Nguyễn Gia Kiểng
"... Sở dĩ ngày hôm nay đất nước chúng ta kiệt quệ như thế này cũng vì cái tâm lý tôn sùng bạo lực ấy. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Chúng ta tôn sùng bạo lực và ngạc nhiên thấy mình là nạn nhân của bạo lực."
Hồi còn ở tiểu học, tôi có làm một bài luận với đầu đề: Trong những
anh hùng nước Nam, em thích vị nào nhất? Hãy nói tại sao? Bài luận này
rất phổ thông, hình như người nào học tiểu học chương trình Việt cũng đã
gặp. Chỉ sau khi đảng cộng sản nắm chính quyền, câu hỏi mới không đặt
ra nữa, vì lúc đó người anh hùng vĩ đại nhất từ xưa đến nay của Việt nam
dĩ nhiên bắt buộc phải là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi chọn vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ. Lý do là vì ông ấy giỏi võ
và đánh thắng năm mươi vạn quân Thanh tại trận Đống Đa. Trong lớp tôi có
tới gần một nửa cũng chọn Nguyễn Huệ. Phần còn lại chọn Trần Hưng Đạo,
Đinh Tiên Hoàng, một vài đứa chọn Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Lê
Lai, Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt.
Sau khi du học Pháp về lôi hỏi một số giáo viên tiểu học về bài luận.
Họ cho biết năm nào cũng ra đề tài này và Nguyễn Huệ luôn luôn về nhất
khá xa, kế tiếp là Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng. Thỉnh thoảng có
Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Nguyễn Công Trứ.
Nói chung ba ngôi vị đầu vẫn thế, ở đoạn cuối bảng danh dự đã bắt đầu
xuất hiện những nhân vật mới có thành tích về văn hóa. Nhưng mẫu số
chung giữa các vị anh hùng này vẫn không đỗi: tất cả đều là võ tướng.
Nguyễn Trãi tuy xuất thân là nho sinh nhưng đã cầm quân đi đánh giặc và
làm quân sư (ở đây xin chú thích chữ quân sư thường được hiểu trong
ngôn ngữ dân gian là người bày mưu kế nhưng thực ra nó có nghĩa là tư
lệnh, các quân sư được ra lệnh cho các tướng). Nguyễn Công Trứ tuy
có sự nghiệp văn chương lớn, nhưng cũng là võ tướng, cầm quân đánh dẹp
khắp nơi, từng là Bình Tây Đại Tướng, ông được coi là người văn võ kiêm
toàn. Tuyệt đối kháng thấy Nguyễn Du, Lê Quí Đôn, Chu Văn An, Ngô Sĩ
Liên, Lê Văn Hưu, Phan Huy Chú. Như thế anh hùng của Việt nam bắt buộc
phải là võ tướng, và hơn thế nữa phải thắng trận. Trần Bình Trọng, Lê
Lai là những võ tướng được tôn vinh vì lòng can đảm, nhưng dần dần lọt
sổ. Trường hợp Nguyễn Trãi có điều đáng nói. Ông giúp Lê Lợi, cầm quân
đánh giặc giành lại được độc lập cho nước ta, nhưng gặp nạn ở cuối đời,
bị tru di tam tộc, về sau mới được Lê Thánh Tông phục hồi danh dự. Sự
oan nghiệt đó có lẽ đã không khiến ông xuất hiện một cách lộng lẫy dưới
con mắt của trẻ thơ.
Trẻ thơ là tấm gương soi tâm hồn của một dân tộc. Từ những bài luận
của học sinh tiểu học, phải suy ra rằng người Việt nam có tâm lý tôn thờ
bạo lực rất mạnh. Bạo lực càng nhiều, công đức càng cao.
Nguyền Huệ xuất thân là tướng cướp, nhờ liên hệ với quân Thượng và
quân gốc Chiêm Thành và đám cướp biên người Tàu mà mạnh dần lên, rồi nhờ
tài dùng binh mà lên làm vua. Ông là người đặc biệt hung tợn và hiếu
sát. Sự nghiệp của ông là những trận đánh khốc liệt trong đó người Việt
nam tàn sát lẫn nhau; chỉ có hai ngoại lệ là một trận đánh thắng quân
Xiêm và một trận Đống Đa, trong đó ông phá tan quân Thanh. Trong một bài
sau tôi sẽ trở lại với nhân vật Nguyễn Huệ và trận Đống Đa. ở đây tôi
chỉ xin đưa một nhận định tạm thời. Nếu nhìn một cách bình tĩnh thì công
lao của Nguyễn Huệ thực ra không thấm tháp gì so với những tàn phá và
chết chóc mà ông đã gây ra cho đất nước. Việc ông được tôn sùng quá đáng
tố giác một tâm lý kính sợ bạo lực của người Việt nam; việc người ta tô
vẽ cho ông nhưng đức tính mà ông hoàn toàn không có như giỏi trị nước
an dân, có lòng nhân ái, v. v... chứng tỏ rằng ta tôn sùng bạo lực tới
độ ta sẵn sàng làm đẹp nó.
