Ảnh internet
Phải khẳng định điều này: tất cả các cuộc khiếu kiện đất đai trên cả
nước nhiều năm nay, không có cuộc khiếu kiện nào, dù nhỏ lẻ một cá nhân
lại không có màu sắc chính trị. Hiểu cách đơn giản nhất là khi quyền lợi
của họ bị xâm phạm, họ có quyền lên tiếng, đòi hỏi, thậm chí là chống
lại những bất công áp đặt của người khác (chính quyền) lên quyền lợi đó.
Gia đình là tế bào xã hội – tổ chức chính trị đầu tiên.
Ai cũng nằm lòng khi phải học triết học Marx câu nói trên. Đơn vị nhỏ
nhất (về mặt tổ chức) trong xã hội chính là gia đình. Nhiều gia đình
thành làng, xã, tỉnh, thành, quốc gia. Nhà nước lập ra để điều hành các
tế bào đó hoạt động không hỗn loạn và công bằng. Một cách tự nhiên, con
người sinh ra, khi hít hơi thở đầu tiên là mặc nhiên được xâm nhập vào
hệ thống vận hành của xã hội, chính thức tham gia vào tổ chức chính trị
nơi họ làm người. Bởi thế, triết gia Arisotle khẳng định, con người theo
bản năng tự nhiên đã có tính chính trị rồi.
Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra,
gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động
trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và
điều chỉnh những luật lệ chung đó. Khi luật lệ chung này có vấn đề thì
đương nhiên sẽ có bộ phận dân chúng phản ứng với sự sai khác này. Hành
động của họ, đương nhiên, là hành động chính trị.
“Ai thắng ai”?
Nếu chính quyền hiện tại ở Việt Nam coi chính trị chỉ là những hoạt
động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước theo lý
luận của chủ nghĩa Marx, thì đương nhiên cuộc đấu tranh của người dân
hiện nay đang đe dọa sự tồn vong của chính thể đương thời. Và cuộc đấu
tranh của những người dân mất đất, mất không gian sống, lao động với
những người có quyền tịch thu, cưỡng chế, định đoạt mảnh đất của họ là
cuộc đấu tranh giai cấp. Kẻ đi cưỡng đoạt hầu hết xuất thân từ giai cấp
cùng khổ, như nông dân bây giờ, nhưng nhờ đặc quyền, họ đã trở thành
giai cấp đối lập với người dân – giai cấp mới, tư bản đỏ.
“Màu sắc chính trị” của các đoàn khiếu kiện đất đai mà ông Tổng thanh tra chính phủ đề nghị cưỡng chế thể hiện mâu thuẫn sâu sắc cuộc chiến “ai thắng ai” - một biến tướng của cuộc cách mạng vô sản lúc thoái trào.
Trong cuộc chiến “ai thắng ai” về thực chất vẫn là cuộc đấu
tranh giai cấp: giai cấp vô sản bị bần cùng hóa, với giai cấp hữu sản
nảy sinh trong công cuộc xây dựng CNXH. Mục tiêu xóa bỏ bóc lột đến giờ
đã có thể khẳng định không thể thực hiện được mà càng làm trầm trọng hơn
sự cách biệt này. Nhưng nhiều tinh hoa, trí tuệ của giai cấp bóc lột
xưa không được thể hiện trong giai cấp mới này. Vì vậy, sử dụng mọi lợi
thế mà giai cấp mới có được nhờ quyền lực là phương cách để họ sử lý
những vấn đề có “màu sắc chính trị” kể cả bằng bạo lực (cưỡng chế) như ông tổng thanh tra dã tuyên bố.
Vậy là cuộc chiến “ai thắng ai” vẫn đang còn tiếp diễn ở mức độ cao hơn, tàn khốc hơn khi nó nhằm vào chính nhân dân mình.
Nền chính trị nào cho nhân dân?
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập, nền chính trị tuyên truyền sử
dụng hết công xuất để huy động mọi nguồn lực xã hội cho các cuộc chiến
đấu. Và khi hoà bình, vẫn nền chính trị đó, hướng mũi nhọn vào sự đối
lập hình thành trong xã hội để bảo toàn quyền lực.
