Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Nhìn Lại Ngày 30/4/1975

 Gs Nguyễn Lý-Tưởng

    Tình hình Miền Nam VN trước ngày 30/4/1975.

Về mặt chính tri:


Sau khi lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1/11/1963), các tướng lãnh thay nhau lãnh đạo Miền Nam Việt Nam (tức Việt Nam Cộng Hòa, VNCH). Các cuộc chỉnh lý rồi đảo chính xảy ra liên tục. Các phong trào tranh đấu của sinh viên và Phật tử chống chính phủ quân nhân  mà ai cũng biết đàng sau các phong trào nầy là các nhà sư… đặc biệt là hai Thượng Toạ Thích Trì Quang và Thích Thiên Minh gốc  Miền Trung lãnh đạo, với những yêu sách không bao giờ thoả mãn. (Báo chí thời đó thường gọi là Phật Giáo Ấn Quang để phân biệt với Việt Nam Quốc Tự do hai Thượng Toạ gốc Bắc Kỳ di cư là Thích Tâm Châu và Thích Tâm Giác không cùng lập trường… điển hình là biến cố mùa Hè 1966 bàn Phật xuống đường tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị). Chính Phủ do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo đã cương quyết dẹp tan các phong trào tranh đấu tại Miền Trung vào mùa Hè 1966 và đã tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến sau đó (1966) cho đến ngày 1/4/1967, Hiến Pháp của nền Đệ II Cộng Hoà ra đời và các cuộc bầu cử Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Dân Biểu Nghị Sĩ đã tạm thời ổn định tình hình chính trị tại Miền Nam Việt Nam.


Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 3/9/1967, Liên danh của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, mặc dầu đang nắm chính quyền, vẫn không đạt được số phiếu đắc cử trên 50% (mà chỉ đạt được trên 30% sự tín nhiệm của cử tri). Điều đó chứng tỏ các vị tướng lãnh không được đa số nhân dân Miền Nam Việt Nam ủng hộ. Sự chia rẽ trong nội bộ Miền Nam Việt Nam sau cuộc bầu cử Tổng Thống 1967 đã làm tan nát hàng ngũ những người quốc gia chống Cộng.


Mấy tháng sau cuộc bầu cử là cuộc tổng tấn công, tổng nổi dậy của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân. Trước tình thế đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cần có sự hợp tác của các lực lượng chống Cộng có hậu thuẫn quần chúng tại Miền Nam Việt Nam để tạo đoàn kết quốc gia, ổn định tình hình và có được hậu thuẫn chính trị trong nước trước khi đi gặp Tổng Thống Nixon (mới đắc cử vào năm 1968) tại Honolulu.

Mặt trận 6 đảng ra đời có tên là “Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội” do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là Chủ Tịch của Chủ Tịch Đoàn với 6 vị lãnh tụ chính trị là các ông Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Hà Thúc Ký (Đại Việt Cách Mạng Đảng), Nguyễn Gia Hiến (Lực Lượng Đại Đoàn Kết tức Công Giáo Bắc Di Cư), Trương Công Cừu (Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng gọi tắt là Nhân Xã, tức hậu thân của Đảng Cần Lao), Trình Quốc Khánh (Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gọi tắt là Hoà Hảo Dân Xã) và ông Nguyễn Văn Hướng (Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống với Lực Lượng Tư Do Dân Chủ)…Với hậu thuẫn chính trị của Mặt Trận 6 đảng nầy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đi gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon và sau đó, đã cử phái đoàn tham dự hội nghị Paris (cũng gọi là hoà đàm Paris) gồm có 4 bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Hà Nội-MTGPMN ….

