Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Truyện ngụ ngôn: NGỖNG VÀ CÁO


Trần Cảnh Giác (CHLB Đức)
Cáo vừa gian manh vừa tham lam và chèn ép những con thú nhỏ bé hơn để thỏa mãn lòng tham của mình. Hinh minh họa: Internet
Cáo vừa gian manh vừa tham lam và chèn ép những con thú nhỏ bé hơn để thỏa mãn lòng tham của mình. Hinh minh họa: Internet
Trong khu rừng già, đã bao đời các loài muông thú sống với nhau vui vẻ, hòa thuận và tôn trọng vùng đất sống của nhau. Duy chỉ có Cáo là vừa gian manh vừa tham lam luôn tìm cách phá tan sự bình yên này hòng mở rộng phạm vi kiếm ăn và chèn ép những con thú nhỏ bé hơn để thỏa mãn lòng tham của mình. Đã nhiều lần vì bị hiếp đáp quá, các loài thú đã phải mang cống phẩm đến nhờ cậy lão Hổ già và bác Gấu tận khu rừng phía bên kia quả núi giúp đỡ can thiệp. Nhưng chỉ được một thời gian thì Cáo lại chứng nào tật nấy.
Hàng xóm của Cáo, cạnh bờ hồ, có một bầy Ngỗng khá đông đã sinh sống tại đây lâu đời. Thuở xưa đã nhiều lần cụ kỵ của Cáo lợi dụng tổ tiên Ngỗng lục đục bất hòa liền nhẩy sang ăn hiếp và chiếm lấy vùng đất này bắt cống nộp mỗi lứa vài chú Ngỗng non thì mới không giết hại hết đàn ngỗng. Nhiều lần tổ tiên Ngỗng cũng đã nuốt giận, dẹp bỏ hiềm khích để đồng lòng ưỡn ngực dương mỏ cùng nhau đánh cho tổ tiên Cáo thương tích đầy mình bỏ chạy về chui vào hang không dám bén mảng sang nữa.

Gần đây đàn ngỗng bị tách làm 2 phe do Ngỗng mỏ vàng và Ngỗng mỏ đỏ không ai chịu nhường ai nên đã chia bè phái và cắn xé nhau tơi bời. Sau nhiều năm Ngỗng nhà đá nhau mặc dù cả 2 bên đều có nhờ các thú khác giúp sức nhưng phe Ngỗng mỏ vàng đã thảm bại và phải bỏ xứ bơi qua tận bên kia hồ tìm đất sống. Cuộc sống nơi vùng đất mới tuy nhiều mồi, bình an và các lứa Ngỗng con kế tiếp nhau khôn lớn mạnh khỏe nhưng trong lòng các thế hệ Ngỗng mỏ vàng không nguôi ngoai, bùi ngùi ngóng nhìn sang phía hồ bên này, nơi Tổ tiên loài Ngỗng đã sinh sống bao đời, nơi mà ông bà, cha mẹ đã nằm sâu trong lòng đất. Ở nơi đó còn có nhiều thế hệ Ngỗng mỏ vàng không thể cùng đi trong những năm trước.
Sau lần Ngỗng mỏ vàng thua trận phải bỏ đi, Ngỗng mỏ đỏ có cả một vùng bờ hồ rộng lớn và những Ngỗng mỏ vàng ở lại phải thuần phục. Ngỗng mỏ đỏ biết lão Cáo hàng xóm đểu cáng luôn rình mò cắn trộm. Lão Cáo đã thừa lúc Ngỗng mỏ đỏ và mỏ vàng cắn xé nhau, phá rào sang bắt trôm nhiều Ngỗng con. Lợi dụng lúc Ngỗng mỏ đỏ bí quá phải nhờ lão sang đứng ở gốc đa hò hét làm hậu thuẫn, trong cuộc chiến với Ngỗng mỏ vàng, lão đã chiếm mất gốc cây đa sát hàng rào ranh giới là nơi nghỉ mát của đàn ngỗng từ bao đời nay. Ngỗng mỏ đỏ đã cùng con cháu ra sức kiếm ăn, chăm lo củng cố, rào lại xung quanh Lãnh địa của mình. Duy chỉ có gốc đa cổ thụ tổ tiên nhà Ngỗng để lại là đòi mãi lão Cáo không trả, lão trắng trợn nói rằng Ngỗng mỏ đỏ cho lão để trả công dọa Ngỗng mỏ vàng rồi. Hiện nay lão còn đang nhăm nhe những gốc đa rợp bóng mát bên cạnh của đàn Ngỗng.
