Gocomay
Không hiểu sao suốt mấy hôm nay, sau đi đọc cái tin “Chết để con được đi học!” trên báo Pháp Luật TP tôi cứ nghĩ nếu không có cái ngày 30.04 của cái Bên thắng cuôc thì liệu người mẹ Việt Nam họ Nguyễn kia
có phải làm cái việc vô cùng thương tâm là thắt cổ tự vẫn để khỏi
phải là gánh nặng đè lên một gia đình đang có 3 đứa con đang học hành
tấn tới hay không?
Từ khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, cụ Hồ Chí Minh, người khai sinh ra chế độ Cộng sản - cha đẻ của Bên thắng cuôc chả vẫn
mong cho mọi người dân Việt Nam đều ”có quyền được sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc” và “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được
học hành” là gì?
Vậy mà người Việt Nam đã đổ hàng núi
xương sông máu suốt từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau trong cuộc trường
chinh để có được một ngày 30.04.1975. Sau 38 năm “đất nước trọn niềm
vui” non sông liền một giải lại có những hoàn cảnh mà chính người trong
cuộc đã phải cay đắng thốt ra “Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí” (Lời chị Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) hay sao?
Cho nên tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, giả dụ
không có cả bên thắng cũng như bên thua trong cái cuộc một mất một còn
“ai thắng ai” giữa hai ý thức hệ cộng sản và tư bản. Hay nếu có sự hoán
đổi lại giữa người thắng và kẻ thua. Một vùng miền Tây đất phì nhiêu với
cây trái quanh năm tươi tốt, với đầu tầu kinh tế phát triển bậc nhất
trong khu vực với danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông”… thì liệu người mẹ Cà Mau đáng thương kia có phải dùng cái chết để mưu cầu học hành cho 3 đứa con của mình hay không?
Nhắc đến chuyện tư bản (“giẫy chết”) tôi lại nhớ tới trường hợp một gia đình họ Nguyễn người
Việt ở cùng tiểu bang với tôi. Do bị bác đơn tỵ nạn nên bị trục xuất về
Việt Nam hồi tháng 11.2011. Gia đình này tới Đức xin tỵ nạn chính
trị từ một nước thứ ba (Tiệp) và đã bị từ chối do không hội đủ điều kiện
theo như luật hiện hành của Đức qui định. Nhận giấy trục xuất lần đầu,
gia đình họ đã chạy trốn vào nhà thờ nhờ che chở. Thấy tạm yên, họ lại
ra sống bên ngoài để con cái tiếp tục tới trường. Nhưng vào lúc bình
minh chưa lên trong một ngày của tháng 11.2011, cả gia đình họ Nguyễn bị cảnh sát Đức bấm chuông cửa yêu cầu gói ghém hành lý vào đưa thẳng ra sân bay trục xuất về Việt Nam. Trừ cô con gái
lớn 20 tuổi đang học đại học đủ tiêu chuẩn được ở lại theo luật định.
Bình luận về việc này, về luật thì cảnh sát địa phương nói riêng và
chính quyền Đức nói chung là không làm sai. Nhưng về cái tình người thì
chưa ổn.
Nên đã bị dư luận Đức lên án mạnh mẽ.
Khiến đích thân ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiểu bang Niedersachsen
(người đã ký lệnh trục xuất) đã phải đứng ra giàn xếp và chịu mọi phí
tổn rất tốn kém để đưa gia đình họ Nguyễn kia được quay lại Đức sinh sống để con cái họ tiếp tục được học hành… sau 3 tháng bị gián đoạn.
Liên hệ với trường hợp của gia đình chị Nguyễn ở
Cà Mau. Sau khi chị đã nằm sâu dưới mồ rồi, báo chí và chính quyền mới
vào cuộc và than: “Lẽ ra người mẹ ấy không chết” thì người mẹ xấu số kia
cũng không thể sống lại được nữa. Nhưng nỗi đau của những người thân
của chị và rộng ra là cả xã hội sẽ không bao giờ lành.
Đến bao giờ mới hết được cảnh ”mất bò mới lo làm chuồng”? Đến bao giờ những người vẫn say men chiến thắng 30.04 của Bên thắng cuôc mới bắt tay vào hành động chứ không phải chỉ an ủi đãi môi (“Một trường hợp quá đau lòng. Tôi đã chỉ đạo đào sâu, làm rõ. Nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương” - lời ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau). Trong khi cái chết của chị Nhân đã được
báo trước từ một tháng trước (y nguyên lý do trong thư tuyệt mệnh chị
để lại). Đặc biệt trước khi quyên sinh 3 ngày chị vẫn còn gặp ông Trần
Đại Đoàn, Bí thư xã An Xuyên nài xin được cấp sổ hộ nghèo để có thể vay
ngân hàng tiền đóng học phí cho con. Nhưng chỉ nhận được lời hứa sẽ xem
xét của ông đảng trưởng ở địa phương. Mà những lời hứa “sẽ xem xét” như
thế chắc chị đã được nghe cán bộ đảng nói đi nói lại quá nhiều lần nhưng
rồi cứ biệt tăm nên buộc chị phải chọn cái chết thương tâm như vậy
chăng?
“Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí”. Vậy ai đã làm nên cái qui định ”đè chết người” ấy, nếu không phải những người ở Bên thắng cuôc?
Nhắc đến chuyện viện phí, tôi lại nhớ tới
chuyện cách đây đã ngót 20 năm. Tôi được anh bạn già mời tới
nhà hàng ăn cỗ cưới. Chả thiệp thiếc gì, anh ta chân tình nói với tôi: “mình rổ rá cạp lại sống độc thân đã lâu, nay có bà đầm (người Việt) ở Mỹ thương mà sang đây (Đức) làm
đám cưới để đón sang cùng sống ở bển với bà. Hoàn cản hai người đều eo
hẹp nên mình không muốn làm to. Chỉ mươi người trong gia đình và bạn bè
thân nhất tới nhà hàng ăn bữa cơm mừng ngày ký giấy kết hôn thôi…”. Đùng cái tới
đúng cái ngày “đại hỷ” thì vào khoảng 4 giờ sáng “cô dâu tương lai” bị
cảm ngã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc hữu sự mới phát hiện ra “bà
đầm mũi tẹt” đã “quên” không mua bất cứ một thứ bảo hiểm y tế (vãng lai)
nào ngoài mỗi chiếc thẻ xanh cư trú tại Hoa Kỳ. Trong lúc ”nước sôi lửa
bỏng” bệnh viện Đức, sau khi trao đổi với chính quyền địa phương vẫn
tận tình cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau đó bà đầm Việt còn
phải nằm điều trị và phục hồi tại bệnh viện tới hơn 3 tháng trời mới có
thể nhúc nhắc đi lại được để lên máy bay về lại Mỹ quốc. Tổng chi
phí phải trả cho bệnh viện tới 180 ngàn Đức Mã (DM) theo thời giá lúc
bấy giờ. Nhưng cơ quan Xã hội và Từ thiện Đức chấp nhận trả hết cho bệnh
viện không thiếu một xu. Tai họa ập đến khiến đám cưới (như dự kiến)
của anh bạn tôi bị dừng lại vô thời hạn. Thật buồn. Nhưng lại được an ủi
phần nào vì thấy ở xứ sở của tụi “giẫy chết” chúng không muốn bị mang
tiếng vì chuyện “viện phí” mà nỡ “đè chết” một ai, dù đó là dưng.
Đã có người nói với tôi, sở dĩ những nước
như Đức và Nhật có được một nền dân chủ nhân quyền vững chắc như ngày
nay. Chính là nhờ họ là những người ở bên thua cuộc. Bị thua cuộc họ
đã bị chế tài, bị chia cắt, bị chiếm đóng. Trong cái rủi đó đã tạo nên
cái may để họ có thể vươn lên trở thành những cường quốc hùng mạnh vào
top đứng đầu thế giới về mọi mặt như hiện nay.
Nghĩ về ngày 30 tháng tư này. Với cá nhân
tôi là kỷ niệm tròn 35 năm ngày vợ chồng tôi làm đám cưới, ngày vui
trăm năm của một đời người. Nhưng với cả dân tộc thì chưa hẳn. Bởi
30.4 đã có “hàng triệu người vui bên cạnh hàng triệu người buồn” (ý câu
nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Càng buồn hơn, vào dịp kỷ niệm 30.4 lần
thứ 38 này đã có một người mẹ Việt Nam ở nơi đất mũi Cà Mau tận cùng của
tổ quốc đã phải tự vẫn do bệnh tật và quá nghèo mà không xin được “sổ
hộ nghèo”. Người mẹ này chưa qúa 50. Đã chọn cái chết để giảm gánh nặng
cho chồng con. Để các con có điều kiện tiếp tục con đường học hành. Chị
mất đi nhưng niềm hy vọng nhờ cái chết “có ích” của mình mà chồng con có
thêm chút thu nhập nhờ tiền phúng điếu và đỡ tiêu tốn 140
ngàn đồng tiền viện phí mỗi ngày… Như vậy đã đủ “trọn niềm vui” chưa
thưa tất cả những ai còn lương tri ở Bên thắng cuôc?
Đất nước mình đã hết chiến tranh. Nước
nhà đã giành được độc lập thống nhất mà người dân không được hường hạnh
phúc thì nền độc lập ấy phỏng có nghiã lý gì??? *
* Một ý trong câu nói của Hồ Chí Minh