Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Sừng Tê quí hiếm

Diên Vỹ chuyển ngữ

Trong bài viết vào năm 1917, R.B. Smart, phó uỷ viên chính phủ và viên chức thuộc địa tại quận Akyab, Miến Điện thuộc Anh (giờ là bang Rakhine), đã tỏ ra quan ngại về giống tê giác bản xứ. Tập sách “Tự điển Địa Lý Miến Điện” của ông lưu ý rằng máu và sừng của chúng thì rất quí trong y dược cũng như đối với những loại thuốc cường dục. Hệ quả là “những con vật này bị săn bắn một cách tàn nhẫn.” Vùng này là một trong những khu vực ở Miến Điện vốn vẫn tương đối còn nhiều tê giác, nhưng “chúng sẽ bị tuyệt chủng trong bao lâu nếu không được bảo tồn”.
Mối quan ngại của Smart dường như chú trọng đến sự mai một của trò săn bắn dành cho “dân thể thao Châu Âu” hơn là đến việc bảo tồn tính đa chủng của thiên nhiên. Nhưng ông đã đúng. Từ lâu rồi, giống tê giác không còn xuất hiện trong thiên nhiên ở Miến. Hiện nay giống Dicerorhinus sumatrensis, từng sống rải rác trên khắp vùng Đông nam Á cho đến chân rặng Himalaya, giờ chỉ gói trọn trong vài khu vực cách biệt ở Indonesia và Malaysia. Một ước lượng vào năm 2011 cho biết tổng số loài này chỉ còn lại 216 con trên toàn thế giới.