Từ 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và những người ủng hộ ông, đã nhìn thấy tình hình an ninh được vãn hồi sau Tết Mậu Thân, kế hoạch phượng hoàng đã loại trừ được các cơ sở nằm vùng của Việt cộng trong thành phố cũng như ở nông thôn. Việc thực hiện chính sách Chiêu Hồi đã có kết quả, bộ đội VC bị bắt hoặc rời bỏ hang ngũ trở về với VNCH đã lên đến con số 300.000 người…Sự hiện diện của quân đội Mỹ với những vũ khí tối tân, sự yểm trợ của pháo đài bay B.52 tại Miền Nam cũng như oanh tạc miền Bắc…Điều đó đã làm cho những người có  chính quyền trong tay an tâm tin tưởng vào sự vững mạnh của chính quyền và không lo sợ VC nữa. Từ đó họ nghĩ đến cách làm giàu và hưởng thụ. Tình trạng tham nhũng lan tràn từ trên xuống dưới, tạo nên sự bất công trong xã hội.

Sau khi củng cố được quyền lực, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã quay lưng với Mặt Trận 6 Đảng và chuyển dần qua chế độ độc tài, độc đảng. Cuộc bầu cử Tổng Thống 1971, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ứng cử độc diễn, không có ai ra ứng cử tranh với ông (mặc dầu đã có sự vận động để có tối thiểu là một liên danh đối lập trong cuộc bầu cử Tổng Thống 1971). Đảng Dân Chủ do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch đã chính thức ra đời khiến cho 6 đảng trong Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội đương nhiên quay lưng lại với ông và Mặt Trận nầy đã tự động tan rã không kèn không trống.

Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973 với mục đích để cho Mỹ rút quân khỏi VNCH. Hiệp định không đề cập đến sự hiện diện của quân Bắc Việt tại Miền Nam Việt Nam và cũng không có điều khoản nào bắt buộc Hà Nội phải rút quân ra khỏi Miền Nam VN và trở về phía Bắc vĩ tuyên 17, trở lại tình trạng Hiệp Định Geneve 1954. Như thế là Mỹ đã đạt được mục đích và sau đó họ không thực hiện lời hứa với Việt Nam Cộng Hòa là sẽ viện trợ quân sự, vũ khí, súng đạn và cho B.52 ném bom ngăn chận sự tái xâm nhập của quân đội Bắc Việt nhằm xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa. Như thế, nhìn từ hiệp định Paris, chúng ta thấy, VC hoàn toàn thắng lợi và VNCH hoàn toàn thất bại về cả hai mặt quân sự lẫn chính trị.


Sau hiệp định Paris, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã cho phổ biến một bức thư lên tiếng về tình trạng tham nhũng và bất công xã hội. Dựa vào tinh thần bức thư đó, LM Trần Hữu Thanh (thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Saigon) đã cho ra đời Phong Trào Chống Tham Nhũng và Kiến Tạo Hoà Bình. Phe Phật giáo miền Trung (thường được báo chí  gọi là PG Ấn Quang) đã cho thành lập “Lực Lượng Hoà Giải Dân Tộc” do Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu tự nhận là thuộc “thành phần thứ ba” lãnh đạo đã vận động thực hiện hiệp định Paris, đòi Mỹ rút hết quân đội khỏi Miền Nam Việt Nam, đòi lập CP ba thành phần, và ủng hộ ông Dương Văn Minh trong vai trò lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Đồng thời, các chính đảng, nhân sĩ trí thức, các tôn giáo, truyền thông báo chí cũng như một số Dân Biểu, Nghị Sĩ cũng ngã theo khuynh hướng đối lập với chính quyền.

Sinh hoạt trong Quốc Hội dần dần tẻ nhạt, khối Dân Biểu, Nghị Sĩ thân chính chí biết giơ tay biểu quyết theo lệnh của Phủ Tổng Thống, mọi quyền lợi đều ưu tiên cho khối thân chính trong Quốc Hội mà không nghĩ gì đến phía đối lập. Để củng cố quyền lực, Tổng Thống Thiệu đã dựa vào khối đa số (Thân chính) để ban hành các luật thất nhân tâm: sưu cao thuế nặng, luật uỷ quyền,  luật quy chế chính đảng mới, luật tu chính Hiến Pháp. Mãi đến giai đoạn chót của tình hình trước 1975, các Dân Biểu, Nghị Sĩ thân chính dưới sự chỉ đạo của ông Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân mới họp nhau để viết ra một bản điều trần về tình hình đất nước. Nghị sĩ Trần Trung Dung đại diện nhóm thân chính trong Quốc Hội (lưỡng viện) trực tiếp trình bày nội dung bản điều trần nầy với Tổng Thống. Nhưng thiện chí của quý vị nầy xem như đã quá muộn màng và Tổng Thống Thiệu đang trong cơn khủng hoảng không còn sáng suốt để kịp thời cứu vãn tình hình được nữa.

 

Về mặt quân sự

Sau hiệp định Paris, CS Hà Nội vẫn tiếp tục xâm nhập Miền Nam Việt Nam. Năm 1974, VC tấn công Phước Long và chiếm luôn tỉnh lỵ nầy, đó là bước đầu của một cuộc thăm dò và cũng là để chứng minh sức mạnh của họ. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở trong tình trạng thụ động, không phản công tái chiếm. Do đó, cộng sản Hà Nội càng tăng cường xâm nhập qua đường Trường Sơn (thường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) một cách ào ạt nào xe tăng, vũ khí, đạn dược và binh lính… mà VNCH không có khả năng ngăn chận. Mỹ không thực hiện lời hứa sẽ cho B.52 ném bom ngăn chặn sự xâm nhập của quân Bắc Việt. Năm 1975, Mỹ cũng từ chối viện trợ bổ túc 300 triệu dollars vũ khí và nhiên liệu cho Việt Nam Cộng Hòa. Nói tóm lại, sau khi rút chân ra khỏi Miền Nam Việt Nam, Mỹ để mặc cho số phận Miền Nam Việt Nam ra sao thì ra. Như thế, rõ ràng là Mỹ chủ trương bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.

Trong khi đó, Liên Xô và Trung Cộng chủ trương bành trướng chủ nghĩa CS khắp thế giới nên đã viện trợ dồi dào vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, xe tăng… cho Hà Nội để thực hiện mộng xâm lăng của họ. Trên thực tế, hoả lực của Việt cộng mạnh hơn Việt Nam Cộng Hòa rất nhiều. Trong khi VNCH phải rải quân ra để bảo vệ lãnh thổ thì Việt cộng lại tập trung lực lượng để tấn công vào một điểm nhất định. Tại vùng II chiến thuật, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã cho tập trung quân để bảo vệ Pleiku thì tháng 3, 1975, Việt cộng lại tấn công Ban Mê Thuột. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng Tham Mưu chẳng những không ra lệnh phản công tái chiếm Ban Mê Thuột là vị trí chiến lược quan trọng, lại còn cho lệnh rút quân khỏi Pleiku làm cho tan rã một Quân Đoàn, gây hỗn loạn trong quân đội và dân chúng, làm hoang mang các nơi khác, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của binh sĩ khắp nơi.

Sau khi chiếm được Ban Mê Thuột và các tỉnh Cao Nguyên, Việt cộng lại đánh chiếm Mỹ Chánh, phần đất còn lại phía Nam tỉnh Quảng Trị sau 1972, uy hiếp Huế. Cũng trong tháng 3, 1975, quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Huế, hàng trăm ngàn người  thi nhau chạy về Đà Nẵng và tìm cách về Sài Gòn, gây khủng hoảng trầm trọng cho Đà Nẵng cũng như Trung Ương Sài Gòn. Cuối cùng, trước áp lực của VC, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I phải bỏ Đà Nẵng. Các tỉnh vùng II rút về Quy Nhơn, Nha Trang và cuối cùng cũng đã bỏ Quy Nhơn, Nha Trang…để chạy về Sài Gòn.

Các thành phố Miền Trung bỏ ngõ, VC chưa đến mà quân đội và chính quyền đã rút lui, chứng tỏ các cấp chỉ huy không có một tinh thần trách nhiệm nào và binh sĩ thì đã không còn tinh thần để chiến đấu trước  kẻ thù. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghị, nguyên là Tư Lệnh Quân Đoàn IV ở Cần Thơ, bị mất chức vì bị tố cáo tham nhũng…đã tình nguyện ra trấn giữ Phan Rang chiến đấu bên cạnh các đơn vị địa phương , để lập công…Nhưng ví quá cô thế, ông cũng đã thất bại và đã bị Việt cộng bắt làm tù binh.

