Nguyễn Văn Thạnh
Phong trào Hiến chương 77
Con người trên trái đất này là một, dù có nhiều điểm khác biệt giữa
các dân tộc, các nền văn hóa nhưng các nguyên lý xã hội căn bản chi phối
là giống nhau.
Là một dân tộc đi sau, nếu chịu khó nghiên cứu bài học thành công,
thất bại của các nước đi trước có mô hình giống mình để tìm ra nguyên
lý, hẳn chúng ta sẽ sớm thành công hơn trên con đường dân chủ hóa.
Nước tôi muốn đề cập làm bài học đem ra phân tích mổ xẻ là Tiệp Khắc.
Có nét tương đồng với Việt Nam, trong chiến tranh thế giới 2, Tiệp Khắc
bị phát xít Đức chiếm đóng, được Hồng Quân Liên Xô giải phóng và theo
thể chế cộng sản. Tất cả các đảng CS trên thế giới cai trị đất nước theo
một chủ thuyết giống nhau: độc quyền về chính trị, độc quyền về kinh
tế, trấn áp bằng bạo lực theo kiểu chuyên chính vô sản-kiểu cai trị này
được nhiều học giả chính trị kết luận là kiểu toàn trị.
Ông Vaclav Havel và các cộng sự
Sống trong chế độ toàn trị, người dân trở nên ươn hèn và sợ sệt. Từ
Liên Xô, TQ đến các nước Đông Âu hay Bắc Hàn, Cuba, VN,… đều thế cả.
Nhiều người bất mãn trước sự sợ hãi của người dân trong nước (VN) đi đến
kết luận dân ta vô cảm, ươn hèn hơn các dân tộc khác. Tôi thì cho rằng
loài người chỉ có một, khi bị cai trị toàn trị thì một dân tộc anh hùng
không tiếc máu xương trong chiến trận như LX hay VN đều ươn hèn. Cái qui
luật tổng quát chi phối xã hội nó rất quan trọng, muốn cải biến xã hội
phải nhận diện nó, có giải pháp cho nó chứ kêu gọi tinh thần từng cá thể
là không thành công.
Trong các quốc gia Đông Âu hậu CS, Tiệp Khắc là nước sóng gió nhất:
vừa dân chủ hóa hệ thống chính trị, vừa chia tách đất nước nhưng Tiệp đã
thành công, không để xảy ra thảm họa bạo lực, phe phái hay nội chiến
tàn phá đất nước. Sự thành công này có công rất lớn của ông Vaclav
Havel, người tham gia khởi thảo hiến chương 77, tổng thống đầu tiên của
đất nước hậu CS. Ông là người giám sát quá trình chuyển đổi sang dân
chủ, và cuộc phân chia quốc gia năm 1993 giữa Cộng hòa Séc và Slovakia.
Hai nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Tiệp Khắc
chuyển mình trong hòa bình để đến thịnh vượng. Tiệp Khắc là bài học
thành công chuyển đổi hậu CS mà các nước khác học hỏi. Chính vì thành
tựu này mà khi biết tin ông qua đời vào ngày 18 tháng 12, 2011, ngoại
trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã nói “Vaclav Havel là một trong những
người châu Âu vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.
Sự thành công của một chính trị gia có nhiều yếu tố chi phối, trong
đó có sự may mắn. Tuy nhiên trí tuệ và bản lĩnh người đó cũng rất quan
trọng. Ngoài bản lĩnh, sự dũng cảm, tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ
sở, chính trị gia còn là người hiểu biết sâu sắc cuộc sống, hiểu và cảm
nhận được lòng người.
Chúng ta hãy đọc bài luận “sức mạnh của thảo dân”
(Power of Powerless) của ông. Bắt đầu bài luận, ông nêu ra một thực tế
diễn ra hàng ngày trên đất nước lúc đó, từ anh quản lý cửa hàng rau củ
đến nhân viên văn phòng đến quan chức chính phủ, công sở đều treo khẩu
hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Ông chỉ ra rằng họ làm như
thế không hẳn họ thích, họ tin mà họ làm vì “mọi người đều làm như thế,
và vì đó là việc phải làm. Nếu từ chối, anh ta có thể gặp rắc rối. Anh
ta có thể bị phê bình vì không có vật trang trí thích hợp trong cửa sổ,
thậm chí có người còn tố cáo anh là không trung thành nữa. Anh ta làm
vậy bởi vì cần phải làm thế, nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng
ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn trong
sự "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói”.
Rõ ràng, có một quyền lực vô hình bắt buộc mọi người phải làm những
việc mà họ chẳng thấy có ích hay lợi lộc gì. Mọi người bị “không khí” xã
hội vô hình bao quanh, khống chế họ. Người dân bị nỗi sợ ràng buộc, bóp
nghẹt đến mức không ai có thể sống tự chủ, sống thật với chính mình.
