Lưu Hà Sĩ Tâm
Tác giả phân tích quy luật vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội đối với tầng lớp trí thức tại Việt Nam nói riêng, tại các xã hội thiết chế trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lê nin nói chung.
Khi đất nước lâm vào thời kỳ khó khăn và khủng hoảng kéo dài vài chục
năm qua, dẫn đến tụt hậu quá xa về mọi mặt so với bè bạn năm châu, nhân
dân ta rất chính đáng khi đặt câu hỏi rất tha thiết: Nhân tài đất Việt ở
đâu? Trí thức Việt ở đâu?
Trước khi vào câu chuyện bàn luận này, xin được nhìn nhận vấn đề với việc không nên tuyệt đối hóa một vài khái niệm ở đây.
“Trí thức” có thể hiểu đơn giản là người làm việc trí óc là
chủ yếu trong chuyên môn của họ, hoặc muốn hiểu sát nghĩa hơn, rằng họ
còn cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội nữa (bằng chính kiến và hành
động).
“Vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội” theo hướng tích cực, là
một quá trình diễn ra với đối tượng (từng cá nhân, số đông, tổ chức…),
làm suy giảm hiệu quả đóng góp cho xã hội của đối tượng, với các mức độ
khác nhau ở từng thời điểm, gọi là vô hiệu hóa từng phần. Thời điểm tồi
tệ là vô hiệu hóa hoàn toàn, nghĩa là đối tượng không còn tác dụng gì
trong phạm vi chức năng đối với xã hội. Lại có thời điểm tồi tệ hơn nữa,
khi có hiện tượng phản hiệu quả, làm cho đối tượng trở thành gây hại
cho xã hội.
“Nhân tài” được hiểu đơn giản là những người rất có năng lực (so với những người khác cùng hoàn cảnh) cho việc đóng góp cho xã hội.
Chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng, thời phong kiến, nhân tài chỉ
có “đất phát” (môi trường tốt cho phát huy) khi gặp được “minh quân”.
Minh quân cao nhất thì đó là vua sáng suốt, nhưng thấp hơn (và bỏ qua
ràng buộc bởi ngôn từ, để dùng cách nói dân dã) thì đó còn nói đến các
quan với các phẩm trật khác nhau (các cụ ta khi xưa ít dùng từ “minh
quan”). Minh quân biết “dụng nhân như dụng mộc”, nôm na là thợ mộc biết
dùng loại gỗ nào vào việc gì cho tốt, thì minh quân biết dùng người có
năng lực ra sao vào những công việc nào cho ích lợi nhất. Nhưng minh
quân thực sự phải là người biết tối thiểu hóa các ràng buộc với thuộc
cấp, để cho họ có không gian tự do cần thiết về trí tuệ và hành động, để
kích thích tiềm năng sáng tạo của họ trong phụng sự xã tắc. Minh quân
hiển nhiên phải biết cách “đãi hiền”, không nhất thiết phải luôn ban
phát bổng lộc cho người tài, mà tối thiểu là phải “đãi bởi tinh thần”,
nghĩa là xự xử công minh: người làm tốt phải được đánh giá cao hơn, trân
trọng hơn so với những kẻ bất tài, làm thì tồi tệ, nhưng dẻo mép dối
trên lừa dưới. Phải có minh quân ở tầm cao thì mới phát sinh nhiều minh
quân ở tầm thấp hơn, và nhờ thế mà xã tắc mới có cơ thịnh vượng.
Ngày nay ở nước ta thì sao? Vì rằng Đảng thường nói đến lãnh đạo tập
thể, thì đối với quốc gia, vai trò “quân” giờ đây chính là Đảng. Đảng ép
buộc thiên hạ ngày xưa phải “trung quân” thì giờ đây, nhất là lực lượng
vũ trang, phải “trung với Đảng”. Mọi phương tiện tuyên truyền của Đảng
trước sau kiên định ca ngợi tầm cao của tính “minh”, tức tầm cao sáng
suốt của Đảng. Tầm cao sáng suốt này thể hiện ở đâu? Trước hết, thể hiện
ở Cương lĩnh của Đảng, và đang được cụ thể hóa trong Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992. Theo đó, Đảng chọn sẵn cho dân tộc ta con đường phát
triển, mà Đảng khẳng định đó là con đường duy nhất đúng. Đó là con đường
xây dựng xã hội XHCN trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ nghĩa
Mác-Lênin. Câu chuyện về sai lầm của con đường này, đã được nhiều người
bàn đến, và sẽ còn được chúng ta bàn đến vào nhiều dịp khác nữa.
