Đào Hiếu
Cách đây 26 năm tôi có viết một truyện
dài dựa theo cuộc đời của anh thương binh Phan Thành Lợi. Đây là sáng
kiến của bà Đỗ Duy Liên, lúc ấy là phó chủ tịch UBND Thành phố HCM.
Anh Lợi quê ở Củ Chi, là một thương binh
bị cụt cả hai tay, hai chân. Lúc đó anh được cấp một căn hộ nhỏ trong
“làng phế binh” Thủ Đức.
Tôi lui tới làm việc với anh trong vài
tháng và viết xong một truyện dài lấy tên là QUA SÔNG. Tác phẩm được nhà
xuất bản Văn Nghệ in năm 1986 với số lượng là 10.150 cuốn, khổ 13x19cm.
Hồi đó sách in bằng giấy đen, sần sùi, trông rất xấu xí, nhưng vẫn không đủ sách để mà bán.
Sau khi anh Lợi qua đời vì những thương
tích cũ hành hạ, tôi gần như quên tác phẩm ấy, một phần vì tôi nghĩ đó
chỉ là một cuốn sách viết theo đơn đặt hàng, và phần khác vì đề tài
“cách mạng” không còn được độc giả quan tâm nữa, do những tác động quá
tệ hại của guồng máy tham nhũng ngoài xã hội.
Hai mươi bốn năm sau, trong lúc nhàn
rỗi, tình cờ đọc lại “Qua Sông”, tôi không thể ngờ rằng trong quá khứ
mình đã từng tiếp xúc với một anh du kích Củ Chi lạ lùng như vậy, đã
từng viết về một cuộc tình đau đớn như vậy.
Tôi từng xem những phim chiến tranh
thuộc loại tầm cỡ của điện ảnh Mỹ như “Giải cứu binh nhì Ryan”, “Huyền
thoại mùa Thu”, “Cuốn theo chiều gió”, “Trung đội”…nhưng chưa từng thấy
nhân vật nào có số phận nghiệt ngã như anh Phan Thành Lợi, chưa từng
thấy có chiến trường nào bi thảm như chiến trường Củ Chi khi phải hứng
chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52 trong trận càn Cedar Falls
đẫm máu đầu năm 1967.
Đọc lại QUA SÔNG, tôi chợt “ngộ” ra một
điều, đó là: cuộc chiến vừa qua không phải là cuộc chiến của những người
đang cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, mà là cuộc chiến của những người
lính đã chết ngoài mặt trận, của những thương binh như Phan Thành Lợi,
của những cô giao liên dũng cảm như Huệ, của những bà mẹ thui thủi chờ
mong con bên ánh đèn dầu, của những đôi lứa yêu nhau đã phải chia lìa
chỉ sau một trận đánh, của những trẻ thơ chết như rạ giữa đồng sau một
trận pháo bầy.
Còn chúng ta, những người đang cướp bóc,
đang giành giựt của cải và quyền lực… chỉ là một lũ ăn theo, một bọn
dây máu ăn phần, một phường hôi của bần tiện.
Trong kháng chiến chống Mỹ, những người
như anh Lợi cứ nghĩ rằng mình là “cộng sản” nhưng thực tế họ không hề
biết chủ nghĩa cộng sản là gì. Ở các đô thị miền Nam cũng vậy: Có những
trí thức trẻ đã đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, thậm
chí đã là đảng viên, nhưng vẫn không phải là một người cộng sản, vì
không hề quan tâm đến triết học Mác-Lênin và cũng không muốn tìm hiểu
nó.
Lúc ấy, những người như anh Lợi cứ tưởng
rằng Đảng đang lãnh đạo họ, thực tế là Đảng chỉ giao việc cho họ, còn
lãnh đạo họ chính là lòng yêu nước.
Lúc ấy, những người như anh Lợi tưởng
rằng mình đang “cùng hội cùng thuyền” với Đảng cộng sản, thực tế họ chỉ
“cùng thuyền” mà không bao giờ “cùng hội”.
Cái con thuyền Mặt trận GPMN cũng như
Mặt trận Việt Minh có nhiều người ngồi trên đó, có cộng sản lẫn không
cộng sản, thậm chí có cả người chống cộng.
Họ có cùng một điểm đến là đánh đuổi
ngoại xâm và một người cầm lái: đó là Đảng. Họ không biết Đảng là ai,
chỉ đến khi thuyền cập bến, thấy Đảng coi những thành phần khác là
“khách sang sông” và gạt họ qua một bên để nắm trọn quyền lực và quyền
lợi, thì đã muộn rồi.
Tôi cũng từng là một người “khách sang
sông” như thế. Tôi cũng đã từng đứng ở một chiến tuyến. Vì thế với tư
cách nhà văn, tôi thấy có trách nhiệm ghi lại bi kịch của những người
lính trong chiến tuyến đó.