Trong một môi trường xã hội như vậy, kêu gọi người dân dũng cảm, sống
thật với mình, cổ vũ những điều ích nước lợi dân hơn là những giá trị
tuyên truyền phù phiếm vô bổ cũng khó. Bởi lẽ như ông nói, nếu một ngày
ai đó làm khác đi sẽ bị xã hội xúm lại “đánh” hội đồng. Dù cái bảng “vô
sản toàn thế giới liên hiệp lại” chẳng có ý nghĩa gì với anh quản lý cửa
hàng rau củ cũng như khách hàng, nhưng nếu lấy xuống thì anh ta sẽ gặp
rắc rối ngay. Chính những con người trung thực lương thiện nhất cũng có
thể là người đi tố cáo anh với cơ quan an ninh, hoặc nhiều người lên
tiếng dọa dẫm (một cách vô tình hay cố ý) gây ra nỗi sợ mà chưa cần đến
cơ quan an ninh biết. Chính những ràng buộc này đã vô tình tiếp thêm sức
mạnh cho kẻ thống trị. Quyền lực của kẻ thống trị trong hệ thống hệ
thống toàn trị không chỉ đến từ công cụ bạo lực do nhóm cầm quyền sử
dụng để trấn áp người dân mà còn là do người dân tự mua dây trói mình.
Ông gọi quyền lực ràng buộc này là “quyền lực của thảo dân” hay “quyền
lực của không quyền lực”.
Ngoài việc thấy được sự trói buộc do chính người dân tạo ra, ông còn
thấy sự ràng buộc ở tầm hệ thống to lớn hơn. Các nước theo chế độ CS, dù
ở đâu, qui mô và trình độ phát triển thế nào đều có dây nhợ liên kết
đến siêu cường Liên Xô. Trong thế đối đầu hạt nhân một mất một còn, các
nước nhỏ không thể muốn làm gì thì làm, chúng phụ thuộc lẫn nhau, chúng
can thiệp quân sự vào nhau để tránh sự sụp đổ có tính dây chuyền. Trong
tình thế này, nếu kêu gọi sự dũng cảm nổi dậy thì chỉ có con đường tự
sát như trường hợp Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968, tốn xương máu
mà không giải quyết được vấn đề gì.
Trước tình hình đất nước như vậy, nhiều người trí thức Tiệp Khắc đã
đi tìm giải pháp cho vấn đề: một số người đấu tranh cho bầu cử tự do
theo tinh thần dân chủ; một số người viết kiến nghị, gửi đến lãnh đạo
cấp cao của đảng và nhà nước với mong muốn thực hiện những chủ trương
đường lối tốt đẹp cho dân cho nước; một số khác dũng cảm vượt qua sợ
hãi, viết bài chỉ trích nặng hơn, chấp nhận rủi ro đi tù với mong muốn
trí thức, dân chúng thức tỉnh; đến phương pháp khởi nghĩa bạo động,….
rất rất nhiều cách thức được tiến hành, nhưng hoàn đá toàn trị không suy
suyển gì.
Trước tình thế mà trăm phương, nghìn hướng đều khó, lực bất tòng tâm,
Vaclav Havel đã có cách tiếp cận thông minh: quyền con người. Tuyên ngôn Hiến chương 77,
do Václav Havel, Jan Patočka, Zdaněk Mlynář, Jiří Hájek và Pavel Kohout
chủ xướng, được công bố vào tháng Giêng năm 1977. Với một bản tuyên
ngôn ngắn gọn (bản dịch tiếng Việt có 2.476 từ; tầm 4 trang A4 đánh máy)
nhưng nó đã nói lên đầy đủ những quyền cơ bản mà người dân Tiệp Khắc
được hưởng, trong đó đặt biệt tập trung vào hai quyền là tự do ngôn luận (quyền tự do phát biểu) và quyền không phải sợ hãi.
Bản hiến chương chỉ ra một cách rõ ràng rằng các quyền trên được ghi
trong “Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế
về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa” (sau đây gọi tắc là từ Công ước)
mà đất nước Tiệp Khắc ký kết tham gia năm 1968, tái cam kết vào năm
1975, đươc báo chí nhà nước đăng tải năm 1976.
Ngoài ra bản hiến chương còn mạnh mẽ chỉ ra “việc công bố những công
ước đó, cũng là lời nhắc nhở đanh thép rằng các quyền con người căn bản
của ở đất nước chúng ta, đáng tiếc là vẫn chỉ mới nằm trên giấy mà
thôi”. Nó còn chỉ ra rất nhiều hành vi gian lận của chính phủ nhằm trốn
tránh thực thi hoặc vi phạm nghiêm trọng các quyền đã ký.
Bản hiến chương chỉ đòi những điều đơn giản như vậy nhưng cũng rất
khó khăn để người dân vượt qua nỗi sợ mà ký tên ủng hộ. Ra đời từ năm
1977 nhưng mãi đến giữa những năm 1980 mới có 1.200 người ký. Thế mới
biết để chuyển biến một xã hội không phải dễ. Nhưng nếu tiếp cận vấn đề
đúng thì sẽ thành công.
Bí quyết thành công của Phong trào hiến chương 77 là ở chỗ bản tuyên
bố đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu, tập trung đòi một số quyền căn bản mà
pháp luật đã thừa nhận, dư luận dễ đồng tình.
Nó chỉ tập trung đòi những quyền căn bản, trong đó quan trọng nhất là
“quyền tự do ngôn luận” và “quyền không phải sợ hãi” là đủ để làm
chuyển động xã hội đi đến cái đích dân chủ.
Từ nền tảng hiến chương 77, đất nước Tiệp Khắc đã chuyển biến sang nền dân chủ thành công như ta đã biết.
Phong trào Hiến chương 08
Năm 2008, những người trí thức cấp tiến Trung Quốc cũng nhận ra vấn
đề dân tộc, đất nước họ mắc phải. Họ cũng cùng nhau khởi thảo một tuyên
bố được gọi là Hiến chương 08. Kể từ khi được phát hành, hơn 8.100 người
bên trong và ngoài Trung Quốc đã ký vào bản Tuyên ngôn này. Một trong
những tác giả của Hiến chương 08-nhà văn Lưu Hiểu Ba-đã được trao giải
Nobel Hòa bình vào năm 2010. Tuy nhiên sức lan tỏa của Hiến chương rất
yếu dù dân TQ rất đông và ngày nay công nghệ nghe nhìn hiện đại hơn xưa
(dân TQ trên 1,3 tỷ mà có 8.100 chữ ký). Một trong những nguyên nhân căn
bản dẫn đến thất bại là do tính hoàn hảo của nó. Nó đòi hỏi quá nhiều
thứ, vì đòi hỏi nhiều thứ như vậy nên nó rất dài. Người dân bình thường
không thể đọc hiểu hết và nếu có đọc hiểu hết người ta cũng sẽ nhanh
chóng nhận ra tính bất khả thi, những điều bản hiến chương 08 đòi chẳng
khác nào đội đá vá trời. Chúng ta hãy xem nó đòi hỏi những gì?
Nhà đấu tranh dân chủ TQ Lưu Hiểu Ba và giải thưởng Nobel hòa bình
Các nội dung chính của bản hiến chương 08:
- Sửa đổi Hiến pháp;
- Phân quyền;
- Dân chủ lập hiến;
- Tư pháp độc lập;
- Kiểm soát xã hội đối với công chức;
- Bảo đảm quyền con người;
- Bầu cử các quan chức trong bộ máy công;
- Bình đẳng Nông thôn - Thành thị;
- Tự do lập hội;
- Tự do hội họp;
- Tự do ngôn luận;
- Tự do tôn giáo;
- Giáo dục toàn dân;
- Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân;
- Cải cách Tài chính và thuế;
- An sinh xã hội;
- Bảo vệ môi trường;
- Chế độ Cộng hòa liên bang;
- Hoà giải dân tộc
- Phân quyền;
- Dân chủ lập hiến;
- Tư pháp độc lập;
- Kiểm soát xã hội đối với công chức;
- Bảo đảm quyền con người;
- Bầu cử các quan chức trong bộ máy công;
- Bình đẳng Nông thôn - Thành thị;
- Tự do lập hội;
- Tự do hội họp;
- Tự do ngôn luận;
- Tự do tôn giáo;
- Giáo dục toàn dân;
- Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân;
- Cải cách Tài chính và thuế;
- An sinh xã hội;
- Bảo vệ môi trường;
- Chế độ Cộng hòa liên bang;
- Hoà giải dân tộc
Quá nhiều và quá hoàn hảo, bản dịch tiếng Việt của nó đến 4.953 từ (gấp đôi bản Hiến chương 77, ai có thời gian xin đọc nó ở đây).
Bất cứ ai có trí não sáng suốt nhìn vào bảng đòi hỏi như vậy hoặc là
thấy bất lực hoặc là không biết nên đòi cái nào trước, cái nào sau; chín
người mười ý cuối cùng là cãi vã và giải tán.
Dân chủ là một toà nhà cao, để có nó có rất nhiều việc phải làm, việc
đầu tiên rõ ràng là đi xây móng. Hãy làm tốt cái móng rồi mới tính đến
chuyện dựng cao ốc.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp theo: Bài học cho Việt Nam và PT CĐVN.