Nguyễn Thị Ánh Hiền
Mới đây, để phản hồi cho bài viết “Thực hư về những người khởi xướng:
Công lý cho Đoàn Văn Vươn” của tác giả Trung Nhân [1], nhóm sinh viên
gồm Nguyễn Trang Nhung, Phạm Lê Vương Các và Bùi Quang Viễn đã gửi thư
liên tiếp thư đề nghị xin lỗi và thư đề nghị tranh luận về tính chất
pháp liên quan đến Tuyên Ngôn Công Lý cho Đoàn Văn Vươn cũng như bài
viết của tác giả Trung Nhân về Tuyên Ngôn này [2]. Hiện tại, chưa thấy
sự phản hồi “chính thức” từ phía Đoàn trường cũng như tác giả Trung Nhân
nhưng dạo quanh một vòng facebook có những ý kiến mang tính “cá nhân”
được “like” sôi nổi về vấn đề này của tác giả Lê Nhật Bảo [3] hay Nano
Long Phạm, thậm chí có một Hội được lập ra là Hội Những Người Bảo Vệ
Hình Ảnh của Sinh Viên Luật. Nên, để tháo gỡ những vướng mắc, tìm kiếm
sự hợp lý về mặt lập luận hai bên, bài viết này tập trung phản biện về
luận điểm của tác giả Lê Nhật Bảo đưa ra (tác giả Nano Long Phạm đã xóa
note ngay sau đó nên không có dữ liệu để phân tích) và đưa ra một số
quan điểm cá nhân từ hành động khởi xướng Công Lý cho Đoàn Văn Vươn của
ba sinh viên trên với câu hỏi – là một người học luật chúng ta đứng trên
tư cách gì nên bảo vệ hình ảnh của mình?
Thứ nhất về luận điểm “điểm số học tập không phải là bí mật đời tư”
theo điều 38 BLDS với lý do việc công khai, minh bạch là một nguyên tắc
minh bạch trong giáo dục, xét về các quy luật tư duy, tác giả đã vi
phạm quy luật đồng nhất, tức khi suy nghĩ về một đối tượng nào đó thì tư
tưởng luôn luôn xác định trong phạm vi tư tưởng của đối tượng ấy. Có
thể thấy, nguyên tắc minh bạch trong giáo dục là một vấn đề có nội hàm
hoàn toàn khác với nội dung quyền bí mật đời tư đang nói đến. Lấy cái
mục đích để biện minh cho cái hành vi là kiểu ngụy biện. Đúng về mặt lập
luận, tác giả Lê Nhật Bảo phải lập luận là: nếu chiếu theo điều 38 BLDS
thì cần xem xét các yếu tố: thông tin về điểm số có phải là bí mật đời
tư, tại sao không phải là bí mật đời tư và trường hợp hay chủ thể nào có
quyền tiến hành thu thập, công bố thông tin về bí mật đời tư đó?
“Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. (Điều 38 Bộ luật Dân Sự năm 2005)
Quyền Đời Tư là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của
con người được thể hiện ở Hiến pháp (điều 71), Bộ luật dân sự (điều 38),
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 (điều 12) hay cao hơn là thể hiện
qua Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của
người khác tại điều 125 BLHS. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật
định nghĩa chính thức thông tin như thế nào là bí mật đời tư được pháp
luật bảo vệ. Có thể đối với cá nhân này là bí mật đời tư, đối với người
khác là không. Do đó, vì là một trong những quyền thuộc quyền nhân thân
(quyền liên quan đến con người), về mặt cơ bản khi xem xét tiêu chí xác
định thế nào bí mật đời tư, cần đặt nó vào yếu tố “cá nhân” để xem xét
và hậu quả của việc làm lộ bí mật đời tư với mức độ tổn hại đến danh dự,
nhân phẩm để xem xét. Không thể lấy cái mục đích “nguyên tắc minh bạch
của giáo dục” mang tính tổ chức để biện giải. Vì như đã phân tích, trước
hết đó là cái quyền nhân thân – quyền thuộc về cá nhân.