Chúng vẫn đang bị những kẻ săn trộm đe doạ, những loài tê giác khác ở Ấn Độ và châu Phi cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ trong năm nay, 16 con tê giác đã bị bắn trong khu bảo tồn Kaziranga thuộc bang Assam ở đông bắc Ấn Độ, và chính quyền đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để cố gắng hạn chế nạn săn bắn trộm. Không thể nào bảo vệ nổi chiếc sừng quí giá của một con tê giác đã chết hay được nuôi. Riêng ở Anh, trong hai năm qua đã có 20 vụ trộm tại thảo cầm viên, bảo tàng cũng như những nhà sưu tập tư nhân.
Trong y dược cổ truyền Trung Quốc, bột mài từ sừng tê giác được tin (một cách sai lạc) là có hiệu lực trong việc trị các chứng sốt, bệnh thấp khớp, bệnh gút và nhiều chứng bệnh khác. Nó còn được dùng trong nền y khoa cận đại ở Ấn Độ, Triều Tiên, Malaysia và những nơi khác. Cả dân số lẫn kinh tế của châu Á đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Hàng chục triệu người đã có thể xoay trở các phương pháp trị bệnh đắt tiền. Chẳng gì ngạc nhiên khi giống tê giác cũng như những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác đang chịu nhiều áp lực.
Điều này cũng xảy ra với nhiều loài động vật khác, sản phẩm của chúng có nhu cầu cao ở châu Á vì những giá trị ẩm thực, y tế và trang trí. Chỉ trong tuần qua, đã có tin rằng một chiếc tàu Trung Quốc bị mắc cạn tại bãi san hô do Philippine bảo tồn vào ngày 8 tháng 4 đã chuyên chở đến 400 thùng - mười tấn - thịt tê tê, một loài thú có vảy chuyên ăn kiến đang bị tuyệt chủng. Một loài thú khác chuyên bị săn bắt là hổ, được xem như là một kho dược phẩm sống: hầu như mọi bộ phận của nó đều có giá trị y dược, hoặc được dùng cho những mục đích thương mại đầy lợi nhuận khác như thảm lông. Vì thế giống hổ có thể bị biến mất khỏi thiên nhiên. Dân số loài voi cũng đang trong tình trạng khủng hoảng. Vào ngày 14 & 15 tháng 3, khi hội nghị dài mười ngày của các thành viên trong Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Hoang dã Nguy cấp (CITES) sắp kết thúc tại Bangkok, đã có ít nhất là 86 con voi, trong đó có 33 voi cái đang mang thai, đã bị giới săn trộm giết hại ở khu vực tây nam cộng hoà Chad để lấy ngà.
Hội nghị CITES cũng phải đối phó với sự khủng hoảng của những loài thú khác đang bị đe doạ bởi thói quen ăn uống cầu kỳ của người Trung Quốc như bào ngư, hải sâm và vi cá mập. Súp vi cá là một món ăn quan trọng trong các tiệc cưới và hội hè của Trung Quốc. Vì thế mỗi năm có khoảng từ 100 đến 275 triệu con cá mập bị giết để lấy vây. Hội nghị CITES đã đưa thêm 5 loài cá mập vào Danh mục Cấp II của Công ước, có nghĩa là việc mua bán các loại cá này sẽ được đưa vào qui chế. Loài cá đuối hai mồm đang bị đe doạ vì bộ phận mang cá mượt mà nổi tiếng được dùng để bào chế thuốc bổ cũng được đưa vào danh sách.
Nền kinh tế của nạn tuyệt chủng rất tàn nhẫn. Chủng loại của một loài vật càng hiếm thì giá trị sản phẩm của nó càng tăng. Vì thế những ai nắm giữ nguồn hàng sẽ có lợi nhuận qua việc một loài thú bị biến mất. Thể chế cu/a CITES - chuyên kiểm soát việc buôn bán xuyên biên giới - dường như không có hiệu quả. Vì thế một số người cho rằng điều cần làm là phải mở rộng việc buôn bán những sản phẩm tồn kho, những loài thú nuôi trong trại và sản phẩm phụ của việc “săn bắn tiêu khiển”, để giảm thiểu giá cũng như động cơ săn trộm.
Phương án này có hai vấn đề lớn. Sản phẩm hoang dã chắc chắn sẽ được ưa chuộng hơn (Dân sành ăn châu Âu nổi tiếng là ưa chê bai cá hồi nuôi trại). Banyan vẫn nhớ vẻ bất mãn của một doanh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997 khi anh ta hỏi rằng khúc xương hổ được đặt một cách trang trọng trên một mảnh vải nhung đỏ trong cửa hàng của ông liệu có phải là từ hổ nuôi hay không. Thứ hai, thị trường hợp pháp càng lớn thì càng dễ tuồng hàng săn lậu vào. Vì thế các tổ chức bảo tồn đã kinh ngạc trước các thoả thuận của Nam Phi ký kết với Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù với mục đích là để hạn chế nạn săn trộm. Các tổ chức này e ngại rằng nó là tiền lệ cho sự mở rộng việc buôn bán ngà và sừng tê.
Máu, mồ hôi và nước mắt
Quan điểm chung thì hầu như là tuyệt vọng: khi nhu cầu cứ vững chắc đi lên, bắt rễ từ phong tục dài nhiều thế kỷ, trong khi con số động vật hoang ngày càng ít đi, tương lai của những loài thú này thật ảm đạm. Nhưng trên thực tế, hầu hết nhu cầu này là giả tạo. Lấy tê giác làm ví dụ. Nhu cầu về sừng tê - và nạn săn lậu để cung cấp chúng - giảm nhanh sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm (cùng với xương hổ) vào năm 1993. Nạn săn lậu tăng lên bắt đầu từ mốt dùng sừng tê làm cán dao ở Yemen, rồi từ thị trường cao cấp ở Trung Quốc chuyên chạm trổ ngà voi và sừng tê. Cú đấm cuối cùng vào loài tê giác là nhu cầu đang tăng cao từ Việt Nam trong những năm qua. Tình trạng này bắt nguồn từ một tin đồn thất thiệt rằng sừng tê đã chữa được một cựu bộ trưởng (không biết tên) khỏi được bệnh ung thư (không xách định rõ bệnh gì).
Nhu cầu tiêu dùng thì không thể thay đổi được. Những bác sĩ Đông y chính thống từ lâu đã không dùng đến những chất chiết xuất lấy từ các loại động vật sắp bị tuyệt chủng. Ở Singapore nơi có cộng đồng đa số người Hoa, một số những siêu thị và nhà hàng đã ngưng việc thu mua vây cá mập. Trong thời kỳ của Smart, máu tê giác được trân quí tương tự như sừng và “trọng lượng trị giá bằng bạc”. Giờ đây nó hiếm khi được dùng để làm thuốc, ngay cả ở Việt Nam. Giới tội phạm và những quan chức mà chúng mua chuộc đang làm giàu bằng thị trường động vật sắp tuyệt chủng. Chính họ là người tạo ra “nhu cầu truyền thống”, chứ không phải ai khác.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"