Nhưng trong câu chuyện này, chúng ta chỉ bàn đến việc Đảng có tầm cao
sáng suốt hay không, trong việc sử dụng và phát huy nhân tài, mà trước
hết là đối với một lực lượng lớn nhân tài của đất nước thuộc tầng lớp
trí thức của chúng ta.
Đảng tìm cách Hiến định sự lãnh đạo duy nhất và toàn diện của Đảng
đối với dân tộc, đồng nghĩa với việc những trí thức của đất nước cần
phải hội tụ trong Đảng mới được tin dùng và phát huy tốt. Giá như lý
luận của chủ nghĩa Mác-Lênin là đúng, hơn nữa lại được Đảng “sáng tạo”
thêm, thể hiện trong Cương lĩnh và Hiến pháp 1992, thì việc trí thức của
đất nước hội tụ trong Đảng là đúng đắn, và đó là hồng phúc của dân tộc.
Nhưng thật bất hạnh cho dân tộc ta, thực tiễn phát triển trên phạm vi
toàn cầu lại đã và đang chối bỏ lý luận của chủ nghĩa này. Tại nước ta,
gần 40 năm qua cho thấy rõ, Đảng vẫn đang lúng túng hoang mang lèo lái
con tàu dân tộc chạy vật vờ, lang thang vô định trên mặt biển bao la
không thấy bến bờ. Nói riêng, tầng lớp trí thức của đất nước phải chịu
vô vàn nghịch lý và bất công, đến mức tủi hổ với bạn bè quốc tế. Là
người trí thức, ham muốn lớn nhất của họ là được đóng góp nhiều nhất cho
xã hội trong phạm vi năng lực chuyên môn và nhận thức xã hội của mình.
Vậy mà, cho dù Đảng có muốn hay không, thì trong mấy chục năm qua trên
đất nước ta, đã và đang lặng lẽ diễn ra một quá trình rất tồi tệ, làm
giảm thiểu hiệu quả đóng góp cho xã hội của giới trí thức. Có thể gọi đó
là quá trình vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội, có tính quy luật, tác động vào tầng lớp trí thức của đất nước.
Trong điều kiện tồi tệ này, những người thực sự là trí thức có tài,
dù ngoài Đảng hay còn trong Đảng, tỏ rõ chính kiến và không chấp nhận lý
luận và con đường Đảng chọn, đứng về phía bảo vệ chân lý, thì hiển
nhiên bị cô lập nhanh chóng, tiến tới bị quy chụp và đàn áp. Quá trình vô hiệu hóa
diễn ra rất nhanh và khốc liệt đối với các nhân tài trí thức này, đóng
góp của họ cho xã hội bị phong tỏa rất nhanh và rất tàn độc, nếu nhìn
nhận theo góc độ nhân văn. Trước đây, luật sư Nguyễn Mạnh Tường với hai
bằng tiến sĩ từ Pháp về, triết gia lừng danh Trần Đức Thảo từ Pháp về,
nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang… Rồi gần đây, các tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ,
Nguyễn Thanh Giang, Cù Huy Hà Vũ… là các ví dụ điển hình cho các trí
thức này. Một số nhân tài trí thức, một mặt vẫn khó tránh khỏi việc trở
thành nạn nhân của quá trình vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội
nói trên, nhưng mặt khác họ lại đủ tài năng và có điều kiện để đóng góp
cho xã hội theo một kênh cơ chế khác, đó là cơ chế vừa hợp tác, vừa đấu
tranh cho quyền con người, cho hình thành một xã hội dân sự và dân chủ
hóa đất nước. Xin tạm nêu các ví dụ điển hình như các giáo sư Hoàng Tụy,
Hoàng Xuân Phú, Chu Hảo, Tương Lai, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng,
nhà giáo Phạm Toàn….