Và giả sử, nếu như không phải bí mật đời tư, ai ai cũng có quyền thu
thập công bố thì việc trường đại học luật HCM cung cấp cho mỗi sinh viên
cái mật mã (password) có ý nghĩa gì, trừ phi ban đầu trường đại học
luật HCM đã nhận định nó như một thông tin bí mật cá nhân? Giả sử nếu
không phải thông tin bí mật cá nhân thì việc cung cấp tài khoản với mật
mã bảo vệ như thế phải chăng trường đại học luật HCM đang vi phạm nguyên
tắc minh bạch của Bộ giáo dục?
Thứ hai, về luận điểm: "tuy nhiên, đúng như tinh thần mà bài viết
trên web đoàn trường đã mô tả về 3 sinh viên này, kiến thức pháp luật
của họ còn quá kém, nhận thức pháp luật còn rất thấp", ở luận điểm
này, tác giả bài viết mắc phải một lỗi rất nghiêm trọng trong ngụy biện
là công kích cá nhân. Nếu là một người tư duy tốt, là một sinh viên học
luật, anh phải chỉ ra “kiến thức pháp luật của họ còn quá kém, nhận thức pháp luật còn rất thấp”
ở điểm nào. Tức không nhận định mơ hồ, dùng giọng điệu trù dập mà hãy
dùng lý lẽ trước khi phản biện và PHẢI CHỨNG MINH NÓ. Vì chỉ có những kẻ
thiếu tự tin, hợm hĩnh mới “khoe khoang” mình đạt bao nhiêu
điểm ở trường trước khi tranh luận. Và vì truớc hết, đó là cách hành xử
văn minh đúng tinh thần một người "học luật", hai là thể hiện tính trách
nhiệm trong việc đánh giá của mình, đặc biệt đối với nhận định đánh giá
liên quan đến năng lực, danh dự, nhân phẩm người khác.
Và một điểm quan trọng cần phải nêu rõ không phải cứ bằng luật, điểm
số cáo mới biết tư duy về luật. Vì luật pháp là cái phản ánh cuộc sống
đi từ cuộc sống mà ra, các nguyên tắc và vấn đề đề cập trong luật không
khác biệt so với những điều chúng ta trải nghiệm về khía cạnh khác của
cuộc sống. Có người có thể không qua trường lớp luật nào cũng có thể
nhìn nhận luật pháp rất thấu đáo nếu có kiến thức cũng như trải nghiệm
sống. Hơn nữa, chưa có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh
được là NGƯỜI CÓ ĐIỂM SỐ CAO CÓ TƯ DUY TỐT HƠN NGƯỜI ĐIỂM SỐ KHÔNG CAO.
Hay chưa có nghiên cứu hay đánh giá cụ thể nào: việc đánh giá học lực
qua điểm số của trường đại học Luật HCM thể hiện đúng và đầy đủ năng lực
của sinh viên.
Thứ ba, về luận điểm "Xét dưới góc độ này thì nội dung bài viết
trên web đoàn thanh niên luật không hề có ý xúc phạm đến danh dự, nhân
phẩm của 3 sinh viên này, tác giả của bài viết đó chỉ nêu lên quan điểm
cá nhân để đánh giá mối tương quan giữa điểm số học tập và khả năng nhận
thức pháp luật của họ", nếu đơn thuần như ý tác giả viết "để đánh gia mối tương quan giữa điểm số học học tập và khả năng nhận thức...",
vậy kết luận sau đó thiếu nhận thức pháp luật hạn chế có thể giải thích
như thế nào? Nếu lập luận đã là quan điểm cá nhân thì sao bài viết được
chọn đăng công khai trên website Đoàn trường, không đăng trên những
phương tiện cá nhân khác như blog hay facebook. Đoàn trường là một tổ
chức tập thể định hướng tư tưởng Đoàn viên sinh viên, từ bao giờ đã trở
thành sân chơi của cá nhân riêng lẽ để thể hiện quan điểm cá nhân của
mình? Phải chăng tác giả bài viết đang "nhân danh" đoàn trường núp dưới
lý do ngụy biện "cá nhận" để công kích cá nhân khác?!
