Diên Vỹ chuyển ngữ
Nhưng những nhóm lợi ích ngoan cố chắc chắn sẽ cản đường
Các nhà đầu tư đã quá đau đớn để nhận ra rằng Việt Nam, từng có được
lòng ưu ái của giới đầu tư toàn cầu khi tỉ lệ tăng trưởng của nó đạt đến
7,2% từ 1990 đến 2010, đã bắt đầu rơi vào tuyệt vọng.
Sống trong ngạo mạn suốt hai thập niên qua, chính quyền Cộng sản giờ
đây đang cố gắng thoát khỏi hố sâu bằng cách nói rằng họ muốn cải cách
lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh thiếu hiệu quả và mời gọi giới
đầu tư ngoại quốc. Nhưng họ đã từng làm việc này trước đây với kết quả
không đáng kể. Mặc dù tranh chấp nội bộ đang làm suy yếu cả phe thủ
tướng lẫn chủ tịch nước, họ không thể được xem như là những nhà cách tân
trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trong khi các thị trường châu Á mới nổi lên đang hồi phục khỏi cơn
khủng hoảng tài chính toàn cầu nhanh hơn phương tây, sự phục hồi của
Việt Nam tương đối chậm chạp và đau đớn, với tỉ lệ tăng trưởng trong năm
2012 ở mức 5%, thấp nhất trong 13 năm qua, thua xa cả Philippine vốn
rất tồi tệ hiện ở mức 6,6% và Indonesia đang ở mức 6,2%.
Những khó khăn kinh tế được chỉ rõ trong một báo cáo mới đầy chi tiết
của Học viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung (Samsung Economic Research
Institute - SERI). Nhưng bên cạnh báo cáo này, sự bất mãn và phản đối
của công chúng đang tăng với những cuộc biểu tình xảy ra hầu như mỗi
ngày với những mức độ khác nhau tại các văn phòng của Đảng và chính
quyền ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thường là về vấn đề đất canh
tác bị trưng thu với giá đền bù rẻ mạt.
“Sự trì trệ của kinh tế Việt Nam không phải là tạm thời, và vì những lý do về cơ cấu,” bản báo cáo SERI cho biết. “Nếu
không cải cách toàn diện, tỉ lệ tăng trưởng chắc chắn sẽ không đạt lại
được tầm mức trước đây. Dự đoán này chủ yếu dựa trên những tiên đoán
rằng sự đóng góp từ lực lượng lao động và sự hình thành vốn, vốn là
những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm 2000, sẽ suy
giảm nghiêm trọng”.
Vào tháng Chín 2012, công ty Moody’s đã hạ điểm đánh giá tín dụng của
Việt Nam. Thị trường chứng khoán vẫn ở mức 40% so với giá trị trước
thời kỳ khủng hoảng trong khi cổ phiếu của Indonesia, Thái lan và
Philippine đã tăng hơn 160% vào thời điểm cao nhất.
Sai lầm ở đâu?
Quốc gia này dường như đối diện với những khó khăn thường thấy của
một nền kinh tế chỉ đạo, trong đó các lãnh đạo nhà nước cứng đầu không
chịu từ bỏ nền kinh tế nhà nước đồ sộ và thiếu hiệu quả, ngay cả khi đối
diện với bằng chứng hiển nhiên từ việc tái cơ cấu trong năm 1986 rằng
cải cách chính là giảì pháp. Từ bỏ một cách dứt khoát quyền lực kinh tế
có nghĩa là từ bỏ quyền lực chính trị và giới cán bộ tìm kiếm đặc lợi
với mối quen biết rộng rãi.