Cho dù đã từng bị tù đày, quản chế, sách nhiễu… hay không, tất cả
những nhân tài trí thức nói trên đều là những viên ngọc quý của đất
nước. Họ có tài năng, tâm huyết, và cả dũng khí nữa, để âm thầm đóng góp
cho xã hội theo hướng tích cực, với hiệu quả đóng góp rất lớn lao, thậm
chí ngay cả khi bị giam cầm trong tù ngục. Họ chính là những trí thức
thật sự đúng nghĩa, bên cạnh năng lực chuyên môn cao còn có trách nhiệm
rất cao đối với xã hội thông qua chính kiến và hành động cụ thể của
mình, để cải biến xã hội theo hướng tiến bộ.
Một lực lượng trí thức đáng quý khác trong hai chục năm qua là các
trí thức từ nước ngoài, vốn là Việt kiều hoặc đang sống và làm việc ở
nước ngoài, đau đáu lo nghĩ về quê hương đất nước. Các trí thức này đã
qua các kênh khác nhau, góp bàn nhiều ý kiến tư vấn, phản biện rất có
giá trị cho đất nước, hoặc về nước trực tiếp giảng dạy hay hoạt động
khoa học công nghệ đóng góp cho quê hương. Họ kinh ngạc khi Đảng ngạo
mạn và phớt lờ mọi ý kiến đóng góp tư vấn của họ, nếu như khác ý của
Đảng. Đặc biệt là họ khó có thể chấp nhận cơ chế làm việc của hệ thống
do Đảng thiết lập nên. Có những trường hợp đã từng bị an ninh sách
nhiễu, như trường hợp GS Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ về nước giảng dạy sau
đại học và hoạt động khoa học công nghệ... Cho nên đã diễn ra một sự
thật cay đắng, là quy luật vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội cũng
đã lạnh lùng tác động lên các trí thức từ nước ngoài, những trí thức mà
đất nước rất cần trân trọng trong lúc khó khăn này, khiến cho họ ngày
càng nản lòng.
Một lực lượng đông đảo các trí thức, lựa chọn đi theo Đảng và làm
việc trong hệ thống chính trị do Đảng lập nên, thì trên thực tế đã rơi
vào một số trường hợp dưới đây.
Một là, trường hợp cơ hội. Những nhân tài trí thức nhận biết được sai
lầm của lý luận và con đường dẫn dắt của Đảng, nhưng họ buộc phải chấp
nhận để tồn tại và phát triển. Những người đó sẽ làm việc theo cách thức
cơ hội, mặc dù ban đầu họ không muốn thế. Có cơ hội tốt bên cạnh các cơ
hội xấu. Kết quả của cơ hội, đối với rất nhiều trí thức, có thể đơn
giản chỉ là công việc nhàn hạ và cuộc sống ấm thân, hay là thỏa mãn nhu
cầu chuyên môn thuần túy. Nhưng đối với nhiều trí thức, kết quả của cơ
hội được thúc đẩy lên, phải là có được vị trí quyền lực và giàu có.
Nhưng hiệu quả đóng góp cho xã hội của những trí thức làm việc kiểu cơ
hội như vậy bị hạn chế rất nhiều. Nhiều khi công việc của họ nghiêng về
phía gây hại cho xã hội, khi họ chỉ nhìn thấy lợi ích cá nhân hay lợi
ích nhóm, mà quên đi lợi ích quốc gia.Ví dụ điển hình là Dự án Bauxite
Tây Nguyên, đã và đang trở thành sản phẩm tai họa của công việc do các
vị trí thức kiểu này thực hiện. Khi cách làm việc kiểu cơ hội diễn ra
thành thói quen, họ dễ đánh mất mình và nhiễm căn bệnh gian dối ngày
càng nặng, trong chuyên môn cũng như trong ứng xử xã hội. Quá trình vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội đối với các trí thức này, mặc nhiên diễn ra, lặng lẽ nhưng không kém phần khốc liệt và xã hội phải gánh chịu thiệt thòi.