Thứ tư, với luận điểm "Họ đã lấy tư cách sinh viên luật để làm
nên chuyện đi ngược lại các chuẩn mực lẽ phải thông thường, cố ý mượn
mác sinh viên luật để tăng sức nặng trong lời nói của mình... làm xấu đi
hình ảnh của bao thế hệ sinh viên luật nghiêm chỉnh chấp hành pháp
luật, có lập trường tư tưởng vững vàng, đứng đầu trong tầng lớp bảo vệ
hình ảnh của dân tộc nói chung...", trước hết xin bài đến khái niệm
pháp lý “tư cách” hay còn gọi là địa vị pháp lý. Mỗi một người, tùy
theo mối quan hệ pháp luật đi kèm, có rất nhiều tư cách. Tư cách hay địa
vị pháp lý là nền tảng để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.
Trong BLDS Việt Nam, khái niệm này được quy định tại điều 15 bằng một
khái niệm khác là "năng lực dân sự":
Điều 15: Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân: Cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây: 1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;..".
Như đã phân tích ở trên, việc ký tên Sinh viên đại học luật HCM dưới
bản tuyên ngôn trước hết đó là một quyền nhân thân, nó thể hiện anh là
ai, anh học cái gì, thông tin mà người đọc vào có thể nhận biết anh như
thế nào. Đó còn là một cái quyền "thủ đắc" trong mối quan hệ giữa nhà
trường và cá nhân có được thông qua giao dịch đóng học phí. Nếu đã là
quyền nhân thân, quyền thủ đắc thì sao bảo là "cố ý" hay “mượn mác”? "Làm
xấu đi hình ảnh của bao thế hệ sinh viên luật nghiêm chỉnh chấp hành
pháp luật, có lập trường tư tưởng vững vàng, đứng đầu trong tầng lớp bảo
vệ hình ảnh của dân tộc nói chung...", làm xấu đi hình ảnh ở điểm
nào? Vi phạm quy định hay pháp luật chỗ nào? Không đưa ra lý lẽ hay luận
cứ để chứng minh mà cứ thể đưa ra lời “buộc tội” người khác là kiểu
hành xử vô trách nhiệm. Có một câu nói rất hay của Edmund Burke rằng “Law sharpens the mind by narrowing it"
(luật pháp mài giũa tư duy của bạn bằng cách làm hẹp nó), tức học luật
là học cái tinh thần luật pháp, học cách trau dồi lý lẽ lập luận để
thuyết phục chứng minh, tránh kiểu tư duy nửa vời, bỏ qua những cái râu
ria không cần thiết và đặc biệt lên gân chung chung các kiểu như "đứng đầu trong tầng lớp bảo vệ hình ảnh của dân tộc nói chung".
Và cuối cùng, khi nhìn thấy Hội những người bảo vệ hình ảnh của sinh
viên Luật trên Facebook, là một người học luật tôi khá là ngạc nhiên với
cái tên gọi “bảo vệ hình ảnh của sinh viên Luật”. Nói đến sinh viên
luật là nói đến tinh thần phản biện, cái tinh thần sẵn sàng “lý sự” bằng
vũ khí duy nhất là lập luận, lý lẽ và tinh thần học hỏi. Cái tư cách,
lập trường của một sinh viên luật không mang sắc hình ảnh thị giác hay
màu áo xanh tình nguyện đi về các nơi vùng sâu vùng xa. Cái lập trường
của một sinh viên luật không mang sắc màu xanh Đoàn thể hay bất cứ tổ
chức nào để định hướng tư tưởng và tư duy. Cái lập trường của một sinh
viên học luật là cái tư cách đứng trên tinh thần luật pháp để tư duy,
xem xét, suy tư và tranh đấu cho nó. Nên, đừng dùng chiếc áo “thiện
nguyện” làm chiếc phao để cứu cánh. Mà hãy lấy tinh thần luật pháp, khả
năng tư duy để xây dựng hình ảnh cho chính mình.
Nói đến đây, tôi muốn hỏi các bạn rằng, các bạn – những sinh viên học
luật có muốn hay sẵn sàng tranh luận với tôi hay ba bạn sinh viên này
hay chưa?!
Sài Gòn, 24/4/2013
Nguyễn Thị Ánh Hiền
Sinh viên luật, đại học luật
[1] Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn:
[2] Thư đề nghị xin lỗi:
Thư đề nghị tranh luận:
[3] Quan điểm tác giả Lê Nhật Bảo: