Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

OCI: Nỗi đau Trí Tuệ Việt

William Pham
Đầu năm 2013, trên các phương tiện truyền thông nơi đâu cũng dễ dàng thấy các mẫu quảng cáo của các doanh nghiệp nước ngoài phát triển dịch vụ VoIP (nhắn tin, gọi điện miễn phí trên nền tảng Internet). Qua đó ta có thể nhận ra sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này. Phạm vi thế giới, các hãng dịch vụ này đã đạt được những thành tựu đáng kể. What’s apps ra đời sớm nhất tại Mỹ vào năm 2009, đến hôm nay đang phục vụ 17 tỉ lượt tin nhắn hằng ngày trên toàn thế giới. Ra đời sau một chút là Viber từ đảo quốc Síp (châu Âu), sau 2 năm ra mắt hiện tại đang có 140 triệu người dung. Cuộc chiến giành thị phần đặc biết căng thẳng ở Châu Á với sự góp mặt của 2 cường quốc về công nghệ Nhật Bản và Hàn Quốc: Nhật Bản với Line (ra đời vào tháng 6/2011) gặt hái thành công vượt bậc, vươn đến cột mốc 100 triệu người dùng sau 19 tháng (nhanh gấp 3 lần so với facebook), Hàn Quốc cũng không hề kém cạnh với Kakao Talk đạt danh thu 45 triệu USD, lợi nhuận 7 triệu USD. Cuối cùng phải kể đến là WeChat của người khổng lồ Internet Tencend đến từ đất nước đông dân nhất thế giới - Trung Quốc. Ra đời ngày 21/1/2011, sau 2 năm hoạt động, WeChat đã sở hữu 300 triệu người dùng. Thị trường Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của Zalo với phần còn lại, chứng kiến cuộc đua đến mốc 2 triệu người dùng (mốc một sản phẩm có khả năng tự lan truyền), thế mạnh của phần mềm đến từ Việt Nam này không phải là công nghệ, kĩ thuật hay sự sáng tạo (yếu tố tiên quyết để đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường này) mà chỉ là lợi thế sân nhà với sự ủng hộ của người dùng Việt.

Ngày nay chính những phần mềm OTT ngoại đã góp phần làm giảm tối đa cước phí viễn thông trong nước, là nguyên nhân khiến những tập đoàn viễn thông lớn trong nước như VNPT và Viettel thiệt hại hàng ngàn tỉ mỗi năm. Thiệt hại của những tập đoàn này là cái được giành cho người tiêu dùng chính nhờ sự phát triển của công nghệ VoIP. Nhà mạng ở Việt Nam luôn nêu cao khẩu hiệu đặt lợi ích người tiêu dùng lên cao nhất, thế nhưng khi các dịch vụ mới xuất hiện mang lại lợi ích và xu hướng công nghệ mới cho người tiêu dùng thì đại diện của các công ty viễn thông Việt Nam lại dự định đưa ra các đề xuất ngăn chặn những dịch vụ này.
Thật chạnh lòng khi nhìn về quá khứ và biết rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng OTT nổi tiếng trên một sân chơi rộng hơn, thị phần rộng hơn - sân chơi thế giới - chứ không phải là trên lãnh thổ Việt Nam, nơi mà đáng ra phải là sân sau hậu thuẫn cho các phần mềm phát triển từ trí tuệ Việt vươn xa ra tầm thế giới (Samsung là một hãng công nghệ hưởng lợi rất nhiều từ tinh thần dân tộc và chính sách bảo trợ doanh nghiệp của chính phủ Hàn Quốc). Có mấy ai biết, cách đây từ lâu, khi mà những WeChat, Viber, Line,.. chưa ra đời thì một phần mềm dạng tiền thân của chúng đã xuất hiện ở Việt Nam với cái tên OCI từ năm 2002. Nhận thức được vai trò của ngành truyền thông là hạ tầng tối quan trọng của nền kinh tế tri thức - tương tự như hạ tầng giao thông trong nền kinh tế hàng hóa, giá thành cao hạ tầng kém sẽ làm tri thức không thể lưu thông tốt từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại - cùng với đó là khát vọng đưa trí tuệ Việt vươn tầm thế giới, công ty EIS của anh Trần Huỳnh Duy Thức đã mạnh dạn đầu tư tiền của và trí tuệ vào một công ty được mua lại đang nắm giữ công nghệ VoIP rồi phát triển thành công nghệ riêng đặt tên lúc đó là InFex (Inovation For Explosion), phát minh ra phần mềm OCI (One Connection Internet) góp phần làm giảm phí cước cuộc gọi quốc tế rẻ ngang mức gọi nội hạt. Với OCI, người sử dụng cũng có thể đồng thời sử dụng fax, voice, email dưới dạng văn bản và giọng nói, tin nhắn. Khi khai trương vào tháng 2 năm 2003 One-Connection Singapore đã có các hãng viễn thông ở Malaysia, Nga, Mỹ ký hợp đồng làm đại lý bán hàng địa phương. Các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore đã đưa tin rầm rộ sự kiện công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu. Kênh truyền hình Channel Asia lớn nhất Singapore phát lại 3 lần bản tin về One-Connection trong vòng 24 giờ với thông điệp chính: “One-Connection từ Việt Nam thách thức các dịch vụ viễn thông truyền thống”. Các tạp chí công nghệ nổi tiếng thế giới thì giật tít “Việt Nam ghi bàn” hay “Bước đột phá ngoạn mục trong cách sử dụng và mô hình kinh doanh điện thoại Internet từ Việt Nam”…

Vậy bây giờ OCI đang ở đâu?

Điều trớ trêu là ngay tại trên quê nhà One-Connection không những không được nghênh đón mà còn bị gây khó dễ. Các dự án đấu thầu hạ tầng mạng cho các công ty dịch vụ viễn thông và Internet tại Việt Nam của EIS, Inc. đều bị đánh rớt bất hợp lý. Việc thực hiện các hợp đồng đã trúng thầu cũng bị gây khó khăn một cách khó hiểu. Thậm chí, những đối tác ở các nước như Singapore, Đài Loan dự định làm đại lý cho One-Connection khi vào Việt Nam làm ăn cũng bị ngầm “cảnh báo” rằng không nên hợp tác với One-Connection vì nó “ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”!!? Điều không nói mà ai cũng hiểu ở đây OCI lúc đó đóng vai trò như những phần mềm OTT ngày nay gây áp lực khiến tập đoàn viễn thông độc quyền trong nước lúc bấy giờ phải giảm giá cước dịch vụ nếu muốn tồn tại, điều này tốt cho người tiêu dùng tuy nhiên lại ảnh hưởng đến lợi ích của tập đoàn viễn thông đó. Cuối cùng OCI đã bị cấm kinh doanh ở Việt Nam. Không đồng ý với quyết định vô lý này, Trần Huỳnh Duy Thức và EIS đã quyết định khởi kiện. Tuy nhiên, chưa kịp khởi kiện thì anh đã bị bắt, để rồi dẫn đến một bản án “lật đổ chính quyền” động trời mà lý do bị bắt ban đầu công bố trên báo chí là “trộm cắp cước viễn thông”. OCI - phần mềm khẳng định trí tuệ Việt mong muốn đem lại giá trị cho xã hội cũng bị giết chết theo từ đó. Nếu OCI không bị cấm đoán bởi các điều luật phi lí mà ngược lại được tạo điều kiện phát triển tại quê hương thì với công nghệ VoIP được nắm giữ, đầu tư nghiên cứu từ sớm như vậy, chắc hẳn khi các thiết bị di động phát triển như ngày nay Việt Nam đã có một vị thế vững chắc trên thị trường các phần mềm OTT. Sân chơi mà chúng ta cạnh tranh là thị phần thế giới chứ không phải chật vật cạnh tranh ngay trên quê hương mình như lúc này.
Trong một cuộc tranh luận với một cục phó của cục bưu chính viễn thông, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã nói: “VNPT sẽ không chết. Chắc chắn như vậy vì nó sẽ buộc phải cạnh tranh, nhờ thế mà nó lớn mạnh. Nó sẽ không còn độc quyền trong một cái ao nhà chưa đến vài trăm triệu đô nhưng sẽ chiếm không dưới 50% những con sông đang đổ ra biển lớn tới hàng chục tỷ đô”. Hình ảnh này bây giờ không còn là viễn cảnh mà là thực tế hôm nay. Viettel không những đột phá thành công trên sân nhà mà đã cạnh tranh vững chắc trên thị trường quốc tế. Trong một bài báo gần đây đề cập về trách nhiệm xã hội của hai tập đoàn viễn thông lớn, VNPT và Viettel vẫn thành công rực rỡ. Mặc cho thất thu cả ngàn tỉ do các phần mềm OTT, họ vẫn đạt mức lợi nhuận 33.000 tỷ đồng. Lạm phát kinh tế tác động đến tất cả mọi ngóc ngách ngành nghề của xã hội ngoại trừ họ. Vì vậy, đứng từ góc độ đạo đức kinh doanh, các “đại gia” viễn thông trong nước không nên tận thu người tiêu dùng hàng nghìn tỉ đồng bằng cách cấm các phần mềm OTT, đồng thời đó cũng sẽ là một minh chứng cho phương châm vì lợi ích xã hội của họ. Và nhìn từ một bài học của quá khứ, không thể để một OCI thứ hai nói riêng lại xuất hiện, cũng như hàng Việt, trí tuệ Việt không thể sống nổi ngay trên sân nhà của mình nói chung.
WilliamPham

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"