Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Trong thời buổi khó khăn, bất đồng chính kiến công khai và đàn áp gia tăng ở Việt Nam

Thomas Fuller
Trần Thị Ngự chuyển ngữ


Một khu ổ chuột ở thành phố Hồ Chí Minh. Sự bất bình rộng rãi xuất hiện sau thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1990. Ảnh Justin Mott chụp cho tờ International Herald Tribune.
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, Việt Nam - Giá sách của ông đầy ắp các tuyển tập của của Marx, Engels và Hồ Chí Minh, dấu ấn của một sự nghiệp trung thành với Đảng Cộng sản, nhưng Nguyễn Phước Tường, 77 tuổi, nói rằng ông không còn là một người cả tin nữa. Từng là một cựu cố vấn của hai thủ tướng, ông Tường, như rất nhiều người dân Việt Nam ngày nay, đang bày tỏ mạnh mẽ sự chống đối chính phủ.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn hộ của ông ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh: "Hệ thống chính trị của chúng tôi bây giờ là chế độ độc đảng chuyên chế. Đã ở từng ở bên trong hệ thống, tôi hiểu tất cả các sai sót của nó, tất cả các thiếu sót của nó, tất cả các suy thoái của nó. Nếu hệ thống không được sửa đổi, nó sẽ tự sụp đổ."