Thừa thắng, Hà Nội huy động toàn lực Miền Bắc tiến thắng vào Nam trên Quốc Lộ I (từ Bắc vào Nam) mà không gặp trở ngại nào. Các tỉnh vùng IV (đồng bằng sông Cửu Long) vẫn còn toàn vẹn, chưa bị tan rã. Mặt trận Long Khánh vẫn còn quyết liệt, Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18, bước đầu bảo vệ được ngõ vào Sài Gòn. Nhưng từ ngày 19/3/1975 trở đi, đồng bào cũng đã bỏ nhà cửa, tài sản kéo nhau chạy về Saigon. Sau ngày 20/4/1975 kể như Long Khánh đã bị Việt cộng tràn ngập và Tướng  Lê Minh Đảo cũng phải rút về Sài Gòn.

2.-Sài Gòn ngày 30/4/1975

 

Lúc bấy giờ tại Sài Gòn có dư luận cho rằng sở dĩ Mỹ không viện trợ cho VNCH vì Mỹ không ủng hộ Tổng Thống Thiệu và muốn TT Thiệu phải ra đi…Sau đó,  Thủ Tướng Trần Thiên Khiêm đã cùng Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên chính thức gặp TT Nguyễn Văn Thiệu, yêu cầu Tổng Thống từ chức để giải quyết tình hình. TT Thiệu trả lời: Theo Hiến Pháp thì Thủ Tướng từ chức chứ TT không từ chức. 

Vào những ngày đầu tháng 4, 1975, sau khi mất các tỉnh vùng I và Vùng II, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm từ chức. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chọn ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện lên làm Thủ Tướng, lập một chính phủ gọi là “đoàn kết”. Nội các Nguyễn Bá Cẩn tồn tại được 13 ngày (từ 4/4/75 đến 27/4/75).

 

Tối 21/4/1975, TT Thiệu lên Đài Phát Thanh Sài Gòn tuyên bố từ chức để trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương (theo Hiến Pháp). Tối 22/4/75, Tổng Thống Thiệu và Cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm được Đại Sứ Mỹ Martin đưa lên máy bay rời Saigon. Ngày 23/4/1975, Tân Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn xin từ chức. Tân Tổng Thống Trần Văn Hương yêu cầu ông tiếp tục xử lý thường vụ cho đến khi có Chính Phủ mới.

Lực lượng Hoà Giải Dân Tộc của NS Vũ Văn Mẫu được hậu thuẫn của Thượng Toạ Thích Trí Quang (Phật Giáo khối Ấn Quang) đang vận động ráo riết để cho Đại Tướng Dương Văn Minh thay thế Cụ Trần Văn Hương. Trong lúc đó, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến họp đại hội vào ngày 27/4/1975 ra tuyên bố “sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử” và cá nhân GS Nguyễn Ngọc Huy (Tân Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thay thế GS Nguyễn Văn Bông bị ám sát chết mấy năm trước đây) cũng đã đích thân vận động với TT Trần Văn Hương cử ông làm Thủ Tướng thay thế ông Nguyễn Bá Cẩn sau khi được tin Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã rời khỏi Việt Nam.

 

Trung Tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Chính Phủ Nguyễn Bá Cẩn cũng muốn cái ghế Thủ Tướng…Ngày 26/4/1975, TT Trần Văn Hương đến trình bày trước Quốc Hội Lưỡng Viện đề nghị các Dân Biểu, Nghị Sĩ chấp thuận trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh thay ông làm Tổng Thống để nói chuyện với phía CS. Các DB thuộc đảng Tân Đại Việt (Phong Trào QGCT) như Nhan Minh Trang, Nguyễn Ngọc Tân…đã lên diễn đàn chống việc trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh trong khi đó, DB Lý Quý Chung lại xin Quốc Hội Lưỡng Viện chấp thuận trao quyền cho ĐT Dương Văn Minh và ông tuyên bố ĐT Dương Văn Minh là một quân nhân, nhất định sẽ chiến đấu bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, không đầu hàng CS. Ngày 27/4/1975, phái đoàn do Đại Tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) và Trung Tướng Trần Văn Đôn (Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng)… đến trình bày tình hình quân sự trước Quốc Hội đề nghị Quốc Hội chấp thuận trao quyền cho ĐT Dương Văn Minh…

