Sáng nay (22/4/2013) tôi xem chương trình chào buổi sáng của VTV 1,
trong chương trình đó, phóng viên Minh Hà có cho khán giả Việt Nam biết
(đại ý): Tổng thống Ấn Độ thông báo với Quốc Hội cũng như tất cả người
dân Ấn Độ được biết, Chính phủ sẽ ra những quyết sách, giải pháp mạnh để
giải quyết tận gốc nạn bạo hành, hiếp dâm trẻ em. Vì gần đây ở Ấn Độ có
xảy ra một số vụ như báo chí đưa tin, trẻ em bị hiếp dâm, rồi cả cưỡng
dâm trên xe buýt v.v… Tôi không biết ở Ấn Độ, một ngày xảy ra bao nhiêu
vụ như thế này. Vì trên thực tế, chỉ thấy ti vi, báo chí đưa tin những
vụ việc mà… so với Việt Nam, báo chí đưa tin những vụ tương tự, thì
những sự việc của Ấn Độ quá nhỏ. Ở Việt Nam nhiều vụ kinh khủng hơn
nhiều: Bố dượng hiếp con riêng của vợ, nhiều thanh niên cưỡng bức con
gái nhà lành đến chết, thanh niên hiếp rồi giết bà già cướp của, đó là
chưa kể những chuỷện kinh thiên động địa, chém chết nhiều người để cướp
vàng, chém người yêu đến chết ngay trước đồn công an…
Nếu chịu khó ra các sạp báo, không thiếu những tin này để cho người đọc, đọc đến mỏi mắt.
Nhưng có một điều khác ở Việt Nam, ở Ấn Độ những vụ án như
thế, nhân dân phẫn nộ biểu tình lên án mạnh mẽ, còn người đứng đầu chính
phủ, thể hiện trách nhiệm của mình trước dân lên ti vi, ra trước quốc
hội hứa sẽ thực thi những yêu cầu của nhân dân để một xã hội ổn định,
lành mạnh dù những vụ việc này, nếu ở Việt Nam “ nhỏ như con thỏ”.
Ở Việt Nam chúng ta chưa hề thấy một ông lãnh đạo cấp cao nào của
đảng, nhà nước, quốc hội… điều trần trước dân, quốc hội về những vấn đề
sát sườn đến xã hội, đời sống người dân như tổng thống Ấn Độ điều trần.
Lẽ ra, với một đảng cầm quyền, những cán bộ lãnh đạo của
đảng, nhà nước từng thừa nhận là “đầy tớ” của dân, phải có những lời
nói, hành động những biện pháp cụ thể, hứa trước quốc dân đồng bào,
làm cho xã hội, kinh tế ổn định, kể cả những việc nhỏ nhất như tổng
thống Ấn Độ đã làm.
Tôi tin, người dân có lẽ cũng chỉ yêu cầu đến thế!
Nhưng không! Khi tiếp xúc, nói chuyện, các ông ấy luôn luôn
đề cập đến phải có biện pháp kiên quyết, cảnh giác với “các thế lực
phản động chống phá nhà nước XHCN”, “tự diễn biến”, “Luận điệu tuyên
truyền chống đảng của các thế lực thù địch", "suy thoát đạo đức", "suy
thoái chính trị"… Rồi, nếu không phải những vấn đề đó, thì cũng là những
bài nói về lý luận, về CNXH, trên thực tế, không hề có chút thuyết
phục, người nghe không tin, không hiểu… Còn những bức xúc cụ thể của
người dân, hình như, đó là điều không phải để các ông ấy chú ý.
Yếu tố quyết định thành bại trong chuyện giữ chính quyền,
giữ vai trò lãnh đạo của một đảng là lòng tin của dân vào chính quyền,
vào đảng đó. Muốn vậy, phải có việc lời nói, việc làm của các vị lãnh
đạo phải thiết thực phù hợp nguyện vọng người dân, để người dân còn tin,
còn ủng hộ, ít nhất cũng như tổng thống Ấn Độ đã làm.
Bao giờ nước ta được như thế!