Phe đã chiến thắng quân đội miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn vào năm 1975 đang đối mặt với sự tức giận gia tăng trong lúc kinh tế suy thoái và sự chia rẽ do sự tranh chấp giữa những người theo phái bảo thủ muốn duy trì sự chỉ đạo đất nước theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa với sự độc quyền về quyền lực và những người kêu gọi cho một hệ thống đa nguyên hơn và đi theo chủ nghĩa tư bản môt cách toàn diện.
Có lẽ cái quan trọng nhất là phe chiến thắng đang phải cố gắng chống chọi với với một xã hội đã có được thông tin tốt hơn và hay chỉ trích hơn vì các tin tức và ý kiến được lan rộng qua mạng Internet, phá hỏng các ý đồ của phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
Kể từ khi thống nhất đất nước 38 năm trước đây, Đảng Cộng sản đã từng bị thử thách bởi các cuộc xung đột với Trung Quốc và Campuchia, các cuộc khủng hoảng tài chính và những rạn nứt nội bộ. Theo Carlyle A. Thayer, một trong những học giả hàng đầu ở nước ngoài về Việt Nam, sự khác biệt ngày hôm nay là sự chỉ trích các nhà lãnh đạo "đã bùng nổ trên toàn xã hội."
Tiến sĩ Thayer nói, nếu như trong một môi trường không độc tài, các chia rẽ trong đảng đã thực sự khuyến khích tự do ngôn luận vì các phe phái đang mong muốn bôi nhọ nhau. Ông nói, "Có một sự trái ngược ở Việt Nam. Bất đồng chính kiến đang nở rộ, nhưng cùng một lúc đàn áp cũng [nở rộ] như vậy."
Khi tiếng nói bất đồng chính kiến đã gia tăng gấp nhiều lần trong 92 triệu người dân Việt Nam, chính phủ đã cố gắng trấn áp. Tòa án đã kết án tù nhiều blogger, nhà báo và các nhà hoạt động, nhưng các chỉ trích, đặc biệt là trực tuyến, vẫn tiếp tục hầu như không suy giảm. Chính phủ ngăn chặn một số trang mạng, nhưng nhiều người Việt sử dụng các phần mềm hoặc những trang web để xoay sở đối phó với kiểm duyệt.
Trương Huy San, một nhà văn, nhà báo và blogger nổi tiếng cho biết, "Nhiều người đang cố gắng thể hiện mình hơn trước, chỉ trích chính phủ. Và những gì họ đang nói nghiêm trọng hơn nhiều."
Ông San, người đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard, là tác giả của cuốn "Bên Thắng Cuôc," một cuốn sách mang tính phê phán và toàn diện nhất về lịch sử Việt Nam kể từ năm 1975 được viết bởi bởi một người ở trong nước. Được nhiều người đọc ở Việt Nam, cuốn sách, gồm hai tập được viết dưới bút danh Huy Đức và in không có giấy phép của chính phủ, mô tả các hành vi như khai trừ những đảng viên thiếu trung thành và tịch thu tài sản của các chủ doanh nghiệp ở miền Nam Việt Nam.
Đối với du khách tình cờ đến Việt Nam, các bằng chứng bề ngoài của phát triển kinh tế khó có thể làm họ hiểu được sự bi quan sâu xa mà nhiều người trong đất nước này đã bày tỏ. Hàng triệu người khi một thập kỷ trước chỉ có cái xe đạp thì nay phóng xe gắn máy ào ào qua các nhà máy và tòa nhà cao tầng dùng làm văn phòng.
Nền kinh tế nở rộ trong những năm 1990 sau cải cách đã sản sinh ra một hỗn hợp kỳ quặc của một nền kinh tế thị trường với sự giám sát chặt chẽ bởi Đảng Cộng sản của Việt Nam. Ngay cả bây giờ, kinh tế Việt Nam vẫn còn được dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4 phần trăm đến 5 phần trăm trong năm nay, một phần nhờ vào xuất khẩu mạnh về gạo, cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Nhưng thị trường bất động sản đang đóng băng do dư thừa công suất, các ngân hàng đang gánh các khoản nợ xấu, báo chí đăng những bài viết về tình trạng thất nghiệp gia tăng, và đất nước này được tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tố chức theo dõi tham nhũng toàn cầu, xếp hạng trong những nước có tham nhũng nhiều nhất thế giới (đứng thứ 123 trong danh sách 176 quốc gia, trong đó những nước có thứ hạng thấp thì mức độ tham nhũng thấp hơn).
Doanh nhân Việt Nam phàn nàn về việc phải chiụ đựng quá nhiều quy định của chính phủ áp đặt bởi một đảng tin rằng nó có thể là đội tiên phong của các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa.
Peter R. Ryder, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, một công ty đầu tư tại Việt Nam cho biết, "Trong 21 năm của tôi ở đây tôi chưa bao giờ thấy mức độ vỡ mộng đối với chính quyền như thế này trong giới trí thức và doanh nhân. Có cuộc tranh luận rất có ý nghĩa trong cộng đồng kinh doanh và trong đảng - những người rất quan tâm về chiều hướng đất nước này đang đi."
Và nhiều người nói rằng Việt Nam đã mất phương hướng, bất kể xã hội này tỏ ra rất cần cù và dân số trẻ.
Ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hàng đầu, cho biết tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, một cuộc họp được tổ chức vào đầu tháng Tư bởi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mà ông tham dự và mô tả là "bão tố," các người tham gia "đã tranh nhau để có cơ hội phát biểu." Ông nói đã có rất nhiều lời chỉ trích rằng mặc dù nền kinh tế cần tái cơ cấu sâu rộng, hầu như không có điều gì được thực hiện."
Ông Doanh nói, "Đó là một cuộc khủng hoảng lòng tin. Mỗi năm đều có những lời hứa rằng tương lai sẽ sẽ tốt hơn, nhưng người ta không thấy nó xảy ra."
Trung tâm của cơn bão chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã nắm quyền từ năm 2006. Phong cách nóng nảy của ông Dũng và chương trình kinh tế đầy tham vọng thoạt đầu đã giành cho ông sự ủng hộ vì ông đả đột phá khỏi khuôn mẫu của các viên chức ù lì của đảng.
Nhưng ông tạo ra một khoảng cách giữa mình và nhiều đảng viên bằng việc bãi bỏ một ban cố vấn được coi là lực lượng dẫn đầu đứng sau chương trình cải cách (và trong ban cố vấn ấy có ông Tường, một học giả về lý thuyết Mác trong số các đảng viên cao cấp khác).
Quan trọng hơn, chính sách nổi tiếng của ông Dũng, việc đẩy mạnh việc xây dựng các công ty nhà nước theo đường lối của các tập đoàn tư nhân Hàn Quốc, bị phản tác dụng.
Các nhà kinh tế nói rằng các doanh nghiệp điều khiển bởi những giám đốc điều hành có quan hệ chặt chẽ với hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản đã mở rộng sang nhiều loại kinh doanh mà họ không đủ trình độ để quản lý và đã đầu cơ thị trường chứng khoán và bất động sản. Hai trong số các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất gần như sụp đổ và phá sản.
Ông Tường, một học giả về lý thuyết Mác, cho biết những căng thẳng trong Đảng Cộng sản đã tăng lên bởi những khó khăn về kinh tế.
Vào tháng Hai, ông đã giúp viết một bức thư ngỏ đến Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi thay đổi Hiến pháp để "đảm bảo rằng quyền lực thực sự thuộc về nhân dân." Ông vẫn chưa nhận được trả lời.
Ông Tường nói ông đã sốt sắng thúc đẩy sự thay đổi kể từ ngày ông làm cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã giúp cải tổ kinh tế trong những năm 1990.
Nhưng hôm nay ông cảm thấy áp lực của thời gian. Ông bị ung thư, mặc dù nó cho thấy có thuyên giảm, và ông nói vể căn bệnh như một sự giải phóng trí tuệ thúc đẩy ông nói những điều mà bây giờ ông coi là sự thật.
"Nói một cách tóm gọn, Marx là một nhà tư tưởng lớn," ông nói. "Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta không có Marx."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"