Những DB, NS không đồng ý đã phát biểu rằng:“ theo Hiến Pháp, nếu Tổng Thống và Phó Tổng Thống đều mệnh một hay từ chức thì người kế vị để lãnh đạo quốc gia sẽ là Chủ Tịch Thượng Nghị Viện. Ông Dương Văn Minh không có tư cách dân cử và đã một lần lên nắm chính quyền sau khi TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ và đã chứng tỏ không có khả năng gì để ổn định tình hình, trái lại còn giúp cho CS phát triển nhanh chóng và lấn chiếm Miền Nam…Nhiều người biết rõ ông Dương Văn Minh có người em là sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ cộng sản và cả hai bên đã nhiều lần liên lạc với nhau…”

Nhưng cuối cùng, Quốc Hội cũng đã chấp thuận trao quyền cho ĐT Dương Văn Minh mặc dù biết làm như vậy là vi hiến. Trước khi Quốc Hội biểu quyết, những Nghị Sĩ và Dân Biểu bất đồng ý kiến…đã bỏ phòng họp ra đi. Họ trở về nhà và lo tìm đường chạy thoát trước khi CS tiến vào Sài Gòn. Tại Thượng Nghị Viện, sau khi tan họp, Ông Chủ Tịch Trần Văn Lắm cũng đã bí mật rời khỏi VN và trao lại cho Trung Tá Nguyễn Bá Tường (Chánh Văn Phòng) một cái xách tay trong đó có chìa khoá văn phòng và con dấu Chủ Tịch TNV. Ngoài ra còn một mảnh giấy viết tay của ông Trần Văn Lắm gửi cho ông Trần Trung Dung, Đệ I Phó Chủ Tịch/Thượng Nghị Viện “uỷ quyền cho ông Trần Trung Dung thay thế ông Trần Văn Lắm xử lý thường vụ Chủ Tịch TNV”…

Tối 28/4/1975, trong cuộc bàn giao giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh đã trình diện Nội Các  tạm thời chỉ có 3 người là: Cụ Nguyễn Văn Huyền (Phó Tổng Thống) và GS Vũ Văn Mẫu (Thủ Tướng)…những chức vụ khác trong Chính Phủ chưa có. Việc lập Nội Các mới vào ngày hôm sau cũng chưa hoàn thành.

 

(Theo lời Trung Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại: Ngay sau đó, Ông Dương Văn Minh đã nhờ Thượng Toạ Thích Trí Quang liên lạc với VC, đồng thời đã cử một phái đoàn do cụ Nguyễn Văn Huyền vào gặp VC tại trại David trong phi trường Tân Sơn Nhứt, đưa đề nghị ngưng chiến để thương lượng. Nhưng tất cả mọi người đã bị CS lừa gạt. Các tướng lãnh có trách nhiệm đều đã bỏ trốn, Bộ Tổng Tham Mưu vắng vẻ, không còn một người nào.

Ông Dương Văn Minh đã cử các tướng Vĩnh Lộc, Lâm Văn Phát, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Kế Giai, v.v….đứng ra tổ chức lại quân đội nhưng đã quá muộn. VC đang tiến vào Sài Gòn và lên tiếng trên đài phát thanh “Giải Phóng” kêu gọi Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện và trao quyền lại cho họ. Tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đã lên tiếng yêu cầu người Mỹ hãy rút ra khỏi Việt Nam để nội bộ người Việt Nam tự giải quyết với nhau trong tinh thần huynh đệ.


