Tưởng Năng Tiến
Nước bốn nghìn năm hồn chửa tỉnh,
Người hăm lăm triệu giấc còn say.
Tản Đà
Người hăm lăm triệu giấc còn say.
Tản Đà
“Gia Định báo, tờ báo đầu tiên của nước ta được xuất bản ở
Sài Gòn 5 năm trước khi Tú Xương ra đời. Nhưng có lẽ trong hoàn cảnh sự
giao thông liên lạc bấy giờ, thậm chí khó lòng nói chắc rằng nho sĩ Trần
Tế Xương biết có một tờ báo như thế tồn tại ở trên đời để tính chuyện…
cộng tác…”
“Nếu có tính đến mấy ông nhà nho chuyển sang viết báo, thì người ta
phải đợi đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, khi Phan Kế Bính viết cho Đông Dương tạp chí, Nguyễn Bá Học viết Nam Phong, Tản Đà làm Hữu thanh hoặc Phan Khôi làm chủ bút Phụ nữ tân văn.
Trước đó, nhà báo ở ta thuần tuý là lớp trí thức mới được Pháp đào tạo
(Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh). Ấy là những sự kiện được
lịch sử công nhận.”
“Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nội dung các bài thơ mà Tú Xương để lại,
người ta lại không khỏi có ý nghĩ rằng ông nhà nho này sinh ra để làm
báo. Ở ông luôn luôn có tư duy của một ký giả, chẳng qua sinh bất phùng
thời, không gặp cơ may để thi thố ngòi bút cho đúng lúc thôi …” (Vương
Trí Nhàn, “Tú Xương nhà báo”. trong Cánh bướm và hoa hướng dương, NXBx Phụ Nữ, Hà Nội, 2006, 31-33).
Bác Vương Trí Nhàn – rõ ràng – là một người (rất) bi quan và (vô
cùng) khó tính. Cái nhìn của bác ấy về cuộc đời, cũng như đời người
(thường) đen thui như mực. Chớ Tú Xương, nói nào ngay, vẫn may mắn chán.
Ông may mắn vì được sinh ra ở Việt Nam, nơi mà tờ báo đầu tiên (Gia Định báo) đã có mặt rất sớm – chính xác là vào ngày 15 tháng 4 năm 1865.
Mãi gần 150 năm sau, hôm 1 tháng 4 năm 2013, trên đường phố Miến Điện
mới có tiếng rao (“Báo mới đây!”) và biến cố bất ngờ này đã khiến cho
dân chúng “mừng rơi nước mắt” – theo như tường thuật của ký giả Anh Duy,
đọc được trên Tuổi Trẻ Online vào ngày 10 tháng 4 năm 2013:
“Theo thống kê của tờ Global Post của Mỹ, trong ngày đầu tiên
phát hành tờ Golden Fresh Land (1-4), 80.000 bản đã được bán sạch vào
trưa cùng ngày. Trả lời phỏng vấn báo Irrawaddy, ông Maung Lay không giữ
nổi cảm xúc:“Chúng tôi đã chờ đợi hơn nửa thế kỷ cho ngày hôm nay.”
Tun Win, một tài xế taxi tại Yangon, hào hứng: “Giờ đây người dân
có thể tiếp cận thông tin mỗi ngày, không phải mỗi tuần một lần.”
Độc giả đọc tờ The Voice - một trong bốn tờ báo tư nhân phát hành từ ngày 1-4-2013. Ảnh: AFP
Thiệt tình: nghe mà thấy (thương) hết sức, muốn ứa nước mắt luôn! Cái
Xứ Chùa Vàng (chết tiệt) này thiệt là chậm tiến và lạc hậu về mọi mặt. Ở
Việt Nam, dù báo chí đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn luôn luôn được đón
nhận tưng bừng và “hào hứng” hơn nhiều. Báo Nhân dân – số ra ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong mục “bạn đọc góp ý và phê bình” – có ghi lại một ý kiến (đóng góp) vô cùng nồng nhiệt:
“Ðối với kiều bào ở California là nơi có đông người Việt Nam, thì báo Nhân dân
điện tử là món ăn tinh thần lớn nhất, quí nhất. Riêng đối với tôi việc
làm đầu tiên trong ngày là mở trang báo Nhân dân điện tử… Nhiều người
chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân dân…”
Thiệt là quá đã (và quá đáng) nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu, nếu
so với như tường thuật của ông Nghiêm Tiến Quang (Giám đốc Công ty in
báo Hà Nội) trên tờ An ninh thế giới, số ra ngày 2 tháng 1 năm 2009:
“Tại chợ người Việt ở thủ đô Berlin (Đức), tôi gặp một ông mua
một lúc 5 tờ ANTG. Tôi bắt tay ông hỏi: Sao bác mua nhiều thế?. Ông
cười: Tôi mua hộ mấy ông bạn cùng làm ở chỗ tôi. Tôi hỏi tiếp: Ở Đức có
nhiều người đọc ANTG không? Ông gật đầu: Nhiều đấy. Đọc xong lại cho
mượn, rồi chẳng thấy ai trả lại. Bởi báo có nhiều bài cần đọc.”
