N.V.C.
Đôi lời của blog Anh Ba Sàm: Bài viết dưới đây cùng tài liệu kèm theo được một độc giả gửi tới. Do tính chất quan trọng của vụ việc, chúng tôi đã liên lạc với một vài nhà báo có khả năng nắm được sự vụ và được biết những nội dung này là chính xác.
Ngoài ra, còn có thông tin đã có đoàn thanh tra của Văn phòng TƯ Đảng vào làm việc. Đoàn này muốn “hành chính hóa” vấn đề trong khi mức độ thiệt hại là nghiêm trọng và có nhiều biểu hiện khuất tất.
Hy vọng các cơ quan chức năng, báo giới vào cuộc để làm rõ và đưa ra công luận.
Quá trình xây dựng nhà in mới của Công ty in báo Nhân Dân tại TP Hồ
Chí Minh đã xảy ra việc vay vốn tín dụng quá lớn của một số ngân hàng và
dùng vốn ngắn hạn để xây dựng cơ bản dài hạn. Việc vay vốn tùy tiện, vi
phạm nghiêm trọng quy chế của nhà nước và quy định của chính báo Nhân
Dân – vẫn xưng danh cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, tiếng
nói của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam!
Báo Nhân Dân là cơ quan cấp bộ, chủ quản của các công ty in trực
thuộc, trong đó có Công ty in báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh. Theo quy
định, những khoản vay vốn, đầu tư lớn phải có sự thảo luận, nhất trí của
Ban biên tập – tập thể lãnh đạo đặc thù của báo Nhân Dân, với các thành
viên gồm Tổng biên tập, Phó tổng biên tập và các Ủy viên ban biên tập
(một chức trên vụ trưởng một chút, nhưng có quyền lực lớn, nhất là trong
phần việc được phân công phụ trách).
Lợi dụng chủ trương đưa nhà máy khỏi nội thành, ông Ung Tấn Thể, giám
đốc Công ty in (hàm vụ trưởng, đảng ủy viên báo Nhân Dân) và ông Lê
Quang Tụ, Ủy viên ban biên tập, Trưởng ban trị sự, chủ tài khoản cơ
quan, đã cùng nhau tùy tiện lập một công ty con để vay vốn các ngân hàng
và xin đi nước ngoài, rồi tự ý quyết định mua thiết bị in qua một số
chuyến công du hải ngoại tốn kém, không loại trừ có khoản “gửi giá bẫm”
vì giá mua rất “trên trời”…
Tổng số vốn vay các ngân hàng lên tới 170 tỷ đồng. Nếu tính cả lãi mà
không được khoanh nợ thì chắc chắn lên tới trên 200 tỷ đồng. Trong khi
đó, kết quả sản xuất kinh doanh đi xuống, nguy cơ vỡ nợ, phá sản ngày
càng lớn. Đến khi thấy không thể bưng bít được nữa thì mới báo cáo Ban
biên tập, xin giúp “tháo gỡ khó khăn”. Điều trớ trêu là sự việc bắt đầu
từ khóa trước và hai ông Thể, Tụ là những cánh tay đắc lực của ông Đinh
Thế Huynh – Tổng biên tập báo Nhân Dân thời đó. Nay vụ việc đổ bể thì
ông Thuận Hữu – Tổng biên tập mới phải lo gỡ và chống đỡ, lại đúng lúc
cao trào thực hiện nghị quyết của Trung ương đảng về chống tham nhũng.
Nếu thật sự nghiêm túc xử vụ này thì là chấp hành tốt nghị quyết, nhưng
lại khó xử và có thể bất lợi trong cái gọi là “ngó chúa” tiền nhiệm!
Được biết, Thanh tra Văn phòng trung ương đảng cũng đã vào cuộc, nhưng
“xử lý” hay “làm lơ” thì chưa biết.
Có tin ông Tổng biên tập báo Nhân Dân hiện nay cũng muốn kiên quyết
lắm, đã từng nói tội đó đáng phải mời công an vào điều tra xử lý theo
luật hình sự, nhưng rồi vẫn đành phải ra sức nhờ ngân hàng giúp “khoanh
nợ”. Hiện đang tiến hành các bước xử lý nội bộ với hai vụ trưởng nêu
trên và có thể phải bán nhà đất, xưởng máy, trụ sở để trả nợ một phần
những khoản nợ đã quá hạn mà ngân hàng ráo riết đòi. Nhưng dù có bán nhà
đất, trụ sở cũ thì cũng chưa đủ trả nổi số lẻ của nợ gốc, nghĩa là chắc
chắn bị thất thoát, mất vốn trên 100 tỷ do hai ông nói trên, không loại
trừ trách nhiệm của bề trên hai ông. Còn nếu bòn rút, giảm lương, phúc
lợi của công nhân để lấy thu nhập của Công ty trả nợ thì nửa thế kỷ chưa
trả hết nợ gốc, hoặc không đủ trả lãi sinh sôi hàng năm chứ chưa nói
đến trả khoản nợ gốc to lớn kia.
Đây là vụ tham nhũng, thất thoát chưa từng có của báo Đảng, có dấu
hiệu của tội tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu để
chìm xuồng, xử lý nội bộ thì hết sức nguy hại cả về kinh tế và uy tín
báo Đảng. Đang có sự bưng bít. Bởi thế, có lẽ Bộ chính trị, Ban chỉ đạo
phòng chống tham nhũng và Ban nội chính trung ương chưa được báo cáo
(!).