Rồi Ngỗng mỏ đỏ cũng không cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, nhắm mắt ra đi mà Ngỗng còn bao ray rứt. Đàn Ngỗng chưa hồi sức sau trận cắn xé kinh hoàng tổn thất nặng nề cho cả đôi bên năm ấy. Những Ngỗng mỏ đỏ con thay thế cai quản thì chỉ ham hưởng lạc, nay tôm tép mới, mai vuốt ve chăm lo cho bộ lông của mình mà bỏ bê không ngó ngàng gì tới đàn Ngỗng. Có bao nhiêu chỗ có nhiều tôm tép là chúng chiếm lĩnh làm của riêng. Vì lợi ích cá nhân chúng lại còn quay ra hiếp đáp chính đàn Ngỗng của mình, thậm chí còn cắn trọng thương hay cắn đến chết những con Ngỗng nào không nghe theo những điều vô lý chúng đặt ra. Chúng đưa ra nhiều quy định mới chỉ nhằm mục đích có lợi cho nhóm Ngỗng đầu đàn. Con Ngỗng nào dám hé mỏ cãi lại lập tức chúng cho cả một lũ Ngỗng côn đồ lao vào mổ cho tan xác. Không khí ngột ngạt, uất ức dồn nén bao trùm đàn Ngỗng càng tăng lên khi những chỗ dễ kiếm mồi lần lượt bị nhóm Ngỗng chóp bu và lũ Ngỗng tay sai bằng nhiều thủ đoạn bẩn thỉu chiếm đoạt hết và đẩy đàn Ngỗng vào cảnh đói khổ.
Không có gì lọt qua được mắt của lão Cáo. Lão vừa một mặt rêu rao với cả khu rừng là lão luôn muốn hòa bình, tôn trọng lãnh địa của đàn Ngỗng và hàng xóm xung quanh. Mặt khác lão luôn khiêu khích và bắt trộm Ngỗng con. Lũ Ngỗng đầu đàn biết nhưng do ươn hèn vẫn nhục nhã làm ngơ. Chúng chỉ mong là lâu lâu thà chấp nhận cống nạp cho lão Cáo vài con Ngỗng con, chịu cho lão lấn chiếm vài gốc cây hóng mát thì có lẽ lão sẽ để cho lũ Ngỗng đầu đàn yên mà hưởng thụ cuộc sống phè phỡn hiện nay. Vả lại cả một góc rừng cạnh hồ rộng thế này và đàn Ngỗng nhiều thế kia thì mất vài gốc cây hay vài con Ngỗng con thì có sao đâu. Miễn là lão Cáo không động đến ta.
Nhìn thấy rõ nguy cơ ăn cướp và thủ đoạn thâm độc của lão Cáo, cũng đã vài lần có một vài con Ngỗng mỏ vàng bơi từ bên kia hồ sang xin gặp, tỏ ý muốn bàn bạc cách hòa giải với lũ Ngỗng đầu đàn để cùng nhau chung sức củng cố đàn Ngỗng và tìm biện pháp chống lại lão Cáo, nhưng do bảo thủ tư lợi, các cuộc gặp không có kết quả gì đáng kể. Một vài con Ngỗng trong đám Ngỗng đầu đàn đã lớn tiếng phản đối thái độ bảo thủ của số đông Ngỗng đầu đàn nhưng khi không thấy có tác dụng gì đã chán nản bỏ về sống với đàn Ngỗng. Những con Ngỗng thấp cổ bé họng khác vừa quạc quạc phản đối được mấy tiếng thì đã bị lũ Ngỗng côn đồ bóp cỏ dìm xuống nước.
Đã dến thời điểm chín muồi mà lão Cáo chờ đợi bấy lâu nay. Lão liên tục dở nhiều thủ đoạn vừa ăn cướp vừa la rầm cả khu rừng là đàn Ngỗng khiêu khích, sang kiếm tôm tép tại vùng bờ hồ và đất của lão nên lão cần phải ra tay dạy cho đàn Ngỗng một bài học.
Đáng lý ra lúc này lũ Ngỗng đầu đàn mỏ đỏ phải tỉnh ngộ ra, trả lại sự công bằng và quyền lợi sinh sống cho đàn Ngỗng. Chúng phải kêu gọi hòa giải xóa bỏ hận thù quá khứ với đàn Ngỗng mỏ vàng, để tập hợp tất cả loài Ngỗng ở mọi vùng quanh hồ về tập trung cùng nhau đồng lòng trong ngoài hợp sức đánh cho lão Cáo một trận tả tơi. Đánh cho lão cúp đuôi chạy về chui tọt vào hang không dám hung hăng dở trò ăn bẩn, cắn trộm đàn Ngỗng như Tổ tiên của đàn Ngỗng đã dậy cho Tổ tiên lão Cáo những bài học nhớ đời. Thế nhưng hiện nay lũ Ngỗng đầu đàn vẫn đang mải chăm lo cho bộ lông của chúng và phè phỡn tại những vùng lắm tôm tép mà chúng chiếm đoạt, vơ vét được mặc cho hiểm họa lão Cáo đang rình rập.
Ngày mai hay ngày kia khi lão Cáo kéo đàn Cáo sang mặc sức ăn tươi nuốt sống đàn Ngỗng thì lũ Ngỗng đầu đàn sẽ lại nằm bẹp xuống xin làm tay sai và cống nộp Ngỗng non đều đặn mỗi lứa vài con cho lũ cướp để cầu mong lũ Cáo tha cho cái mạng sống đớn hèn của chúng.
Ở dưới ba tấc đất sâu, bộ xương mục nát của Ngỗng mỏ đỏ bỗng cựa quậy rồi tự nhiên bị lật sấp xuống. Chắc bộ xương này cũng thấy quá hổ thẹn với các bậc Ngỗng tiền bối vì những gì mà con cháu đang làm hiện nay.
Những ngày cuối tháng 3.2013
Trần Cảnh Giác (CHLB Đức)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"