương 4, rằng, kỷ
luật rồi sẽ ân oán, thù oán nhau: với phát biểu đó, Tổng bí thư đã đưa
ngôn ngữ xã hội đen vào sinh hoạt của đảng cách mạng, xem kỷ luật vốn là
công công cụ xây dựng đảng trở thành nguyên nhân của thù oán, ân oán,
và ý thức tự giác kỷ luật của đảng viên bị triệt tiêu, thay vào đó là sự
thù oán để phản ứng đối với việc xử lý kỷ luật đúng đắn của đảng. Từ
đó, phát ngôn làm bộc lộ tình trạng thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa, văn
minh, thiếu đoàn kết trong đảng; làm suy giảm tính cách mạng, tính chiến
đấu của đảng (vi phạm điều 9 và điều 11). Kế đó, phải xem xét xử lý kỷ
luật với đồng chí X, một ủy viên Bộ chính trị nào đó với những vi phạm
rõ ràng, nhãn tiền đã kiểm điểm trong Bộ chính trị theo nghị quyết trung
ương 4 nhưng chưa xử lý. Rồi đến đồng chí Tổng bí thư nhiệm kỳ kế trước
vì chuyện gia đình, chuyện vận động cho con trai vào các chức vụ vốn
không đủ tiêu chuẩn, không có qui hoạch v.v...
Chỉ sợ càng sợ càng rối sẽ loạn.
Xích Tử