Trở lại tình hình nước Mỹ trước ngày 30/4/1975, trong khi tinh hình VN rất đen tối thì tại Hoa Kỳ, TT Nixon rồi Phó TT Agnew phải từ chức vì vụ Water Gate, Quốc Hội Mỹ đã đề cử ông Geral Ford lên làm Tổng Thống. Tân Tổng Thống Ford đã cam kết tiếp tục chính sách của TT Nixon, sẽ không bỏ rơi VN. Nhưng Quốc Hội Mỹ đã từ chối viện trợ bổ túc về quân sự cho VN…Và dư luận báo chí Mỹ lúc đó đang nghiêng về phong trào phản chiến, chủ trương tìm một giải pháp chính trị cho VN và chấm dứt chiến tranh. Điều đó hoàn toàn bất lợi cho VNCH và tất nhiên là có lợi cho CS…Trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn rơi vào tay CS, Mỹ đã di tản nhân viên của Toà Đại Sứ và các cơ quan quân sự của họ ra khỏi Việt Nam bằng máy bay…

Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, ông Merillon và Tướng Vanuxem đã đứng ra liên lạc với VC cũng như với ông Dương Văn Minh, đề nghị một giải pháp chính trị cho VN. Ông cũng đề nghị ông Dương Văn Minh kêu gọi 13 quốc gia ký tên bảo đảm cho việc thi hành hiệp định Paris trong đó có Trung Cộng, hãy trực tiếp can thiệp để ngăn chận sự xâm lăng của Hà Nội, để bảo đảm cho Miền Nam một chế độ trung lập với ba thành phần…Nhưng Dương Văn Minh và những người chung quanh ông ta lúc đó đã chủ trương đầu hàng CS nên đã từ chối lời đề nghị này. Giờ chót Tướng Vanuxem gặp Trung Tướng Vĩnh Lộc phía sau lưng nhà thờ Đức Bà Saigon…


Ông đã khóc khi báo tin cho Trung Tướng Vĩnh Lộc biết “sứ mạng của ông ta đã thất bại” và khuyên Trung Tướng Vĩnh Lộc hãy tự lo cho bản thân. Trung Tướng Vĩnh Lộc liền đến gặp Đại Tá Hải Quân Nguyễn Văn Tấn và Đại Tá Tấn đã giúp cho ông và gia đình lên tàu hải quân tại bến Bạch Đằng (Sài Gòn) di tản ra khỏi Việt Nam. Trong khi Đại Tá Tấn cùng gia đình đã bước lên tàu nầy thì phu nhân của Đại Tá lên cơn đau tim phải đưa vào cấp cứu ở trong bệnh viện Grall của Pháp gần đó. Vì thế Đại Tá Tấn và gia đình đã kẹt lại và sau đó phải đi trình diện “học tập cải tạo” vì chiếc tàu kia không thể chờ đợi được, đành phải nhổ neo cho kịp giờ…(Thời gian gặp nhau trong nhà tù CS sau 1975, chính Đại Tá Nguyễn Văn Tấn đã kể lại cho Nguyễn Lý Tưởng chi tiết nầy)

Sáng 30/4/1975, trong lúc cộng sản trên đường tiến vào Sài Gòn thì Dương Văn Minh đã tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn “đầu hàng cộng sản” và kêu gọi quân đội ngưng chiến. Xe tăng của CS tiến vào Dinh Độc Lập, nơi đó, Dương Văn Minh và những người ủng hộ ông đang có mặt để trao quyền lại cho cộng sản…

Tại Cần Thơ, ngay khi được tin ông Dương Văn Minh thay thế Cụ Trần Văn Hương làm Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tiếp một phái đoàn của Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ từ Sài Gòn đến bằng máy bay trực thăng. Ông Nguyễn Cao Kỳ và các chính khách Sài Gòn đã đề nghị ông Nguyễn Khoa Nam với tư cách Tư Lệnh vùng IV (đồng bằng sông Cửu Long) cương quyết giữ vững Vùng IV để cho anh em khắp nơi chạy về đây góp sức nhau tạo thành một lực lượng tự vệ hầu có thể thương lượng với CS. Nhưng ông Nguyễn Khoa Nam trả lời: “Tôi là một quân nhân, tôi không làm chính trị, tôi chỉ biết chấp hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy. Trước đây Tổng Thống Thiệu là cấp chỉ huy của tôi và bây giờ Đại Tướng Dương Văn Minh là cấp chỉ huy của tôi…”. Phái đoàn của ông Nguyễn Cao Kỳ thất vọng trở về Saigon, sau đó, mạnh ai nấy chạy thoát thân.

Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ…đã tự tử…

Khi nghe tin Duong Van Minh đã đầu hang và bộ đội CS đang tiến vào Sài Gòn, đồng bào mạnh ai nấy chạy, tìm đường thoát khỏi chế độ CS bằng đủ mọi phương tiện: máy bay, tàu thuỷ, ghe thuyền…Những người còn ở lại chịu áp bức, tù dày, kỳ thị, mất nhà cửa tài sản, ruộng vườn, mất việc làm, mất mọi quyền tự do của một công dân trong chế độ dân chủ mà quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng. Các tu viện, trường học, cơ sở văn hoá, từ thiện của các tôn giáo bị tịch thu, các tu sĩ bị bắt, bị tù dày, bị xử tử…vì dám đứng lên tranh đấu cho tự do tôn giáo.

Từ 1975 các cuộc tranh đấu đòi xoá bỏ chế độ CS, đòi tự do tôn giáo, đòi thực thi các quyền tự do dân chủ, nhân quyền…vẫn tiếp tục diễn ra khắp mọi nơi, mọi lúc, ở trong nước, ở hải ngoại, từ thế hệ già cho đến thế hệ trẻ, không phân biệt nam nữ, địa phương, sắc dân…không bao giờ ngừng. Hàng triệu người bỏ nước ra đi không phải để kiếm cái ăn, cái mặc nhưng trước hết là để được sống tự do, không bị áp bức về tư tưởng, về tôn giáo, không bị phân chia giai cấp, không bị ràng buộc bởi lý lịch, được thăng tiến theo tài năng của mình…

 

Chuyện bên lề về Việt cộng
Dương Văn Nhật (em Dương văn Minh)

Thời gian tôi bị giam giữ tại trại tù Hà Tây (tỉnh Hà Sơn Bình, miền Bắc VN) khoàng 1978, tôi có gặp Đại Tá Nguyễn Lễ Trí là Chánh Văn Phòng của Đại Tướng Dương Văn Minh. Vợ của Nguyễn Lễ Trí là em ruột vợ của Dương Văn Minh…Ông Nguyễn Lễ Trí đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:

 

Ông Dương Văn Minh có hai người em trai: một người là Dương Thanh Sơn, sĩ quan VNCH năm 1964 mang cấp bậc Thiếu Tá Quân Cụ tại Sài Gòn. Người khác là Dương Văn Nhật mang cấp bậc Đại Tá (sau này lên Tướng của CS Hà Nội). Năm 1963, ngay sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì VC cho Dương Văn Nhật về Sài Gòn liên lạc với Dương Văn Minh. Dương Văn Nhật được bố trí ở tại nhà người em là Thiếu Tá Dương Thanh Sơn (trước 1975 là Đại Tá Quân Cụ)…Một hôm, ông Dương Văn Minh ra lệnh cho ông Nguyễn Lễ Trí (năm 1964 là Thiếu Tá) lái xe đến nhà Thiếu Tá Dương Thanh Sơn chở một người (không cho biết tên) và dặn: ông nầy bảo chở đi đâu thì cứ chở đi…đừng hỏi han gì cả…

Ông Nguyễn Lễ Trí đã sử dụng xe Jeep nhà binh đến nhà ông Dương Thanh Sơn và đã chở một người đi từ Sài Gòn về hướng Tây Ninh (Củ Chi) đến một quãng xa, bên cạnh cánh đồng lúa xanh, đàng xa xa giữa cánh đồng, có một xóm nhà…Ông kia ra dấu cho ông Nguyễn Lễ Trí ngừng lại…ông ấy xuống xe, đi bộ qua cánh đồng và khi đã khuất sau xóm nhà thì ông Nguyễn Lễ Trí mới lái xe về trình lại với ông Dương Văn Minh “đã thi hành xong”…Về sau mới biết người đó chính là tên sĩ quan Việt cộng Dương Văn Nhật, em ruột ông Dương Văn Minh…