Đảng Cộng sản bị bắt buộc phải đưa ra một lời xin lỗi đầy nhục nhã
trước công chúng vào tháng Mười năm ngoái vì những sai lầm trong quản lý
kinh tế. Giờ đây chính quyền nói rằng họ sẽ bán đi những tài sản từ các
doanh nghiệp nhà nước mặc dù kế hoạch để thực thi việc này đã bị kềm
hãm trong cả một thập niên. Họ cũng dự định chấp dứt việc đầu tư vào
những kinh doanh không cốt lõi và bán tài sản của 600 tập đoàn mà họ là
cổ đông duy nhất, và được biết là “cũng đang cân nhắc việc tăng cường vai trò của các công ty vốn nước ngoài trong nền kinh tế của mình”
Chính quyền cũng nói rằng họ sẽ tái tổ chức lĩnh vực nhà nước để chú trọng hơn vào quốc phòng, ”những
độc quyền tự nhiên,” những hàng hoá công cốt lõi và các ngành chiến
lược kỹ nghệ cao vốn có những ảnh hưởng dây chuyền. Điều này dường như
có nghĩa là chính quyền sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế
và dẫn đến những câu hỏi về sự cam kết của họ.
”Bất chấp toàn bộ những nỗ lực, vẫn có tiềm năng làm chậm nhịp độ
cải cách vì những mâu thuẫn chính trị và tình trạng suy giảm của thị
trường tài chính, bản báo cáo SERI cho biết. “Vì nhiều thành
phần, bao gồm cả chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các
cơ quan nhà nước đều dính líu đến hoạt động của các tập đoàn nhà nước,
họ có thể thụ động trong việc bán tài sản và tái cơ cấu.
”Cũng có khả năng là động lượng cải cách sẽ mất đà vì những thay
đổi chính trị. Quyền lực được chia xẻ giữa các nhà lãnh đạo đảng, chủ
tịch nước và thủ tướng. Ba nhóm này đang đấu đá lẫn nhau, và thủ tướng
đang bị quốc hội và đảng chỉ trích vì những chính sách kinh tế của ông.”
Sai lầm vẫn tiếp tục xảy ra. Khi chính quyền cắt giảm tín dụng vào
năm 2011, các công ty nhà nước đã phải đối diện với khó khăn cụ thể,
trong đó có Vinashin, công ty đóng tàu nhà nước đã vỡ nợ vào cuối năm
2010 vì sai lầm trong quản lý. Ở thời điểm đỉnh, Vinashin từng sở hữu
hơn 400 công ty con và xuống còn 160 vào lúc vỡ nợ. Một số quan chức
lãnh đạo công ty đã bị bắt và truy tố tội tham nhũng. Những doanh nghiệp
nhà nước khác, với sản lượng thấp và tình trạng tài chính mong manh, đã
thiệt hại nặng nề. Nợ trong lĩnh vực ngân hàng tăng mạnh, từ 2,1% vào
cuối năm 2011 lên đến 8,8% vào tháng Chín 2012.
Căn cứ theo báo cáo của SERI, hàng loạt những khó khăn đang xuất
hiện. Liên Hiệp Quốc dự tính rằng tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của thành
phần dân số tham gia vào nền kinh tế của Việt Nam sẽ tụt từ 2,6% trong
giai đoạn 2005-2010 xuống còn 2,1% trong giai đoạn 2010-2015, và xuống
đến 0,8% trong giai đoạn 2015-2020.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng tỉ lệ giữa đầu tư quốc gia và GDP sẽ bị
sút giảm từ 38,7% (2005-2009) xuống 34,4% (2010-2014). Dựa trên những dự
đoán này, công ty McKinsey tiên đoán rằng ngay cả nếu tỉ lệ tăng trưởng
trong thập niên qua vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thập niên tới, nền kinh
tế cũng chỉ tăng ở mức trung bình hàng năm là 4,5% -5,0%, thua xa chỉ
tiêu 7% của chính quyền.
