Quyển sách nhan đề “Dân chủ ở Hoa Kỳ” của tác giả Pháp Alexis de
Tocqueville phải đổi tựa thành “Nền dân trị Mỹ” khi chuyển dịch và xuất
bản ở Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, nhà giáo Phạm Toàn, dịch
giả chuyển ngữ tác phẩm này ra tiếng Việt, cho biết nguyên do của quyết
định đó và nói về quyển sách có nội dung được cho là “nhạy cảm” so với
tình hình chính trị tại Việt Nam mà ông đánh giá rất cao.
Trang từ bản thảo của tác phẩm "Dân chủ ở Hoa Kỳ"
Phạm Toàn: Việc đổi tựa đề là tôi và anh Chu Hảo chủ động. Chúng tôi
nắm được tâm lý của nhà cầm quyền Việt Nam đương thời. Người ta rất sợ
và dị ứng với chữ “dân chủ”. Đặc biệt quyển sách này là về nền dân chủ ở
Mỹ, nó lại càng “nhạy cảm”. Thế nên, tôi chủ động sửa tựa. Thật ra “dân
chủ” với “dân trị” cùng một nghĩa. Thế nhưng, “dân trị” nghe có vẻ như
không phải là cái mà bây giờ người ta đang đấu tranh để đòi.
VOA: Sau sự thay đổi này, khi sách được ra mắt để xin phép được xuất bản có gặp trở ngại gì không ạ?
Phạm Toàn: Lúc xuất bản, người ta cũng không nghĩ là nó có gì cả.
Đừng đánh giá họ cao quá. Những người làm tuyên huấn và kiểm duyệt ở đây
họ không nhiều chữ lắm đâu. Người ta không có nhiều am hiểu về sách vở.
Cho nên, thường có những chuyện xảy ra sau đó thôi, do có những người
phá bỉnh đặt lại vấn đề. Ví dụ như lúc đề nghị tái bản quyển sách này
vừa rồi, chắc do có ý kiến phá bỉnh, cho nên người ta ngăn trở. Về sau,
tôi viết một bài đăng trên trang http://boxitvn.wordpress.com/,
nói rằng “Anh biết quái gì mà cấm đoán, anh đọc được bao nhiêu quyển
sách trên đời này mà anh cấm!?” Sau đó, nhà xuất bản bảo tôi biết là về
sau tình hình êm êm rồi. Thế là bây giờ lại tái bản được.
VOA: Là người biên dịch một tác phẩm tương đối xa lạ với nếp
nghĩ, tư tưởng chung ở Việt Nam, ông có gặp thách thức nào trong việc
chuyển dịch quyển sách này không?
Phạm Toàn: Quyển này đơn giản, văn rất trong sáng, dễ dịch lắm, tác
giả viết như tiểu thuyết ấy. Tôi nghĩ bất kỳ ai đọc quyển này đều thích.
Tôi làm với một hào hứng như thế.
VOA: Nhưng trong quá trình chuyển dịch, ông có gặp khó khăn hay
thử thách nào trong việc sử dụng câu cú, từ ngữ sao cho không bị gọi là
“nhạy cảm” đối với tình hình tại Việt Nam?
Phạm Toàn: À không, hoàn toàn không. Vấn đề là tự mình phải thấy được
tự do của mình. Lâu nay ở Việt Nam này luôn có cái nạn “tự kiểm duyệt”.
Riêng tôi, tôi có thói quen không tự kiểm duyệt. Tôi chả sợ cái gì cả.
VOA: Có người cho rằng tác phẩm này có tư tưởng chính trị khác
với ý thức hệ ở Việt Nam, nên mang tính “nhạy cảm chính trị”. Với tính
cách như vậy mà nó được xuất bản ở Việt Nam thì đã là một điều đột phá
rồi. Ý kiến của ông thế nào?
