Lê Mai
Tại rừng Lộc Ninh, Trung ương Cục, Quân
ủy Miền với sự chỉ dẫn chi tiết từ Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương,
đang gấp rút vạch kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Trời mưa, đường sá lầy
lội, ông Thọ lo lắng tốc độ hành quân bị chậm lại trong những vần thơ:
Nghe chim tu hú gọi
Rừng Lộc Ninh sáng rồi
Suốt đêm qua không ngủ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Lo cho anh bộ đội
Lầy lội quãng đường dài
Xem ra, qua thơ ca, Lê Đức Thọ “lo cho
anh bộ đội” không chỉ một lần. Nhân chuyến thăm biên giới phía Bắc, Tết
năm 1983, Lê Đức Thọ có bài thơ nổi tiếng Điểm tựa:
Hàn thử biểu chỉ độ không
Đêm nay trời rét lắm
Cái rét biên thuỳ lạnh buốt thịt da
Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya
Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ
Trằn trọc mãi thâu đêm chẳng ngủ
Thương anh nhiều anh chiến sĩ của tôi ơi
Những người lính VN nơi biên giới gần như
“phát khóc”, bởi họ thấy cấp trên thấu hiểu cặn kẽ cuộc sống và chiến
đấu của mình đến thế. Nếu “cụ” Thọ hiểu hoàn cảnh của mình nghĩa là Đảng
sẽ hiểu. Và một khi Đảng đã hiểu thì Đảng sẽ có cách giải quyết – họ
luôn tin tưởng điều đó.
Đây là cuộc sống của người lính:
Gạo sấy khoai mỳ, “bát canh toàn quốc”
Và “nước chấm đại dương” đỡ lúc đói lòng
Cũng có khi “thịt ấm chân răng”
Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng
Hãy đọc thêm hai câu:
Đời chiến sỹ còn nhiều khổ cực
Quần áo mong manh, cơm có bữa chưa no
Hai câu thơ thật đơn giản, cũng chẳng có
nhiều chất thơ lắm. Nhà thơ Vũ Quần Phương bình luận: hai câu thơ ấy “đủ
lay động tâm hồn toàn quân và toàn dân ta. Cái hay của thơ ở đây không
để rung đùi mà để dẫn tới hành động…đó là cái hay ở một cách nhìn, một
thái độ đối với hiện thực, đó là cách nhìn tôn trọng hiện thực, tôn
trọng hiện thực vì yêu thương con người”. (?!).
Dù sao phải thừa nhận, Điểm tựa là
một hiện tượng thời ấy, người ta thảo luận, bàn tán, khen ngợi rất sôi
nổi. Nếu không phải tác giả của nó là Lê Đức Thọ, người khác viết như
thế là “chết liền” – vào thời điểm ấy. Có lẽ, cái đặc sắc nhất là ở chỗ
nó nói lên được sự gian khổ của người lính nơi biên giới.
Năm sau, đón xuân ở Minh Hải, mảnh đất
cuối cùng của đất nước, trong cảnh nắng ấm, nhà thơ lại nhớ về “anh bộ
đội” đang chịu cảnh rét mướt ở biên thùy phía Bắc:
Đường lên biên giới đâu xa lắm
Nhưng khó thăm anh lại một lần
Mở đài nghe báo tin thời tiết
Đợt rét mùa này rét rét thêm
Tôi ở miền Nam tràn nắng ấm
Ước gì nắng ấm cả vùng biên
Ba từ “rét” của đoạn thơ ở đây cũng khá hay đấy chứ. Ý tưởng của tác giả, xem ra vẫn là “gửi nắng ra ngoài ấy”…
Thời ấy, các nhà lãnh đạo Bắc VN, phải
vào sinh ra tử, không có điều kiện học hành bài bản, song họ am hiểu rất
nhiều lĩnh vực. Và nhiều nhà lãnh đạo còn làm thơ, thích làm thơ. Hồ
Chí Minh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và tất nhiên – Tố Hữu,
thường làm thơ và có không ít những vần thơ khá hay. Còn Lê Duẩn thì
sao? Thật thú vị khi biết ông đã đọc bài thơ của mình tặng bà Bảy Vân
(Nguyễn Thụy Nga) trong đám cưới của họ năm 1948 mà Lê Đức Thọ làm ông
mai, Phạm Hùng làm chủ hôn:
Hỡi cô con gái Đồng Nai
Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?
Hôm qua gió lạnh đìu hiu
Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương
Hôm nay trời tạnh mây quang
Gió xuân đầm ấm mùi hương đậm đà
Tự tình ta lại với ta
Say sưa bao xiết là ta với mình
Cho hay là giống hữu tình
Đố ai cắt được tơ mành làm đôi
Phải chăng đây là bài thơ duy nhất của Lê
Duẩn? Nghe như thơ của Nguyễn Bính vậy. Hình như Lê Duẩn thích thơ
Nguyễn Bính. Trong một lần Pháp càn vùng Đồng Tháp Mười, cơ quan phải di
chuyển. Trần Bạch Đằng và Lê Duẩn cùng đi trên một chiếc xuồng ba lá,
ông Đằng bơi lái, ông Duẩn bơi mũi, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra
sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa, bơi đêm, để quên mệt, ông Trần Bạch Đằng đọc
bài “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Ông Lê Duẩn bảo đọc to lên một
chút. Ông vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng bình: hay. Gần sáng, đến nơi
an toàn, ông bảo Trần Bạch Đằng đọc lại lần nữa và ông gật gù: Tay
Nguyễn Bính này giỏi thật.
Lê Duẩn cũng rất am hiểu các vấn đề văn
hóa. Một hôm, Trần Độ, bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung
ương được gọi lên báo cáo với Tổng bí thư về vấn đề văn hóa để chuẩn bị
cho Đại hội V. Ông hy vọng đây là dịp tốt để có thể trình bày với Tổng
bí thư toàn bộ quan điểm đổi mới về văn hóa theo kinh nghiệm của LX. Thế
nhưng, Trần Độ mới trình bày được mươi phút thì Lê Duẩn đã ngắt lời và
nói luôn một mạch cho đến hết buổi sáng. Nói về văn hóa nhưng cách diễn
đạt của Lê Duẩn đượm màu sắc triết học làm Trần Độ hết sức ngạc nhiên và
thích thú. Và như thế, suốt cả buổi sáng, Trần Độ không nói thêm được
một câu nào. Ông Duẩn hẹn chiều làm việc tiếp trong sự phấn khích. Trần
Độ hy vọng buổi chiều sẽ tìm cách trình bày cho được ý kiến của mình.
Nhưng vừa ngồi xuống ghế, chưa uống hết ly nước, ông Duẩn đã bắt đầu nói
một mạch hơn cả tiếng đồng hồ. Nhân lúc ông Duẩn dừng lại uống nước,
ông Độ chen vào nói, nhưng cũng chỉ được mươi phút, khi ông Độ dừng lại
nhìn vào sổ tay, ông Duẩn “chiếm lại diễn đàn” và cứ thế nói cho đến hết
cả buổi chiều.
Mặc dù không trình bày được ý tưởng của mình, song Trần Độ rất thán phục sự am hiểu về văn hóa của Lê Duẩn.