Hai là, trường hợp phục tùng. Những trí thức không có nhu cầu hiểu ở
mức độ cần thiết về tính đúng sai của lý luận và con đường đang theo. Họ
sẽ làm việc chủ yếu theo cách thức phục tùng. Một khi đã làm việc kiểu
phục tùng, tính sáng tạo bị hạn chế rất nhiều, hiệu quả làm việc luôn bị
hạn chế. Những trí thức đó cho dù không quan tâm nhiều, nhưng trên thực
tế là họ bị hạn chế nhiều hiệu quả đóng góp cho xã hội. Khi cấp trên
không đủ trí tuệ và giao việc không đúng cho anh, anh chỉ biết phục tùng
mà không có năng lực điều chỉnh. Kết quả thu được khi đó là rất tồi tệ,
và anh là tội đồ trước tiên, khi cấp trên rũ bỏ trách nhiệm. Ví dụ điển
hình cho các trí thức thuộc trường hợp này các luật sư, thẩm phán...
làm công việc xử các án bỏ túi, xử oan sai với các đối tượng dân chúng,
hay trường hợp các nhà báo bút nô tại các tòa báo “lề phải” cũng vậy.
Theo thời gian, quá trình vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội đã và
đang diễn ra, tác động theo hướng hạn chế hiệu quả, hoặc phản hiệu quả
(có tác dụng gây hại) của những trí thức này đối với xã hội.
Ba là, trường hợp cuồng tín. Những trí thức đã dành nhiều thời gian
và trí lực cho việc tìm hiểu hay nghiên cứu về lý luận đang theo, và tin
rằng lý luận và con đường đi là đúng đắn. Những người đó không đủ năng
lực trí tuệ, để hiểu rằng lý luận có quá nhiều sai lầm nên lý luận ấy đã
và đang bị thực tiễn đào thải. Những người đó sẽ làm việc theo cách
thức không chỉ phục tùng mà còn cuồng tín. Khi đã cuồng tín, họ có xu
hướng bóp méo thực tiễn và lý luận để thỏa mãn niềm tin của mình, bảo
thủ đến mức độ sẵn sàng ngụy biện chày cối đủ kiểu, thậm chí vi phạm
nhân cách, để chứng minh sự kiên định với chủ nghĩa. Các trí thức này
được Đảng tin dùng. Vì thế, ví dụ về trường hợp này chính là các vị trí
thức trong Bộ Chính trị, trong Ủy viên Trung ương, trong hệ thống học
viện chính trị của Đảng… Người trí thức mà làm việc kiểu phục tùng cuồng
tín cho hệ thống luận thuyết sai lầm, thì kết quả công việc của người
đó đối với xã hội (theo hướng tích cực) mà đạt được ở mức vô thưởng vô
phạt, thì cũng đã là rất may mắn. Trong rất nhiều trường hợp, kết quả
công việc của họ đối với xã hội có tính chất tàn phá nhiều hơn là có
tính chất xây dựng. Vì vậy, những trí thức trong trường hợp này, dường
như là rất có đất để phát huy, nhưng trớ trêu thay, họ không thể ngờ
rằng họ vẫn không thể tránh khỏi là nạn nhân của quy luật vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội theo hướng tích cực.
Sự phân định ba trường hợp nói trên có tính chất tương đối, do vậy có
thể có quan điểm phân định thành nhiều trường hợp hơn. Tính tương đối
còn thể hiện trong mỗi đối tượng, cả cuộc đời công tác có thể có các
giai đoạn khác nhau mà tư tưởng sống và làm việc có thay đổi, và do vậy
sẽ rơi vào các trường hợp khác nhau nói trên.
Trong một tổ chức (cơ quan, đơn vị…) nằm trong hệ thống chính trị,
luôn tồn tại đồng thời tất cả các trí thức thuộc ba trường hợp nêu trên.
