Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Cảm Nhận về bài viết "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" của Vũ Thư Hiên

Tâm Như
Dân Luận





Con đường dài hai mươi cây số dẫn đưa linh mục đến gặp kẻ liệt gập ghềnh khúc khuỷu. Căn nhà ẩn sâu giữa rừng hoang vắng. Sự sống leo lét như mấy vệt sáng vàng vọt của đèn dầu lọt qua khe cửa *, cho thấy đời nghèo khó là một ngõ hẹp, ai đã vào không tìm được lối ra. Nhưng cảnh thanh bần chẳng khiến chủ nhân phải bận tâm, họ chỉ lo lắng trước nguy cơ kẻ liệt sẽ bị mất linh hồn. Chính vì thế theo đúng ước muốn của bệnh nhân, họ đã cất công mời linh mục đến, để người đã quên sạch kinh bổn được ơn giở lại đạo, được sinh thì trong tay Chúa.

Linh mục lắng nghe người bệnh kể chuyện. Những lời hiền lành của người sắp chết như mũi tên xuyên thủng tấm bia tôn giáo, cắm phập vào hồng tâm điểm của tín lý nhiệm mầu, chọc thủng niềm tin của linh mục bằng sự thật phũ phàng, mà người bệnh cảm nghiệm suốt tháng năm sống trong chốn khách đầy: "Tôi không tin có Chúa, bởi vì nếu có Chúa thì tại sao trái đất của chúng ta lại như thế này? Chúa có quyền lực vô biên mà. Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tốt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện?" *
Linh mục trả lời: "Chúa đặt ra những thử thách cho con người để nó khẳng định mình, tự hoàn thiện mình. Chỉ có một nơi ngự trị toàn sự tốt lành, ấy là Thiên Đàng, nước Chúa." *
Người bệnh đáp lại: "Nhưng nó ở xa lắm. Mãi đời sau kia. Đạo Phật cũng có một cái tương tự là Niết Bàn – Nirvana. Linh mục có bao giờ nghĩ về sự vô lý này không? Với quyền lực vô biên, tại sao Chúa không dựng nước thiên đàng ở ngay đây, trên mặt đất nhầy nhụa mà chúng ta đang sống? Phải, tại nơi mà hàng triệu sinh mạng chết trong những cuộc chiến tranh chẳng có ích lợi gì cho họ, hoặc sống quằn quại dưới gót sắt của những bạo chúa, hoặc đi ra pháp trường bởi những lời xúi giục của đám chính trị gia lưu manh? Tại nơi có những giống nòi tự xưng thượng đẳng để đẩy những giống nòi khác vào chỗ diệt vong, nơi có hằng hà sa số nhà tù để giam đến chết những con người lương thiện thích sống bằng suy nghĩ chứ không thích sống để nghe lệnh? " *

Tại sao thế nhỉ? Tại sao Chúa lại sinh ra đau khổ bên cạnh hạnh phúc? Người nghèo bên cạnh người giầu? Người xấu bên cạnh người tốt? Và sự đểu cáng làm đau đớn những tâm hồn thánh thiện? Một vấn nạn đến lúc gần lìa đời, người bệnh vẫn không tìm ra câu trả lời. Ai người trước đã qua. Ai người sau chưa đẻ. Ai đang sống hôm nay. Có ai biết vì sao Đức Chúa quyền phép vô biên ở khắp mọi nơi, mà trên trái đất vẫn dư đầy chiến tranh, tội ác, nghèo đói? Có ai biết vì sao Đức Chúa hằng hữu là sự thật là sự sống, mà nhân loại vẫn phải gian dối, vẫn phải chết tức tưởi hay không? Có ai biết vì sao Đức Chúa hiền lành và khiêm nhường, lại để cõi người ta rơi vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một cuộc chiến tranh giành hơn thiệt mà phần thắng chẳng thuộc về bất cứ một phe phái nào. Cùng đường tận số lao lung, cơn giông biển động ngàn trùng bể dâu! Người bệnh mở ra, rồi đóng sầm ngay lại một chân trời tôn giáo huyễn mông, mặc nhiên đặt Đức Chúa trong phương trình vô nghiệm, tách bạch rạch ròi cảm quan riêng, khi cân đo đong đếm nỗi đau nỗi khổ của cuộc đời. Suốt tháng năm làm lính ông nổ súng không ít lần, nhưng chưa bao giờ ông hối tiếc hay đau khổ, bởi vì như ông nói "...tôi không thấy ân hận nếu tôi không giết họ nhanh hơn họ giết tôi thì tôi cũng chẳng còn..." * Điều khiến ông day dứt cho đến phút cuối đời, là cái chết của người thanh niên tại xứ đạo ngày xưa. Ông nói với linh mục mà như nói với chính mình: "...Trên đường truy kích những tên cầm súng bắn chúng tôi - tôi gặp một thanh niên nằm ngửa, mắt mở to. Anh ta đã chết, đạn xuyên qua bụng phá ra hông thành một lỗ toác hoác... Tôi dừng lại, vuốt mắt cho anh ta. Tại sao tôi lại làm như thế, tôi không hiểu. Tôi đã dự nhiều trận đánh, đã thấy nhiều xác chết trong đủ mọi kiểu chết...Tôi dừng lại vì vẻ thánh thiện trên gương mặt trong sáng của người chết. Anh ta đẹp quá. Mà cái đẹp sinh ra để làm gì nếu không phải để tạo ra niềm vui, để dành cho tình yêu? Lẽ ra anh ta phải sống, để ôm ấp trong tay một người con gái đẹp, xứng đáng với anh ta. Để rồi cô gái sẽ sinh cho anh những đứa trẻ đẹp như bố mẹ chúng. Vậy mà anh ta đã chết..." *
Lời xưng tội của người bệnh khiến toàn thân linh mục ớn lạnh. Ông chân thành qùy xuống, thú nhận: " Tôi nhìn thấy một người lính ngã xuống trước họng súng của tôi. Viên đạn bắn trúng anh ta có thể không phải là của tôi, tôi không dám nói chắc, nhưng cũng như ông tôi nghĩ viên đạn là của tôi. Lúc đó tôi còn trẻ. Có lẽ trẻ hơn ông. Lúc đó chúng tôi nhìn các ông như kẻ thù không đội trời chung. Chúng tôi đã quên lời dạy của Chúa: 'Hãy thương yêu người ta như mình vậy.' Chính tôi là một trong những người được bề trên sai trói chín anh bộ đội vào đám xú vẹt năm trước đó. Trong số chín người ấy có một anh bộ đội rất trẻ. Khi tôi trói anh ta, anh ta nhìn tôi và thật ngạc nhiên, tôi không thấy trong đôi mắt ấy có một chút oán giận, một chút căm thù. Chỉ có sự ngỡ ngàng, bối rối, như trước một điều khó hiểu. Tôi đứng gần đấy cho đến khi nước triều lên chậm chạp, bắt đầu vượt qua đầu gối họ, lên tới bụng họ, rồi tới ngực họ. Cả chín người đều im lặng. Tôi chờ anh thanh niên kia van xin tha chết, nhưng anh ta im lặng. Tôi không chịu nổi cái nhìn ấy hơn nữa, tôi không còn sức để chịu đựng hơn nữa, tôi hấp tấp bỏ đi vài phút trước khi nước lên tới cằm họ..." *