Đến giờ phiên tòa xét xử những tên côn đồ dùng vũ khí tấn công người
dân Văn Giang vẫn chưa kết thúc. Ai cũng tin rằng, những kẻ lưu manh đó
không có quan hệ kinh tế hay quyền lợi liên quan nào đến mảnh đất người
dân Văn Giang cố gìn giữ bằng cả máu của mình. Vậy tại sao chúng lại
ngang nhiên hành xử độc ác như vậy với dân Văn Giang? Ai đứng đằng sau
chúng? Ai cho phép chúng hành động trắng trợ như vậy? Câu hỏi này chính
quyền không muốn trả lời.
Ngay như hôm qua, 21/4, tại Tiên Lãng (Hải Phòng), nơi vụ án Đoàn Văn
Vươn còn chưa chìm tiếng, thì ở xã Đại Thắng lại xảy ra việc Công ty cổ
phần Hoa Thành thuê hàng trăm côn đồ đánh dân trong khi cưỡng chế đất,
làm 6 người bị thương phải đi viện. Hệ thống chính trị tại địa phương
dường như tê liệt trước những vụ việc này.
Nếu “tính sổ” các vụ mà những người bất đồng chính kiến bị
khủng bố dưới mọi hình thức như ép chủ nhà cắt hợp đồng thuê nhà; đuổi
họ ra đường; đuổi việc; ném rắn vào nhà; đổ phân, nước thải lên tường,
mà điển hình là số phận của bốn bố con ông Hoàng Ngọc Tuấn (ở Tam Kỳ);
đón đầu đánh đập trên đường như vụ anh Nguyễn Chí Đức gần đây,…thì nhiều
không kể xiết. Những hành vị bạo lực đó chưa có ai đứng ra nhận trách
nhiệm? Cũng chưa có một cơ quan nhà nước nào điều tra, lên án, bảo vệ an
ninh cho công dân. Người dân bỗng dưng như bị đẩy ra khỏi hệ thống
chính trị mà theo lẽ tự nhiên, họ đã tham gia vào từ khi lọt lòng.
Những vụ việc như kể trên có mang “màu sắc chính trị” không, thưa ông Huỳnh Phong Tranh? Và là nền chính trị nào, phục vụ ai?
Khi ông Tranh tuyên bố, chính quyền sẽ cưỡng chế các vụ khiếu kiện có “màu sắc chính trị”,
thì khác gì đẩy người dân ra khỏi hệ thống chính trị đất nước? Không lẽ
chính trị là đặc quyền của các chính khách, những người có quyền lực?
Ta có thể hình dung, cảm nhận đau đớn tiếng kêu vô vọng của người dân tuyệt vọng đến mức nào và còn “siêu tuyệt vọng” tới đâu…Bởi không biết từ bao giờ, vì lẽ gì dân chúng đã bị “đẩy”
ra ngoài đời sống chính trị của đất nước nơi họ đang sống – một đất
nước họ đổ nhiều xương máu để dựng lên một chính thể phủ nhận quyền được
sống của họ? Nói như Aristotle thì “chỉ con người mới có được ý thức về thiện và ác, về công bằng và bất công”. Không lẽ ý thức thiên phú này trở thành “màu sắc chính trị” trong mắt chính quyền với động cơ xấu?
Vẫn triết gia thời cổ đại viết: “Nếu có kẻ nào vì bản tính tự
nhiên, chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng
đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân
hơn người”. Thế nên dù mất mát, đau khổ, vô vọng thì người dân vẫn
neo buộc vào hệ thống chính trị hiện nay vận hành theo nguyên tắc đặc
quyền đặc lợi của những kẻ có quyền lực và tiền lực.
Và, những cuộc khiếu kiện mang “màu sắc chính trị” sẽ ngày
càng nhiều. Cho dù họ đang bị đe dọa: sẽ bị cưỡng chế, thu thập chứng cứ
để xử lý…cũng theo ông Tổng thanh tra chính phủ đã chỉ đạo.
Và, không thể khác được, trong hệ thống chính trị ấy sẽ sản sinh ra những hành động được gọi là “màu sắc chính trị”
của nhân dân vận hành theo cách dân gian để chống lại nền chính trị đã
bị giai cấp hóa, bạo lực hóa, đồng tiền hóa, thậm chí lưu manh hóa…Đó là
nền chính trị toàn dân thức tỉnh.