Phạm Toàn: Bất kỳ quyển sách nào “nhạy cảm” khi ra đời ở đây thì có
phần may mắn nữa. May mắn là vì người ta quên, chưa dòm vào nó. Thứ hai,
vì sách dài quá, muốn kiểm duyệt được nó thì phải mất 1-2 tháng, nên ai
sức đâu mà làm? Thật ra, cứ để quần chúng được tự do, đựơc dân chủ là
cái khôn ngoan nhất, đỡ bị chửi.
VOA: Như vậy có thể hiểu ý ông rằng sự xuất hiện quyển này ở Việt
Nam không phải là một bước cởi mở, đột phá, mà là “sự may mắn” của
quyển sách?
Phạm Toàn: Là một sự may mắn. Chưa bao giờ có cởi mở cả. Đừng bao giờ
ảo tưởng về một sự cởi mở. Ngay cả khi cởi mở cũng không cởi mở. Thế
nên tôi chủ trương sống như trẻ con, thích cái gì cứ làm.
VOA: Nhưng làm sao để không vượt quá giới hạn cho phép, thưa ông?
Phạm Toàn: “Người ta” ghét nhất những cái cụ thể, chứ họ không sợ
những sách vở về ý thức đâu. Thật ra, bây giờ làm gì có ý thức hệ nào
nữa. Bây giờ chỉ có đồng tiền, sự tham lam đương ngự trị để giữ lấy
quyền lợi, thế thôi.
VOA: Cơ duyên nào đưa đẩy ông biết đến quyển sách này và quyết
định chuyển dịch ra tiếng Việt? Ông suy nghĩ thế nào khi quyết định
dịch, và sau khi hoàn tất, cảm nghĩ của ông có gì thay đổi không?
Phạm Toàn: Tôi dịch quyển này là do nhà xuất bản đề nghị. Dịch xong,
tôi thích lắm. Tôi học được không biết bao nhiêu điều, đặc biệt về luật.
Ví dụ như Bồi thẩm đoàn của họ huấn luyện cho toàn dân biết luật. Cái
này ở Việt Nam nên có, nên học. Cử tri trên 18 tuổi được hoạt động 4
năm, tham gia xử các vụ án dân sự. Trong 4 năm đó, họ được 1 lần ngồi
tập làm chánh án. Thế nghĩa là sau vài chục năm, toàn dân họ biết luật,
hoạt động theo luật pháp. Họ được huấn luyện trong thực tế. Ở Việt Nam
này khi ra một bộ luật phải chờ không biết bao nhiêu lâu, bao nhiêu cơ
quan ra các thứ nghị định, thông tư cụ thể hóa ra. Ở Mỹ có một giải pháp
rất hay, tức là họ giải thích luật trong thực tiễn xử án, chứ không
phải cứ chờ một cơ quan nào giải thích luật, có khi lại ngược lại với
luật. Người Mỹ rất tôn trọng cái thực. Hoặc giả, họ định nghĩa một xã là
một quần cư vừa đủ để người nọ biết người kia, nguồn lực cũng vừa đủ để
xây dựng các công trình công ích chung. Người ta định nghĩa theo tính
cộng đồng, tính phát triển, tương lai, triển vọng của một xã. Ở ta không
có những định nghĩa. Tôi thích quyển này vì nó có những định nghĩa thật
rõ.
VOA: Ngoài những điểm ông cho là thú vị, nhân tiện đây, ông có
thể giới thiệu nội dung chính, thông điệp chính mà tác giả Tocqueville
muốn gửi gắm qua tác phẩm này là gì, thưa ông?
Phạm Toàn: Thông điệp chính của quyển này là một nền dân chủ vận hành
như thế nào, muốn nó vận hành chính xác, trơn tru, phải gồm những bộ
phận gì, chức năng gì. Tác giả giới thiệu hiến pháp là thế nào, chính
phủ liên bang là thế nào, chính quyền bang là thế nào, xã hội dân sự
phải được tổ chức như thế nào. Những phong trào dân sự phải để được tự
do phát triển. Các phong trào báo chí, tín ngưỡng cần phải được tự do
phát triển.
VOA: Khép lại cuốn sách này, nhìn vào thực tế những gì đang diễn
ra trong xã hội Việt Nam để lại cho ông những suy nghiệm như thế nào?
Phạm Toàn: Suy nghĩ của tôi, tôi bao giờ cũng bi quan. Tôi không tin
sách vở có thể cải tạo nổi đất nước này vì những người cầm quyền bây giờ
không cần sách. Ngay những nhà trí thức bây giờ cũng ít đọc sách lắm.
Thanh niên-sinh viên bây giờ họ có đọc sách đâu? Chính vì bi quan nên
tôi đã lẳng lặng làm lại bộ sách giáo khoa cho trẻ em. Bây giờ phải chữa
lại tỉ mẩn như thế. Tôi không tin là sách vở có thể cứu được đất nước
này. Anh em chúng tôi vẫn nói rằng bây giờ ta phải có một nhà xuất bản
cho ra được ít nhất 700 quyển sách kinh điển như Nhật Bản đã làm trước
đây. Làm thế nào như quyển bàn về tự do ở Nhật được in tới 2 triệu bản
một lần. Đấy là nước Nhật, một đất nước mà nền văn hiến chưa bị tàn phá
vì một “bóng ma” nào đấy. Còn ở Việt Nam thế kỷ này nhiễu loạn quá rồi.
Khó có thể tin vào sự cải tạo thông qua một cuộc cách mạng văn hóa.
VOA: Quyển này hiện nay đã ấn hành bao nhiêu bản, thưa ông?
Phạm Toàn: Cho tới lần gần đây nhất, nó được in có 3500 bản.
VOA: Mãi lực của nó tại Việt Nam như thế nào?
Phạm Toàn: Theo tôi, mãi lực thế là cao, nhưng ở Việt Nam người ta
thích những quyển tiểu thuyết hơn. Sách lý thuyết vào với bạn đọc chậm
hơn. Quyển này in được 3500 cuốn, tôi nghĩ đấy là may mắn.
VOA: Những tác phẩm có nội dung trái với quan điểm nhà nước
thường bị coi là “nhạy cảm” và không được hoan nghênh. Đây cũng là trở
ngại để những quyển sách ấy tiếp cận được với độc giả. Làm sao có thể
thuyết phục bạn đọc tìm hiểu thêm về những nội dung “mới mẻ” trong những
tác phẩm như thế này, thưa ông?
Phạm Toàn: Trước hết, việc mua sách ở Việt Nam vẫn chưa phải là một
trào lưu, bởi vì một quyển như cuốn “Nền dân trị Mỹ” này giá 140 ngàn
đồng, tức 1/10 lương của một viên chức nhỏ. Còn hệ thống thư viện ở Việt
Nam này thì buồn cười lắm. Tôi nghĩ rất nhiều điều ở Việt Nam còn cần
được uốn nắn về mặt văn hóa mà cuộc sống thật với những mâu thuẫn, xung
đột của nó sẽ có tác dụng thật. Rồi nó sẽ cải tạo được xã hội.
VOA: Nhưng theo ý kiến cá nhân ông, có cách nào để cuốn hút độc
giả tại Việt Nam làm quen, tìm hiểu nhiều hơn với những tác phẩm như tác
phẩm đang nói tới ở đây không ạ?
Phạm Toàn: Bàn chuyện sách chỉ là bàn chuyện cái ngọn. Sẽ có một lúc
cái gốc sẽ được giải quyết. Sẽ có những lúc cấm báo tư nhân sẽ không cấm
được nữa, chẳng hạn như bây giờ cấm internet làm sao mà cấm được? Phải
có một tầng lớp trí thức trẻ, lành mạnh. Tầng lớp đó tự nó sẽ có lý
tưởng của nó và tự nó sẽ có những thành tựu trong một tương lai không
xa.
VOA: Xin chân thành cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.