Lần đầu tiên tôi biết về nhà tù cộng sản là qua cuốn “Đêm giữa ban
ngày”. Khi đó tôi cũng đã 50 tuổi, và người khuyên tôi tìm đọc chính là
sếp cao nhất của cơ quan tôi. Ông nói đọc để biết sự tàn ác của cộng
sản, mặc dù ông cũng là cộng sản, là bí thư đảng ủy cơ quan. Một sự thức
tỉnh quá muộn mằn.
Quá nửa cuộc đời trở về trước, tôi chỉ được đọc về chuyện người cộng
sản bị cầm tù trong nhà tù “Mỹ, Ngụy”, chứ chưa bao giờ biết chuyện
người cộng sản bị cầm tù trong nhà tù cộng sản nó như thế nào. Chỉ chừng
đó những điều trong “Đêm giữa ban ngày”, cũng đủ để làm đổ vỡ chút lòng
tin mù quáng còn sót lại trong tôi. Thực không thể tưởng tượng nổi rằng
người lương thiện cũng có thể bị tống vào tù, bởi những người từng được
coi là anh em, đồng chí với mình. Sau này, tôi lại được biết thêm còn
nhiều người cũng bị đối xử tàn tệ như cha con cụ Vũ Đình Huỳnh. Với anh
em, đồng chí của họ còn bị như thế, thì số phận tù binh hoặc những người
“tù cải tạo” hẳn kinh khủng hơn rất nhiều.
Tôi tin rằng, cho dù pháp luật nước ta có kém văn minh đến đâu, chắc
chắn cũng không có điều luật nào cho phép đánh đập, bỏ đói, hay nhục mạ
tù nhân. Nhưng thực tế cho thấy trong nhiều nhà tù ở Việt Nam (nếu không
muốn nói là hầu hết), những người được cho là đại diện pháp luật đã lạm
dụng quyền lực của họ để thỏa mãn một sở thích bệnh hoạn, hay chỉ là
một sự trả thù vô cớ khi đày đọa thể xác và tinh thần của người bị giam
cầm. Trong tù, dường như tù nhân không chỉ mất quyền công dân, mà còn
mất cả quyền con người.
Tôi không tin tất cả bọn họ toàn những kẻ độc ác, vô tri vô giác, chỉ
biết tuân lệnh cấp trên như một cái máy. Tôi tin trong tâm thức họ, vẫn
có người phân biệt được chuyện đúng sai, tốt xấu. Tiếc rằng lòng tốt
trong họ chưa đủ mạnh để chiến thắng sự vô cảm và sự yếu hèn của bản
thân.
Từ khi Nguyễn Phương Uyên bị bắt giam, tôi đã hình dung những gì sẽ
đến với cô gái tuổi đôi mươi này. Tôi không sợ lắm cho tâm hồn non nớt
và ngây thơ của cô gái, sẽ bị tổn thương trong môi trường nghiệt ngã của
nhà tù. Nhưng xót thương là bản năng của con người. Đất nước đâu phải
thời chiến mà cần giam cầm, đày dọa những chàng trai, cô gái còn đang
tuổi ăn học, tuổi yêu thương? Việc họ giam Phương Uyên cùng với tù
thường phạm, muốn mượn tay giang hồ để đánh đập cô học trò nhỏ thì ai
cũng ngầm hiểu, đó là trò ném đá giấu tay của quản giáo. Tin Phương Uyên
bị đánh đập trong tù không những không làm cho người ta run sợ, mà chỉ
càng chuốc thêm sự căm phẫn và khinh bỉ đối với chế độ.
Dùng vũ lực để khuất phục kẻ khác luôn đồng nghĩa với sự bất lực về
nhân tâm. Tôi chắc rằng nếu tất cả mọi người dân Việt Nam dám nói thật
chính kiến của mình, đất nước này sẽ không xây đủ nhà tù để giam giữ
những người bất đồng chính kiến.