Chắc còn lâu, lâu lắm, người Miến mới tiến tới “trình độ” chỉ mong
sáng ra để được đọc báo điện tử (Nhân Dân) hay mua luôn một lượt đến 5
tờ (ANTG) vì… dân trí họ còn thấp lắm – theo như tường thuật của ký giả Từ Khanh, từ Yangon:
“Sau khi được trả tự do, Daw Suu vận động thành lập 36 ‘trường‘
tư. Đúng hơn nên gọi là ‘trường thí’ vì học sinh không phải đóng tiền,
dành cho các gia đình nghèo không đủ sức cho con theo học trường nhà
nước (đủ thứ phí)… Chúng tôi bàn sẽ thuê xe đi thăm bốn trong 36 trường
của Daw Suu nằm ở ngoại vi Yangon…
Khái niệm ‘trường’ sẽ không đúng khi đến các ngôi trường này, vì
mỗi trường chỉ gồm một lớp học. Cả bốn cái trường đều nằm trên những khu
vực sinh lầy và hôi hám xa trung tâm Yangon vài chục cây số…”
Giáo dục ở Việt Nam thì hoàn toàn khác hẳn, có truyền thống và “nền nã” hơn thấy rõ:
“Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc đã đưa ra những con số làm mát mặt
người Việt chúng ta. Nội các chính phủ Việt Nam có nhiều tiến sĩ hơn
chính phủ Mỹ và Úc! Nội các Việt Nam có 26 người thì có tới 13 bộ trưởng
có bằng tiến sĩ (chiếm 50%), 10 người có bằng cử nhân và 3 người có
bằng thạc sĩ…
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, nguyên chuyên viên đối ngoại Học viện
Hành chính Quốc gia, cho biết là tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số
người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Trong các
quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam ta có nhiều tiến sĩ nhất. Vậy là ta ăn
trùm thiên hạ về học vấn.
Đất nước Việt Nam bây giờ ra đường là gặp tiến sĩ. Tiến sĩ lềnh
khênh. Đụng tay chỗ nào cũng chạm vào tiến sĩ! Nội các chính phủ đã…
tiến sĩ như vậy, tướng tá công an quân đội cũng tiến sĩ, chức quyền địa
phương cũng tiến sĩ.” (Song Thao. “Dởm” Thời báo 05 tháng 4 năm 2013).
Trần Tế Xương mà sinh sống vào thời buổi (“tiến sĩ lềnh khênh”) như
hiện nay thì chắc chết, chết chắc. Cử nhân Nguyễn Đính (tức nhà thơ nổi
tiếng Trần Vàng Sao)
mà chức vụ, trước khi xin nghỉ hưu, mới chỉ là liên lạc xã thôi thì nói
chi đến cái thứ tú tài – cỡ Tú Xương. Nếu vẫn muốn bon chen võng lọng
thì nho sĩ họ Trần (e) chỉ còn cách chạy… vô chùa để biến thành tu sĩ:
Công đức tu hành sư có lọng!
Và cũng phải là chùa ở nước ta à nha, chớ chùa chiền và sư tăng ở Tây
Tạng hay Miến Điện thì cũng đừng hòng. Họ hay kiếm chuyện lôi thôi với
nhà nước lắm. Cứ biểu tình, chống đối, hay tự thiêu đều đều.
Giới tu sĩ ở Việt Nam thì khác hẳn. Rất nhiều vị dễ chịu (và dễ dụ,
hay dễ dạy) hơn nhiều nên vẫn được Đảng và Nhà Nước khen thưởng hoặc
biểu dương.
Có thể vì những nề nếp về báo chí, học đường và tôn giáo (vừa nêu) nên trong một bài viết mới đây (“Việt Nam và Myanmar, Ai chậm hơn ai?”) Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt Ngữ BBC, đã cho rằng đây là một sự so sánh “khập khiễng” theo nguyên văn cách dùng chữ của ông:
“So sánh với Việt Nam thì quả là khập khiễng.