Tôi thinh lặng nghe sóng triều vang động, cả một đại dương khắc khoải sầu, khi đọc "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" của kẻ liệt và linh mục. Tưởng như hôm xưa, tôi chứng kiến máu chàng trai nhuộm đỏ xứ đạo. Tưởng như hôm xưa, tôi nhìn thấy con nước triều dâng nhận chìm anh bộ đội. Hai thanh niên còn rất trẻ đã bị tước đoạt quyền được sống làm người, đã chết vì hận thù của kẻ khác, đã chết vì những lỗi lầm không do họ gây ra. Lòng thanh trong như ngọc, họ chết mà vẫn không hiểu vì sao mình lại trở thành vật tế thần cho những ông chúa nào đó, mà đảng phái này hay phe nhóm nọ đã nhào nặn thành, như lời người bệnh minh họa: "Khi đã có Chúa trong tay, bất kể là Chúa nào - Chúa tìm thấy, Chúa tạo ra, Chúa vay mượn, Chúa mua sắm, Chúa nhập cảng, tức thì nó lấy ngay Chúa mà nó sở hữu, Chúa của riêng nó, của phe phái nó tròng vào cổ đồng loại, coi đó là ưu thế của nó trên đồng loại, để được cảm thấy mình cao sang hơn đồng loại, chung cuộc là để thống trị đồng loại..."
"Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" hay là tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn? Người bệnh xưng tội không chỉ vì chàng trai là em ruột của linh mục, mà bởi vì ông còn muốn được linh mục - người đại diện cho tầng lớp từng bị thể chế của ông truy sát, giết hại - nói lời tha thứ cho ông. Ông muốn tháo gỡ gút thắt ở trong lòng, muốn được là anh em bạn hữu của "kẻ thù" trước khi đi vào cõi vĩnh hằng có màu trời xanh trong suốt, không vương máu người vô tội. Linh mục xưng tội không chỉ vì đã can dự vào việc giết anh bộ đội trẻ, mà còn muốn thay mặt giáo đoàn của ông thú nhận rằng, ông đã không sống đúng lời kinh thánh giảng dạy "Hãy thương yêu người ta như mình vậy." Ông đã khiến cả và thiên hạ thấy Chúa Chiên Lành của ông cũng "độc tài," như bất cứ vị chúa nào trên thế gian này. "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm" còn là ẩn dụ giúp tôi hiểu một điều vô cùng quan trọng: Họ - người bệnh và linh mục - đến phút cuối đời đã nhận biết, họ thật là anh em cùng giống nòi, cùng tổ quốc, cùng quê hương. Tay đứt ruột xót. Họ không thể bất hòa, không thể không khiêm tốn thú nhận lỗi lầm với nhau, bởi vì dù ở đâu, làm gì, họ vẫn có chung một nguồn cội.
Xin chân thành cảm ơn tác giả Vũ Thư Hiên, người đã viết "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm", một bài học thâm thúy về sự hòa giải, sự tha thứ, và lòng yêu thương.
Ước mong tôi và những người cùng chung nguồn cội, không phải đến cuối đời mới nhận ra nhau.
Tâm Như
6:25am Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2013
*. Những câu trích từ "Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm"

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"