Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Lột vỏ phong bì sẽ thấy tham nhũng

phongbi2
Đào Tuấn

Câu chuyện nhận, hay không nhận phong bì, thực ra, sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ nếu những người thầy thuốc tự trọng bản thân, trước lời thề họ từng tuyên thệ. Cũng chẳng cần phải bàn nhiều nó được cởi bỏ lớp “phong bì” bên ngoài để gọi chính xác là tham nhũng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tại TP HCM, yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết  “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.
Bộ trưởng còn giải thích rõ: “Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”. Và Bà Bộ trưởng nói đến: “Văn hóa Việt Nam”, đến “Tấm lòng của người bệnh”.
Rồi cũng bà Bộ trưởng, cũng khẳng định “Tôi đâu có cho phép cán bộ y tế nhận phong bì sau khi điều trị cho bệnh nhân”.
Thế tóm lại là có cho nhận hay không cho nhận?
Câu trả lời của thực tế: Cho hay không cho thì vẫn cứ phải phong bì. Trước điều trị hay sau điều trị cũng vẫn phong bì, bởi phong bì là mũi tiêm không đau, là nụ cười, có khi chỉ nửa miệng của những người vẫn vỗ ngực tự xưng là mẹ hiền.
Nhưng sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi hôm qua, một đại biểu quốc hội cũng lên tiếng, rằng: “Phải để cho người ta bày tỏ lòng biết ơn vì bác sĩ tận tụy cứu chữa cho người ta thì không nên cấm, thậm chí, phải khuyến khích. Điều này tương tự như trong cuộc sống bình thường, thay lời cảm ơn mà người ta bày tỏ bằng việc gửi quà, bằng hình thức bằng tiền đấy thôi. Cấm điều này cực đoan và cũng không đúng”…
Và trước đó, một người thầy, thậm chí đang là giảng viên môn Y Đức và Y xã hội học ĐH Y Hà Nội tuyên bố chắc nịch: “Cho nhận phong bì là lựa chọn cách điều chỉnh hành vi ít xấu nhất, nói cách khác, vấn nạn đang ở bậc thang cao thì phải hạ xuống từ từ. Và nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy Bộ trưởng đang rất hướng thiện”.
Điều dễ nhận thấy nhất trong những ý kiến bênh bà Bộ trưởng là những người phát biểu có “thân phận” để không thể bị sách nhiễu, bị gợi ý, bị tiêm không đau. Tóm lại, họ không phải là dân đen thấp cổ bé họng.
Thưa bà Bộ trưởng, cái mà bà gọi là “Văn hóa Việt Nam” đó được gọi mỉa mai là các“chi phí không chính thức”, còn “tên tục”, trong các văn bản hành chính đích thị là tham nhũng.
Thưa vị ĐBQH, giữa lòng biết ơn để tự nguyện đưa phong bì và bị sách nhiễu để tự nguyện đưa phong bì, thực ra, không có ai làm trọng tài để phân định.
Và thưa thầy giảng viên môn Y đức, cho phép nhận tiền không thể chống được việc vòi tiền.
Huống chi, trong lời thề Hypocrates mà mỗi một sinh viên ngành y sẽ phải tuyên thệ, phải thuộc nằm lòng trước khi khoác áo trắng mẹ hiền chẳng phải đã nói đến việc Sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.
Câu chuyện nhận, hay không nhận phong bì, thực ra, sẽ chẳng có gì phải ầm ĩ nếu những người thầy thuốc tự trọng bản thân, trước lời thề họ từng tuyên thệ. Cũng chẳng cần phải bàn nhiều nó được cởi bỏ lớp “phong bì” bên ngoài để gọi chính xác là tham nhũng.
Còn bây giờ, thưa dân chúng, giữa 2 luồng ý kiến, có một cái tin nhỏ: Bắt đầu từ 1.8, Hà Nội sẽ tăng viện phí. Mức 75%. Và đến đầu 2015, sẽ tăng kịch trần.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"