Việt Nam đã thống nhất đất nước và vấn đề sắc tộc trong nhiều năm
qua vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, dù đôi khi
có nảy sinh điềm nóng ở một số vùng xa.
Về kinh tế, Việt Nam cũng đã cải tổ sớm hơn nhiều so với Miến
Điện và đang chuẩn bị bước lên ngưỡng thu nhập trung bình trong khi Miến
Điện còn thiếu vắng gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và vẫn là một trong
số nước ‘nghèo khổ nhất châu Á’, theo đánh giá của BBC Monitoring.
Nhưng cũng vì thế, không có lẽ gì mà Việt Nam lại phải chịu tiếng
‘tụt hậu’ so với Miến Điện, nếu đánh giá trên cơ sở các tiêu chí kinh
tế, trình độ phát triển, năng lực hội nhập và tính thống nhất.”
Cũng vẫn theo lời của nhà báo Nguyễn Giang, qua bài báo thượng dẫn:
Giải pháp ‘chính trị đi trước’ ở Miến Điện cũng chưa chắc đã nhanh chóng
tạo đà cho ‘kinh tế theo sau’.
Nhận định này – xem ra – có vẻ phù hợp với sự quan sát của một biên tập viên BBC khác, bà Hồng Nga, người đã có mặt tại Xứ Chùa Vàng vào tháng 3 vừa qua:
“Con đường cải cách ở Miến Điện mới chỉ bắt đầu, và còn nhiều chông gai phía trước.”
Sự “tròng trành” của Miến Điện khi đối diện với những thử thách trước
mặt có thể khiến cho thiên hạ liên tưởng đến mệnh lệnh của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, khi ông, cách đây chưa lâu, bỗng (buột) miệng hô to:
Cả dân tộc hãy bước ra biển lớn!
Dân Việt (đều) ngớ ra một lúc, rồi đồng loạt “ồ” lên tán thưởng:
- Ờ, ra thì ra chớ! Ở nhà với cái Đảng thì biết ngày nào khôn, và đến kiếp sau (chắc) cũng không khá nổi.
Quyết định (tưởng như thật) này người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã
đáp ứng được sự khát khao bị đè nén từ lâu của cả một dân tộc. Ai cũng
đều mong muốn được nhìn xem cuộc sống của nhân loại ra sao, bên ngoài
bức màn sắt.
Ít khi nào dân Việt có sự háo hức và đồng thuận (lớn) như thế. Tuổi trẻ Online mở ngay diễn đàn Vươn ra biển lớn, và được hưởng ứng nhiệt liệt của rất nhiều độc giả. Riêng Luật sư Lê Công Định đã hăng hái lên tiếng: “Đối với vận hội lớn lao như thế của đất nước, cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng dân tộc.”
Tuy nhiên, chung cuộc thì Lê Công Định phải vào tù vì đã phát biểu
linh tinh, và Miến Điện đã bước ra biển lớn chứ không phải Việt Nam.
Người Miến đang đương đầu với sóng gió, chịu đựng mọi thử thách, cũng
như những bất ổn, vì sự quyết tâm thay đổi của chính họ.
Ta thì vẫn ở lại trên bờ, và vẫn tiếp tục ngủ với những giấc mộng rất
an bình – như thường lệ: ở nước ngoài thì kiều bào mỗi đêm đều chờ sáng
để đọc báo Nhân dân điện tử, ở trong nước
thì cứ bước ra khỏi cửa là gặp ngay tiến sĩ, và tu sĩ thì đều ngoan và
“hiền như ma soeur” ráo trọi. Khỏi ai phải băn khoăn (hoặc “lăn tăn”) gì
nữa ráo: “không có lẽ gì mà Việt Nam lại phải chịu tiếng ‘tụt hậu’
so với Miến Điện, nếu đánh giá trên cơ sở các tiêu chí kinh tế, trình độ
phát triển, năng lực hội nhập và tính thống nhất.”
Thỉnh thoảng, nếu muốn thay đổi không khí thì chỉ cần đổi tên nước
cho nó đỡ nhàm là đã đủ rồi. Sau Tú Xương, Tản Đà đã có lúc chép miệng
thở dài:
Nước bốn nghìn năm hồn chửa tỉnh,
Người hăm lăm triệu giấc còn say.
Người hăm lăm triệu giấc còn say.
Từ đó đến nay dân số chúng ta đã tăng gần gấp bốn. “Say” mà càng đông thì càng vui thôi, chớ có sao đâu!
© 2013 Tưởng Năng Tiến & pro&contra