Hình như ta còn cho rằng chỉ có những chiến công mới là đáng kể,
những gì đạt được phải đạt bằng bạo lực mới là hay. Chu Văn An đã viết
ra nhiều sách, Lê Quí Đôn có công làm ra bộ tự điển bách khoa đầu tiên,
Lê Văn Hưu mở đầu cho khoa sử ở nước ta, Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên
biết nhận định lịch sử một cách chính xác, có thể coi như nhà lý luận
chính trị đầu tiên của nước ta, Phan Huy Chú là tác giả công trình biên
khảo lớn nhất. Tuy vậy, tất cả đều không phải là những anh hùng dân tộc.
Nguyễn Du chỉ được biết tới như một nhà thơ lớn.
Không những người cộng sản, mà cả nhưng người chống cộng, đều nghĩ
rằng thành tích to lớn nhất và cũng là nền tảng của sự chính đáng của
đảng cộng sản là đã đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh phe quốc gia. Nhưng nếu
không đánh thì sao? Nếu biết vận dụng trí tuệ để tranh đấu bất bạo động
chắc chắn chúng ta cũng đã được độc lập và thống nhất không muộn hơn, mà
lại không phải trải qua những đỗ vỡ trầm trọng. Ta tôn thờ bạo lực ngay
cả khi bạo lực có hại.
Người cộng sản không có độc quyền tôn thờ bạo lực. Việt nam Quốc Dân
Đảng dù không có một hy vọng mảy may nào thắng được người Pháp bằng bạo
lực vẫn chủ trương dùng con đường bạo lực ngay từ đầu. Quyết định khởi
nghĩa năm 1930 chỉ là một quyết định tự sát.
Sự hấp dẫn của bạo lực đối với chúng ta quá mạnh. Mạnh đến nỗi ta
không những chấp nhận mà còn mơ ước bạo lực. Khi không có bạo lực, ta
phải cố bịa đặt để tưởng tượng rằng mình có bạo lực. Các tổ chức chống
cộng hải ngoại trước đây đều đồng thanh chủ trương phải giải phóng quê
hương bằng bạo lực, dù hoàn toàn không có phương tiện của bạo lực.
Ông Võ Đại Tôn có lực lượng gì đâu, ông chỉ cùng với hai ba người qua
biên giới Lào chụp ảnh để gây ấn tượng trong cộng đồng người tị nạn.
Ông Hoàng Cơ Minh lập một doanh trại ở Thái Lan rồi bảo đó là chiến khu
quốc nội. Trách họ là bịp bợm có thể đúng nhưng quả là quá dễ và, theo
tôi, không công bình. Họ phải làm như thế để tranh thủ sự ủng hộ. Giả
thử nếu ông Võ Đại Tôn không tạo cái ảo tưởng là có bạo lực thì ông cũng
không khác nhiều người hoạt động khác. Nếu ông Hoàng Cơ Minh không lập
chiến khu thì liệu ông có được sự ủng hộ mạnh mẽ đến thế không?
Sự thực ra cũng không thể trách họ là bịp bợm. Tôi sang Pháp lúc ông
Hoàng Cơ Minh đang nỗi như cồn. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người,
và không ai, kể cả những người ủng hộ ông, tin là ông có chiến khu thực
sự đâu. Vậy làm sao có thể nói là đã bị lừa gạt? Nói như vậy là không
thành thực. Sở dĩ người ta ủng hộ ông là vì ông đã có công tạo ra một ảo
tưởng bạo lực, và ảo tưởng đó là giấc mơ của đa số người tị nạn thời
đó. Họ đóng góp cho ông Hoàng Cơ Minh vì ông cho phép họ nuôi dưỡng giấc
mơ đó. Họ đóng góp cho ông để ông diễn tuồng kháng chiến võ trang cho
họ xem.
Ông Võ Đại Tôn đã phải trải qua mười năm tù tội. Ông Hoàng Cơ Minh đã
thiệt mạng. Nhiều người khác đang mòn mỏi trong các nhà tù. Họ là những
nạn nhân đáng thương của tâm lý tôn sùng bạo lực của người Việt nam.
Tôi không bao giờ tán thành bạo lực, và hoàn toàn không tán thành
đường lối đấu tranh của họ. Nhưng đối với họ tôi luôn luôn có một tình
cảm bùi ngùi, thương xót. Điều đáng trách là tâm lý tôn sùng bạo lực của
con người Việt Nam.
Nhóm Thông Luận đã bị phản đối dữ dội vì chủ trương từ bỏ bạo lực, và
do đó đụng chạm tới một sự sùng ái lâu đời. Một dân tộc không nhiều thì
ít cũng xứng đáng với số phận của mình.
Sở dĩ ngày hôm nay đất nước chúng ta kiệt quệ như thế này cũng vì cái
tâm lý tôn sùng bạo lực ấy. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Chúng
ta tôn sùng bạo lực và ngạc nhiên thấy mình là nạn nhân của bạo lực.
-- NGUYỄN GIA KIỂNG
(viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, 2000)
(viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, 2000)