Các trí thức thuộc trường hợp ba (cuồng tín), mặc dù số lượng không
lớn, nhưng được Đảng và chính quyền ưu ái hơn nhiều, mặc dù năng lực trí
tuệ thấp hơn rất nhiều so với các trí thức đông đảo thuộc các trường
hợp khác. Sự ngạo mạn của Đảng và chính quyền, coi thường đông đảo trí
thức trình độ cao cũng từ đó mà nảy nở. Họ kín đáo nhếch mép cười trên
đồng lương nghèo nàn của các giáo sư, vốn chỉ bằng lương của một kỹ
thuật viên mới vào làm việc cho một công ty liên doanh. Các đồng nghiệp
bè bạn quốc tế kinh hoàng khi biết sự thật đó. Thực tế nói trên cũng là
một trong các biểu hiện tàn phá của quy luật vô hiệu hóa mà chúng ta đang bàn đến.
Tất cả những thực tế trên đây cho thấy, trong hệ thống chính trị được
thiết chế trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tầng lớp trí thức mặc nhiên
chịu tác động bởi quy luật vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội. Đó
là lý do vì sao luôn xuất hiện ngày này qua tháng khác các câu hỏi với ý
tha thiết kêu gọi của nhân dân đối với tầng lớp trí thức nước ta. Nền
khoa học công nghệ của nước nhà tụt hậu thê thảm ư, trình độ trí thức
Việt nam ra sao? Nền giáo dục của nước nhà tha hóa ư, đức độ trí thức
Việt nam đến đâu? Nền y học nước nhà lạnh lùng và vô cảm kiếm tiền trên
nỗi đau của bệnh nhân ư, lương tâm trí thức Việt nam đâu? Nền văn hóa
nước nhà xuống dốc và méo mó ư, văn hóa trí thức Việt nam thế nào? Nền
lập pháp - hành pháp - tư pháp rối loạn và bất minh ư, nhân cách trí
thức Việt nam còn hay mất? Phương thức tổ chức xã hội bị tha hóa cần
được cải biến theo hướng tiến bộ ư, lương tri và dũng khí trí thức Việt
nam còn được bao nhiêu?...
Xin được trả lời: trí thức Việt Nam đã và đang bị vô hiệu hóa đóng góp cho xã hội.
Đó cũng là một nghịch lý cay đắng đối với một dân tộc, bị dẫn dắt
theo con đường xây dựng xã hội XHCN trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ
nghĩa Mác-Lênin.
Thời kỳ 1930-1975, lựa chọn con đường này cho dân tộc là bởi những
bậc tiền bối của Đảng, được coi là những nhà cách mạng lớn, nhưng lại
không phải là những trí thức thực sự. Ngày nay, tiếp tục kiên định con
đường này, là sự lựa chọn của các vị lãnh đạo Đảng với chất trí thức cao
hơn hẳn so với các vị tiền bối (nếu căn cứ theo học vấn, học vị, học
hàm). Nhìn nhận theo khía cạnh khoa học của vấn đề, họ kiên định lựa
chọn con đường này, trên cơ sở các đề tài tiến sĩ, các đề tài cấp Nhà
nước, cấp Học viện… của chính họ và của số trí thức đảng viên phục tùng
cuồng tín, khi nghiên cứu các nội dung về lý luận Mác-Lênin. Số lượng
các trí thức đảng viên loại này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số
tri thức Việt Nam? Không cần con số chính xác vào lúc này, nhưng câu trả
lời chính xác là: đó là thiểu số.
Vậy là một nghịch lý cay đắng nữa xuất hiện đối với dân tộc: đa số trí thức Việt Nam bị vô hiệu hóa bởi một thiểu số trí thức trong Đảng.
Toàn dân vẫn kỳ vọng trí thức Việt Nam vượt qua hoàn cảnh, chung sức
kiên trì góp phần lập nên Hiến pháp mới, cho phép điều chỉnh con đường
đi của dân tộc, hướng đến giải tỏa vô vàn nghịch lý đè nặng lên vai dân
tộc.
Thái Bình, 1/4/2013
L.H.S.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN