Nguyễn Văn Thạnh
Tranh Mana Neyestani
Nền tảng văn hóa của xã hội với sức trì trệ đã phá hỏng và giết chết họ.
Bây giờ mà đi hỏi những câu như trên là thừa và có phần ngớ ngẩn. Đơn
giản là câu trả lời là có và người ta biết điều này từ lâu chứ không
phải mới mẻ gì. Tôi cũng đồng ý với điều này.
Tôi cũng biết rằng bàn về văn hóa vùng miền là điều tế nhị, dây vào
cuộc tranh cãi bất tận cho chủ để này cũng chẳng ích gì, nhất là khi văn
hóa tranh cãi, phản biện văn minh vẫn còn đang trên đường xác lập ở xứ
sở này.
Nhân đọc bài “Văn hóa ứng xử: Dân miền Nam "ăn đứt" người miền Bắc”,
đăng tải trên báo chính thống của nhà nước hẳn hoi nên tôi mới lạm bàn
một chút. Ý kiến đưa ra cũng chỉ là quan điểm và trải nghiệm cá nhân.
Kinh nghiệm cho thấy; góc nhìn nào, dù có cẩn thận đến mấy cũng không
thể hoàn hảo, nhất là một vấn đề to lớn là văn hóa. Hoàn toàn không có ý
định bài xích hay tân bốc vùng miền.
Trong thời gian sống ở Hà Nội đó, tôi cũng có nhiều trải nghiệm thú
vị. Suy ngẫm, tôi thấy rằng sợi dây liên hệ giữa văn hóa và dân chủ là
có thật và đầy rắc rối như nhiều học giả đã đề cập. Tôi xin kể vài trải
nghiệm bản thân trong vấn đề trên.
Trong những ngày Hà Nội sôi sục của các cuộc xuống đường phản đối
Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, tôi có một ý tưởng vừa có thể
phục vụ kinh doanh vừa có thể đưa lại kết quả gây được một quỹ cho chủ
đề Hoàng Sa, Trường Sa. Chi tiết ý tưởng tại đây (Quỹ Hoàng Sa - Trường Sa).
Tôi chia sẻ ý tưởng cho vài người bạn, trong đó có một người anh hiện
đang sống và kinh doanh tại Hà Nội - anh có công ty riêng và rất thành
đạt. Anh rất thích thú với ý tưởng của tôi. Anh vồn vã gọi điện hẹn tôi
một buổi café để trao đổi rõ hơn, dù công việc kinh doanh của anh rất
bận. Với lòng nhiệt huyết-vì nhiều lý do tế nhị làm anh không thể tham
gia vào đám đông xuống đường-anh cũng muốn làm một điều gì đó cho quê
hương, đất nước nhất là biển đảo đang bị xâm lấn, ngư dân bị ức hiếp.
Anh em trao đổi với nhau về ý tưởng, cách thức vận động để ý tưởng được
nhiều người biết cùng dự kiến cho sự phát triển. Anh cũng cho rằng dù ý
tưởng này lớn, khó làm nhưng vận động cho nhiều người biết cũng đã thành
công rồi; bởi lẽ nó sẽ giúp cho người dân, nhất là lớp trẻ biết thêm và
quan tâm về Hoàng Sa, Trường Sa. Anh nói như đinh đóng cột là anh ủng
hộ ý tưởng, không nhiều chứ một ít tiền để giúp quảng bá ý tưởng là anh
lo được. Anh nói đi nói lại là anh muốn là gì đó cho đất nước vì không
đi biểu tình làm lương tâm anh cắn rứt. Anh em chia tay nhau trong vui
vẻ, nhiệt huyết và đầy hy vọng.
Chờ hoài không thấy anh liên lạc lại, tôi chủ động gọi điện thoại,
email cho anh cũng không thấy trả lời. Quái lạ. Tôi đích thân đến công
ty gặp anh, anh có vẻ miễn cưỡng, e dè tiếp tôi. Qua trao đổi tôi biết
là anh đem ý tưởng trên chia sẻ với anh em doanh nhân thân thiết, ai
cũng bàn ra, cho là đây là chuyện nhạy cảm, dây vào làm hỏng công ăn
việc làm, hỏng sự nghiệp. Chính quyền muốn bóp chết sự nghiệp rất dễ,
làm gì mà không đụng đến nhà nước, đến công an. Bao nhiêu mối thầu cũng
dính dáng đến nhà nước, bị liệt vào danh sách đen là hết đường làm ăn.
Tôi cố thuyết phục anh, ý tưởng này hoàn toàn an toàn, có lợi cho tất
cả các bên, không có ý đồ kích động, chống đối hay gây khó khăn cho
chính quyền gì ở đây. Anh lắng nghe và đồng ý với những gì tôi nói nhưng
cuối cùng anh vẫn từ chối và nhất quyết không tham gia. Từ anh em thân
thiết, anh cũng tránh né tôi, không liên lạc hay email. Anh có vẻ sợ gặp
tôi như sợ hủi.
Tôi biết những bạn hữu của anh họ có nỗi sợ, sự ích kỷ quá lớn (họ
không có lòng nhiệt huyết như anh) và họ đã truyền cái đó cho anh. Do họ
không có thông tin về dự án rõ như anh (vì họ không có trao đổi trực
tiếp như tôi với anh) nên với họ nghe từ Hoàng Sa, Trường Sa là sợ và
nhất quyết tránh xa. Rõ ràng suy nghĩ đám đông đã tác động lên con người
rất mạnh, làm cho nhiệt huyết, sự cởi mở của họ tiêu tan.
Bạn có thể sống và làm việc theo tinh thần dân chủ, dấn thân trong môi trường như thế không?
Tôi cho rằng cái chúng ta đối diện là một nền văn hóa mà ở đó mọi
người chưa sẵn sàng cho cuộc chơi dân chủ-hướng đến lợi ích chung mà
phần lớn sẽ nghĩa đến quyền lợi riêng tư quá lớn bất chấp lợi ích chung.
Đó là chưa nói đến tâm lý nghi kị, hành vi lừa đảo trong hợp tác còn
rất mạnh. Đó là một cản trở rất lớn, nó có thể phá hủy bất kỳ con người
dân chủ dũng cảm nào, dù họ có nhiệt huyết và thật tâm đến đâu.
Lịch sử cho thấy nhiều nhân vật có hiểu biết và tranh đấu cho dân chủ
rất thật tâm, hết mình nhưng khi nắm quyền thì lại độc tài. Tôi nghĩ
nền tảng văn hóa của xã hội với sức trì trệ đã phá hỏng và giết chết họ.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn cá nhân của tác giả
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Thế đứng của doanh nhân trong nền dân chủ