Khoảng từ 1969-1970, lúc đó ông Dương Văn Minh đang ở bên Thái Lan  thì Dương Văn Nhật được Hà Nội cho qua Pháp chữa bệnh. Hai anh em Minh và Nhật thường liên lạc với nhau qua con trai của ông Minh du học  bên Pháp thường qua lại Thái Lan thăm ông Dương Văn Minh.

Vợ con ông Đại Tá Nguyễn Lễ Trí, vốn là gốc dân Tây, quốc tịch Pháp, nên đã rời Sài Gòn qua Pháp trước ngày 30/4/1975. Khi ông Dương Văn Minh thay Cụ Trần Văn Hương làm Tổng Thống vào ngày 28-29/4/1975, ông Minh đã đem ông Nguyễn Lễ Trí về làm Chánh Văn Phòng…Gia đình ông Nguyễn Lễ Trí ở chung với mẹ vợ (cũng là mẹ vợ của ông Dương Văn Minh) tại Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, Dương Văn Nhật từ Hà Nội vào Sài Gòn và chiếm ngôi nhà của ông Nguyễn Lễ Trí, đuổi mẹ vợ ông Nguyễn Lễ Trí và cũng là mẹ vợ ông Dương Văn Minh ra ở garage. Tất cả đồ đạc trong nhà như giày dép, quần áo của ông Nguyễn Lễ Trí (đồng phục sĩ quan bằng len…) đều bị Dương Văn Nhật lấy từ trong tủ ra để xài xem như của mình, chẳng e ngại gì hết…thậm chí những vật ưa ý để trong tủ kính (kiếng) cũng lấy cho người nầy người khác hoặc bán lấy tiền xài…Bà mẹ vợ ông Dương Văn Minh thấy vậy rất buồn.

Những người làm việc cho ông Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập như Đại Tá Nguyễn Lễ Trí và Đại Tá Vũ Quang Chiêm (một ông là Chánh Văn Phòng, một ông là Chánh Võ Phòng) đều bị đi tù cải tạo. Không có ai được miễn đi học tập…Riêng Đại Tá Nguyễn Lễ Trí vì đã cho vợ con trốn đi Pháp trước nên có tội và không được ân huệ gì hết…Bà mẹ vợ của ông Dương Văn Minh thấy tư cách của Dương Văn Nhật như vậy nên rất khinh bỉ anh ta…Ngoài ra vì bà cũng bị đối xử quá tệ nên rất buồn và mang bệnh, chết tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Lễ Trí phải nằm tù nhiều năm, đói, bệnh, nhục nhã nhiều nên rất bất mãn và căm tù CS…Sau khi được ra tù, nhờ vợ con bảo lãnh qua Pháp…Ông Nguyễn Lễ Trí xác nhận với Nguyễn Lý Tưởng: Dương Văn Minh đã liên lạc với CS ngay sau khi TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ…xem như ông ta là người có công với CS.

Kết thúc bài nầy
:


Tôi có nhiều điều muốn nói thêm nhưng sẽ có nhiều cơ hội để nói sau nầy…Đối với những người hiện nay vào tuôi 60 trở lên, có mặt tại VN ngày 30/4/1975 thì những điểu tôi ghi lại trên đây thật thiếu sót…Nhưng chủ ý của tôi là kể lại cho những người trẻ tuổi, thế hệ sau chúng tôi, sinh vào khoàng 1975 trở về sau, chưa từng thấy, chưa từng nghe những chuyện nầy…để họ biết được phần nào sự thật lịch sử của ngày 30/4/1975.


Westminster, California

Hoa Kỳ ngày 13/4/2013

Gs Nguyễn Lý-Tưởng

Cựu Dân Biểu
Việt Nam Cộng Hòa

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"