Bằng chứng cho thấy việc tái cơ cấu sẽ khó khăn như thế nào là, 27
năm qua kể từ khi nhà thiết kế kinh tế Nguyễn Xuân Oánh, một kinh tế gia
được đào tạo tại Đại học Harvard, thuyết phục chính quyền phát động
chính sách Đổi Mới, một chiến dịch tái cơ cấu vào năm 1986 nhắm
vào nông nghiệp, giá cả, kinh tế, giải phóng thị trường và tỉ lệ hối
đoái. Sau công cuộc cải cách của ông Oánh, nhịp độ tái tổ chức đã dừng
lại, với việc giới lãnh đạo chính quyền không muốn từ bỏ vai trò của nhà
nước.
Kể từ năm 2005, chính quyền đã thiết lập những ”tập đoàn kinh tế nhà nước”
và sát nhập toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước (các tập đoàn kinh tế nhà
nước là công ty mẹ, sở hữu những cơ phận điều khiển của các công ty
con). Trong cùng lúc, chính quyền tiếp tục quá trình tư nhân hoá, cắt
giảm con số các doanh nghiệp nhà nước xuống còn 3.300 công ty vào năm
2009, và giảm thiểu cổ phần của mình trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp
từ 34% vào năm 2000 xuống còn 17% vào năm 2010.
Dù thế, báo cáo SERI cũng cho thấy rằng trong giai đoạn 2009-2010,
các công ty nhà nước lại chiếm đến 99% trong lĩnh vực phân bón, 97%
trong ngành than và 94% thị trường khí đốt.
Các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm đến 41% thị trường bia, 37% đường và 21% vải sợi.
Vào cuối những năm 2000, chính quyền đã mở rộng đầu tư qua ngã các
tập đoàn nhà nước trong nỗ lực nhằm hồi sinh nền kinh tế. Trước đó, đầu
tư trong lĩnh vực nhà nước đã giảm từ 59,8% trong năm 2001 xuống còn
33,9% vào năm 2008.
Tuy nhiên đến năm 2011, đầu tư quốc doanh đã quay lại ở mức 38,9% qua
việc chính quyền tăng cường chi tiêu sau cơn khủng hoảng tài chính toàn
cầu, bản báo cáo SERI cho thấy. ”Hơn nữa, với thị trường chứng khoán đang suy thoái, việc ‘cổ phần hoá’ các tập đoàn nhà nước đã bị đình chỉ.”
Với nguồn vốn dồi dào từ các ngân hàng nhà nước, các công ty quốc
doanh đã khuếch trương vào những lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh
cốt lõi của mình. Các doanh nghiệp nhà nước nhúng tay vào ngân hàng,
chứng khoán, bảo hiểm và địa ốc, những lĩnh vực đã tăng trưởng nhanh
chóng trong giai đoạn bong bóng tài chính. Những hoạt động trục lợi của
quan chức cũng tăng lên.
Thị trường tài chính ổn định lại sau khi chính quyền thông báo đưa ra
gói kích cầu và kế hoạch tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng
trung ương đã cắt lãi suất bảy lần từ tháng Ba 2013 đến tháng Ba 2013,
với tổng cộng là 7%. Vào tháng Ba 2013, chính quyền đã thông qua gói
kích cầu trị giá 1,3 tỉ Mỹ kim. Khi giới đầu tư tỏ vẻ hưởng ứng kế hoạch
cải cách của nhà nước, thị trường chứng khoán đã tăng trong quí đầu của
năm (đến ngày 22 tháng Ba, thị trường chứng khoán đã tăng 17,1% so với
đầu năm.) Lĩnh vực ngân hàng cũng ổn định khi tỉ lệ nợ xấu giảm từ 8,8%
trong tháng Chín 2012 xuống 6% vào tháng Hai 2013. Nhờ kế hoạch của
chính quyền, Ngân hàng Thế giới đã quyết định tài trợ quốc gia này 250
triệu Mỹ kim qua Chương trình Tín dụng Hỗ trợ Quản lý Kinh tế vào tháng
Ba 2013.