Những nhà văn ở chiến tuyến bên kia cũng
đã viết về số phận, về nỗi đau của những người lính trên chiến tuyến
ấy. Đó là quyền của người cầm bút.
Những tác phẩm của hai bên sẽ bổ sung cho nhau, góp phần tạo nên diện mạo của một người-lính-việt-nam-nạn-nhân-chiến-tranh, trong thân phận chung của một dân tộc cùng khổ và bất hạnh.
Thật là ngu ngốc biết bao nếu chúng ta
cứ công kích nhau, bôi lọ nhau và bôi lọ những người đã chết cho cuộc
chiến tranh khốn nạn này.
Thật là rồ dại biết bao nếu lòng chúng ta vẫn còn nuôi nấng hận thù…
Thù ai? Những người du kích, những anh
bộ đội cụ Hồ, những anh lính Cộng hòa, những trí thức, những công chức
trong guồng máy của cả hai miền Nam Bắc… họ là kẻ thù sao? Không. Họ chỉ
là nạn nhân, họ đã bị lừa gạt, bị xúi giục căm thù, bị xúi giục cầm
súng… nhưng tất cả họ đều chỉ là nạn nhân. Và phần lớn họ đã chết: trên
rừng, dưới biển, trong đồng bưng, ngoài biên giới, hải đảo, trong các
nhà tù, các trại cải tạo. Số còn lại cũng đã già rồi, lẫn khuất đâu đó
trong làng xóm, trong ngõ hẻm, trong sình lầy hay khói bụi.
Vậy thì kẻ thù của nhân dân là ai? Đó
chính là bọn cầm quyền của cả hai chế độ, bọn tướng lãnh đầu sỏ của cả
hai chế độ. Và các thế lực ngoại bang đứng đàng sau cuộc chiến để thủ
lợi. Chính chúng đã phát động chiến tranh, đã điều khiển chiến tranh, đã
ra lệnh và đã làm chết hàng chục triệu người, đã làm tan nát bao nhiêu
gia đình.
*
Cuộc nội chiến vừa qua quá rộng lớn, quá
hung dữ. Nó đã kéo cả dân tộc vào cơn điên của nó, nó chi phối, nó
quyết định mọi số phận, mọi cảnh đời, nó hành hạ, chà đạp, hủy diệt.
Nó phanh thây tổ quốc.
Dù chọn lựa hay không chọn lựa, anh
cũng phải bị cuốn theo dòng chảy của nó. Cả dân tộc đều là nạn nhân của
chiến tranh, kể cả những người đã cầm súng và đã chiến đấu, đã giết và
đã bị giết.
Vậy thì tại sao lại cứ đòi cho được rằng hồi đó theo cộng sản hay theo Mỹ là có tội?
Tôi hỏi anh, khi những người lính của cả
hai bên chiến tuyến xả thân giữa bom đạn, đầm đìa máu tươi nơi rừng
sâu, nơi đồng bưng, nơi ngục tù ác nghiệt của Mỹ-Thiệu, nơi trại cải tạo
bạo tàn của cộng sản… thì anh đang làm gì? Anh đang ở đâu? Nếu anh
không từng là nạn nhân của cuộc chiến ấy, thậm chí nếu anh lợi dụng
cuộc chiến ấy để trục lợi cá nhân như củng cố địa vị, quyền lực, hay đầu
cơ chiến tranh để làm giàu thì anh lấy tư cách gì để trách móc?
Là một người du kích, Phan Thành Lợi nói
năng, hành xử, suy nghĩ rất rạch ròi: “địch – ta” nhưng thực chất anh
cũng chỉ là một người lính, chẳng khác gì những người lính Cộng Hòa ở
bên kia chiến tuyến.
Phan Thành Lợi là một người lính được số
phận sắp xếp vào hàng ngũ cộng sản. Anh đã chiến đấu cho cộng sản mà cứ
tưởng lầm là đang chiến đấu cho tổ quốc.
Tất cả những kiêu hãnh, những bi thương, những nghiệt ngã trong mối tình đau đớn của anh đều bắt nguồn từ sự “tưởng lầm” ấy.
Nhưng anh không có lỗi gì cả.
Anh cũng giống như Santiago, nhân vật
“lão ngư ông” của Hemingway, sau nhiều ngày đêm vật lộn với kình ngư,
biển cả và đàn cá mập, đã chỉ đem được vào bờ một bộ xương cá vô dụng.
Nhưng đó không phải là lỗi của ông.
Và ông vẫn là một nhân cách lớn.
Tuy nhiên dù lớn hay nhỏ, dù được các
thế hệ sau tôn vinh hay phủ nhận, thì giờ đây những người lính trẻ ở cả
hai bên chiến tuyến cũng chỉ còn là những nắm xương vô định, là cát bụi
không tên, chìm khuất trong xó xỉnh nào.
Nguồn: Blog Đào Hiếu